Tưởng niệm Thiên An Môn : Người dân Hồng Kông sẽ không bỏ cuộc
Posted by Luu HoanPho, Jun 4, 2021, Comments Off
Luật sư Trâu Hạnh Đồng (Chow Hang Tung) thắp nến tưởng niệm vụ Thiên An Môn. Ảnh công bố ngày 03/06/2021. Luật Sư Trâu là thành viên ban lãnh đạo Liên minh Hồng Kông Ủng hộ các Phong trào dân chủ yêu nước. REUTERS – LAM YIK.
Cũng như nhiều tờ báo khác, Le Figaro hôm nay nói nhiều về thời sự nước Pháp. Nhìn ra quốc tế, hồ sơ được Le Figaro đặc biệt quan tâm là tại Israel lãnh đạo phe đối lập đã lập được liên minh nhằm loại thủ tướng Benjamin Netanyahu, cầm quyền từ 12 năm nay. Le Figaro chạy tựa trang nhất « Tại Israel, Netanyahu một mình chống lại tất cả ». Nhìn sang châu Á, đáng chú ý là bài viết nhân 32 năm vụ thảm sát Thiên An Môn tại Bắc Kinh, Trung Quốc năm 1989.
Trong bài viết « Vụ Thiên An Môn : Hồng Kông tưởng nhớ trong im lặng », Le Figaro cho biết năm nay người dân Hồng Kông tưởng niệm sự kiện đau thương năm 1989 « không nến, không diễn văn » : Cảnh sát lấy lý do dịch bệnh Covid-19 đã cấm mọi cuộc tụ tập đông người trong ngày hôm nay 04/06, ai vi phạm sẽ bị phạt tù 5 năm. Chính quyền cũng huy động hơn 3.000 cảnh sát để ngăn chặn các hoạt động tưởng niệm.
Bảo tàng duy nhất thế giới về vụ Thiên An Môn bị đóng cửa
Ông Richard Tsoi, thư ký Liên minh Hồng Kông Ủng hộ các Phong trào dân chủ yêu nước tại Trung Quốc, nhà tổ chức lễ canh thức tưởng niệm thường niên vụ Thiên An Môn, cho biết : « Chúng tôi tổ chức lễ canh thức từ năm 1990 và đây là năm đầu tiên nhà chức trách không cấp giấy phép tổ chức. Rõ ràng là có những sự cân nhắc chính trị sau sự cấm đoán này ».
Để lách lệnh cấm của chính quyền, Liên minh Hồng Kông Ủng hộ các Phong trào dân chủ yêu nước tại Trung Quốc (Hong Kong Alliance in Support of Patriotic Democratic Movements of China) đã tổ chức một cuộc triển lãm đặc biệt trong Bảo tàng ngày 04/06 của họ, bảo tàng duy nhất trên thế giới dành cho sự kiện Thiên An Môn. Người dân có thể đến bảo tàng đặt một bông hoa tưởng niệm các nạn nhân Thiên An Môn.
Nhưng đến hôm thứ Ba 01/06, cảnh sát đến ập đến bảo tàng và cho rằng bảo tàng chưa được cấp giấy phép. Ông Richard Tsoi khẳng định : « Đây là điều chưa từng được nói tới. Bảo tàng mở cửa từ năm 2016 và chúng tôi chưa bao giờ gặp vấn đề với nhà chức trách ». Kể từ hôm 01/06, bảo tàng 04/06 đã bị đóng cửa.
Mỗi người một cách tưởng niệm, dù bị cấm đoán
Theo Le Figaro, tuy bị chính quyền cấm đoán, nhưng nhiều người dân đặc khu hành chính vẫn dự định tưởng niệm vụ Thiên An Môn theo một cách riêng nào đó. Một cô gái 19 tuổi tên là Yan cho biết : « Tối 04/06, tôi sẽ mặc áo đen, thắp nến ở nhà tôi và cầu nguyện cho các nạn nhân ». Một người làm nghề quảng cáo, 54 tuổi, thì cho biết ông sẽ xuống phố và bật đèn điện thoại hướng lên bầu trời. Ông xúc động nói : « Tôi không muốn nhớ đến những sự kiện này, nhưng tôi không thể quên được, chúng khắc sâu trong tâm trí tôi cứ như thể mọi chuyện mới vừa xảy ra hôm qua ».
Còn cô Yan khẳng định : « Chúng tôi có nghĩa vụ tưởng niệm vụ thảm sát này bởi chính phủ Trung Quốc đang tìm cách phủ nhận sự tồn tại của vụ thảm sát và rất nhiều thanh niên ở Trung Quốc thậm chí còn không biết chuyện gì đã xảy ra. Chúng tôi cần hành động để thảm kịch này sẽ còn được nhớ mãi ». Một thanh niên 16 tuổi mới đây mới biết đến sự kiện bi thương năm 1989 nghĩ rằng cần tiếp tục tưởng niệm vụ Thiên An Môn để người dân Hồng Kông ý thức được hơn về lịch sử của riêng họ và hiểu rằng cần phải đấu tranh để duy trì, gìn giữ hệ thống của riêng Hồng Kông nhằm đối phó với sự tấn công của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Nguy cơ đối với Liên minh Hồng Kông Ủng hộ các Phong trào dân chủ yêu nước
Từ vài tuần nay, nhiều chính trị gia thân Bắc Kinh và nhiều trí thức Trung Quốc thân chế độ ký kêu gọi giải tán Liên minh Hồng Kông Ủng hộ các Phong trào dân chủ yêu nước, với lý do tổ chức này đã kêu gọi lật đổ chế độ độc đảng ở Trung Quốc, tức là vi phạm Luật an ninh quốc gia mới mà Bắc Kinh áp đặt đối với Hồng Kông. Lật đổ chế độ độc đảng chính là một trong những mục tiêu đề ra trong Hiến chương của Liên minh Hồng Kông Ủng hộ các Phong trào dân chủ yêu nước tại Trung Quốc, bên cạnh việc đòi giải phóng cho các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc và buộc tội những người gây ra vụ thảm sát Thiên An Môn.
Tuy nhiên, thư ký Liên minh, ông Richard Tsoi, khẳng định tổ chức của ông sẽ không bao giờ từ bỏ mục tiêu bởi sau 32 năm, vẫn chưa có ai phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát Thiên An Môn. Ông nhấn mạnh Liên minh cần giữ gìn lực lượng cho những cuộc đấu sắp tới. Tuy nhiên, Le Figaro lo ngại Liên minh Hồng Kông Ủng hộ các Phong trào dân chủ yêu nước sẽ gặp nguy hiểm bởi hai trong số các nhà sáng lập tổ chức đã phải ra tòa, vì tổ chức các cuộc biểu tình hồi năm 2019. Bản thân ông Richard Tsoi cũng bị kết án 14 tháng tù treo vì những cáo buộc tương tự.
Giới trẻ Hồng Kông bị trấn áp nhưng không cam chịu
Tình hình Hồng Kông cũng là đề tài được báo Công giáo La Croix đặc biệt quan tâm. Đối với La Croix, việc hủy lễ tưởng niệm 32 năm vụ thảm sát Thiên An Môn vào hôm nay 04/06 khẳng định Hồng Kông đã chuyển thành chế độ độc tài. Mặc dù Luật an ninh quốc gia mới đã đè bẹp phe đối lập, nhưng các tín hiệu phản kháng vẫn còn cả ở trong và ngoài nước.
Co quan truyền thông Hồng Kông HKFP đưa tin đã có 107 vụ bắt giữ liên quan đến luật an ninh quốc gia mới, trong đó có vụ bắt ông trùm tuyền thông báo chí đối lập Jimmy Lai. Nhiều người cho La Croix biết giờ đây mỗi khi ra khỏi nhà tham gia sự kiện gì phải suy nghĩ kỹ xem có sự kiện đó có đáng để phải ngồi tù không.
Nhiều chính trị gia Hồng Kông, nhà bất đồng chính kiến đã phải rời khỏi thành phố. Một người giải thích lý do phải ra đi cho dù việc rời bỏ gia đình và bạn bè là điều rất khó khăn : « Tôi không phải là số một trong danh sách, nhưng có nguy cơ bị truy tố với tội danh dẫn đến án tù chung thân ». Những người này nghĩ rằng ủng hộ sự nghiệp tranh đấu dân chủ cho Hồng Kông ở nước ngoài sẽ hữu ích hơn là từ Hồng Kông.
Nhiều thanh niên bỏ rất nhiều tiền ra để có hộ chiếu BNO sang Anh Quốc. Honcques Laus, 19 tuổi, cho biết : « Tôi tiếp tục chiến đấu. Tôi đã viết thư cho nhiều chính trị gia, kêu gọi thế giới dân chủ áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào các chế độ chuyên chế ở Hồng Kông và Trung Quốc ». Trong số những chính trị gia nhận thư của thanh niên trên có ngoại trưởng Anh Dominic Raab, cựu ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, lãnh đạo ngoại giao châu Âu Josep Borrell.
Nguồn: RFI/Thùy Dương