Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Tuesday, November 5, 2024

Việt Nam củng cố căn cứ ở Trường Sa nhằm “tạo hao tổn” cho Trung Quốc


Hình ảnh vệ tinh Đá Tây của Việt Nam ở Trường Sa.

Trong những năm qua Việt Nam đã tiếp tục xây dựng củng cố các thực thể ở quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đang chiếm đóng. Đó là kết luận phân tích các hình ảnh vệ tinh mới nhất do Sáng kiến Minh bạch Hàng hải, một dự án của CSIS của Hoa Kỳ, cùng với công ty Simularity công bố gần đây.

Phóng viên Giang Nguyễn có cuộc phỏng vấn với tác giả của bản kết luận, ông Gregory Poling, về ý nghĩa của các hoạt động này. Ông Greg Poling là Giám đốc của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI).

Giang Nguyễn:Cảm ơn ông Gregory Poling đã dành thời gian để chia sẻ về phân tích mới nhất của AMTI và Simularity. Ông có thể mô tả cho thính giả của chúng tôi về những gì ta có thể thấy được qua những hình ảnh vệ tinh của Simularity?

Gregory Poling: Các ảnh vệ tinh cho thấy Việt Nam đã tiếp tục những hoạt động mà chúng tôi gọi là nâng cấp khiêm tốn ở quần đảo Trường Sa, chủ yếu là đối với khả năng phòng vệ tại các đảo lớn ở đây. Việt Nam có 10 thực thể mà chúng ta có thể gọi là đảo, mà không phải là chỉ đá trồi lên mặt nước. Trên tất cả các thực thể đó, Việt Nam đang tiếp tục nâng cấp các hệ thống phòng vệ bờ biển, hệ thống phòng không, cũng như rất nhiều cải tiến về hành chính và chất lượng cuộc sống, boong ke, trụ sở và những thứ tương tự.

Giang Nguyễn: Các ảnh vệ tinh này được chụp vào khoảng thời gian nào?

Gregory Poling: Các hình ảnh mà chúng tôi công bố đều được chụp vào năm 2019 và 2020. Chủ yếu chúng tập trung tại đảo Đá Tây và Đảo Sinh Tồn, hai nơi được xây dựng nhiều nhất trong thời gian đó. Còn có những nâng cấp nhỏ tại những cơ sở khác mà chúng tôi nêu ra; nhưng ở hai đảo Đá Tây và Sinh Tồn là nhiều nhất. Hình ảnh vệ tinh cho thấy các mô hình như đã thấy trên tất cả 10 đảo nhỏ của Việt Nam. Tất cả các đảo đều được cải tạo mở rộng đất ở một mức độ nào đó. Việc này cơ bản đã được hoàn thành vào năm 2016. Bây giờ chúng ta thấy những bước hoàn thiện xây dựng tại những nơi cải tạo đó.

Giang Nguyễn: Ông có thể cho biết thêm về khả năng của những việc nâng cấp này? Theo tôi hiểu, một số là để phòng vệ, nhưng cũng có một số có khả năng, có thể gọi là chủ động hơn?

Gregory Poling: Trong mọi trường hợp, điều mà Việt Nam có vẻ chú trọng trong những năm gần đây là việc xây dựng, làm kiên cố các đảo và cả các tiền đồn nhỏ hơn của mình. Về cơ bản đây chỉ là các hầm trú ẩn, boong ke được xây dựng trên các đảo để dễ tiếp nhận cung ứng hơn, dễ phòng vệ hơn, khó có thể bị Trung Quốc phong tỏa hơn, và để họ có khả năng đánh lại Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột trong tương lai. Mục đích là để ngăn chặn sự gây hấn.

Trung Quốc đã xây dựng 3.200 mẫu Anh mới từ cuối năm 2013 đến năm 2016. Việt Nam đã phản ứng rất dè dặt, vì ngân sách và khả năng có hạn, bằng cách phát triển khoảng hơn một trăm mẫu Anh và sau đó là các loại phương tiện phòng thủ. 

Chúng ta đang thấy các ụ phòng không có thể chứa những hệ thống phòng không cũ hơn nhưng vẫn có khả năng chống lại tấn công. Chúng ta thấy các ụ pháo, bệ bắn bê tông dành cho pháo binh bờ biển sử dụng nhằm phòng vệ trước một cuộc đổ bộ. Chúng ta thấy ở hầu hết các đảo đều được trang bị khả năng radar tình báo và tín hiệu quan trọng để Việt Nam có thể quan sát các vùng biển xung quanh đảo. Cộng lại với những báo cáo của năm 2016 về các hệ thống pháo tên lửa được gọi là hệ thống EXTRA do Israel chế tạo, mà Việt Nam đã triển khai tại một số đảo giúp mở rộng khả năng tấn công vào một số hòn đảo Trung Quốc xung quanh. 

