Vì sao tâm lý bài Trung gia tăng ở một số nước Châu Á?
Posted by Luu HoanPho, May 10, 2021, Comments Off
Người dân biểu tình phản đối Dự luật Đặc khu vì lo ngại người Trung Quốc sẽ được thuê đất lên đến 99 năm. Cuộc biểu tình ở TPHCM hôm 10/6/2018. AFP.
Người Hàn Quốc bài Trung
Hàn Quốc đang chứng kiến một làn sóng bài Trung dâng cao trong bối cảnh hàng loạt các sự kiện gần đây đã châm ngòi cho những xung đột về văn hóa giữa người dân hai nước. Các chuyên gia nhận định tâm lý bài Trung đã ăn sâu vào tiềm thức của người Hàn Quốc trong một thời gian dài, nhưng phải đến gần đây mới bùng phát và lan rộng do sự bùng nổ của mạng Internet khiến mọi người dân đều có thể dễ dàng bày tỏ quan điểm của mình.
Tâm lý bài Trung ở Hàn Quốc gần đây gia tăng bắt nguồn từ những tranh cãi liên quan đến việc xây dựng một khu phức hợp du lịch quy mô lớn với tên gọi “Trung Quốc thu nhỏ trong lòng Gangwon”. Tính đến ngày 26/4, đã có hơn 660.000 người ký vào một bản kiến nghị trực tuyến đăng tải trên trang mạng của Phủ Tổng thống để yêu cầu hủy bỏ dự án này. Theo quy định, nếu một bản kiến nghị có được hơn 200.000 chữ ký trong 30 ngày, Văn phòng Tổng thống hoặc một cơ liên quan của chính phủ phải có trách nhiệm đưa ra câu trả lời chính thức.
Theo kế hoạch, chính quyền tỉnh Gangwon phê duyệt và giao nhà thầu địa phương Kolon Global thực hiện dự án với mục đích là xây dựng “Phố Văn hóa Hàn–Trung” có diện tích 1,2 km2, đặt tại thành phố Chuncheon. Dự án bao gồm khu trải nghiệm văn hoá Hàn-Trung, khu vui chơi, ăn uống, giải trí và khách sạn cho khách du lịch Trung Quốc và được dự kiến hoàn thành trước năm 2022. Để triển khai, Kolon Global đã ký Bản ghi nhớ với tờ Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) vào năm 2018 và thành lập một công ty có “mục đích đặc biệt” vào năm ngoái.
Tác giả của bản kiến nghị nêu quan điểm người dân Hàn Quốc không hiểu tại sao đất nước mình phải cung cấp những trải nghiệm văn hóa Trung Hoa cho khách du lịch, hoặc tại sao cần có “một Trung Quốc thu nhỏ trong lòng Hàn Quốc”. Mặc dù dự án đã được đề xuất từ đầu những năm 2010, nhưng gần đây mới nổi lên thành vấn đề nóng khi các bài đăng trên Instagram kêu gọi mọi người chú ý đến dự án và theo đó các tiếng nói ủng hộ bản kiến nghị đã lan truyền một cách mạnh mẽ.
Các chuyên gia cho rằng các cuộc tranh cãi về văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ hơn và với quy mô lớn hơn so với trước đây do sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội. Giáo sư Lee Kee-woong, làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Sungkonghoe, nhận định: “Tâm lý chống Trung Quốc đã hình thành trong xã hội Hàn Quốc từ lâu, nhưng khác biệt giữa quá khứ và hiện tại là các cuộc xung đột gần đây đã bùng phát mạnh mẽ hơn rất nhiều”. Trước đây, chỉ có các phương tiện truyền thông, giới trí thức hoặc những người có quyền phát biểu trước công chúng mới có thể đưa ra thông điệp. Tuy nhiên, hiện nay bất kỳ ai cũng có thể nhanh chóng truyền tải thông điệp của mình bằng ngôn ngữ và cách biểu đạt riêng. Theo Giáo sư Lee Kee-woong, khi xu hướng này trở nên phổ biến hơn trong cộng đồng mạng, “tâm lý bài Trung sâu sắc trong lòng người dân Hàn Quốc đã bùng phát, kéo theo đó là các cuộc tranh luận gay gắt với nhiều đề tài hơn so với trước đây”.
Theo giáo sư Seo Kyung-duk, làm việc tại Đại học nữ sinh Sungshin, đồng thời cũng là nhà vận động công nhận các vấn đề liên quan đến lịch sử và văn hóa Hàn Quốc, tâm lý chống Trung Quốc của người dân “xứ sở Kim chi” đang gia tăng và mở rộng sang nhiều lĩnh vực khi ngày càng có nhiều người sử dụng mạng Internet. Vị giáo sư này cho biết thêm: “Khi Trung Quốc khởi động dự án Đông Bắc vào đầu những năm 2000, tâm lý bài Trung ở Hàn Quốc chủ yếu liên quan đến các vấn đề lịch sử”. Cụ thể, đó là dự án nghiên cứu của Bắc Kinh về lịch sử và hiện trạng vùng biên giới Đông Bắc, vốn bị chỉ trích vì đã cố gắng bóp méo lịch sử Hàn Quốc và biến vùng biên này trở thành một phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Người Ấn bài Trung
Năm 2020, sau những căng thẳng và xung đột giữa lực lượng quân đội dẫn tới chết người tại khu vực biên giới Trung – Ấn, người dân Ấn Độ đã kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc và Chính phủ Ấn Độ đã cam đoan sẽ chặn đầu tư và tăng thêm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc sau vụ đụng độ chết người này.
