Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, December 22, 2024

Ủng hộ Đài Loan, nhưng TT Mỹ tránh vượt qua « lằn ranh đỏ » của Bắc Kinh


Phái viên đặc biệt của tổng thống Mỹ, cựu thứ trưởng ngoại giao, Richard Armitage, trong chuyến công du Đài Loan, ngày 15/04/2021. AFP – ANN WANG.

Từ một tuần nay, chính quyền của tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden liên tục có các động thái khẳng định hậu thuẫn mạnh mẽ Đài Loan, vùng lãnh thổ có chính quyền được bầu lên bằng con đường dân chủ, và đang bị Trung Quốc đe dọa sát nhập bằng vũ lực. Tổng thống Mỹ cử phái đoàn không chính thức đến hòn đảo, ra tuyên bố chung liên quan đến Đài Loan cùng thủ tướng Nhật.

Các động thái khiến Bắc Kinh phản ứng dữ dội, như các hành động khiêu khích mới. Thế nhưng, theo giới quan sát, ông Biden vẫn tránh không đi quá lằn ranh đỏ của Bắc Kinh : Đó là không công khai khẳng định nước Mỹ sẽ đưa quân đội bảo vệ Đài Loan trong trường hợp hòn đảo bị tấn công.

Hai sự kiện đặc biệt trong quan hệ Mỹ – Đài trong tuần qua, diễn ra chỉ cách nhau một ngày. Ngày 15/04/2021, một phái đoàn Mỹ, bao gồm cựu thượng nghị sĩ Chris Dodd, người thân cận của tổng thống Joe Biden, cùng hai cựu thứ trưởng ngoại giao Richard Armitage và James Steinberg, viếng thăm Đài Bắc, gặp tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn với sứ mạng chuyển đến Đài Loan thông điệp riêng của tổng thống, nhằm khẳng định Hoa Kỳ là « một người bạn đáng tin cậy » của Đài Loan.

Khuyên Đài Loan « thận trọng » với Trung Quốc

Cựu thượng nghị sĩ Chris Dodd khẳng định với chính quyền Đài Bắc là Washington sẽ hậu thuẫn Đài Loan trong việc « mở rộng không gian quốc tế » và « hỗ trợ Đài Bắc tự vệ ». Người được tổng thống Biden ủy nhiệm viếng thăm Đài Loan cũng bày tỏ hy vọng tiếp sau chuyến đi này, Washington sẽ có dịp đón tiếp một quan chức Đài Loan. Tuy nhiên, nhà báo Pierre-Antoine Donnet, trong bài viết trên Asialyst, trang mạng chuyên về chính trị châu Á (« Cử đặc phái viên đến Đài Bắc, gặp Suga : Biden thể hiện thái độ ủng hộ thận trọng với Đài Loan »), chú ý đến thông điệp quan trọng chủ yếu mà cựu thượng nghị sĩ Mỹ muốn chuyển đến chính quyền Đài Bắc, cùng với cam kết hậu thuẫn, đó là Đài Loan cần có « thái độ thận trọng » trước Trung Quốc.

Chuyến viếng thăm của các vị khách Washington diễn ra đúng vào lúc Trung Quốc đang giương oai diễu võ tại nhiều khu vực kế cận hòn đảo. Ngày 15/04, đúng vào ngày ông Chris Dodd đến Đài Loan, quân đội Trung Quốc khai màn cuộc tập trận bắn đạn thật trên biển, kéo dài 5 ngày, tại khu vực phía đông nam hòn đảo. Trước đó, ngày 12/04, Bắc Kinh huy động 25 chiến đấu cơ xâm nhập vào khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan, mức chưa từng thấy.

Diễn biến quan trọng thứ hai trong quan hệ Mỹ – Đài : Lần đầu tiên kể từ hơn nửa thế kỷ, Mỹ – Nhật ra tuyên bố chung trực tiếp nhắc đến Đài Loan. Tuyên bố được đưa ra ngày 16/04, nhân chuyến công du của thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. Tuyên bố chung khẳng định Mỹ – Nhật « kiên quyết cùng chung sức đối phó với các thách thức do Trung Quốc đặt ra như vấn đề Biển Hoa Đông, Biển Đông, Bắc Triều Tiên ». Về Đài Loan, hai bên chỉ nhấn mạnh đến « tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan », với việc cổ vũ cho một giải pháp ôn hòa. Hai đồng minh Mỹ – Nhật hoàn toàn tránh nêu ra khả năng can thiệp quân sự để bảo vệ Đài Loan, trong trường hợp cựu thuộc địa của Nhật Bản bị Trung Quốc tấn công.

Lập trường « mập mờ về chiến lược » của Mỹ

Ngay sau tuyên bố chung Mỹ – Nhật, đại sứ Trung Quốc tại Washington đã phản ứng dữ dội, khi ra thông cáo khẳng định Bắc Kinh « cực lực phản đối » bản tuyên bố chung này, bản tuyên bố được coi là khiến cho quan hệ song phương Mỹ – Trung khó được bình thường hóa trở lại. Theo nhà báo Pierre-Antoine Donnet, việc Mỹ – Nhật ra một tuyên bố chung liên quan đến Đài Loan, với các lời lẽ mềm mại, tránh vượt qua « lằn ranh đỏ » của Trung Quốc có thể một phần quan trọng là do Washington đã cân nhắc đến mối quan hệ kinh tế, thương mại mật thiết giữa Nhật Bản và Trung Quốc, đối tác thương mại số một của Tokyo. Một giới chức cao cấp trong bộ Ngoại Giao Nhật Bản cho biết, trước chuyến công du Hoa Kỳ của thủ tướng Nhật, trong nội bộ đảng Tự Do – Dân Chủ cầm quyền đã có nhiều tranh luận về việc Tokyo có nên cùng Washington đưa ra các cam kết mạnh về Đài Loan hay không.

Tuy nhiên, việc Hoa Kỳ không công khai khẳng định nước Mỹ sẽ đưa quân đội bảo vệ Đài Loan trong trường hợp hòn đảo bị tấn công trên thực tế cũng nằm trong điều mà giới quan sát gọi là lập trường « mập mờ về chiến lược » lâu nay của Washington về Đài Loan, về quan hệ hai bờ eo biển. Chiến lược nói trên của Washington, ra đời từ hơn nửa thế kỷ nay, có mục tiêu một mặt ngăn cản hòn đảo tuyên bố độc lập, mặt khác, không để Trung Quốc dùng vũ lực đơn phương sáp nhập Đài Loan. Ngày 11/04/2021, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken một lần nữa nhấn mạnh nguyên tắc này : « Sẽ là một sai lầm nghiêm trọng đối với bất cứ ai mưu toan thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực ».

Trong « Chỉ dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời » công bố đầu tháng 3/2021, Nhà Trắng chỉ duy nhất một lần nêu tên Đài Loan, với khằng định chung chung là Washing « sẽ hậu thuẫn » Đài Loan, « tiếp tục các cam kết của Hoa Kỳ từ lâu », nhưng không đưa ra một biện pháp cụ thể nào. Lằn ranh đỏ của Trung Quốc dường như cũng trùng với giới hạn mà chính quyền Mỹ chấp nhận, nhằm duy trì nguyên trạng tại khu vực này.

Bắc Kinh giương oai diễu võ chỉ để ngăn Đài Loan tuyên bố độc lập ?

Tuy nhiên, liệu Wahsington có tiếp tục chủ trương không vượt qua lằn răn đỏ nói trên, trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng đe dọa thôn tính hòn đảo bằng vũ lực ? Báo Le Monde, trong một bài phân tích mang tựa đề « Đài Loan, nằm trong tâm điểm căng thẳng Trung – Mỹ » (ngày 15/04) cho biết, hiện tại trong giới tư vấn chính trị tại Hoa Kỳ đang diễn ra nhiều tranh luận về việc nước Mỹ có nên từ bỏ thái độ « mập mờ về chiến lược » về Đài Loan, vốn hình thành vào một thời kỳ, mà tiềm năng quân sự của Trung Quốc là không đáng sợ với nước Mỹ. Hiện nay, nguy cơ Trung Quốc xâm lược Đài Loan là không thể loại trừ. Ngày 09/03, trước Quốc Hội Mỹ, một chỉ huy quân đội Mỹ khẳng định Đài Loan có thể bị quân đội Trung Quốc tấn công « trong sáu năm tới ».

Tháng 9/2020, ông Richard Haas, chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations) kêu gọi đã đến lúc Washington đưa ra một chiến lược « minh bạch », khẳng định rõ là Hoa Kỳ sẽ phản ứng chống lại mọi can thiệp quân sự của Trung Quốc chống Đài Loan, cho dù Mỹ vẫn duy trì quan điểm chỉ có « một nước Trung Hoa ».

Ngược lại, nhiều chuyên gia tỏ ra dè dặt hơn trước khả năng Trung Quốc mạo hiểm can thiệp quân sự chống Đài Loan. Mới đây, ba chuyên gia nổi tiếng Richard Bush (Brookings Institution), Bonnie Glaser (Center for Strategic and International Studies) và Ryan Hass (cựu cố vấn của tổng thống Obama) đưa ra một phân tích khẳng định « ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc với Đài Loan hiện nay, và trong thời gian gần, là không để cho hòn đảo tuyên bố độc lập hơn là áp đặt thống nhất bằng sức mạnh ».

Nguồn: RFI/Trọng Thành

Tags: ,

More Stories From Bình Luận

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh