“Báo cáo Nhân quyền 2021” lên án nhân quyền TQ vào giai đoạn nghiêm trọng
Posted by Luu HoanPho, Jan 15, 2021, Comments Off
Vào thứ Tư (13/1), Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch, HRW), một trong những tổ chức nhân quyền quốc tế chủ chốt, đã công bố “Báo cáo Nhân quyền Thế giới năm 2021”, xem xét tình hình thực tiễn và xu hướng phát triển về nhân quyền toàn cầu tại hơn 100 quốc gia. Báo cáo đã chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về nhân quyền, đưa Trung Quốc vào thời kỳ đen tối nhất kể từ vụ đàn áp đẫm máu phong trào dân chủ của sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Thêm nhiều nước dám chỉ trích Trung Quốc
Trong hội nghị công bố Báo cáo, ông Kenneth Roth – Giám đốc điều hành HRW tuyên bố rằng, năm 2020, ngày càng có nhiều nước vượt qua lo ngại về trả đũa kinh tế truyền thống của Trung Quốc để lên án ĐCSTQ về tình trạng nhân quyền ngày càng xấu đi.
Ông nói: “Về nhân quyền Trung Quốc, liên minh ngày càng mở rộng của các chính phủ, đã vượt qua nỗi sợ hãi trước sự trả đũa kinh tế truyền thống của Trung Quốc, để lên tiếng chỉ trích việc ĐCSTQ ngày càng gia tăng đàn áp nhân quyền. Đây chắc chắn là giai đoạn tồi tệ nhất kể từ cuộc đàn áp tàn bạo phong trào dân chủ Thiên An Môn vào năm 1989. Bằng chứng về sự bất mãn ngày càng tăng trên toàn cầu đối với tình hình nhân quyền của Trung Quốc, có thể thấy từ việc Trung Quốc tranh cử vào một ghế trong Hội đồng Nhân quyền LHQ. Bốn năm trước, Trung Quốc nhận được số phiếu cao nhất từ các nước Châu Á – Thái Bình Dương, nhưng số phiếu năm nay nhận được ít nhất.”
Ông Roth cho rằng việc ngày càng nhiều nước dám lên án thực trạng nhân quyền tồi tệ tại Trung Quốc do ĐCSTQ gây ra là cách tốt nhất để giảm thiểu tình hình. Ông Joe Biden có thể có cống hiến cho xu thế kiềm chế thực tế tàn khốc này, qua áp dụng cách tiếp cận có nguyên tắc hơn và chặt chẽ hơn với tham gia từ nhiều phía thay vì các hành động đơn phương.
Tuy nhiên, HRW chỉ trích phản ứng của Liên minh châu Âu (EU) đối với nhân quyền ở Trung Quốc, đặc biệt là thỏa thuận đầu tư đạt được với Trung Quốc vào cuối năm ngoái. Ông Roth chỉ ra nếu EU nghiêm túc về việc chấm dứt lao động cưỡng bức ở Tân Cương, họ nên kiên quyết giải quyết vấn đề này trước khi đồng ý với một thỏa thuận đầu tư.
Chủ nghĩa độc tài nổi rõ trong thời bệnh dịch viêm phổi Vũ Hán
Báo cáo Nhân quyền Thế giới năm 2021 là báo cáo thường niên lần thứ 31 do HRW công bố, bản báo cáo dài 386 trang lần này chủ yếu tập trung vào tình hình nhân quyền đang ngày càng tệ hại tại Trung Quốc.
Trong phần nhắc về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc, báo cáo nêu rõ rằng, chủ nghĩa độc tài của Chính phủ Trung Quốc đã được thể hiện đầy đủ trong sự bùng phát loại coronavirus mới (virus ĐCSTQ, viêm phổi Vũ Hán) có nguồn gốc ở Vũ Hán năm 2020. Lúc đầu giới chức ĐCSTQ đã cố gắng hết sức che đậy thông tin về dịch bệnh, sau đó là áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ở Vũ Hán và nhiều khu vực khác. Chính phủ Trung Quốc từ chối yêu cầu của cộng đồng quốc tế về một cuộc điều tra độc lập và không hạn chế đối với việc xử lý dịch bệnh, đồng thời giám sát và quấy rối gia đình của những người đã mất mạng vì nhiễm virus.
Báo cáo lên án giới chức trách ĐCSTQ đã bịt miệng giới đấu tranh bảo vệ nhân quyền và truyền thông, đồng thời áp đặt các hạn chế đối với phát ngôn trực tuyến, hệ quả khiến thế giới bên ngoài khó có được thông tin chính xác về các chính sách và quản trị của Chính phủ Trung Quốc.
Tuy nhiên, trước thực trạng áp bức như vậy, vẫn có không ít người nổi tiếng công khai chỉ trích Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong một bài báo, doanh nhân Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang) đã viết rằng ông Tập Cận Bình “là một tên hề cởi trần vẫn đòi làm hoàng đế”. Bà Thái Hà (Cai Xia), cựu giáo sư tại Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ, cho biết rằng ĐCSTQ đã trở thành “thây ma chính trị”.
Báo cáo chỉ ra rằng các chính phủ, các nhóm xã hội dân sự và các quan chức LHQ đã bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về các vi phạm nhân quyền trong năm 2020 của nhà cầm quyền Trung Quốc. Tháng 6/2020, 50 chuyên gia đặc biệt của LHQ đưa ra một tuyên bố chung chưa từng có về Trung Quốc, kêu gọi “tiếp tục quan tâm đến tình hình nhân quyền ở nước này”, bao gồm cả việc triệu tập một cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền LHQ và thiết lập một cơ chế quốc tế để đối phó với các vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc. Tháng 7/2020, Chính phủ Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức cấp cao ĐCSTQ chịu trách nhiệm trong đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương.
Người phụ trách vấn đề Trung Quốc của HRW, bà Sophie Richardson, cho biết trong họp báo về phần Trung Quốc của báo cáo nhân quyền, rằng sự suy giảm nhân quyền của Trung Quốc trong năm qua là điều gây sốc.
Bà chỉ ra: “Tình hình nhân quyền ở Trung Quốc trong năm qua rất kinh hoàng. Chúng tôi rất lo ngại về cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng ở Tân Cương. Chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh sự đàn áp nhân quyền bất thường ở Hồng Kông, nơi chúng tôi đã chứng kiến cảnh bức hại nhân quyền đặc biệt nghiêm trọng. Kể từ 6 tuần trước khi chúng tôi hoàn thành phần Trung Quốc của báo cáo, chúng tôi đã lo ngại về thực trạng ngược đãi những người bảo vệ nhân quyền trên khắp Trung Quốc, đặc biệt là trong thời điểm thế giới cần thông tin về dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán được chia sẻ đầy đủ, chính xác và mang tính độc lập trước chính trị. Việc đàn áp những người tố giác và các nhà báo công dân đã làm nổi bật cho thế giới thấy hậu quả của cuộc đàn áp nhân quyền ở Trung Quốc.”
Hồng Kông đứng đầu về đàn áp nhân quyền
Báo cáo nhân quyền mới nhất này đã liệt kê vấn đề Hồng Kông là vấn đề nghiêm trọng nhất trong bức tranh nhân quyền tồi tệ ở Trung Quốc. Báo cáo cho biết, tại Hồng Kông, sau những cuộc biểu tình quy mô lớn kéo dài nửa năm vào năm 2019, việc Chính phủ ĐCSTQ thực thi “Luật An ninh Quốc gia” nghiêm ngặt vào ngày 30/6 là cuộc tấn công bạo lực nhất nhằm vào quyền tự do của người dân Hồng Kông, kể từ khi bàn giao chủ quyền năm 1997. Cộng đồng quốc tế cần tiếp tục công khai lên án vấn đề tước đoạt các quyền cơ bản của người dân Hồng Kông.
Bà Sophie Richardson nói thêm rằng, HRW đã đưa ra một loạt khuyến nghị cho các chính phủ để đối phó với cuộc đàn áp nhân quyền ở Hồng Kông.
Bà nói: “Đã đến lúc các chính phủ áp dụng các biện pháp trừng phạt cá nhân đối với các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông đã gây tình hình tồi tệ ở Hồng Kông. Các nước cần nhớ rằng, luật nhân quyền quốc tế có hiệu lực ở Hồng Kông vì Hồng Kông là một phần của ‘Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị’ (International Covenant on Civil and Political Rights). Ngoài ra, cần cải thiện việc hỗ trợ và tị nạn cho người Hồng Kông chạy trốn do bị đàn áp. Đồng thời chúng tôi cho rằng, những thỏa thuận ký kết với Trung Quốc cần có vấn đề bảo vệ quyền con người khả thi thể hiện rõ ràng bằng văn bản. Hiển nhiên Bắc Kinh không có ý định tuân theo những lời hứa mà họ đã đưa ra trong quá khứ. Việc chấp nhận một số lời hứa trong tương lai không rõ ràng của Trung Quốc là một sự xúc phạm đối với Hồng Kông, Tân Cương và tất cả những người đang phấn đấu cho nhân quyền ở Trung Quốc.”
Báo cáo chỉ trích Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, nằm dưới kiểm soát của giới lập pháp thân ĐCSTQ, đã lạm dụng thủ tục để loại bỏ các nhà lập pháp dân chủ, và đã thông qua một đạo luật phạt hành vi “thiếu tôn trọng” quốc kỳ Trung Quốc hồi tháng 6.
Báo cáo cũng chỉ trích cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ số lượng lớn người ủng hộ dân chủ tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa trong suốt năm, bao gồm cả ông trùm truyền thông ủng hộ dân chủ Lê Trí Anh, các cựu nghị viên lập pháp như Lý Trác Nhân (Lee Cheuk-yan), Dương Sâm (Yang Sen) và luật sư nổi tiếng Martin Lee 81 tuổi.
Báo cáo lên án ĐCSTQ vào tháng 6 năm ngoái đã qua mặt Hội đồng Lập pháp Hồng Kông để thực thi “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông”, tước bỏ quyền được xét xử công bằng của người dân Hồng Kông, cấp cho cảnh sát nhiều quyền truy quét hơn, tăng cường kiểm soát xã hội dân sự và các phương tiện truyền thông, làm suy yếu quyền giám sát tư pháp.
Căn cứ vào Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông, chính quyền Hồng Kông xác định khẩu hiệu biểu tình năm 2019 “Khôi phục Hồng Kông, Cách mạng Thời đại” là bất hợp pháp, qua đó bắt các nhà hoạt động sinh viên, cha con ông chủ Lê Trí Anh và một số lãnh đạo cấp cao của Apple Daily, tước bỏ tư cách của 12 người phe dân chủ tham gia bầu cử vào Hội đồng Lập pháp dự kiến vào tháng 9.
Báo cáo cũng chỉ trích tình trạng tự do báo chí ở Hồng Kông tiếp tục xấu đi. Hồi tháng 6 kênh truyền hình RTHK của Hồng Kông đã vì áp lực chính trị phải ngừng phát sóng chương trình châm biếm chính trị nổi tiếng Headline. Vào tháng 7 và 8 năm 2020, phóng viên Chris Buckley của The New York Times và biên tập viên Aaron Mc Nicholas của Hong Kong Free Press đã bị từ chối cấp thị thực và không thể đến Hồng Kông làm việc.
Tiếp tục đàn áp người Hồi giáo
Báo cáo một lần nữa liệt kê tình hình nhân quyền nghiêm trọng tại Tân Cương, đồng thời chỉ trích nhà cầm quyền ĐCSTQ vẫn tiếp tục đàn áp nhằm xóa bỏ bản sắc độc đáo của người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo Turkic khác ở Tân Cương.
Tại Tân Cương, một số lượng lớn người Hồi giáo dân tộc thiểu số tiếp tục bị giam giữ tùy tiện vì thân phận của họ, trong khi những nhóm người khác cũng bị cưỡng bức lao động, giám sát quy mô lớn và truyền bá tư tưởng chính trị. Tại Nội Mông, trong nhiều lớp học của trường học, các nhà chức trách giáo dục đã xúc tiến việc thay thế việc giảng dạy tiếng Mông Cổ bằng tiếng Hán. Việc này đã gây làn sóng phản đối hồi tháng 9/2020.
Theo báo cáo, một thông tin điều tra của CNN vào tháng 1/2020, dựa trên các bức ảnh vệ tinh cho thấy hơn 100 nghĩa trang truyền thống của người Duy Ngô Nhĩ đã bị phá bỏ. Vào tháng 8/2020, hãng tin Buzzfeed cũng đã nghiên cứu các bức ảnh vệ tinh và phát hiện ra chính quyền Tân Cương đã xây dựng hơn 260 cơ sở giam giữ “khổng lồ” kể từ năm 2017.
Báo cáo nêu rõ, mặc dù dường như ĐCSTQ đã đóng cửa một số “trại giáo dục chính trị” và “thả” tù nhân sau sự phẫn nộ của công luận quốc tế, nhưng vẫn có nhiều người Hồi giáo (không rõ số liệu cụ thể) bị giam giữ hoặc thụ án trong tù chỉ vì thân phận của họ. Hơn 5 năm qua, ĐCSTQ đã phát động chiến dịch “tấn công mạnh mẽ” khiến một số lượng lớn người Duy Ngô Nhĩ lưu vong và không thể có được thông tin gì về tung tích của người thân.
Báo cáo đặc biệt chỉ ra rằng, có nhiều tù nhân Duy Ngô Nhĩ “được thả” đã bị buộc làm việc trong các nhà máy ở Tân Cương hoặc các tỉnh khác theo cái gọi là biện pháp “chống đói nghèo” của chính quyền. Vào tháng 2, một tổ chức tư vấn ở Úc chỉ ra điều kiện để thuê công nhân Tân Cương tại 82 nhà máy có thương hiệu toàn cầu ở Trung Quốc là “cực kỳ rõ ràng” liên quan đến lao động cưỡng bức.
Nhân quyền tiếp tục xấu đi trong các lĩnh vực khác
Báo cáo cũng chỉ ra thực trạng ĐCSTQ tiếp tục hạn chế nghiêm ngặt quyền tự do tôn giáo, ngôn luận, di cư và hội họp ở khu vực Tây Tạng. Nhà cầm quyền không xử lý các hành vi khai thác quặng và nhũng nhiễu của giới quan chức địa phương gây bất mãn cho người dân, mà trái lại còn đe dọa và đàn áp người dân.
Báo cáo lên án Chính phủ Trung Quốc chậm phản ứng với đại dịch virus corona mới (virus Trung Cộng) khi khởi phát, ngăn chặn tiết lộ thông tin liên quan, báo cáo hạ thấp số trường hợp nhiễm virus làm giảm mức độ nghiêm trọng của tình hình, và phủ nhận khả năng lây truyền từ người sang người. Các nhà chức trách cũng bắt giữ những người bị quy kết “tung tin đồn”, cấm các cuộc thảo luận trực tuyến về bệnh dịch và ngăn chặn truyền thông đưa tin.
Nhà cầm quyền đã ngăn chặn những cá nhân đưa tin độc lập về dịch viêm phổi Vũ Hán như luật sư và nhà báo công dân Trần Thu Thực (Chen Qiushi), doanh nhân Phương Bân (Fang Bin), nhà hoạt động nhân quyền Trương Triển (Zhang Zhan) và nhiều người đưa tin độc lập khác cùng các trang mạng thu thập thông tin liên quan; đặc biệt đã bắt giữ những người đưa tin của trang Terminus2049 gồm Trần Mai (Chen Mei), Thái Vĩ (Cai Wei) và người bạn gái của anh.
Ban đầu nhà cầm quyền Bắc Kinh từ chối lời kêu gọi điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus, đã trả đũa Úc vì khởi xướng kêu gọi điều tra bằng cách cắt giảm nhập khẩu thịt bò và nhiều hàng hóa và dịch vụ khác. Cho đến khi nghị quyết của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm thúc đẩy cuộc điều tra độc lập được hơn 120 quốc gia thông qua, thì Bắc Kinh mới cho phép nhóm của WHO đến thăm vào tháng 8/2020, nhưng chuyến thăm không bao gồm Vũ Hán.
Báo cáo cũng chỉ trích chính quyền Trung Quốc tiếp tục đàn áp các nhóm bảo vệ nhân quyền và gây sức ép nhắm vào gia đình của họ. Báo cáo trích dẫn nhiều trường hợp đàn áp nhân quyền, bao gồm “vụ tụ tập ở Hạ Môn” vào tháng 12/2019, nhiều người tham gia cuộc tụ tập đã bị bắt. Chính quyền đã bắt giam Luật sư nhân quyền Đinh Gia Hỉ (Ding Jiaxi) với tội danh “kích động lật đổ” và luật sư nhân quyền Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong) với tội danh “lật đổ chính quyền nhà nước”. Bạn gái của Hứa Chí Vĩnh, cô Lý Kiều Sở (Li Qiaochu), cũng bị giam giữ bí mật 4 tháng. Ngoài ra, tòa án Tứ Xuyên đã kết án mục sư Cơ đốc giáo Vương Di (Wang Yi) 9 năm tù về tội “kích động lật đổ”.
Báo cáo đề cập trường hợp nghệ sĩ và nhà hoạt động nhân quyền Vương Tạng (Wang Zang) đã bị chính quyền Vân Nam “làm cho mất tích” hồi tháng 3/2020. Sau đó 3 tháng thì vợ ông là bà Vương Lợi Cần (Wang Liqin) cũng mất tích, sau khi công bố trên Twitter yêu cầu trả tự do cho chồng, khiến 4 con nhỏ của họ không còn cha mẹ chăm sóc. Họ đều bị buộc tội “kích động lật đổ”.
Vào tháng 6/2020, tòa án Giang Tô đã kết án luật sư nhân quyền Từ Văn Sinh (Yu Wensheng) ở Bắc Kinh, người đã bị giam giữ từ tháng 1/2018, 4 năm tù giam vì tội “kích động lật đổ”.
Vào tháng 9/2020, chính quyền Bắc Kinh đã bắt giữ nhà xuất bản và nhà sản xuất gồm Cảnh Tiêu Nam (Geng Xiaonan) và Tần Chân (Qin Zhen), buộc tội họ “hoạt động kinh doanh bất hợp pháp”. Bà Cảnh Tiêu Nam là người từ lâu đã không ngừng ủng hộ các học giả độc lập và những người bảo vệ nhân quyền, bà chính là người đầu tiên lên tiếng cho người bạn là giáo sư luật nổi tiếng Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun). Ông Hứa Chương Nhuận bị giam 7 tháng 6 ngày vì công bố bài chỉ trích Chủ tịch Tập Cận Bình.
Báo cáo lên án thực trạng tự do ngôn luận ở Trung Quốc tiếp tục tệ hại. Nhà cầm quyền đã dùng tội danh “gây rối” để bắt giữ và truy tố nhiều cư dân mạng dám chỉ trích chính phủ, cáo buộc họ “tung tin đồn” và “xúc phạm các nhà lãnh đạo quốc gia”. Chính phủ Trung Quốc tiếp tục đàn áp người dùng Twitter ở Trung Quốc, mở rộng chế độ kiểm duyệt trực tuyến và loại bỏ nội dung không phù hợp “với các giá trị xã hội cốt lõi của chủ nghĩa xã hội”.
Về vấn đề tự do tôn giáo, vào năm 2020, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh “Trung Quốc hóa” tôn giáo, mục đích là để đảm bảo sự thống trị của ĐCSTQ đối với đời sống tinh thần của người dân và đàn áp nhóm giáo hội tư gia. Ngoài ra, nhà chức trách cũng phá bỏ các chữ viết Ả Rập trong các nhà thờ Hồi giáo và nhà hàng Halal ở nhiều nơi khác nhau, đồng thời cải tạo các nhà thờ Hồi giáo và các địa danh tôn giáo trên khắp đất nước để làm cho hình dáng của chúng “mang phong cách Trung Quốc” hơn.
Giám sát quy mô lớn và nghiêm ngặt đối với người dân
Báo cáo cũng chỉ trích các nhà chức trách ĐCSTQ thực hiện giám sát quy mô lớn đối với người dân. Để chống lại đại dịch viêm phổi Vũ Hán, ngành công nghệ khổng lồ của Trung Quốc đã phát triển một ứng dụng di động có tên “Mã sức khỏe”. Ứng dụng này sử dụng một thuật toán ‘mờ ám’ để tự động tạo ra ba màu (xanh lá cây, vàng, đỏ) dựa trên các yếu tố khác nhau, chẳng hạn như liệu người dùng đã đến vùng dịch hay chưa. Khác biệt về màu sắc sẽ ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh trong cuộc sống hàng ngày của người dùng, bao gồm quyền tự do đi lại, vì các cơ quan chính phủ trên toàn quốc yêu cầu người đến thăm phải trình diện trên ứng dụng “ mã sức khỏe” của họ.
Vào tháng 5/2020, viện nghiên cứu Citizen Lab của Canada đã phát hiện mạng truyền thông xã hội WeChat của Trung Quốc giám sát người dùng bên ngoài Trung Quốc.
Bà Sophie Richardson phụ trách giám sát Nhân quyền Trung Quốc của HRW cho biết tại cuộc họp báo rằng, bà muốn cảnh báo thế giới bên ngoài về sự giám sát quy mô lớn của chính phủ Trung Quốc và thực trạng làm suy thoái đối với nhân quyền.
Bà Vương Tùng Liên (Wang Songlian), một nhà nghiên cứu cấp cao trong Ban Giám sát Nhân quyền Trung Quốc của HRW cho biết, gần đây tổ chức đã phát hiện thêm bằng chứng về việc ĐCSTQ giám sát quy mô lớn đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, đặc biệt là “Danh sách Aksu” (Aksu List) bao gồm 2.000 Người Duy Ngô Nhĩ được tiết lộ vào tháng 12 vừa qua. Đồng thời, thông qua nghiên cứu sâu về mối quan hệ giữa một nền tảng giám sát ở Tân Cương và những người bị giam giữ trong “trại cải tạo”, đã làm rõ thêm cách người Hồi giáo địa phương bị theo dõi bởi dữ liệu lớn như thế nào.
Bà Vương Tùng Liên cho biết: “Chúng tôi đã công bố thêm nhiều bằng chứng về việc giám sát quy mô lớn, đặc biệt là ở Tân Cương. Vào tháng 12/2020, HRW đã công bố danh sách những người bị bắt giữ được gọi là ‘Danh sách Aksu’, đã liệt kê chi tiết lý do trong việc giam giữ hơn 2.000 người. Tất cả những người bị giam giữ đều bị cảnh báo bởi một ‘nền tảng tích hợp’.”
Tháng 12 năm ngoái HRW đã cho biết, tài liệu có tiêu đề “Danh sách nhân viên đào tạo trên nền tảng tích hợp” có được vào cuối năm 2018 từ một người Tân Cương giấu tên, trong đó bao gồm tên, giới tính, thời gian nhập học, lý do nhập học và số thứ tự liên quan, được ‘nền tảng tích hợp’ sàng lọc…
HRW đã nghiên cứu kỹ lưỡng các lý do khác nhau để bị đưa vào “Danh sách Aksu”, qua đó phát hiện thêm nhiều hoạt động tôn giáo và sinh hoạt thường ngày bị chính quyền cho là ‘đáng ngờ’, bao gồm đọc kinh Koran, mặc quần áo tôn giáo, tham gia hành hương mà chưa được chính quyền cho phép, sử dụng phần mềm vượt tường lửa và các công cụ truyền file (tệp tin), đi thăm các nước “nhạy cảm” như Thổ Nhĩ Kỳ và Afghanistan… Đáng chú ý là còn có một số tiêu chí rất chung chung mơ hồ bị nhà cầm quyền xác định là đáng ngờ, như “quan hệ xã hội phức tạp”, “tư tưởng bất ổn”…
Ngoài ra, phần Trung Quốc của báo cáo nhân quyền cũng làm rõ các vấn đề nhân quyền trong các lĩnh vực như quyền phụ nữ và trẻ em gái, khuynh hướng tình dục và bản dạng giới, người tị nạn và bảo hộ, phản ứng quốc tế và chính sách đối ngoại.
Theo VOA