Tôi muốn nói rõ rằng chúng tôi không thực sự nhìn thấy được những hệ thống đó vì nó nhỏ và dễ dàng bị che giấu. Mục tiêu của nó là thế. Nhưng rõ ràng chúng có thể được triển khai và bắn từ bất kỳ cơ sở nào mà chúng tôi đã xác định. Nói tóm lại, dù Việt Nam đã không tiến hành mức độ tinh vi của chiến dịch quân sự hóa của Trung Quốc (tại Biển Đông), nhưng Việt Nam đã phản ứng bằng nâng khả năng phòng vệ của các hòn đảo của họ.

Giang Nguyễn:Ông có thể phân tích thêm, chúng ta có thể rút ra kết luận gì từ những diễn biến này về cách tiếp cận của Việt Nam đối với những căng thẳng ở Biển Đông?

Gregory Poling: Việt Nam biết rằng họ không thể thắng trong cuộc đua với Trung Quốc để xây dựng các đảo lớn nhất, nâng cấp chúng với nhiều cơ sở hạ tầng quân sự nhất, hoặc đóng nhiều tàu cảnh sát biển và hải quân nhất. Những gì Việt Nam có thể làm được là hiện đại hóa năng lực của mình đủ để có thể áp đặt tốn kém lên Trung Quốc. Việt Nam có lẽ trên thực tế sẽ không bao giờ có thể nâng cấp đến mức độ mà có thể thực sự thắng một cuộc đối đầu tại Trường Sa. Nhưng họ có thể làm cho cuộc đụng độ ở đây trở nên rất tốn kém đối với Trung Quốc. Và như vậy, họ đã tạo ra một sự răn đe. Trung Quốc luôn phải biết rằng nếu quyết định bước qua ngưỡng cửa đó và sử dụng bạo lực với Việt Nam, thì Việt Nam có thể đánh vào tàu Trung Quốc trên biển, Việt Nam có thể tấn công các đảo của Trung Quốc tại Trường Sa. Có thể không diễn ra trong một thời gian kéo dài, nhưng có thể gây tốn thất (đối với Trung Quốc) trong một thời gian. Và tôi nghĩ là Hà Nội tính toán rằng những tổn thất đó có lẽ sẽ khiến Trung Quốc phải suy nghĩ lại.

Cũng theo logic tương tự, tôi nghĩ Việt Nam cũng đã cải tổ hải quân của họ. Việt Nam đã đầu tư vào các tàu ngầm lớp kilo của Nga, máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư, tên lửa tấn công đất liền và chiến hạm  nâng cấp. Công nhận đó là chỉ một số ít nhưng có khả năng khá tân tiến. Điều đó cung cấp cho họ một số khả năng giữ vị trí trong cuộc chiến và chống trả ít nhất trong một thời gian.

Giang Nguyễn: Vậy thì Trung Quốc có những phản ứng gì trước những nâng cấp này?

Gregory Poling: Hiện giờ thì chúng ta chưa thấy một phản ứng nào về các cấu trúc ở các đảo. Trung Quốc đã tiến hành chiến dịch quân sự hóa của riêng mình. Về cơ bản, họ đã hoàn thành việc xây dựng các hòn đảo của họ vào năm 2016 và đã hoàn thành hầu hết các cơ sở hạ tầng chính vào năm 2018. Từ đó, họ đã tiến hành chế độ triển khai tối đa trong vòng hai năm nay. Nghĩa là triển khai nhiều máy bay tuần tra hơn, nhiều máy bay vận tải hơn, nhiều tàu Hải quân, hải cảnh và các tàu bán quân sự hơn cũng như nhiều bệ tên lửa hơn.

Không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc thay đổi kế hoạch nâng cấp hoặc triển khai các đảo họ chiếm vì những gì Việt Nam đang làm. Chắc chắn Trung Quốc biết rõ về những nâng cấp này. Trung Quốc cho đến nay có hệ thống radar và khả năng cảm biến tốt nhất ở Biển Đông. Họ thấy hết những gì xảy ra trên Biển Đông. Họ biết Việt Nam đang làm gì.

westreef2223.jpeg
Hình ảnh vệ tinh Đá Tây cho thấy có thêm những xây dựng mới như hệ thống phòng vệ bờ biển, các toà nhà hành chính, các bãi bê tông và boong ke. Courtesy of CSIS-AMTI

Một điều mà chúng ta đã thấy diễn ra trong ít nhất hai năm qua là nỗ lực ngày càng tăng của các tổ chức quốc doanh hoặc có liên quan tới chính quyền Trung Quốc nhằm tạo ra hình ảnh là Việt Nam mới là vấn đề thực sự ở Biển Đông. Chúng tôi thấy điều này từ truyền thông nhà nước Trung Quốc, các trường đại học, các nhà trí thức Trung Quốc và các viện nghiên cứu có liên hệ với nhà nước Trung Quốc. Họ nỗ lực để lập luận rằng Việt Nam thực sự là kẻ xâm lược, rằng Việt Nam có nhiều đảo nhất, rằng Việt Nam có nhiều ngư dân đánh cá bất hợp pháp nhất. Họ luôn tung tin có một phần đúng, vừa đủ để thuyết phục những người vốn đã muốn tin Trung Quốc. Tôi nghĩ chiến dịch này chỉ có tác động hạn chế bên ngoài Trung Quốc. Nhưng đó là một hoạt động tuyên truyền đáng ghi nhận.

Giang Nguyễn: Cá nhân ông chú ý điều gì trong mối quan hệ giữa hai nước trong tương lai gần?

Gregory Poling: Phần lớn, cái mà tôi đang quan sát thấy không phải là về các hòn đảo. Tôi nghĩ rằng cả Việt Nam và Trung Quốc đều không có ý đối đầu ở Trường Sa. Điểm mấu chốt thực sự của cuộc xung đột lúc này là ở vùng biển gần bờ Việt Nam, quyền khai thác dầu khí và quyền đánh cá. Sau những bế tắc thực sự căng thẳng mà chúng ta đã chứng kiến về các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam tại Bãi Tư Chính, ở phía tây nam Trường Sa, theo tôi đây mới là nơi có nhiều khả năng xảy ra xung đột nhất trong một, hai năm tới. Rosneft của Nga, các công ty khác, ví dụ như của Nhật Bản vẫn còn mỏ ở đây. Họ vẫn muốn khoan các giếng dầu khí mới. Và Trung Quốc đã thể hiện sự sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm bất thường với các tàu Cảnh sát biển và tàu dân quân của họ cố ý gây nguy cơ đụng chạm, thách thức Hà Nội tiếp tục hoạt động ở đây.

Giang Nguyễn: Trong các cấu trúc của Việt Nam tại Trường Sa, còn điều gì ông muốn lưu ý không?

Gregory Poling: Tôi chỉ muốn nói rõ ràng Việt Nam kiểm chế hơn nhiều (so với chiến dịch quân sự hóa Biển Đông) của Trung Quốc. Khả năng, nguồn năng lực của Việt Nam không bằng Trung Quốc, không gian (xây dựng) cũng không có như họ. Việt Nam đã không xây dựng mở rộng ba nghìn mẫu Anh đất (như Trung Quốc đã làm). Tất cả những gì chúng ta thấy đều được triển khai hoặc xây dựng rõ ràng có tính chất phòng vệ. Ngay cả khả năng tấn công của Việt Nam, như qua các hệ thống pháo phản lực EXTRA nói trên, thực sự có tầm bắn khiêm tốn để tấn công các đảo Trung Quốc gần nhất, như một hình thức răn đe.

Việt Nam đã không đặt tên lửa chống hạm tầm xa trên các đảo của mình như Trung Quốc đã làm. Họ đã không xây dựng nhà chứa máy bay chiến đấu trên các đảo như Trung Quốc đã làm. Không có bằng chứng nào cho thấy Việt Nam đang nâng cấp các hòn đảo ở Trường Sa để làm bàn đạp để thể hiện sức mạnh tấn công. Thay vào đó, tất cả các xu hướng đều cho thấy rằng đây là những nâng cấp phòng thủ để tăng tổn phí cho bất kỳ hành động xâm lược nào của Trung Quốc.

Chúng ta có thể gọi đó là quân sự hóa nếu muốn, nhưng rõ ràng hoạt động đó không cùng chất lượng hoặc sắc thái quân sự hóa giống như những loại nâng cấp có tính cách gây hấn hơn mà Trung Quốc đã thực hiện.

Giang Nguyễn: Cảm ơn ông Gregory Poling rất nhiều.

Nguồn: RFA

Tags:

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh