Thẩm phán Tối cao Pháp viện Mỹ đề xuất việc kiểm soát Facebook và Twitter
Posted by Luu HoanPho, Apr 7, 2021, Comments Off
Thẩm phán Tối cao Pháp viện Mỹ Clarence Thomas (hình trên) đã đề xuất việc kiểm soát các Big Tech (hãng công nghệ lớn), sau khi Facebook và Twitter đình chỉ cựu Tổng thống Donald Trump vào đầu năm 2021.
Ông Thomas là một thẩm phán có khuynh hướng thiên hữu tại Tối cao Pháp viện Mỹ. Ông đã đưa ra quan điểm của mình trong một bản đệ trình dài 12 trang, khi cơ quan này ban hành lệnh bác đơn kiện cựu Tổng thống Trump về việc ông chặn bình luận từ một số người dùng Twitter trong các bài đăng của ông trước khi tài khoản của cựu Tổng thống bị đình chỉ. Tối cao Pháp viện tuyên bố bác vụ kiện, bởi ông Trump không còn là tổng thống nữa và đã bị Twitter chặn. Vụ việc này diễn ra sau khi Tòa phúc thẩm Khu vực Hai ra phán quyết chống lại cựu tổng thống.
Hôm 5/4 vừa qua, thẩm phán Thomas đã viết như sau: “Các nền tảng kỹ thuật số ngày nay đã mở đường cho số lượng ngôn luận chưa từng có trong lịch sử, bgồm cả ngôn luận của các thành viên thuộc chính phủ. Tuy nhiên, điều chưa từng có tiền lệ là việc kiểm soát quá nhiều ngôn luận lại nằm trong tay của một số đơn vị tư nhân. Sớm thôi, chúng tôi sẽ không còn lựa chọn nào khác, ngoài việc giải quyết cách các học thuyết pháp lý của mình áp dụng cho cơ sở hạ tầng thông tin thuộc sở hữu tư nhân, tập trung cao như các nền tảng kỹ thuật số.”
Ông Thomas cũng nhấn mạnh rằng có những lập luận cho thấy các nền tảng kỹ thuật số như Twitter hoặc Facebook “tương đồng với các nhà cung cấp dịch vụ thông thường hoặc các địa điểm lưu trú để được điều chỉnh theo cách này.”
Ông Thomas đề cập đến các chủ sở hữu tương ứng của Facebook và Google, Mark Zuckerberg và Larry Page và Sergey Brin.
Ông cho biết: “Mặc dù cả 2 Big Tech này đều là công ty đại chúng, nhưng chỉ có rất ít người kiểm soát: một người kiểm soát, với Facebook là Mark Zuckerberg, và 2 người kiểm soát, với Google là Larry Page và Sergey Brin.”
Thẩm phán Thomas đồng ý rằng tài khoản Twitter của ông Trump “giống với một diễn đàn chung được bảo vệ theo hiến pháp” ở một số khía cạnh nhất định. Ông lưu ý “có vẻ hơi kỳ lạ khi nói rằng một cái gì đó là một diễn đàn của chính phủ, và một công ty tư nhân lại có thẩm quyền không giới hạn để loại bỏ nó.” Lời lẽ này của ông có thể ám chỉ đến việc Twitter ra lệnh cấm đối với ông Trump sau vụ tấn công vào Điện Capitol diễn ra vào ngày 6/1 vừa qua.
“Bất kỳ quyền kiểm soát nào mà ông Trump thực hiện đối với tài khoản đều bị lu mờ đi rất nhiều so với quyền hạn của Twitter, được quy định trong điều khoản dịch vụ, trong đó có việc xóa tài khoản ‘vào bất kỳ lúc nào vì bất kỳ lý do gì hoặc không cần lý do,’” ông cho biết thêm. “Twitter đã thực hiện quyền của mình để làm chính xác điều đó.”
Sau đó, ông Thomas cho biết không dễ giải quyết các vấn đề liên quan đến công nghệ hiện đại bằng các luật và quy định hiện hành. Ông nói: “Tòa phúc thẩm Khu vực Hai e sợ rằng Tổng thống Trump khi đó đã ngăn chặn ngôn luận bằng cách sử dụng các tính năng mà Twitter cung cấp cho ông. Nhưng nếu mục đích là để đảm bảo rằng ngôn luận không bị dập tắt, thì mối quan tâm rõ ràng hơn phải áp dụng đối với chính các nền tảng kỹ thuật số thống trị. Như Twitter đã nêu rõ, quyền dập tắt ngôn luận nằm trong tay các nền tảng kỹ thuật số tư nhân. Mức độ quan trọng của quyền lực đó đối với các mục đích của Tu chính án Thứ nhất và mức độ quyền lực đó có thể được sửa đổi một cách hợp pháp đã đặt ra những câu hỏi thú vị và quan trọng.”
Ông lưu ý rằng các công ty Big Tech có rất nhiều quyền lực đối với luồng thông tin, thậm chí là sách. Ông cho biết: “Một người luôn có thể chọn việc tránh cầu thu phí hoặc xe lửa và thay vào đó bơi trên sông Charles hoặc đi bộ qua đường mòn Oregon. Nhưng khi đánh giá liệu một công ty có dùng đến quyền lực thị trường đáng kể hay không, điều quan trọng là liệu các lựa chọn thay thế có thể sánh được với các công ty đó hay không. Đối với nhiều nền tảng kỹ thuật số ngày nay, thì câu trả lời là không thể.”
Nguồn: Phan Anh@trithucVN, theo The Epoch Times