Việt Nam kêu gọi châu Á hỗ trợ để sớm có Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông
Posted by Luu HoanPho, May 20, 2021, Comments Off
Bản đề minh họa yêu sách chủ quyền của các quốc gia ven Biển Đông. RFI.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hôm nay 20/05/2021 kêu gọi thúc đẩy thương mại, duy trì hòa bình tại Biển Đông và đặc biệt là sớm ký kết Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Bên cạnh đó ông cũng cổ vũ các nước “gác lại một bên những bất đồng” để chống đại dịch Covid.
Theo báo Nikkei, trong Hội nghị quốc tế vì tương lai châu Á lần thứ 26 được tổ chức trực tuyến, ông Phạm Minh Chính, vừa nhậm chức thủ tướng Việt Nam vào tháng Tư, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định tại Biển Đông, nơi Việt Nam và Trung Quốc vẫn căng thẳng trong vấn đề chủ quyền.
Ông Phạm Minh Chính tuyên bố “cần phải giải quyết các khác biệt bằng các giải pháp hòa bình”, tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Nhắc đến các cơ chế hợp tác đa phương, ông đề nghị “có sự phối hợp chặt chẽ để sớm ký kết được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)“. Thủ tướng Việt Nam cũng khẳng định cần bảo vệ “quyền tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông“.
Báo Nhật Nikkei nhấn mạnh là “các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông đã bế tắc từ nhiều năm qua“, trong khi Trung Quốc tiếp tục các hành động bành trướng, quân sự hóa các đảo nhân tạo tại Trường Sa, tiến hành nhiều cuộc tập trận, đe dọa láng giềng trên vùng biển chiến lược này.
Song song đó, ông Phạm Minh Chính cũng cho rằng sự phục hồi của châu Á sau đại dịch Covid tùy thuộc phần lớn vào khả năng duy trì đầu tư thương mại trong và ngoài khu vực. Theo ông, các hiệp định thương mại quốc tế như CPATPP, RCEP sẽ giúp đẩy nhanh hồi phục kinh tế và tiến trình phát triển của khu vực.
Việt Nam đã đối phó hiệu quả trước đại dịch, giúp tăng trưởng tiếp tục 2,9% trong năm 2020, nhưng chính quyền đang lo ngại trước các ca nhiễm biến chủng mới gia tăng. Ưu tiên hàng đầu hiện nay là đảm bảo nguồn cung vac-xin.
Hội nghị quốc tế vì tương lai châu Á là diễn đàn chính sách thường niên được Nhật Bản tổ chức. Hội nghị năm nay, có sự tham dự của lãnh đạo các nước Việt Nam, Singapore, Malaysia, Pakistan, Nepal, Sri Lanka, Lào, Thái Lan, Cam Bốt.
Nguồn: RFI/Thụy My