Làm thế nào để chống lại ép buộc kinh tế từ Trung Cộng
Posted by Luu HoanPho, Apr 16, 2021, Comments Off
Cuộc tẩy chay thương hiệu H&M do Trung Cộng xúi giục đã thu hút sự chú ý của thế giới, nhưng đó chỉ là một trong nhiều công cụ ép buộc kinh tế. Trên thực tế, thiệt hại kinh tế toàn cầu do sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc gây ra với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ lâu đã bị coi nhẹ một cách nghiêm trọng – dù có nhận thức được hay không. Làm thế nào để đối phó hiệu quả với sự ép buộc kinh tế của Trung Cộng đã trở thành một thách thức lớn đối với thế giới. Đây là một chủ đề lớn, nhưng tôi sẽ chỉ thảo luận về hai khía cạnh của vấn đề này.
Hiểu bản chất của Trung Cộng
Trước tiên, cần có sự hiểu biết chính xác và sâu sắc về các đặc điểm của chế độ Trung Cộng dựa trên các giá trị phổ quát.
Ai cũng biết rằng đằng sau bất kỳ đánh giá nào mà chúng ta đưa ra, chúng ta đều áp dụng một hệ thống các giá trị. Về bản chất, nền kinh tế Trung Quốc khác với nền kinh tế của Hoa Kỳ và của phương Tây hay thậm chí là của các nước đang phát triển khác. Sự chênh lệch này được phản ánh trong các hệ thống kinh tế và chính trị dị thường của Trung Quốc, điều mà cộng đồng quốc tế lâu nay vẫn phớt lờ. Ngày càng nhiều người bắt đầu nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề này khi Trung Cộng tuyên bố rằng họ là một “nước đang phát triển” trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Tại sao nền kinh tế Trung Quốc khác với các nền kinh tế nước ngoài? Sự khác biệt bắt nguồn từ hệ tư tưởng của Trung Cộng. Vào năm 2013, một tài liệu nội bộ của Trung Cộng đã được lan truyền trên mạng liên quan đến “bảy chủ đề cần tránh”: các giá trị phổ quát, tự do báo chí, xã hội dân sự, quyền công dân, giới quý tộc và giai cấp tư sản, độc lập tư pháp và những sai lầm trong quá khứ của Trung Cộng. Trên thực tế, chỉ thị này có liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh tế của Trung Quốc và trật tự của nó.
Mức độ và bản chất của sự kiểm soát của Trung Cộng đối với nền kinh tế Trung Quốc vượt xa tầm hiểu biết của xã hội phương Tây.
Do hệ tư tưởng dị thường của mình, kinh tế học chỉ là một cách thức để Trung Cộng đạt được mục tiêu cuối cùng của họ. Trung Cộng đã vũ khí hóa nền kinh tế. Như bất kỳ ai cũng có thể thấy, Trung Cộng thường tham gia vào các hoạt động gây tổn hại cho người khác; nhưng cũng không tốt cho chính mình. Chẳng hạn như, các biện pháp trừng phạt kinh tế hiện tại của nước này đối với Úc.
Cách tiếp cận như vậy sẽ là điều không tưởng đối với một quốc gia bình thường, nhưng lại là chuẩn mực đối với Trung Cộng. Do đó, thông thường việc phân tích chính sách sẽ không thấu hiểu được các chính sách kinh tế đối ngoại chính của Trung Cộng vì sự phân tích này không xét đến hệ tư tưởng của Trung Cộng.
Tóm lại, cộng đồng quốc tế phải tuân theo các giá trị phổ quát khi chống lại sự ép buộc kinh tế của Trung Cộng, bởi vì các giá trị phổ quát không chỉ tạo thành cơ sở đạo đức cho hoạt động bình thường của nền kinh tế, mà còn là kẻ thù tư tưởng của Trung Cộng. Việc buông bỏ các giá trị phổ quát sẽ chỉ khiến bản thân suy thoái theo cách giống như Trung Cộng, và cuối cùng không thể thoát khỏi nanh vuốt của nó.
Thế giới từ lâu đã trở thành một ngôi làng toàn cầu. Trong giao dịch với Trung Cộng, chỉ có các nguyên tắc “công bằng và có đi có lại” và cách tiếp cận “không tin tưởng và xác minh” do chính phủ cựu TT Trump đề nghị mới có thể tránh bị họ lợi dụng một cách hiệu quả.
Chống lại mối đe dọa của ĐCSTQ
Tại cuộc hội đàm cao cấp gần đây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ở Alaska, ông Dương Khiết Trì, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Cộng, đã công khai thách thức trật tự quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo, vốn được thiết lập sau Thế chiến thứ hai.
Hoa Kỳ và phương Tây nên sử dụng tất cả các cấp chính phủ và xã hội chẳng hạn như khu vực tư nhân và giới học thuật để chống lại Trung Cộng.
Một thách thức lớn là giải quyết việc Trung Cộng lợi dụng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và những kẽ hở của tổ chức này. Cộng đồng quốc tế phải tạo ra một bước đột phá lớn trong vấn đề này; nếu không thì Trung Cộng sẽ chia rẽ và làm tan rã các đối thủ của mình hoặc sẽ lảng tránh một cách vô liêm sỉ trong thời gian dài.
“Đây là thời điểm để cứng rắn với Trung Quốc và hành vi của nước này trong hệ thống thương mại toàn cầu, đồng thời hiện đại hóa WTO. Theo nhiều cách, hệ thống này đã bị mắc kẹt trong những năm 1990,” theo bà Liz Truss, Bộ trưởng Thương mại quốc tế của Anh Quốc, người chủ trì cuộc họp của các bộ trưởng thương mại G7 hôm 31/03. Bà Truss cũng lưu ý rằng, “Về cơ bản, các nền dân chủ cùng chí hướng của chúng ta cần giành chiến thắng trong cuộc chiến giành linh hồn của thương mại toàn cầu.”
Hội nhập kinh tế khu vực là một trọng tâm khác. Hoa Kỳ và phương Tây nên thúc đẩy “điều khoản quốc gia phi thị trường,” Điều 32.10 của Hiệp định Thương mại Hoa Kỳ-Mexico-Canada (USMCA) được ký kết vào năm 2018, quy định rằng nếu bất kỳ thành viên nào của Hiệp định đạt được một thỏa thuận tự do thương mại với một “nền kinh tế phi thị trường,” thì các thành viên còn lại có thể rút lui sau sáu tháng và thiết lập các hiệp ước thương mại song phương của riêng mình. Điều khoản này chắc chắn là nhắm vào Trung Quốc, cô lập quốc gia cộng sản này trong mô hình thương mại toàn cầu.
Hệ thống kinh tế quốc gia, cấu trúc và chính sách bị biến dạng của Trung Cộng cần được coi là một vấn đề quan trọng trong các cuộc đàm phán song phương để kiên quyết chống lại sự ép buộc kinh tế của Trung Cộng. Các liên hệ kinh tế và thương mại là phụ thuộc lẫn nhau. Trung Cộng luôn lợi dụng sự phụ thuộc này trong việc ép buộc kinh tế để đạt được các mục đích chính trị, ngay cả khi nó phụ thuộc vào đối thủ của mình về mặt kinh tế. Một lề thói như vậy không bao giờ được dung thứ.
Ngoài ra, Trung Cộng cũng giỏi thâm nhập kinh tế và đánh cắp công nghệ. Phải có các biện pháp đối phó tương ứng với các hoạt động này, chẳng hạn như tăng cường rà soát an ninh quốc gia đối với các hoạt động kinh tế lớn liên quan đến Trung Quốc, chống trộm cắp và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Về mặt này, cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc và các cuộc đàm phán do chính phủ cựu TT Trump khởi xướng đã tạo ra một tiền lệ thành công.
Cái gọi là mô hình Trung Quốc, một thị trường do nhà nước kiểm soát, vi phạm các nguyên tắc của một nền kinh tế thị trường tự do, dựa trên luật lệ, là một mối nguy lớn đối với nền kinh tế thế giới. Ví dụ, kế hoạch “Made in China 2025” của Trung Cộng đã gây ra sự phản đối rộng rãi. Hôm 31/03, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã công bố Báo cáo Ước tính Thương mại Quốc gia năm 2021 dài 570 trang, trong đó có hơn 30 trang về Trung Quốc.
“Cách tiếp cận theo kiểu do nhà nước lãnh đạo của Trung Quốc đối với nền kinh tế và thương mại khiến nước này trở thành thủ phạm hàng đầu trên toàn cầu trong việc tạo ra năng lực phi kinh tế, bằng chứng là tình trạng thừa công suất nghiêm trọng và dai dẳng trong một số ngành công nghiệp, bao gồm cả thép, nhôm và năng lượng mặt trời, trong số những ngành khác,” USTR cho biết trong một tuyên bố.
Một cuộc họp gần đây của các bộ trưởng thương mại G7 cũng đã đưa ra một tuyên bố chung chống lại “trợ cấp công nghiệp có hại”-ám chỉ Trung Cộng.
Điều quan trọng là phải cải thiện các tiêu chuẩn quốc tế của các sản phẩm như là cơ sở của một thị trường thống nhất toàn cầu. Điều đó có nghĩa là, ngoài tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm còn phải kết hợp các tiêu chuẩn về môi trường và quyền con người để hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững, công bằng xã hội và sự hài hòa. Điều quan trọng là phải làm rõ với Trung Cộng rằng họ phải tuân thủ các tiêu chuẩn sản phẩm quốc tế nếu không muốn bị cô lập. Ví dụ, cuộc tẩy chay mới nhất đối với thương hiệu H&M-còn được gọi là lệnh cấm bông ở Tân Cương- là sự trả đũa với Sáng kiến Bông tốt hơn (Better Cotton Initiative – BCI) và các chiến dịch của các thương hiệu quốc tế khác chống lại việc vi phạm nhân quyền quy mô lớn ở Tân Cương.
Điều chủ yếu nữa là tăng cường kiểm soát xuất cảng đối với khoa học và công nghệ chiến lược, các công nghệ lưỡng dụng, vũ khí và thiết bị quân sự, và vật liệu chiến lược. Năm 1949, Hoa Kỳ đi đầu trong việc thành lập Ủy ban Điều phối về Kiểm soát Xuất cảng Đa phương (CoCom), một tổ chức quốc tế không chính thức, để áp đặt các lệnh cấm vận và hạn chế thương mại đối với các chế độ xã hội chủ nghĩa. Ủy ban này không được công khai ra thế giới bên ngoài và không có các hiệp ước.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, việc giải thể CoCom được chính thức công bố vào ngày 31/03/1994. Danh mục các mặt hàng bị cấm mà ủy ban này xây dựng nên sau đó đã được Thông qua bởi Thỏa thuận Wassenaar về Kiểm soát Xuất cảng đối với Vũ khí Thông thường và Hàng hóa và Công nghệ Lưỡng dụng được ký kết bởi 33 quốc gia vào ngày 12/05/1996. Tuy nhiên, Thỏa thuận Wassenaar này-được chính thức thành lập vào tháng 07/1996-là một tổ chức rất lỏng lẻo. Bốn mươi hai quốc gia thành viên có thể tự quyết định các biện pháp và phương tiện của riêng mình để thực hiện kiểm soát xuất cảng bằng cách tham khảo các nguyên tắc và danh mục kiểm soát chung, đồng thời phê duyệt giấy phép xuất cảng của chính họ. Quyền tự do này đã bị Trung Cộng khai thác.
Vào năm 2018, Nhật báo Khoa học và Công nghệ của Trung Cộng đã tổng hợp một bản kiểm kê 35 công nghệ chủ chốt kém phát triển và danh mục hơn 60 công nghệ cốt lõi chưa được họ kiểm soát, cho thấy rằng Trung Cộng đang bị tụt hậu trong một số lĩnh vực công nghệ và công nghiệp.
Do đó, đã đến lúc phải sửa chữa những sơ hở này để ngăn chặn việc Trung Cộng đánh cắp công nghệ.
Khi các công ty nước ngoài tại Trung Quốc bị Trung Cộng xâm phạm hoặc bắt nạt, nước sở tại của họ nên tích cực giúp đỡ họ. Chẳng hạn, khi Trung Cộng cung cấp các khoản trợ cấp khổng lồ cho một số ngành công nghiệp và công ty, thì một công ty quốc tế trong cùng lĩnh vực đó sẽ bị bỏ xa.
Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời là một ví dụ khác. Các công ty Trung Quốc về cơ bản đã đè bẹp các công ty châu Âu và Hoa Kỳ. Không có nghi ngờ gì về việc các công ty Trung Quốc đã làm việc chăm chỉ và đạt được tiến bộ tốt, nhưng sự hỗ trợ của Trung Cộng là tuyệt đối cần thiết cho sự thành công của họ. Lấy một ví dụ khác, vị thế của Huawei trong 5G và ngành thiết bị viễn thông quốc tế ngày nay không phải là không có sự hỗ trợ công khai và ngấm ngầm của chế độ Trung Cộng.
Ngoài cạnh tranh không lành mạnh thông qua các khoản trợ cấp ra, thì ép buộc chuyển giao công nghệ và đánh cắp [dữ liệu] qua mạng cũng là những vấn đề nghiêm trọng mà các công ty làm ăn với Trung Quốc phải đối mặt. Trong những trường hợp này, khó có một doanh nghiệp nào có thể cạnh tranh được với Trung Cộng. Họ cần phải có sự ủng hộ của nước nhà. Điều họ cần các nước nhà hỗ trợ vượt xa các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp truyền thống để giải quyết các tranh chấp thương mại. Điều này đòi hỏi các nước nhà phải xây dựng một chính sách thống nhất đối với Trung Cộng, giống như cách mà Hoa Kỳ đã chiến đấu với Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.
Kết luận
Chuyên gia về Trung Quốc Trình Hiểu Nông (Cheng Xiaonong) chỉ ra rằng kể từ khi bắt đầu toàn cầu hóa kinh tế vào thập niên 1970, Trung Quốc đã trở thành “công xưởng của thế giới” dưới chế độ chuyên quyền của Trung Cộng, vốn có tham vọng toàn cầu. Kết quả là, toàn cầu hóa kinh tế đã rơi vào cái bẫy của Trung Cộng, Trung Cộng sử dụng toàn cầu hóa kinh tế như một công cụ để kiểm soát các quốc gia khác về mặt chính trị và kinh tế.
Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế phải chú ý đến vấn đề này. Họ cần phải kiềm chế một cách có chiến lược sự thao túng của Trung Cộng đối với toàn cầu hóa kinh tế. Khi đó sẽ rất khó để việc ép buộc kinh tế của Trung Cộng có bất kỳ tác dụng nào.
Tác giả Vương Hà (Wang He) có bằng thạc sĩ về luật và lịch sử, chuyên nghiên cứu về phong trào cộng sản quốc tế. Ông từng là giảng viên đại học và là nhà quản lý của một công ty tư nhân lớn ở Trung Quốc. Ông đã bị bỏ tù ở Trung Quốc hai lần vì đức tin của mình. Ông Vương hiện sống ở Bắc Mỹ và đã xuất bản các bài bình luận về các vấn đề thời sự và chính trị của Trung Quốc kể từ năm 2017.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Nguồn:Vương Hà@ePochTimes thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch