Các cơ quan giám sát Trung Cộng kiểm soát các đại công ty công nghệ
Posted by Luu HoanPho, May 26, 2021, Comments Off
Logo của công ty thanh toán kỹ thuật số Alipay của Trung Quốc bên ngoài văn phòng của công ty mẹ Ant Group ở Thượng Hải ngày 04/11/2020. (Ảnh: Hector Retamal/AFP qua Getty Images)
Bắc Kinh đã bắt đầu kiềm chế các công ty công nghệ của Trung Quốc, phạt tiền, và yêu cầu các công ty thay đổi cấu trúc do vi phạm luật chống-độc-quyền và các vi phạm khác.
Nhưng điểm chung trong các biện pháp giám sát lĩnh vực công nghệ gần đây, bất kể các cáo buộc trên bề mặt như thế nào, là Trung Cộng muốn kiểm soát các công ty và dữ liệu của họ.
Ngày càng có nhiều sự giám sát đối với ngành công nghệ của Trung Quốc. Về căn bản, họ đã bắt đầu vào năm ngoái với việc cho ngưng đợt IPO của tập đoàn Ant Group. Sau đó, các nhà giám sát Bắc Kinh đã công bố hướng dẫn về việc điều chỉnh các công ty công nghệ tài chính, để ngăn chặn bất kỳ công ty nào trở nên quá mạnh, và để bảo vệ lợi ích và mô hình kinh doanh của các ngân hàng thương mại của đất nước này.
Sau đó vào tháng 1/2021, Trung Cộng tuyên bố rằng họ đang tham gia cùng với nhiều công ty công nghệ để ngăn chặn “độc quyền,” thúc đẩy “cạnh tranh lành mạnh,” và bảo đảm sự tăng trưởng của các công ty công nghệ phù hợp với lợi ích của Trung Quốc. Những quy định này đem lại lợi ích như thế nào cho người tiêu dùng đầu cuối vẫn chưa rõ ràng.
Vào tháng 03/2021, Cục Quản lý Thị trường Nhà nước (SAMR) đã đưa ra mức phạt 500,000 nhân dân tệ (80,000 USD) mỗi công ty – mức cao nhất được phép theo luật hiện hành – đối với 12 công ty vì hoàn thành các giao dịch thâu tóm mà không thông báo hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Các công ty bị phạt bao gồm các đại công ty internet Baidu, Tencent, và công ty dịch vụ gọi xe Didi Chuxing. Trong khi các khoản tiền phạt là nhỏ, nhưng ý nghĩa của chúng thì lại không.
Vào tháng 04/2021, sau nhiều tháng xích mích giữa Trung Cộng và Alibaba, cũng như với người sáng lập Jack Ma, các cơ quan giám sát đã đưa ra khoản tiền phạt 2.75 tỷ USD – đó là USD, chứ không phải nhân dân tệ – đối với Alibaba vì tham gia vào các hoạt động “độc quyền” bằng cách khóa chân khách hàng của mình trong hệ sinh thái của công ty. Đó là khoản tiền phạt lớn nhất chưa từng được một chính phủ nào đưa ra đối với một tập đoàn ở Đông Á.
Reuters đưa tin vào cuối tháng 04/2021 rằng một khoản tiền phạt lớn cũng đang được lên kế hoạch cho chủ sở hữu WeChat và đại công ty game di động Tencent. Khoản tiền phạt SAMR dự kiến sẽ nằm trong khoảng 1.5 tỷ USD, nhỏ hơn nhiều so với mức phạt của Alibaba, nhưng vẫn là một số tiền đáng kể. Khoản tiền phạt được cho là có liên quan đến các cáo buộc về hành vi độc quyền trong hoạt động kinh doanh âm nhạc trực tuyến của Tencent.
Cuộc đàn áp đột ngột đối với lĩnh vực công nghệ trong nước của Trung Quốc được thực hiện một cách mạnh tay, và là một cách khác để lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình nhắc nhở giới công nghệ quyền lực rằng Trung Cộng đang nắm quyền, và những thành công trong quá khứ và tiếp theo của họ vẫn phải làm hài lòng Đảng.
Bề ngoài, Trung Cộng muốn kiềm chế Jack Ma, người có vị thế lớn phi thường cùng những lời chỉ trích đối với các cơ quan giám sát đã trở thành cái gai đối với phía Bắc Kinh. Nhưng nhà cầm quyền Bắc Kinh thực sự muốn thứ gì đó hữu ích hơn nữa.
Trở lại với Ant, công ty đang đàm phán với các cơ quan giám sát để tổ chức lại công ty sau khi hủy đợt IPO vào năm ngoái (2020). Theo một báo cáo gần đây của Financial Times, trích dẫn từ những người thân cận với các cuộc đàm phán đang diễn ra, như một phần của quá trình tái cấu trúc, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc muốn Ant giao dữ liệu người dùng của mình – tài sản có giá trị nhất của bất kỳ công ty internet nào – cho một công ty giám sát tín dụng do nhà nước kiểm soát thuộc ngân hàng trung ương quản lý.
Xin nhắc lại, người tiêu dùng Trung Quốc đã chấp nhận thanh toán di động với tỷ lệ cao hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia khác. WeChat và Alipay có thể được sử dụng để thanh toán cho nhiều hàng hóa và dịch vụ. Những đại công ty công nghệ của Trung Quốc có cả kho dữ liệu về người sử dụng là những người tiêu dùng của đất nước.
Alibaba và Tencent có chia sẻ dữ liệu người dùng với nhà cầm quyền Bắc Kinh khi được yêu cầu, và họ đã thiết lập các giám sát nội bộ theo các thông số kỹ thuật của cơ quan quản lý. Nhưng cuối cùng các công ty vẫn sở hữu và kiểm soát dữ liệu. Và nếu dữ liệu là vũ khí tối thượng của thời đại thông tin, thì sức mạnh của những đại công ty công nghệ này có thể sánh ngang với sức mạnh của Trung Cộng. Hơn nữa, nếu các nhà lãnh đạo công ty này mà có hành vi sai trái, thì đó sẽ là tin xấu cho Bắc Kinh. Vì vậy, Trung Cộng đã tìm cách giảm bớt ảnh hưởng và quyền lực của các nền tảng này.
Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số được thử nghiệm gần đây của Trung Quốc là một bước tiến lớn trong việc cạnh tranh với các nền tảng này và tăng mức độ giám sát và thu thập dữ liệu của người tiêu dùng.
Các giải pháp thanh toán cũ hoặc ngay cả các giải pháp kỹ thuật số, không hoàn toàn cung cấp cho Trung Cộng mức độ kiểm soát và dữ liệu mà họ mong muốn. Nhưng theo một nghiên cứu năm 2020 do Trung tâm Chính sách mạng Quốc tế của Viện Chính sách Chiến lược Úc công bố, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc có thể “tạo ra cơ hội giám sát chưa từng có.”
Còn quá sớm để nói về loại xung đột sẽ xảy ra giữa đồng nhân dân tệ kỹ thuật số và các nền tảng công nghệ tiêu dùng của Trung Quốc, nhưng lộ trình kiểm soát của Trung Cộng thì hoàn toàn rõ ràng.
Bắc Kinh sẽ sớm tung ra đồng tiền kỹ thuật số của mình. Họ đã khai triển hệ thống tín dụng xã hội được đề ra năm 2018. Họ đang đặt những vòng kiềm tỏa quanh các đại công ty thanh toán và Internet của Trung Quốc như Alibaba, Tencent, và Baidu; tất cả các công ty này đều buộc phải tích hợp chương trình theo dõi của chính phủ vào hệ thống dữ liệu hành vi của người tiêu dùng. Sự giám sát và các hình phạt gần đây của Trung Cộng đối với các công ty công nghệ phi tài chính là một cảnh báo khác rằng họ phải hợp tác với chính phủ – công ty Didi với dữ liệu liên quan đến taxi và vị trí, Meituan với dữ liệu ăn uống và tạp hóa, JD.com với dữ liệu mua sắm trực tuyến, v.v.
Nói cách khác, khi Ủy ban giám sát ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc vào tháng 01/2021 cho biết họ không nhắm mục tiêu cụ thể vào Jack Ma hay Ant Group, thì cơ quan này thực sự có ý là, và trên thực tế, đang nhắm vào tất cả mọi người.
Quan điểm trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Nguồn: Fan Yu@ePochTimes
Lý Bình biên dịch