Bộ tứ sẽ kiềm chế được Trung Quốc?
Posted by Luu HoanPho, Mar 18, 2021, Comments Off
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó tổng thống Kamala Harris (không có trong hình) tham gia cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các nước khu vực Châu Á Thái Bình Dương hôm 12/3/2021.
Trung Quốc lo sợ Bộ tứ
Hội nghị thượng đỉnh Đối thoại an ninh 4 bên (Bộ tứ) tổ chức ngày 12/3/2021 không trực tiếp nêu tên Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh lại có vẻ căng thẳng và lo sợ trước sự kiện này, khi tờ Thời báo Hoàn Cầu của nước này suy đoán rằng Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đang thổi phồng mối đe dọa Trung Quốc ngay từ trước khi sự kiện này diễn ra. Rõ ràng, Trung Quốc đã nhận thấy một thách thức lớn đối với giấc mơ về một châu Á-Thái Bình Dương lấy Trung Quốc làm trung tâm trong lời kêu gọi của Bộ tứ về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở, bao trùm và lành mạnh, dựa trên các giá trị dân chủ và không bị kiềm chế bởi những hành động ép buộc.
Nghị trình ôn hòa nhưng có thông điệp rõ ràng
Bên cạnh sự nhất trí về tính cần thiết của một trật tự tự do, cởi mở dựa trên các quy tắc, bắt nguồn từ luật pháp quốc tế nhằm thúc đẩy an ninh, thịnh vượng đồng thời chống lại các mối đe dọa cả trong và ngoài khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thì phản ứng tập thể trước đại dịch COVID-19 trong việc hiệp đồng các nỗ lực tiêm chủng cho nhân loại, với Ấn Độ đóng vai trò trung tâm sản xuất, được các nước khác hỗ trợ để sản xuất một tỷ liều vaccine trong năm 2021, cũng là một nghị trình then chốt thu hút sự chú ý của toàn cầu. Các nhóm công tác của Bộ tứ còn tập trung vào hai vấn đề khác, đó là các công nghệ trọng yếu mới nổi và biến đổi khí hậu.
Không một ai trực tiếp chỉ đích danh Trung Quốc trong hội nghị, nhưng Trung Quốc hiểu rằng chính nước này đã thách thức trật tự dựa trên các quy tắc bằng cách bác bỏ phán quyết của tòa trọng tài ở Biển Đông và tiếp tục ép buộc các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Vai trò trung tâm của ASEAN
Các bên đã có sự đồng thuận về việc ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN cũng như triển vọng về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng việc kêu gọi sự tham gia của khối này sẽ là vấn đề gây tranh cãi do ảnh hưởng của Trung Quốc đối với họ. Nhìn chung, đã có lúc một số quốc gia ASEAN bị ảnh hưởng, cất lên tiếng nói yếu ớt phản đối sự gây hấn của Trung Quốc (như Philippines và Việt Nam), với mong muốn các cường quốc thế giới sẽ kiểm soát chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc, vì họ cảm thấy khó có thể tự mình đương đầu với sức mạnh Trung Quốc. Chính điều này đã khiến Trung Quốc tiếp tục có hành vi xâm lấn từng bước ở biển Đông và trong khu vực. Trung Quốc luôn tìm cách đối phó với mọi quốc gia trong khuôn khổ song phương, lấy sức mạnh quốc gia toàn diện của mình làm lợi thế. Trong các cam kết song phương sắp tới với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ, Trung Quốc sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu làm suy yếu Bộ tứ bằng một số sự nhượng bộ song phương.
Mong đợi gì ở Bộ tứ
“Chiến lược xâm lấn tăng dần” đang được Trung Quốc tiến hành tại biển Đông, biển Hoa Đông và Ladakh là một mối quan ngại nghiêm trọng không chỉ đối với các quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) chồng lấn hoặc biên giới bất ổn. Nó cũng là vấn đề nghiêm trọng đối với phần còn lại của thế giới, khi Trung Quốc tiếp tục chuyển đổi các cấu trúc địa hình/đảo san hô thành căn cứ quân sự, trông đợi các nước khác chấp nhận chúng là đảo và áp dụng “nguyên tắc đường cơ sở” theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển để tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh các cấu trúc này, qua đó biến biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc theo thời gian. Chiến lược này đe dọa quyền tự do hàng hải và hàng không dọc theo các tuyến giao thương trên biển (SLOC) toàn cầu và có thể dẫn đến một số hạn chế như Vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông. Bất kỳ hành động nào như vậy của bất kỳ quốc gia nào nhằm hạn chế tự do hàng hải và hàng không hoặc vi phạm pháp quyền đều phải bị lên án tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, và động thái này nên được Bộ tứ hậu thuẫn.
Việc thực hiện ý tưởng về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở trên khuôn khổ pháp lý “dựa trên các quy tắc” là điều cần thiết. Bốn thành viên phải tiếp tục tiến hành các hoạt động tự do hàng hải và bố trí lực lượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Trung Quốc cũng tiếp tục làm như vậy. Nếu tình hình chiến lược trở nên xấu đi, có thể cần phải bố trí một “Nhóm quan sát viên quân sự trên biển của Liên hợp quốc” vì việc ngăn chặn xung đột bất ngờ xảy ở một khu vực có mật độ dày đặc tàu chiến tiến hành các nhiệm vụ tự do hàng hải là điều cần thiết.
Hội nghị trên không báo hiệu sự mở rộng, nhưng Bộ tứ cần có sự linh hoạt để đưa các quốc gia dân chủ cùng chí hướng tham gia, vì nhiều nước sẽ muốn tham gia Bộ tứ trong tương lai và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang trở thành trung tâm kinh tế và sản xuất của thế giới. Sự hỗ trợ của các lực lượng hải quân khác như Pháp, Anh, Đức và các thành viên khác của NATO sẽ là biện pháp răn đe hiệu quả đối với những nước muốn phá hoại hòa bình. Bộ tứ ở khuôn khổ hiện tại có thể không có cơ chế để kiềm chế chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc, nhưng nó chắc chắn có tiềm năng trở thành một trong những công cụ hiệu quả nhất để thực hiện điều đó. Phản ứng của Trung Quốc cho thấy Bộ tứ chắc chắn đã khiến nước này chú ý mà không cần nêu đích danh.
Sự ủng hộ của Việt Nam
Thực tế hiện nay, Việt Nam vẫn còn nhiều e dè trước “nỗi sợ” Trung Quốc. Trung Quốc chính là tác nhân để Việt Nam đưa ra chính sách “bốn không một tuỳ” được công bố trong sách trắng quốc phòng hồi cuối năm 2019. Tuy nhiên, các hành động hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc ở biển Đông, cùng sự tráo trở của Bắc Kinh, đã khiến người dân Việt Nam càng ngày càng có thái độ thiếu thiện cảm với Trung Quốc. Dưới áp lực của người dân, Chính phủ Việt Nam cũng cho thấy những bước dịch chuyển trong chính sách đối ngoại. Trong phát biểu hồi năm ngoái, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: “Việt Nam mong muốn và sẵn sàng cùng ASEAN và các nước đối tác, cũng là đối tác của ASEAN chung tay khôi phục kinh tế, ổn định đời sống người dân vì một khu vực châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng.” (1)
Phát biểu đó cho thấy phía Việt Nam ủng hộ các sáng kiến của Bộ tứ. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều trở ngại trong tư duy của nhiều lãnh đạo Việt Nam, đặc biệt trong quan hệ với Bộ tứ và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Mới đây, trong một bài viết trên tờ The Diplomat (2), Derek Grossman – Chuyên gia từ RAND cho biết chính quyền Biden vẫn đang đưa ra những tín hiệu tốt đối với vai trò của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á và chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hoa Kỳ vẫn luôn chào đón cuộc viếng thăm của nguyên thủ mới của Việt Nam sang thăm Washington trong thời gian tới. Từ đó, hai bên có thể thúc đẩy nhiều quan hệ đi vào chiều sâu hơn. Tuy vậy, nhiều người vẫn thấy sự e dè từ phía Việt Nam. Có lẽ trong bối cảnh này, thúc đẩy quan hệ với các cường quốc dân chủ như Bộ tứ để phát triển đất nước, từ đó kiềm chế bớt tham vọng của Trung Quốc sẽ là hướng đi đúng đắn trong chính sách đối ngoại của Việt Nam lúc này.
Nguồn: Trương Cẩm Hà @ RFA