Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, December 23, 2024

Nhân quyền Việt Nam 2020: ‘Tồi tệ hơn với các bản án nặng nề hơn’


Các tù nhân chính trị VN (từ trái qua): Phạm Chí Dũng,, Phạm Đoan Trang, Lê Hữu Minh Tuấn, Cấn Thị Thêu, Trần Đức Thạch, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Đinh Thị Thuy Thủy, Nguyễn Tường Thụy. Ảnh: HRW

Các tổ chức nhân quyền quốc tế nhận định rằng 2020 là năm tình hình nhân quyền của VN ‘tồi tệ hơn với các bản án nặng nề hơn’, khi chính phủ VN bắt và xét xử những nhà hoạt động dân chủ ‘cuối cùng’.

Ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc Tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders) nói với BBC News Tiếng Việt hôm 14/1 về ‘sự tổn thất nặng nề’ cho phong trào đấu tranh dân chủ khi những nhà hoạt động tiêu biểu ‘cuối cùng’ như Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng bị bắt.

Nhận định của ông được đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vừa công bố báo cáo thường niên 2020 dài hơn 700 trang về tình hình nhân quyền 100 nước trên thế giới. Việt Nam được dành trọn 5 trang.

Trong đó, HRW mô tả Việt Nam “tiếp tục vi phạm một cách có hệ thống các quyền dân sự và chính trị cơ bản trong 2020″.

“Việc thắt chặt các hạn chế đối với quyền tự do ngôn luận dường như có liên quan đến Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam, dự kiến diễn ra cuối tháng 1/2021,” HRW viết trong thông cáo báo chí.

Ông Vũ Quốc Ngữ của Defend the Defenders bình luận rằng “Vấn đề nhân quyền của Việt Nam trong năm 2021 ra sao liên quan chặt chẽ tới ban lãnh đạo mới của Việt Nam mà Đại hội Đảng Toàn quốc 13 sắp tới mang tính quyết định.”

“Nếu công an và quân đội vẫn tiếp tục giữ các vị trí chủ chốt trong chính quyền, tình hình sẽ chỉ tồi tệ hơn,” ông Ngữ nói với BBC.

Vi phạm nhân quyền ‘có hệ thống’

Trong báo cáo thường niên, HRW nói Việt Nam “tiếp tục vi phạm một cách có hệ thống các quyền dân sự và chính trị cơ bản trong 2020″ thông qua việc bắt hàng loạt những nhà hoạt động, blogger có tiếng nói chỉ trích.

Đặc biệt, HRW chỉ ra rằng Việt Nam cho bắt những nhà hoạt động hàng đầu vào những thời điểm được cho là nhạy cảm ngoại giao, chẳng hạn như bắt Phạm Đoan Trang chỉ vài giờ phiên họp về nhân quyền với Mỹ.

HRW thừa nhận Việt Nam đạt được một số thành tựu trong chống dịch Covid-1, nhưng với ‘cái giá’ là ‘vi phạm quyền riêng tư, hạn chế quyền tự do ngôn luận, và sự thiếu công bằng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội và hỗ trợ của chính phủ.’

Còn theo thống kê của Defend the Defenders, năm 2020, Việt Nam bắt nhiều nhà hoạt động hơn, 66 nhà hoạt động, blogger, so với khoảng 40 năm 2019. Trong đó nhiều blogger, Facebooker không tên tuổi cũng bị bắt và bị kết án nặng nề, như vụ Chung Hoàng Chương và Mã Phùng Ngọc Phú.

Các bản án cũng ngày càng nặng nề hơn. Cụ thể, mức án dành cho tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ dành cho nhà báo Phạm Chí Dũng là 15 năm tù hồi đầu năm 2021, so với mức kỷ lục năm 2020 của ông Nguyễn Trung Lĩnh 12 năm tù, và năm 2019 của ông Nguyễn Năng Tĩnh, 11 năm tù.

“Cũng với tội danh này, cách đây một thập kỷ, án tù thường chỉ 3 – 4 năm, như trong trường hợp của nhà hoạt động Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài,” ông Ngữ nói.

Ông Ngữ đề cập đến ‘vết nhơ’ trong lịch sử nhân quyền Việt Nam, với vụ đụng độ ở Đồng Tâm đầu năm 2020 khiến 4 người chết, trong đó có 3 công an. 29 dân làng sau đó bị xét xử với tội danh giết người và chống người thi hành công vụ, trong đó 2 người bị án tử hình.

Sự kiện này cũng được nêu ra trong báo cáo của HRW.

Các vụ bắt giữ và các phiên tòa

Về quyền tự do ngôn luận

HRW nhắc lại phiên tòa xử Phan Công Hải, Nguyễn Văn Nghiêm, Đinh Văn Phú, Nguyễn Quốc Đức Vượng vào các tháng 4, 6, 7. Họ bị kết án từ năm đến tám năm tù vì chỉ trích đảng và nhà nước.

Tiếp đó, là các phiên tòa xử ông Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, và Phạm Chí Dũng vì liên quan đến Hiệp hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) cũng như các phát ngôn phản đối Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam -EU. Họ bị buộc tội họ tuyên truyền chống nhà nước theo điều 117 của bộ luật hình sự.

Danh sách dài thêm với việc bắt giữ 9 người khác gồm blogger độc lập Phạm Chí Thanh, nhà hoạt động vì quyền đất đai Nguyễn Thị Tâm, và cựu tù nhân chính trị Cấn Thị Thêu cùng các con trai của bà là Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư.

Nổi bật nhất, vào tháng 10/2020, cảnh sát bắt giữ blogger Phạm Đoan Trang.

Cả 10 nhân vật nói trên đều bị buộc tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 117 của bộ luật hình sự.

Về quyền tự do tiếp cận thông tin

Báo cáo của HRW chỉ ra rằng chính phủ Việt Nam tiếp tục cấm báo chí tư nhân, trong khi kiểm soát chặt các đài phát thanh, truyền hình và báo in ‘nhà nước’.

Việt Nam cũng chặn quyền truy cập vào một số website, blog, và buộc các nhà cung cấp dịch vụ internet xóa các nội dung hoặc các tài khoản được coi là chỉ trích chính phủ.

Chính phủ Việt Nam đã kiểm soát quyền truy cập vào các máy chủ lưu trữ bộ nhớ cục bộ của Facebook, yêu cầu công ty này xóa các trang do những người bất đồng chính kiến kiểm soát. Và Facebook đã phải ‘cúi đầu trước áp lực’, tạo ra ‘một tiền lệ đáng lo ngại’.

Sự việc tương tự cũng xảy ra với YouTube.

Báo cáo điểm lại các phiên tòa xử hai Facebooker là Chung Hoàng Chương và Mã Phùng Ngọc Phú, lần lượt 18 tháng và 9 tháng tù cho các bài đăng trên Facebook chỉ trích chính phủ theo điều 331 của Bộ Luật Hình sự.

Công an cũng bắt giữ Huỳnh Anh Khoa và Nguyễn Đăng Thường vì là người điều hành một nhóm Facebook, trong đó người dùng thảo luận về các vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị.

Về quyền tự do hội họp và lập hội

Báo cáo nhắc đến phiên tòa dành cho nhà thơ Trần Đức Thạch, với cáo buộc ông liên kết với Hội Anh em vì Dân chủ. Các nhà chức trách buộc ông tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ theo điều 109 của bộ luật hình sự.

Về quyền sở hữu đất đai

Như những năm trước, chính phủ Việt Nam đã tịch thu đất cho các dự án kinh tế khác nhau, thường là không có thủ tục hợp lý hoặc không được đền bù thỏa đáng.

Thuật ngữ “dân oan, “hay” những người bị oan sai “, vào năm 2020 đã trở thành một thành ngữ phổ biến trong cách sử dụng của người Việt để mô tả những người bị chính quyền cưỡng chế đất đai, báo cáo của HRW viết.

Báo cáo của HRW nhắc lại vụ đụng độ ở Đồng Tâm hồi đầu năm 2020 giữa dân làng và công an, khiến bốn người chết, trong đó ba người là công an.

Các luật sư bào chữa cho biết một số bị cáo bị cáo buộc đã bị tra tấn và buộc phải thừa nhận tội, báo cáo của HRW viết.

EU, Hoa Kỳ, Úc ‘thờ ơ’ với nhân quyền ở VN?

Báo cáo của HRW chỉ ra rằng bất chấp vấn đề nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam, nhiều tổ chức và quốc gia vẫn thúc đẩy các cam kết kinh tế với nước này.

Đồng tình với nhận định này, ông Vũ Quốc Ngữ của Defend the Defenders nói với BBC rằng “chỉ hai tháng sau vụ Đồng Tâm, Nghị viên châu Âu đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại VN-EU. Như vậy họ tảng lờ vấn đề nhân quyền Việt Nam mà coi trọng quan hệ kinh tế hơn.”

Còn HRW nhận định rằng Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam có hiệu lực vào tháng Tám, với các điều khoản về nhân quyền “mơ hồ, không thể thực thi”.

Trong bối cảnh gia tăng đàn áp người bất đồng chính kiến tại Việt Nam, áp lực của EU lại chỉ tập trung vào quyền lao động, báo cáo của HRW viết.

Vào tháng 10/2020, Hoa Kỳ và Việt Nam đã tổ chức đối thoại nhân quyền trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, việc bắt giữ nhà bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang xảy ra chưa đầy 24 giờ sau khi kết thúc cuộc đối thoại, nhấn mạnh sự thiếu hiệu quả của nó.

Mối quan hệ song phương của Úc với Việt Nam tiếp tục phát triển ngay cả khi một công dân Úc, ông Châu Văn Khảm, vẫn ở tù tại Việt Nam vì tội “khủng bố” với cáo buộc tham gia vào một đảng chính trị ở nước ngoài mà chính phủ Việt Nam tuyên bố là bất hợp pháp.

Nhật Bản vẫn là nhà tài trợ song phương quan trọng nhất cho Việt Nam. Như những năm trước, Nhật Bản đã từ chối sử dụng đòn bẩy kinh tế để công khai thúc giục Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền của mình, báo cáo của HRW viết.

Nguồn: BBC Tiêng Việt

Tags: ,

More Stories From Chính Trị

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh