Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, December 23, 2024

Mục tiêu hàng đầu của Trung Quốc : Biến Biển Đông thành ao nhà


Hình trên: Người dân Việt Nam biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội ngày 09/12/2007 phản đối Bắc Kinh chiếm Hoàng Sa và quân sự hóa Trường Sa trên Biển Đông. ASSOCIATED PRESS – Chitose Suzuki.

Mục tiêu số 1 của Trung Quốc là biến Biển Đông thành ao nhà mình, đẩy người Mỹ ra bên ngoài. Rất có thể những sự cố trên biển sẽ thường xuyên diễn ra. Hải quân Hoa Kỳ luôn chiếm thượng phong, Bắc Kinh đang dần thu ngắn khoảng cách, nhưng dù đầu tư rất nhiều vào các tàu sân bay, quân Trung Quốc không có được những kinh nghiệm nhiều thập niên như quân đội Mỹ.

Libération ghi nhận « Tập Cận Bình đặt Trung Quốc vào tư thế chiến đấu ». Trong kỳ họp Quốc Hội, chủ tịch Trung Quốc vừa tự ca ngợi thành tích chống Covid và xóa đói giảm nghèo, vừa nhấn mạnh đến « răn đe chiến lược » và sáng tạo về quân sự, như để thách thức Washington và « phương Tây đang suy tàn ».

Tập Cận Bình đòi hỏi quân đội Trung Quốc sẵn sàng chiến đấu

Tập Cận Bình đòi hỏi quân đội phải « sẵn sàng trong mọi lúc để đáp trả nhiều tình huống phức tạp và khó khăn ». Chủ tịch Quân ủy Trung ương nhấn mạnh đến « răn đe chiến lược ở cấp cao » và tăng cường sáng tạo công nghệ trong lãnh vực quân sự, hiện đại hóa để quân đội Trung Quốc được xếp trong những hàng đầu trên thế giới từ nay đến 2050. Ngân sách quốc phòng được tăng 6,8% trong năm 2021, đạt 260 tỉ đô la ; cộng vào đó là những chi tiêu cho nghiên cứu tăng 7% mỗi năm trong kế hoạch 5 năm.

Những xung đột với láng giềng của Trung Quốc là không thể đếm xuể, từ cao nguyên Himalaya cho đến Biển Đông, Đài Loan, tuy nhiên Mỹ vẫn bị coi là « mối đe dọa lớn nhất cho sự phát triển và an ninh của Trung Quốc ». Nhà Trắng xác nhận đang thảo luận về đối thoại cấp cao ở Alaska, một địa điểm trung lập đối với Trung Quốc, nhưng tuần này lý thuyết thống trị là « sự trỗi dậy của phương Đông và một phương Tây đang suy tàn ».

Tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc loan báo đã chấm dứt tình trạng cực nghèo, mà theo ông là một « phép lạ », tuy Trung Quốc định nghĩa người nghèo là có thu nhập dưới 2,3 đô la/ngày, trong khi Ngân hàng Thế giới quy định ngưỡng 5,5 đô la/ngày đối với các nước trung bình. Với « thành công » này, ông Tập đang xây dựng quyền lực cá nhân tương đương với Mao, chuẩn bị một nhiệm kỳ thứ ba và có thể trọn đời.

Mục tiêu số 1 của Bắc Kinh : Biến Biển Đông thành ao nhà Trung Quốc

Trả lời phỏng vấn của Libération, chuyên gia Thomas Gomart, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), điểm qua những mục tiêu quân sự của Trung Quốc với nhận định « Bắc Kinh thường xuyên trắc nghiệm ý định của Mỹ ».

Theo ông Gomart, với ngân sách quân sự thứ nhì thế giới, chiến lược của Trung Quốc không chỉ nhằm tiến lên ngang hàng với Hoa Kỳ như Liên Xô thời trước, mà vượt qua trong một số lãnh vực, trước hết là hải quân.

Mục tiêu số 1 là biến Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc và đẩy người Mỹ ra ngoài. Mục tiêu số 2 là lệ thuộc càng ít càng tốt đối với các eo biển quan trọng, đặc biệt là Malacca. Để đạt được, Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện ngoài khơi xa và tại những điểm chiến lược có thể trở thành căn cứ quân sự như ở Djibouti. Đầu tư thứ ba là vào chiến tranh mạng, và người ta cũng đặt câu hỏi về kho vũ khí nguyên tử của Trung Quốc. Như vậy quan niệm Trung Quốc về xung đột không đơn thuần là quân sự, mà kết hợp với dân sự, trên internet, v.v…

Bắc Kinh thường xuyên trắc nghiệm ý định của Mỹ

Hồi năm 1995, cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan đã chứng tỏ sự ưu việt của Mỹ, nhưng tương quan lực lượng nay đang dần nghiêng về phía Trung Quốc. Bắc Kinh hiện có hai hàng không mẫu hạm tại Biển Đông, nơi những đảo san hô bị quân sự hóa khiến việc triển khai quân của Mỹ trở nên phức tạp hơn. Từ nhiều năm qua, Trung Quốc luôn cố áp đặt ý tưởng sự hiện diện của Hải quân phương Tây trên Biển Đông là một sự bất bình thường.

Rất có thể những sự cố trên biển sẽ thường xuyên diễn ra, vì Bắc Kinh cố tình không muốn đây là vùng biển bình thường đối với Hải quân các nước khác. Hoa Kỳ luôn chiếm thế thượng phong về Hải quân. Bắc Kinh đang dần thu ngắn khoảng cách, nhưng dù đầu tư rất nhiều vào các tàu sân bay, quân Trung Quốc không có được những kinh nghiệm như quân đội Mỹ với nhiều thập niên tham gia những chiến dịch phức tạp.

Trả lời câu hỏi Trung Quốc đã thành công khi đàn áp Hồng Kông mà quốc tế chỉ phản đối một cách chừng mực, liệu sẽ dấn lên xâm lược một đất nước dân chủ và độc lập là Đài Loan hay không, chuyên gia Thomas Gormart nhận xét, Bắc Kinh thường xuyên tìm cách thử phản ứng của Mỹ. Đài Loan là « lằn ranh đỏ » với Trung Quốc, một vấn đề sống còn mà Bắc Kinh sẵn sàng chiến đấu, nhưng không có cùng tầm quan trọng đối với Washington.

Biển Đông : Châu Âu cũng liên quan

Gần đây các quan chức Trung Quốc thường nhắc đến « chiếc bẫy Thucydide », nhằm nói rằng Hoa Kỳ là phía tấn công nếu Mỹ đến giúp Đài Loan, nơi nhiều người Hồng Kông đang tị nạn. Tập Cận Bình nhiều lần bày tỏ ý định giải quyết trường hợp Đài Loan, phải chăng kỷ niệm 100 thành lập đảng Cộng Sản sẽ là thời điểm ? Đó sẽ là một chiến lược kiên nhẫn hay cú sốc ? Điều chưa thể biết là Mỹ sẽ đáp trả như thế nào.

Hàn Quốc luôn là đồng minh quan trọng của Mỹ, Nhật Bản đang xây dựng một Hải quân có năng lực chiến đấu thực chất. Philipppines thì đang xích lại gần Trung Quốc, còn những nước như Singapore muốn đứng ngoài. Trong lúc Bắc Kinh chẳng có bạn bè nào, Hoa Kỳ có hẳn một hệ thống đồng minh và có khả năng lay chuyển.

Chẳng hạn mới đây Mỹ muốn đưa vấn đề Trung Quốc vào chương trình nghị sự của NATO. Trên lý thuyết, Minh ước Bắc Đại Tây Dương không liên quan đến Bắc Kinh, nhưng sự hiện diện ngày càng lớn của Trung Quốc tại châu Âu và Địa Trung Hải, dù không trực tiếp về quân sự, khiến NATO không thể không chú ý. Với nghĩa này, châu Âu cũng trực tiếp liên quan đến những gì diễn ra trên Biển Đông.

Luân Đôn-Bắc Kinh, từ kỷ nguyên vàng đến nguội lạnh 

Cũng về Trung Quốc, Le Monde đề cập đến « Luân Đôn-Bắc Kinh, từ kỷ nguyên vàng đến nguội lạnh ». Sau khi Trung Quốc bóp nghẹt tự do của Hồng Kông, chính phủ của ông Boris Johnson đã có thái độ cứng rắn hơn, trong khi phe bảo thủ của ông trước đây cố gắng xích gần lại với Bắc Kinh.

Tờ báo nhắc lại thời điểm 22/10/2015, khi màn đêm vừa buông xuống, David Cameron cùng với Tập Cận Bình cùng đối ẩm ở Plough, một quán rượu ở làng Cadsden, gần nhà nghỉ vùng quê của thủ tướng Anh. Chủ tịch Trung Quốc trong chuyến công du bốn ngày được đón tiếp như thượng khách. Anh quốc là nước G7 đầu tiên tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB), tập đoàn Trung Quốc CGN cam kết tài trợ cho dự án nhà máy điện nguyên tử Hinkley Point, và các trường đại học Anh mở rộng cửa cho hàng mấy chục ngàn sinh viên từ Hoa lục.

Sáu năm sau, Downing Street từ bỏ hẳn « kỷ nguyên vàng », đổi lấy mối quan hệ thuộc loại căng thẳng nhất trong số các quốc gia dân chủ châu Âu với Bắc Kinh. Luân Đôn hôm 09/03 tuyên bố theo dõi chặt chẽ kết luận của Quốc Hội Trung Quốc về việc sửa đổi thể thức bầu cử ở Hồng Kông. Dù rất nghiêm ngặt về nhập cư, chính quyền Johnson vào giữa năm 2020 tỏ ra hào hiệp với hàng trăm ngàn công dân Hồng Kông và đến cuối năm đã cấm sử dụng vật liệu của Hoa Vi (Huawei) trong mạng lưới 5G. Đến đầu năm nay quan hệ đôi bên lại càng tệ hại hơn : ngoại trưởng Dominic Raab hứa sẽ trừng phạt các công ty Anh liên quan đến lao động cưỡng bức ở Tân Cương, và cấm kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc CGTN hoạt động. Gần đây nhất đại sứ Anh Caroline Wilson đăng bài bênh vực công việc của các nhà báo ngoại quốc tại Anh, kể cả khi họ chỉ trích Bắc Kinh.

Quan hệ Anh-Trung sẽ đi đến đâu ?

Làm thế nào giải thích sự đảo ngược này ? Sophia Gaston, giám đốc British Foreign Policy Group nhận định, quan điểm của chính phủ Cameron vào 2014-2015 khá lỗi thời, lúc đó Úc và Hoa Kỳ đã bắt đầu xem xét lại mối quan hệ, do Bắc Kinh ngày càng hiếu chiến trên ở Ấn Độ-Thái Bình Dương và gia tăng giám sát người dân. Bà Theresa May, bộ trưởng Nội Vụ thời đó, đã đặt vấn đề về đầu tư Trung Quốc vào nhà máy điện nguyên tử.

Bàn tay sắt của Bắc Kinh với Hồng Kông đã khiến Boris Johnson phải cứng rắn. Người Anh vẫn rất gắn bó với cựu thuộc địa này, và họ cảm thấy có trách nhiệm với vùng đất trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Quan sát những thành công tương đối trong 20 năm, rồi chứng kiến sự đàn áp mà không làm gì được, nên Luân Đôn đã mở rộng cửa cho người Hồng Kông tị nạn. Ngoại trừ vụ cấm BBC mới đây, cho đến nay, đảng Cộng Sản Trung Quốc chỉ sử dụng võ mồm. Liệu Anh sẽ còn đi đến đâu với đối tác thương mại đứng hàng thứ ba ?

Đối với đa số chuyên gia, quan hệ Anh-Trung khó thể ổn định. Luân Đôn tìm kiếm một sự thăng bằng, nhưng việc này rất khó, vì Bắc Kinh tuyên bố rõ là sẽ thẳng tay trả đũa mọi xung đột ngoại giao. Anh quá nhỏ để Bắc Kinh vị nể, nhưng đủ lớn để gây rắc rối cho các quan chức Trung Quốc. Nhà Trung Quốc học Kerry Brown cho rằng chiến lược của Bắc Kinh không phải là trừng phạt mà là không đầu tư ở mức Luân Đôn mong muốn.

Nguồn: RFI/Thụy My

Tags:

More Stories From Á Châu

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh