Thông điệp Biden gởi Bắc Kinh: Đừng mong đợi Mỹ lơi tay về Biển Đông
Posted by Luu HoanPho, Feb 10, 2021, Comments Off
Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ vào Biển Đông tập trận rầm rộ ngày 09/02/2021, một khu trục hạm Mỹ trang bị tên lửa dẫn đường áp sát quần đảo Hoàng Sa ngày 05/02 trong một chuyến tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải, sau khi vượt qua eo biển Đài Loan từ bắc xuống nam để vào Biển Đông.
Điểm đáng chú ý là các hoạt động của Mỹ trong vùng biển mà Trung Quốc tự nhận chủ quyền trên 90% diện tích, chỉ diễn ra ít lâu sau ngày ông Joe Biden chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ.
Đối với giới quan sát, rõ ràng là chính quyền Biden đã muốn khẳng định trở lại quyết tâm của Hoa Kỳ trong hồ sơ Biển Đông vào lúc mà Trung Quốc lợi dụng thời điểm chuyển giao quyền hành tại Washington để tăng cường những hoạt động lấn lướt trong khu vực.
Nhật báo Ấn Độ The Hindustan Times ngày 10/02 đã tóm lược tình hình như sau: “Tập Cận Bình muốn thử phản ứng của chính quyền Biden. Câu trả lời là hai tàu sân bay Mỹ”. Trước đó, tờ báo Nhật Bản Japan Times ngày 06/02 cũng ghi nhận là tân tổng thống Mỹ như đã gởi đến Bắc Kinh một thông điệp theo đó Trung Quốc đừng nên mong đợi Hoa Kỳ nới lỏng bất kỳ hoạt động quân sự nào ở vùng Biển Đông hoặc eo biển Đài Loan.
Ý muốn gởi thông điệp được thấy rõ trong cách thông tin về các hoạt động. Cho đến gần đây, tin tức về những hoạt động của Hải Quân Mỹ tại khu vực Biển Đông thường được đưa ra một cách ngắn gọn, nhiều khi vài ngày sau khi xẩy ra sự kiện.
Lần này thì hoàn toàn khác: Thông tin về chuyến tuần tra Hoàng Sa của khu trục hạm USS McCain hôm 05/02, hay cuộc diễn tập trên Biển Đông hôm 09/02 của hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz đã được phía Mỹ đưa ra gần như là tức thời, với rất nhiều chi tiết, và kèm theo rất nhiều hình ảnh.
Một ví dụ: Bản thông báo do bộ chỉ huy hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt đưa ra hôm 09/02 về cuộc tập trận chung với nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz có kèm theo 15 bức ảnh, và nhắc lại rằng lần sau cùng mà Hải Quân Mỹ cho hai hàng không mẫu hạm vào cùng diễn tập trên Biển Đông là vào tháng 7 năm 2020.
Riêng về chuyến tuần tra Hoàng Sa của tàu khu trục USS John McCain hôm 05/02 để khẳng định quyền tự do hàng hải, Hải Quân Mỹ đã nói rõ hai mục tiêu: phủ nhận các yêu sách quá đáng của cả Trung Quốc, Đài Loan lẫn Việt Nam, và đặc biệt là “thách thức yêu sách của Trung Quốc về các đường cơ sở thẳng” bao quanh Hoàng Sa nhằm mở rộng phần lãnh hải mà nước này tự nhận là của mình.
Theo các chuyên gia phân tích, các động thái trên đây cho thấy là chính quyền của tổng thống Biden đang tìm cách duy trì một số chiến lược mà chính quyền tiền nhiệm của ông Trump đã áp dụng.
Dưới thời tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ đã gia tăng đáng kể số lượng tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Theo ghi nhận của báo Japan Times, trong hai năm qua, đã có ít nhất 19 chuyến tuần tra được tiến hành, trong khi trong năm 2018 chỉ có sáu lần, và vỏn vẹn bốn lần vào năm 2017.
Đối với nhật báo Ấn Độ The Hindustan Times, việc phô trương hoạt động tập trận rầm rộ của hai hàng không mẫu hạm Mỹ ở Biển Đông rõ ràng là tín hiệu gởi đến Trung Quốc và ông Tập Cận Bình, cho biết rằng tổng thống Joe Biden sẽ tiếp tục cách tiếp cận cứng rắn của chính quyền Trump đối với Bắc Kinh.
Còn hãng tin Mỹ Bloomberg thì đánh giá cuộc tập trận của 2 nhóm tác chiến tàu sân bay trên là dấu hiệu cho thấy chính quyền ông Biden đang đưa ra lập trường cứng rắn để phản đối các yêu sách lãnh thổ vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên khoảng 90% Biển Đông, bất chấp các tuyên bố chủ quyền chồng chéo của các láng giềng trong khu vực, bao gồm Việt Nam, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Brunei. Trung Quốc đã chiếm đóng và quân sự hóa một số hòn đảo trong vùng biển này bất chấp sự phản đối của các bên tranh chấp khác và Hoa Kỳ.
Mỹ và Nhật Bản lo ngại các tiền đồn do Trung Quốc nắm giữ, một số có sân bay quân sự và vũ khí tiên tiến, có thể được sử dụng để hạn chế di chuyển tự do trong một khu vực bao gồm các tuyến đường biển quan trọng.
Theo giới quan sát, động thái phô trương uy lực của Quân Đội Mỹ trong vùng Biển Đông là một thông điệp vừa cứng rắn gởi đến Trung Quốc và vừa trấn an gởi đến các đồng minh và đối tác của Mỹ bên trong và ngoài khu vực.
Trả lời báo Japan Times, nhà nghiên cứu Collin Koh, chuyên gia về an ninh hàng hải tại Trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho rằng các hành động của Hoa Kỳ dường như đã được thiết kế để gửi tín hiệu đến cả Trung Quốc và các đối tác của Mỹ.
Theo chuyên gia Singapore, các hành động cụ thể của Hải Quân Mỹ tại Biển Đông trong thời gian gần đây đã “hậu thuẫn cho những tuyên bố công khai trước đó của chính quyền Biden về việc ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc, đặc biệt là khi Bắc Kinh sử dụng biện pháp cưỡng bức ở eo biển Đài Loan và Biển Đông.”
Các hành động của Mỹ cũng nhằm trấn an các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ đang lo lắng về cam kết của Washington đối với khu vực. Lý do là vì ông Biden và nhóm cộng sự của ông đã cho biết sẵn sàng làm việc với Bắc Kinh về một số vấn đề nhất định, một sự thay đổi so với cách tiếp cận cứng rắn của chính quyền Trump.
Đối với chuyên gia Koh, các hoạt động quân sự của Mỹ “cũng nên được nhìn nhận dưới góc độ của những bình luận trước đó được đưa ra ở Washington, theo đó Mỹ sẽ không đánh đổi các vấn đề gây tranh cãi với Trung Quốc, chẳng hạn như Biển Đông, để có được hợp tác của Bắc Kinh về biến đổi khí hậu, mặc dù chính quyền Biden bày tỏ sẵn sàng làm việc với Bắc Kinh trong những lĩnh vực có lợi ích chung.”
Tuy nhiên, trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng tỏ ra quyết đoán, lo ngại về một cuộc xung đột quân sự không mong muốn ở Biển Đông đã gia tăng. Chiến hạm của Hoa Kỳ và Trung Quốc thường xuyên hoạt động ở Biển Đông và đã có một số vụ va chạm đã được chính thức ghi nhận.
Nguồn: RFI/Trọng Nghĩa