Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, November 18, 2024

10 Bẫy đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc


Các công ty quốc tế thường gặp phải nhiều cái bẫy khác nhau khi đầu tư vào Trung Quốc và nhiều công ty đã bị khốn đốn vì thiệt hại toàn bộ cả về nhân sự lẫn tiền bạc.

Một người đàn ông Trung Quốc đi xe đạp ngang qua biển quảng cáo của cửa hàng Christian Dior ở Bắc Kinh vào ngày 08/06/2012. (Ảnh: Feng Li/Getty Images)

Cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hồ Nam Vu Ấu Quân đã mô tả thực trạng việc các quan chức Trung Quốc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. Ông Yu đã nói rằng: “Quý vị là ông chủ, ông ta sẽ làm theo bất cứ điều gì quý vị nói như một nhân viên cấp dưới trước khi quý vị đầu tư vào Trung Quốc. Ông ta là người bạn đồng hành thực sự của quý vị khi quý vị cần một người bạn trong chuyến thăm Trung Quốc. Ông ta là cơn ác mộng tồi tệ nhất của quý vị sau khi tiền của quý vị đổ vào Trung Quốc.” Câu nói của ông Vu phản ánh chính xác thực trạng của đầu tư nước ngoài vào chế độ cộng sản này.

Nhiều năm kinh nghiệm cộng với việc quan sát thị trường và môi trường đầu tư ở Trung Quốc đã dạy cho tôi một số điều. Sau đây là 10 cái bẫy mà chế độ này sử dụng để bao vây các nhà đầu tư nước ngoài.

Thành lập các chi bộ Đảng Cộng sản trong các tổ chức tư nhân

Vào tháng 11/2018, Trung Cộng đã ban hành các quy định về việc thành lập các chi bộ Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân. Tài liệu “Quy chế Thí điểm về Hoạt động của các Chi bộ Đảng” đã liệt kê những công việc cơ bản và nhiệm vụ trọng tâm của các chi bộ Đảng trong các tổ chức cấp cơ sở, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài, tổ chức xã hội, cộng đồng, trường học, viện nghiên cứu khoa học và quân đội.

Vào tháng 08/1993, Ban Tổ chức Trung ương Trung Cộng đã ban hành một báo cáo về việc tăng cường hơn nữa công tác Đảng ở các doanh nghiệp nước ngoài. Bắc Kinh đề xuất rằng “tất cả các liên doanh nước ngoài mà có hơn 3 đảng viên nên thành lập các tổ chức Đảng phù hợp với các quy định trong Điều lệ Đảng.”

Theo một bài báo được xuất bản vào tháng 10/2020 của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Bắc Kinh, mục đích của các chi bộ Đảng trong khu vực công nghiệp tư nhân là nhằm tiêm nhiễm “gen đỏ” ​​và lồng ghép công tác xây dựng cộng sản chủ nghĩa vào trong toàn bộ quá trình phát triển của tổ chức đó.

Trên thực tế, với việc thành lập chi bộ Đảng và bố trí các quan chức cộng sản bên trong tổ chức đó như bí thư đảng ủy, cố vấn hội đồng quản trị công ty và các vị trí khác, công ty đó sẽ bị kiểm soát và cuối cùng bị Trung Cộng nhấn chìm.

Hậu quả của việc chuyển đổi quan chức

Dưới hệ thống này của Trung Cộng, các quan chức mới thường phớt lờ và phủ nhận các quyết định do những người tiền nhiệm đưa ra, điều này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho các nhà đầu tư.

Vào năm 2013 khi một số lượng lớn các công ty kinh doanh trực tuyến nổi lên ở Trung Quốc theo sự khuyến khích của Trung Cộng, một công ty niêm yết của Hoa Kỳ đã hợp tác với một chính quyền địa phương ở tỉnh Hà Nam để xây dựng trụ sở của một doanh nghiệp nội thất gia đình. Sau khi công ty này đã đầu tư gần 300 triệu NDT (45.68 triệu USD), một bí thư thành ủy mới lên nhậm chức đã xác định rằng quyết định của cựu bí thư là sai. Kết quả là vị quan chức Trung Quốc nọ ngay lập tức hủy bỏ thỏa thuận hợp tác với công ty này, khiến cho dự án bị phá sản. Sau sự cố này, công ty này đã phải tự gánh chịu mọi thiệt hại. Những trường hợp như thế này không phải là hiếm ở Trung Quốc.

Cưỡng chế thu hồi đất và phá dỡ

Có rất nhiều trường hợp chiếm đất và cưỡng chế phá dỡ đã được thực hiện bởi các chính quyền địa phương ở Trung Quốc.

Năm 2015, một người Canada gốc Hoa đã mua hàng nghìn mẫu đất công nghiệp ở Thiên Tân để xây dựng một trung tâm logistics. Sau khi bắt đầu việc xây dựng, một nhà kinh doanh bất động sản địa phương đã quan tâm đến khu đất này. Để bán được mảnh đất này với giá hời (đất thương mại đắt gấp ít nhất 10 lần đất công nghiệp), chính quyền địa phương ở đây đã buộc đình chỉ thi công dự án trung tâm logistics này.

Sau vụ việc này, chính quyền địa phương chỉ hoàn trả lại tiền đất ban đầu cho nhà đầu tư kia và phớt lờ mọi thiệt hại khác. Nhà đầu tư đó đã thiệt hại hơn 50 triệu NDT (7.6 triệu USD). Ngoài ra, tòa án địa phương ở đây thậm chí còn không chấp nhận đơn kiện của nhà đầu tư đó về việc chính quyền địa phương này vi phạm hợp đồng.

Tạo dữ liệu giả

Đó là một bí mật mà ai cũng biết, rằng số liệu GDP của Trung Quốc là được tạo giả. Để đạt được tốc độ tăng trưởng dự kiến ​​hàng năm, các chính quyền địa phương thường yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo dữ liệu giả. Ví dụ, nếu doanh số bán hàng thực tế của một công ty là 100 triệu NDT trong năm đó, thì chính quyền có thể yêu cầu công ty báo cáo 200 triệu hoặc 300 triệu NDT hoặc thậm chí nhiều hơn khi nộp tờ khai giá trị sản lượng công nghiệp có chữ ký và đóng dấu của công ty.

Điều này rõ ràng gây ra rủi ro pháp lý khi đến công đoạn nộp thuế. Các tờ khai này trở thành bằng chứng mạnh mẽ nhất cho việc trốn thuế trong trường hợp công ty này bị cơ quan chức năng điều tra.

Ngoại giao ép buộc

Với Trung Cộng, việc ép buộc diễn ra rất thường xuyên. Chẳng hạn, hồi tháng 03/2017, Hàn Quốc đã chọc giận chính quyền Trung Cộng khi đồng ý lắp đặt hệ thống chống hỏa tiễn THAAD của Mỹ. Để trả đũa, các phương tiện truyền thông của Trung Cộng đã kích động công chúng tẩy chay tập đoàn Lotte của Hàn Quốc. Lotte trở thành mục tiêu của các cơ quan thực thi pháp luật và các cửa hàng của họ đã bị chính quyền địa phương phạt tiền. Trang web phiên bản tiếng Trung chính thức của tập đoàn này cũng bị tấn công và làm cho tê liệt. Tất cả 112 cửa hàng của Lotte Mart ở Trung Quốc đã bị đóng cửa và sau đó họ buộc phải rút khỏi nước này.

Người dân đi ngang qua một cửa hàng Lotte Mart đã đóng cửa ở Bắc Kinh vào ngày 15/09/2017. Tập đoàn Hàn Quốc này gần đây đã hoàn toàn rút khỏi thị trường Trung Quốc. (Ảnh: Greg Baker/AFP/Getty Images)

Ví dụ mới nhất là vụ tẩy chay H&M. Hồi tháng 10/2020, công ty này đã đưa ra một tuyên bố sau khi xem xét thận trọng về việc cấm bông có nguồn gốc từ Tân Cương do tình trạng cưỡng bức lao động trong các trại tập trung và nhà máy trong khu vực này, theo thông lệ của cơ quan thương mại bông, Better Cotton Initiative (BCI).

Không còn nghi ngờ gì nữa, các công ty nước ngoài thường là nạn nhân của chính sách ngoại giao ép buộc của Trung Cộng – một rủi ro mà các nhà đầu tư này phải tự mình đối mặt.

Các Ban Công tác Mặt trận Thống nhất

Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD) chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động gây ảnh hưởng ra nước ngoài của Trung Cộng. Nó phối hợp và hỗ trợ hàng ngàn tổ chức ở nước ngoài để tuyên truyền, gây ảnh hưởng đến giới tinh hoa địa phương và trấn áp các nhóm bất đồng chính kiến.

Vào tháng 09/2020, Văn phòng Uỷ ban Trung ương Trung Cộng đã ban hành tài liệu “Ý kiến ​​về việc Tăng cường Công tác Mặt trận Thống nhất của nền Kinh tế tư nhân trong Kỷ nguyên Mới.” Tài liệu này kêu gọi các Ban Công tác Mặt trận Thống nhất tăng cường công tác tư tưởng và tầm ảnh hưởng của Trung Cộng trong khu vực tư nhân bằng cách nhắm vào một số cá nhân như lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông lớn của doanh nghiệp tư nhân, lãnh đạo chính của các tổ chức xã hội trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, và các nhà đầu tư từ Hong Kong và Ma Cao.

Nếu các nhà đầu tư nước ngoài tuân thủ công tác mặt trận thống nhất của Trung Cộng, thì họ đang tạo điều kiện cho Trung Cộng gây hại cho thế giới.

Các quan chức tham nhũng

Trong thế giới cộng sản, các chủ doanh nghiệp tìm kiếm sự hỗ trợ và bảo hộ từ các quan chức quyền lực  – họ được gọi là “kao shan” trong tiếng Hoa, có nghĩa là “ngọn núi bạn có thể dựa vào.” Doanh nghiệp càng lớn thì “ngọn núi” càng lớn.

Tuy nhiên, những thương vụ làm ăn mờ ám có thể khiến cả hai bên gặp rắc rối. Chẳng hạn, nếu vị quan chức đó bị điều tra vì tội tham nhũng như hối lộ, thì một số lượng lớn các nhà đầu tư đã đưa hối lộ cũng sẽ bị liên lụy. Những vụ việc như vậy rất phổ biến ở Trung Quốc.

Luật an ninh nhà nước

Luật an ninh nhà nước của Trung Quốc có hiệu lực vào ngày 22/02/1993, cho phép các cơ quan an ninh nhà nước của Trung Cộng thực thi quyền trong các cuộc điều tra, tạm giam và bắt giữ. Khi tiến hành điều tra, các cơ quan an ninh có quyền đi vào các khu vực và địa điểm cấm và có quyền kiểm tra các thiết bị liên lạc điện tử của bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào.

Kể từ khi luật này được thực thi, các nhà đầu tư từ Hồng Kông, Đài Loan và các quốc gia nước ngoài khác đều bị đặt dưới sự giám sát – các email, các tài khoản mạng xã hội và các ứng dụng liên lạc ở nước ngoài đều bị giám sát. Không có an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài vì các bí mật cá nhân và bí quyết kinh doanh của họ sẽ bị tiết lộ cho Trung Cộng.

‘Sự kết hợp quân-dân sự’

Vào ngày 23/11/2017, Quốc vụ viện của Trung Cộng đã ban hành các quy định về việc hợp nhất quân đội Trung Quốc với khoa học, công nghệ và các doanh nghiệp tư nhân, điều mà chế độ này gọi là “sự kết hợp quân-dân sự”. Mục tiêu là tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc bằng cách phát triển công nghệ tiên tiến và tuyển dụng nhân tài khoa học. Các doanh nghiệp tư nhân từ chối hỗ trợ quân đội Trung Quốc gặp phải vô vàn rắc rối.

Các binh sĩ thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đeo khẩu trang khi diễu hành sau buổi lễ kỷ niệm 70 năm Trung Quốc tham gia vào cuộc chiến tranh Triều Tiên, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 23/10/2020 (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Ép buộc chuyển giao công nghệ, trộm cắp tài sản trí tuệ

Ép buộc chuyển giao công nghệ là một trong những yếu tố chính dẫn đến cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ.

Trong số hơn 500 tỷ USD mặt hàng nhập khẩu là hàng giả và hàng nhái trên toàn cầu vào năm 2016, một nửa đến từ Trung Quốc, theo ước tính trong báo cáo tháng Ba của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.

Chính phủ Trump đã kêu gọi Trung Quốc ngừng đánh cắp tài sản trí tuệ và ngừng ép buộc các công ty Hoa Kỳ phải chia sẻ công nghệ của họ với các công ty Trung Quốc.

Nói tóm lại, rủi ro lớn nhất khi đầu tư vào Trung Quốc không xuất phát từ sự cạnh tranh thị trường thông thường mà bắt nguồn từ ĐCSTQ. Luật pháp chỉ bảo vệ sự cai trị chuyên quyền của ĐCSTQ, chứ không bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài.

Nguồn: Gu Feng @ePochTimes
Thiện Lan biên dịch

Ông Gu Feng là một cựu kí giả truyền thông kỳ cựu từ Trung Quốc đại lục, người đã dành nhiều năm để đưa tin về các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội của nước này. Ông hiện đang sống ở Hoa Kỳ.

 

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh