Hành động đáp trả nhanh chóng của Hoa Kỳ đối với trò bẩn của Trung Quốc trên Biển Đông và trên vùng nhận dạng phòng không Đài Loan
Posted by Luu HoanPho, Jan 26, 2021, Comments Off
1. Trung Quốc gây áp lực ở Biển Đông, tàu Mỹ vào khu vực
Nhóm tàu hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ do tàu mẹ USS Theodore Roosevelt dẫn đầu đã tiến vào Biển Đông nhằm thúc đẩy “tự do trên biển”, quân đội Hoa Kỳ nói hôm Chủ nhật.
Tuyên bố được đưa ra giữa lúc căng thẳng đang dâng cao giữa Trung Quốc và Đài Loan, khiến Washington quan ngại.
Không chỉ gây căng thẳng với Đài Loan, Bắc Kinh trước đó còn gây lo ngại nghiêm trọng trong khu vực, với việc lần đầu tiên thông qua luật cho phép lực lượng hải cảnh nước mình nổ súng vào tàu thuyền nước ngoài.
‘Phép thử đối với vấn đề Đài Loan’
Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ trong một tuyên bố nói rằng nhóm tàu tấn công đã tiến vào Biển Đông hôm thứ Bảy, cùng ngày với việc Đài Loan nói có sự xâm nhập nghiêm trọng của các máy bay ném bom và các chiến đấu cơ Trung Quốc vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, gần khu vực Quần đảo Pratas.
Đài Loan nói tám máy bay ném bom và bốn chiến đấu cơ Trung Quốc đã bay vào vùng tây nam khu vực định dạng phòng không Đài Loan, và phía Đài Loan đã triển khai các tên lửa để “theo dõi” đối phương, Bộ Quốc phòng Đài Loan nói.
Sang đến ngày hôm sau, Trung Quốc tiếp tục bay vào vùng trời gần sát Đài Loan với lượng chiến đấu cơ nhiều hơn hôm trước.
Tin cho hay 15 phi cơ của quân đội Trung Quốc đã bay vào sát hòn đảo hôm Chủ nhật.
Các nhà phân tích nói rằng Trung Quốc đang ‘nắn gân’ mức độ ủng hộ của tân Tổng thống Joe Biden dành cho Đài Loan.
Song song với tuyên bố của phía quân đội, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thúc giục Trung Quốc chấm dứt việc gây áp lực lên Đài Loan, và tái xác nhận cam kết của mình đối với hòn đảo.
“Chúng tôi thúc giục Bắc Kinh hãy chấm dứt gây sức ép quân sự, ngoại giao và kinh tế lên Đài Loan, và thay vào đó hãy tham gia vào cuộc đối thoại có ý nghĩa với những đại diện được bầu cử một cách dân chủ của Đài Loan”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price nói.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Đài Loan trong việc duy trì, đảm bảo năng lực tự vệ”.
Luật Hải cảnh gây lo ngại
Trung Quốc hôm thứ Sáu, 22/1 thông qua Luật Hải cảnh, cho phép “thực hiện mọi biện pháp, gồm cả việc sử dụng vũ khí khi chủ quyền lãnh thổ, quyền chủ quyền và quyền tài phán [của Trung Quốc] bị xâm phạm bất hợp pháp trên biển bởi các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài”.
Từ trước đến nay, lực lượng hải cảnh Trung Quốc vốn đã nhiều lần xua đuổi tàu cá nước khác, đôi khi dẫn đến các vụ va chạm, đâm chìm tàu đối phương.
Nay, với luật mới thông qua, người ta lo ngại rằng Trung Quốc đang khiến Biển Đông trở thành nơi sẽ bùng nổ các vụ đụng độ ở tầm mức khốc liệt hơn nhiều.
Trung Quốc từ nhiều năm nay đã tuyên bố chủ quyền và ngày càng quyết liệt trong việc xác quyết chủ quyền đối với hầu hết diện tích Biển Đông, nơi mà Việt Nam, Philippines, Brunei và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền từng phần.
Trung Quốc là ‘thách thức lớn nhất của Hoa Kỳ’?
Người được đề cử làm tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Antony Blinken, nói ông đồng ý với chính sách cứng rắn của chính quyền ông Trump đối với Trung Quốc, tuy ông không đồng ý về biện pháp thực hiện
Quân đội Hoa Kỳ nói rằng nhóm tàu tấn công có mặt tại Biển Đông nhằm thực hiện các chiến dịch thường lệ “để đảm bảo tự do đi lại trên biển, xây dựng mối quan hệ hợp tác vốn nuôi dưỡng an ninh hàng hải”.
“Với hai phần ba vận chuyển thương mại thế giới được thực hiện qua lại ở khu vực rất quan trọng này, điều then chốt là chúng tôi phải duy trì sự hiện diện của mình và tiếp tục thúc đẩy việc duy trì trật tự dựa trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, vốn là điều đã cho phép tất cả chúng ta phát triển thịnh vượng”, Chuẩn Đô đốc Doug Verissimo, người chỉ huy nhóm tàu tấn công, nói trong một tuyên bố.
Tuyên bố của quân đội Hoa Kỳ được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống.
Cựu tướng Lloyd Austin, 67 tuổi, người đã được Thượng viện Mỹ chuẩn thuận để làm Bộ trưởng Quốc phòng, nói “Trung Quốc là ‘mối đe doạ tăng tốc’ (China is a pacing threat)” khi trình bày đường hướng cho quân lực Hoa Kỳ hôm thứ Ba.
Ông Antony Blinken, người được đề cử làm tân Ngoại trưởng trong chính quyền Biden, có cùng quan điểm.
Tại buổi xác nhận việc bổ nhiệm ông tại Thượng viện hôm thứ Ba, ông Blinken nói rằng không nghi ngờ gì, Trung Quốc chính là thách thức lớn nhất của Hoa Kỳ so với bất kỳ quốc gia nào khác.
Ông nói rằng ông đồng ý với quan điểm cứng rắn của chính quyền Donald Trump đối với Trung Quốc, tuy không đồng ý về biện pháp thực hiện.
Ông Blinken nói thêm tại buổi điều trần rằng ông tin là có một nền tảng rất vững chắc được xây dựng trong chính sách lưỡng đảng trong vấn đề đối đầu với Bắc Kinh.
Nguồn: bbc.com/vietnamese
2. Tàu sân bay Mỹ lần đầu tới Biển Đông dưới thời Tổng thống Biden
Bảo Duy
TTO – Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã tiến vào Biển Đông ngày 23-1 nhằm “thúc đẩy quyền tự do trên biển”. Đây là lần đầu tiên tàu sân bay Mỹ tới Biển Đông dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Trong thông cáo ngày 24-1, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ cho biết nhóm tàu sân bay Mỹ sẽ tiến hành diễn tập tấn công và hiệp đồng tác chiến trong thời gian ở Biển Đông.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ lần này bao gồm hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt, tuần dương hạm USS Bunker Hill cùng hai khu trục hạm USS Russell và USS John Finn.
“Thật tuyệt khi lại được trở lại Biển Đông sau 30 năm đi ngang dọc các vùng biển”, chuẩn đô đốc Doug Verissimo – chỉ huy nhóm tàu sân bay Mỹ – nhấn mạnh trong thông cáo. Theo ông Verissimo, đợt triển khai tàu sân bay lần này là một phần trong các “hoạt động thường lệ” nhằm “thúc đẩy quyền tự do trên biển và trấn an các đồng minh, đối tác”.
Theo Hãng tin Reuters, sự xuất hiện của nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt gây chú ý trong bối cảnh quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan bất ngờ nổi sóng.
Hôm 23-1, cùng ngày nhóm tàu sân bay Mỹ vào Biển Đông, một nhóm gồm 13 máy bay quân sự Trung Quốc đã xâm nhập “vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) do Đài Loan tự tuyên bố. Theo Cơ quan phòng vệ Đài Loan, nhóm này gồm 1 máy bay Y-8, 4 tiêm kích J-16 và 8 máy bay ném bom H-6K.
Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó đã lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc, kêu gọi Bắc Kinh ngừng gây sức ép với Đài Bắc và tái khẳng định các cam kết của Washington.
Tuy nhiên, dư luận Đông Nam Á lại chú ý nhiều đến sự kiện Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật hải cảnh mới ngày 22-1, trong đó cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng ngăn chặn mối đe dọa từ các tàu nước ngoài.
Theo giới phân tích, cùng với lực lượng dân quân biển, hải cảnh là công cụ nòng cốt trong chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc nhằm quấy rối và đe dọa các bên trong tranh chấp Biển Đông. Chiến thuật này nhằm giữ căng thẳng dưới ngưỡng có thể bùng phát thành xung đột quân sự diện rộng, vừa là cách để Bắc Kinh thúc đẩy các yêu sách hàng hải vô lý trên Biển Đông.
Một số chỉ dấu gần đây cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu thay đổi nội dung huấn luyện binh sĩ trên Biển Đông.
Nguồn: BBC