Người dân Ấn Độ biểu tình phản đối Trung Quốc với hình của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình ở Ahmedabad hôm 24/6/2020. AFP
Bộ Truyền thông Ấn Độ cũng yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nhà nước và tư nhân loại bỏ tất cả các hợp đồng sẽ ký với Trung Quốc trong tương lai. Các nhà thầu Trung Quốc cũng sẽ bị cấm tham gia nhiều dự án trong thời gian tới, bao gồm cả dự án nâng cấp mạng lưới 4G hiện tại của Ấn Độ.
Làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc nổi lên từ đầu tháng 5, khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng lực lượng ở vùng biên giới tranh chấp tại tỉnh Ladakh, dẫn đến nhiều vụ chạm trán giữa binh lính hai bên. Một ứng dụng của Ấn Độ cho phép người dùng tìm kiếm và xóa bỏ các ứng dụng có nguồn gốc Trung Quốc đã đạt 5 triệu lượt tải trước khi bị Google gỡ bỏ.
Với diễn biến bạo lực đẫm máu mới đây, làn sóng này trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, với sự hưởng ứng từ cả phía chính quyền.
Người Việt bài Trung
Người Việt Nam đã có tư tưởng và ý thức chống lại Trung Quốc từ rất lâu đời. Điều này bắt nguồn từ lịch sử hàng ngàn năm bị Trung Quốc xâm chiếm, cai trị và người Việt đã đứng lên để chống lại sự xâm lược từ Trung Quốc. Mặc dù chính quyền Việt Nam cố gắng tìm cách xoa dịu tâm lý bài Trung của người Việt Nam nhưng các hành động của Bắc Kinh như đổ thêm dầu vào lửa. Những cuộc tấn công liên miên của Trung Quốc như chiến tranh biên giới năm 1979, tấn công và chiếm đảo Gạc Ma năm 1988 đã khiến người dân Việt Nam ngày càng căm ghét Trung Quốc. Thêm nữa, âm mưu và dã tâm chiếm đoạt biển Đông của Bắc Kinh lại càng khiến người dân Việt Nam khó cảm tình được với Trung Quốc. Những cuộc xuống đường năm 2014 của người dân khi Trung Quốc cho hạ đặt giàn khoan HD 981 vào ngay vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là những minh chứng tiêu biểu.
Ngày 10/6/2018, đồng loạt người dân cả nước đã xuống đường biểu tình chống lại Luật Đặc Khu, với lo ngại các đặc khu này sẽ là công cụ để cho Bắc Kinh chi phối và xâm lược Việt Nam từ từ không thông qua cuộc chiến quân sự.
Gần đây, trước các thông tin về bản đồ của hãng thời trang H&M tại Trung Quốc xuất hiện thông tin về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không đúng sự thật, nhiều người Việt Nam đã lên tiếng đòi tẩy chay thương hiệu này cũng vì yếu tố Trung Quốc.
Vì sao người dân châu Á có thái độ thù địch với Trung Quốc như vậy?
Một câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều người dân tại châu Á lại có tâm lý bài Trung Quốc như vậy?
Giáo sư Lee Kee-woong chỉ ra rằng tâm lý bài Trung ở Hàn Quốc gắn liền với “Giấc mộng Trung Hoa” mà Bắc Kinh đang theo đuổi. Thuật ngữ này là châm ngôn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thường được hiểu là ám chỉ vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Giáo sư Seo Kyung-duk cũng lưu ý rằng xung đột còn tiếp tục kéo dài chừng nào Trung Quốc còn nuôi dưỡng niềm tin rằng nước này là trung tâm của vũ trụ, với nội hàm là Trung Quốc là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của thế giới. Ông nói: “Thay vì tìm kiếm một giải pháp cơ bản, các nước láng giềng cần lên tiếng phản đối Trung Quốc về những quan điểm xuyên tạc hoặc xem thường các quốc gia khác, đồng thời hối thúc Trung Quốc tôn trọng giá trị của các nền văn hóa khác”.
Kỹ sư người Ấn – ông Sonam Wangchuk, là một người dân tỉnh Ladakh, cho biết Trung Quốc gần đây càng ngày càng ngang ngược. Họ ngang nhiên lấn đất và rào chặn những mảnh đất chăn nuôi dê lâu đời của chúng tôi. “Nếu chúng ta đối phó bằng quân sự, đó là điều họ đã chuẩn bị”, Sonam Wangchuk chia sẻ. “Làm tổn hại về kinh tế mới làm họ ái ngại, Ấn Độ đã chi không biết bao nhiêu tiền nhưng chúng ta cần thoát khỏi cái bẫy của họ và nhìn rõ Trung Quốc là một con sói, một đất nước ăn cướp”.
Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam thì cho rằng: “Thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay xem hành vi xâm lăng của Trung Quốc ở Biển Đông là một mối đe dọa trên sự tồn tại của chủ quyền Việt Nam. Việc Trung Quốc xây dựng và quân sự hoá 7 hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa gần các thực thể do Việt Nam kiểm soát được xem như là bằng chứng về mối đe dọa này. Tâm lý chống Trung Quốc còn dựa trên suy nghĩ cho rằng chế độ hiện tại không tích cực bảo vệ sự toàn vẹn và chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Chính quyền Việt Nam có thể là đã chiến thắng trước tòa án công luận thế giới vào năm 2014, nhưng sau đó lại lùi bước trước áp lực của Trung Quốc trong hai năm 2017 và 2018, khi đình chỉ thăm dò dầu khí trong vùng biển quanh Bãi Tư Chính (Vanguard Bank).”
Nguồn: Phạm Thế Duy @ RFA