Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Tuesday, January 14, 2025

Putin xích đến gần Bắc Kinh: một trò đu dây


Mặc cho sự ngờ vực ngự trị giữa Nga và Trung Quốc vẫn ngày càng sâu đậm và còn được khẳng định thêm lần nữa trong cuộc khủng hoảng Corona, một thái độ bất thường của Vladimir Putin cho thấy rõ Nga đang trình diễn màn quay lưng lại với Châu Âu để hướng về Trung Quốc.

Người đứng đầu Điện Kremli thường thích để mọi người chờ đợi. Ông ta có thói quen điển hình là đến trễ – một sự chậm trễ được tính toán kỹ lưỡng. Theo giới quan sát, ngoại lệ lớn và duy nhất trong số các nguyên thủ quốc gia trên thế giới là Tập Cận Bình của Trung Quốc. Và Tập Cận Bình cũng là người duy nhất mà Putin chưa bao giờ đem ra diễu cợt trước công chúng.

Điều này càng nổi bật khi đối thủ không đội trời chung của Nga là Mỹ, dưới thời Donald Trump, đã gây chiến với Trung Quốc để mong làm chậm lại sự trỗi dậy trở thành một siêu cường chính trị và kinh tế của quốc gia này. Putin thì lại chọn quay sang Trung Quốc và rời bỏ đối tác chính là Âu Châu. Một cách kín đáo lúc đầu, rồi chuyển qua ồn ào và thách thức, kể từ khi Châu Âu ra lệnh cấm vận Nga vì lý do chiếm đóng trái phép bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014.

Thật ra lý do chính không hẳn là địa chính trị, lĩnh vực mà Nga đang ngang nhiên theo đuổi, biết rằng ít nhất sẽ không bị Trung Quốc lên án, mà đúng ra Nga đang cố gắng thể hiện một sự chuyển hướng kinh tế sang Á Châu, cùng lúc giảm sự phụ thuộc nặng nề vào Âu Châu như từ trước tới nay

Năm 2015, Thủ tướng Nga lúc đó là Dmitry Medwedjew tuyên bố: “Về mặt kinh tế, bất kỳ lệnh trừng phạt nào được áp dụng đối với chúng tôi đã tất nhiên thúc đẩy chúng tôi hợp tác tích cực hơn với các nước Châu Á”, “Nói thật, rất cám ơn các quốc gia đã áp dụng các lệnh trừng phạt này”.

Trung Quốc cần dầu khí của Nga

Thật vậy, Nga vừa đạt được một số tiến triển với Trung Quốc. Kim ngạch thương mại song phương đã tăng từ 88,8 tỷ đô la (73 tỷ euro) vào năm 2013 lên gần 111 tỷ đô la vào năm 2019. Trong cùng thời gian, thị phần của Trung Quốc trong khối lượng ngoại thương của Nga đã tăng từ 10,5% lên 16,6% .

Cuộc khủng hoảng Corona càng đẩy mạnh chiều hướng này: trong nửa đầu năm 2020, thị phần của Trung Quốc đã là 18%. Alexander Gabujew, chuyên gia về Á Châu tại Viện Carnegie Moscow, trong một bài phân tích cho rằng Trung Quốc là quốc gia đầu tiên phục hồi kinh tế sau đại dịch, và cần thêm dầu khí,

Ngược lại, tỷ trọng của EU trong khối lượng thương mại Nga đã giảm từ hơn 50% xuống dưới 45% trong thời gian gần đây. Không có Vương quốc Anh, phần còn lại của EU giảm xuống chỉ còn 39%. Yếu tố quyết định ở đây không phải là các con số tuyệt đối, mà là xu hướng chung. Còn khối lượng ngoại thương của Nga thì đã giảm từ năm 2013 đến năm 2019 do giá dầu xuống thấp và Nga phải chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng

Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Die WELT, Timofej Bordatschew, chuyên gia về Á Châu tại Viện Kinh tế Thế giới thuộc Đại học Kinh tế Moscow, cho biết: “Các lệnh trừng phạt của Liên minh Châu Âu vào năm 2014 kéo theo lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp Châu Âu vào Nga đã thúc đẩy sự chuyển dịch sang Á Châu. Nhưng suy tính về việc (Nga) thoát khỏi phụ thuộc một chiều vào Âu Châu đã bắt đầu từ năm 2008.”

Trung Quốc đã hất cẳng Đức khỏi vị trí dẫn đầu

Đáng chú ý là từ năm 2010 Trung Quốc đã vượt qua Đức để trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Nga. Sau đó, vào tháng 11 năm 2013, ngay cả trước vụ can thiệp quân sự vào Ukraine kéo theo các lệnh trừng phạt, chính phủ Moscow đã quyết định phát triển chiến lược tại miền Viễn Đông của Nga trong “dự án chính của thế kỷ 21”, và theo đó mở rộng quy mô thương mại với Á Châu.

Trong khi đó, Trung Quốc đã mở cửa thị trường nông sản cho đậu nành và gia cầm của Nga, mà Nga sản xuất gần biên giới chung với mức trợ cấp cao và với lao động giá rẻ của Trung Quốc, cho đến khi cuộc khủng hoảng Corona bùng nổ. Chuyên gia Châu Á Bordachev mô tả đó là một “động lực rất lớn” và “ phát triển cực kỳ nhanh chóng, ngoài sự chờ đợi”.

Ngoài ra mức tăng trưởng được biểu hiện rõ rệt bởi mức vận chuyển đường sắt. Từ năm 2013 đến năm 2019, việc vận chuyển hàng hóa giữa Trung Quốc và Châu Âu trên tuyến đường sắt của Nga đã tăng gần hai mươi lần từ 44.000 đơn vị côngtenơ hóa (TEU/ twenty-foot equivalent units ) lên 750.000 TEU.

Tuy vậy vẫn còn là ít so với lượng hàng hóa được vận chuyển rẻ hơn qua đường biển. Nhưng với sáng kiến ​​Con đường Tơ lụa Mới, Tập Cận Bình đã bắt đầu chương trình trợ cấp đường sắt, và càng tăng cường tài trợ hơn nữa vì những cân nhắc địa chiến lược, khi Trump bắt đầu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Các chế độ tương tự với các vấn đề tương tự

Theo Gabujew: “ Ngắn hạn, Nga không có lựa chọn nào khác ngoài việc xích lại gần Trung Quốc”. Lý do không chỉ là những cuộc khủng hoảng liên tiếp, mà là “khách quan”: biên giới chung đòi hỏi sự đảm bảo an ninh. Ngoài ra, hai chế độ tương tự nhau và cùng phải đối phó những vấn đề tương tự.

Thêm vào đó, cấu trúc của hai nền kinh tế bổ sung cho nhau. Hiện nay, Nga đang tiếp nhận công nghệ hiện đại từ Trung Quốc, từ khi không còn có thể mua của Châu Âu do bị lệnh trừng phạt. Đổi lại, Moscow giúp xây dựng hệ thống cảnh báo tên lửa riêng cho Trung Quốc.

Moscow đã gia tăng mạnh mẽ nhất việc xuất khẩu nguyên liệu thô. Ngoài việc xuất khẩu gỗ của Nga, công ty dầu mỏ Rosneft đã ký các hợp đồng cung cấp dài hạn cách đây một thập kỷ rưỡi. Vào năm 2014, ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng Crimea, sau hơn mười năm đàm phán, công ty khí đốt Gazprom cuối cùng đã có thể thông báo ký hợp đồng với Trung Quốc trị giá 400 tỷ Mỹ kim trong thời hạn 30 năm.

Và từ một năm nay, khí đốt được cung cấp qua tuyến đường ống mới “Sức mạnh Siberia” với 38 tỷ mét khối công suất. Mặc dù vậy, hiện tại mới chỉ cung cấp từng lượng nhỏ. Và với Trung Quốc, Nga phải chấp nhận những điều kiện tồi tệ hơn một cách đáng kể so với cung cấp cho Âu Châu, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, nơi Gazprom đã cung cấp gần 200 tỷ mét khối khí đốt vào năm 2019.

Sự ngờ vực vẫn ngự trị

Đó không phải là tình trạng không cân bằng duy nhất trong quan hệ với Trung Quốc. Bất chấp tất cả những lời khẳng định về mối quan hệ đối tác, sự ngờ vực đã ăn sâu qua nhiều thập kỷ vẫn ngự trị. Chuyên gia về Á Châu Bordatschew nói: “Hai bên thiếu kinh nghiệm với nhau trong lãnh vực kinh tế”.

Ví dụ, trong lĩnh vực đầu tư, thấy rõ là các doanh nhân Trung Quốc cảm thấy không chắc chắn về tình hình ở Nga trong khi người Nga, về phần họ, lại ngăn người Trung Quốc vào cuộc, đặc biệt vì những người này được coi là những tay thương lượng cực kỳ cứng rắn. Vì vậy, và ngoài ra, riêng lý do địa lý cũng đủ để Âu Châu sẽ vẫn là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Nga. Bordatschew nhận xét: “đặc biệt nếu đường ống dẫn khí đốt thứ hai qua Biển Baltic được thực hiện”. Đường ống này mang tên “Dòng chảy Phương Bắc”.

Trao đổi với nhật báo WELT, Alexej Makarkin, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Chính trị Moscow, chỉ thẳng vào vấn đề: “Trong khi chúng tôi có nhiều thế kỷ kinh nghiệm với phương Tây, với Trung Quốc chúng tôi chẳng biết ai là ai cả.”

Bình luận về việc một số nhà quan sát cho rằng Trung Quốc chỉ coi Nga như một đối tác cấp dưới về nguyên liệu thô giá rẻ, Makarkin nói: “Một thời gian dài, Moscow không hiểu rằng một Trung Quốc ngày càng hùng mạnh không cần đối tác. Trung Quốc đang sử dụng Nga trong cuộc tranh chấp của họ với Mỹ”.

Trung Quốc vẫn đang tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga

Tổng lượng thương mại giữa Bắc Kinh và Hoa Kỳ, chỉ cần tính về khối lượng, cũng đủ để quan trọng hơn nhiều so với giữa Bắc Kinh và Nga. Không phải ngẫu nhiên mà các công ty Trung Quốc tiếp tục không tham dự cấp vốn và đầu tư vào Nga vì họ tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ngay cả phát ngôn viên của Putin, Dmitri Peskow cách đây ít lâu cũng phải thừa nhận: “Tất nhiên, các đối tác Trung Quốc của chúng tôi thường tỏ ra thận trọng”.

Nga cũng không thể hiểu tại sao trong năm 2020 Bắc Kinh từ chối cung cấp cho các nhà nghiên cứu Nga một dòng coronavirus sống để họ có thể phát triển một loại vắc-xin. Nhưng bất chấp điều đó, Nga dường như bị cuốn hút bởi sự phục hồi kinh tế sau đại dịch của Trung Quốc nên tiếp tục chuyển hướng theo Bắc Kinh

Gabujew cắt nghĩa là sự chuyển hướng theo lòng mong muốn nay đã biến thành bắt buộc, không còn tự nguyện. “Giữa hai quốc gia vẫn còn một không khí ngờ vực lớn, nhưng con virus và tất cả hệ quả của nó sẽ buộc Nga và Trung Quốc phải thiết lập quan hệ nhanh hơn nhiều so với một mức độ cho phép cả hai nước được thoải mái”.

Do đó, thái độ giao tế lịch sự đặc biệt không bình thường của Putin với Tập Cận Bình không chỉ dựa trên sự tôn trọng đối với vị nguyên thủ Trung Quốc – mà xuất phát từ một nỗi e sợ lớn của Putin trước ông ta.

Nguồn: Eduard Steiner, Thục Quyên (boxitVN) dịch
https://www.welt.de/wirtschaft/article223667250/Geopolitik-Putins-grosse-Angst-vor-China.html

Tags:

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh