Liên Hiệp Châu Âu-Trung Quốc : Đầu tư vẫn lấn át nhân quyền
Posted by Luu HoanPho, Dec 30, 2020, Comments Off
Mặc dù lên án các vụ vi phạm nhân quyền gia tăng tại Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu vẫn ký với Bắc Kinh một hiệp định đầu tư rất quan trọng. Hôm nay, 30/12/2020, trong một cuộc họp trực tuyến, các lãnh đạo của Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc thông qua trên nguyên tắc hiệp định về bảo hộ đầu tư giữa hai nước. Văn bản sẽ được ký kết chính thức nhiều tháng sau đó.
Bruxelles đã đàm phán hiệp định này từ 7 năm qua với Trung Quốc, nay đã là đối tác thương mại hàng đầu của Liên Hiệp Châu Âu. Đây là hiệp định nhằm bảo đảm các điều kiện hoạt động cho các nhà đầu tư ở châu Âu và Trung Quốc, cụ thể là bảo đảm sự tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của các công ty châu Âu khi họ đầu tư ở Trung Quốc, cấm việc cưỡng ép chuyển giao công nghệ, yêu cầu phải minh bạch về trợ cấp cho các công ty Nhà nước Trung Quốc.
Theo lời một quan chức cao cấp của Liên Hiệp Châu Âu, được hãng tin AFP trích dẫn hôm qua, 29/12/2020, hiệp định này sẽ giúp cho các công ty châu Âu tiếp cận thị trường Trung Quốc dễ dàng hơn, nhất là trong các lĩnh vực xe hơi chạy bằng năng lượng sạch, tài chính, y tế…
Nhưng việc Trung Quốc bị tố cáo cưỡng bức lao động đã gây khó khăn cho cuộc đàm phán trước khi đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc. Các chuyên gia và các tổ chức phi chính phủ tố cáo Bắc Kinh đã giam giữ ít nhất 1 triệu người sắc tộc Duy Ngô Nhĩ Hồi Giáo trong các « trại cải tạo ». Theo một nghiên cứu gần đây của Mỹ, ít nhất 570.000 người trong số này đang bị cưỡng bức lao động tại những cánh đồng trồng bông và những nhà máy chế biến bông.
Theo các nguồn tin ngoại giao được hãng tin AFP trích dẫn, 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu chỉ chấp nhận bật đèn xanh cho hiệp định đầu tư sau khi Ủy Ban Châu Âu, đặc tránh việc đàm phán với Trung Quốc, ngày 28/12 bảo đảm rằng Bắc Kinh sẳn sàng có những nỗ lực trên vấn đề này. Cụ thể là Trung Quốc cam kết sẽ nỗ lực « liên tục » để tiến tới việc phê chuẩn hai công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO nghiêm cấm lao động cưỡng bức.
Nhưng đối với những người chống đối hiệp định đầu tư Châu Âu-Trung Quốc, nhất là trong Nghị Viện Châu Âu, việc Bắc Kinh cam kết phê chuẩn hai công ước nói trên vẫn chưa đủ. Trả lời AFP, nghị sĩ châu Âu người Pháp Raphael Glucksmann đòi Trung Quốc phải đưa ra những cam kết cụ thể hơn và có thể kiểm chứng được, bởi vì theo ông, cho tới nay, chưa có một nhân chứng bên ngoài nào được vào các nhà máy đang bóc lột những « nô lệ » Duy Ngô Nhĩ.
Vào giữa tháng 12 vừa qua, các nghị sĩ châu Âu đã thông qua một nghị quyết lên án Trung Quốc cưỡng bức lao động các sắc tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ, Kazakhstan và Kirghizstan. Nghị sĩ Glucksmann cảnh báo là không chắc Nghị Viện Châu Âu sẽ bật đèn xanh cho hiệp định đầu tư. Ông nói : « Nếu Nghị Viện bằng lòng với những cam kết không có tính chất ràng buộc của Trung Quốc, thì đây sẽ là dấu hiệu của một sự thiếu nhất quán sâu sắc. »
Về phần mình, quan chức cao cấp của Liên Hiệp Châu Âu bảo đảm là Liên Âu sẽ sử dụng các công cụ chế tài của khối này trong trường hợp Bắc Kinh không tôn trọng các cam kết của họ.
Điều trớ trêu là Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc thông qua về nguyên tắc hiệp định bảo hộ đầu tư đúng vào ngày mà tòa án tỉnh Thâm Quyến vừa tuyên án tù đối với 10 nhà hoạt động Hồng Kông về tội « vượt biên trái phép ». Chỉ cách đây hai ngày, nhà báo công dân Trương Triển vừa lãnh án 4 năm tù giam vì đã tường thuật trung thực về dịch Covid-19 ở Vũ Hán. Liên Hiệp Châu Âu đã yêu cầu Bắc Kinh trả tự do cho Trương Triển và 12 nhà hoạt động Hồng Kông bị Trung Quốc bắt giữ.
Hiệp định đầu tư Châu Âu-Trung Quốc được thông qua về nguyên tắc cũng đúng vào lúc mà lãnh đạo ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu Joseph Borrel vừa lên án sự gia tăng các vụ vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, cụ thể là « những hạn chế về quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin, những hành động hù dọa, theo dõi phóng viên, các vụ bắt giữ và kết án tù những nhà hoạt động nhân quyền, luật sư và trí thức ».
Tuy lên tiếng chỉ trích về nhân quyền như thế, nhưng Liên Hiệp Châu Âu không thể từ bỏ mục tiêu ký kết một hiệp định bảo hộ đầu tư với Trung Quốc, bởi vì hiện nay tổng số vốn đầu tư của châu Âu ở Trung Quốc rất lớn, lên tới gần 150 tỷ euro, còn đầu tư của Trung Quốc vào Liên Âu cũng đã là 113 tỷ. Cũng vì lý do đó, Nghị Viện Châu Âu chắc là cũng sẽ phê chuẩn hiệp định, cho dù có một số nghị sĩ phản đối.
Nguồn: RFI/Thanh Phương