Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, December 22, 2024

Sự thất bại của chính sách ngoại giao im lặng trước Trung Quốc


Cảnh sát biển Việt Nam đứng quan sát tàu hải cảnh của Trung Quốc gần giàn khoan HD 981 ở khu vực quần đảo Hoàng Sa hôm 15/5/2014

Malaysia công khai phản đối Trung Quốc

Quan hệ Malaysia – Trung Quốc đang trở nên căng thẳng sau sự kiện máy bay Trung Quốc xâm phạm trái phép không phận của quốc gia này.

Hồi cuối tháng 5, Malaysia cho biết 16 máy bay Trung Quốc đã hoạt động trái phép cách Cụm bãi cạn Luconia ở Biển Đông mà phía Malaysia gọi là Beting Patinggi Ali chỉ 60 hải lý. Kuala Lumpur quản lý cụm bãi cạn này song Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền đối với thực thể này. Kuala Lumpur coi sự kiện này là “một mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia và an toàn hàng không”.

Thông tin từ Kuala Lumpur còn cho biết, khi bị lực lượng kiểm soát Malaysia phát hiện, các máy bay Trung Quốc rõ ràng đã được thông báo rằng Trung Quốc đã xâm phạm không phận của Malaysia. Tuy nhiên, các máy bay này không đưa ra phản hồi nào. Hành vi này dường như không tôn trọng chủ quyền các vùng lãnh thổ của Malaysia (1).

Hôm 1/6, Ngoại trưởng Malaysia cho biết nước này sẽ trao công hàm phản đối Bắc Kinh đồng thời triệu Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia để giải thích vụ việc mà Malaysia cho là hành động Trung Quốc “xâm phạm” không phận Malaysia.

Chính sách ngoại giao thầm lặng của Malaysia

Malaysia là một bên liên quan trực tiếp trong tranh chấp biển Đông với Trung Quốc. Bên cạnh các tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, Malaysia có tranh chấp tại bãi cạn Luconia ngoài khơi Sarawak, khu vực này rất giàu tài nguyên hydrocacbon và các nguồn hải sản.

Mặc dù thời gian qua, Malaysia bị các lực lượng Trung Quốc đe doạ và uy hiệp nhiều lần, nhưng Malaysia kiên trì “chính sách ngoại giao im lặng” của mình, tức là Malaysia không hề lên tiếng chính thức trước bất kỳ các động thái hung hăng nào của Trung Quốc trên biển Đông, nhằm giành được những lợi ích kinh tế với quốc gia khổng lồ này.

Các chuyên gia Malaysia cho biết, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và đóng vai trò quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế của Malaysia. Trong cuộc họp trực tuyến vào tháng 5/2021, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói với Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin rằng Trung Quốc sẵn sàng hợp tác sâu rộng với Malaysia về đầu tư, sản xuất, nông nghiệp và hạ tầng hàng hải. Malaysia cũng là một trong những nước đầu tiên được ưu tiên tiếp cận vaccine COVID-19 của Trung Quốc.

2021-03-12T000000Z_1193600444_RC2L9M95C7KV_RTRMADP_3_MALAYSIA-POLITICS.JPG
Hình minh hoạ. Ngoại trưởng Malaysia phát biểu tại họp báo sau cuộc gặp với Ngoại trưởng TQ Vương Nghị hôm 12/9/2019 ở Bắc Kinh. Reuters

Mặc dù, cơ quan chức năng Malaysia cũng cho biết rằng từ năm 2016-2019, cảnh sát biển và tàu hải quân Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng biển Malaysia 89 lần. Đó là chưa kể những hoạt động của các đội tàu đánh cá bất hợp pháp của Trung Quốc tại Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia. Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc được ghi nhận đã theo dõi các hoạt động của tàu khoan dầu West Capella của tập đoàn Petronas hồi năm 2020.

Hiện nay, Trung Quốc không ngừng tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông trong bối cảnh có tranh chấp lãnh thổ với một số nước láng giềng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tháng 4/2021, Trung Quốc đã đưa vào hoạt động 3 tàu khu trục tiên tiến, gồm một tàu tấn công đổ bộ Type 075 tại căn cứ hải quân lớn nhất của nước này ở tỉnh Hải Nam. Điều đó làm tăng thêm suy đoán rằng Trung Quốc có thể triển khai tàu tấn công đổ bộ lớn nhất, với sức chở khoảng 30 trực thăng và hàng trăm binh sĩ đến Biển Đông.

Ngoài ra, theo lực lượng không quân Indonesia, các máy bay nước ngoài đã vi phạm không phận nước này 498 lần trong năm nay tính đến ngày 17 tháng 5, tăng gấp 10 lần so với năm 2014 (2). Các máy bay nước ngoài này chủ yếu là của Trung Quốc.

Trước đó, hồi tháng 3/2021, Philippines cho biết Trung Quốc đã triển khai 220 tàu bán quân sự và tàu đánh cá quanh khu vực là lãnh hải của Manila ở Biển Đông. Manila và Bắc Kinh cũng đã vướng vào cuộc khẩu chiến” kéo dài về vấn đề này. Đến tháng 4, Washington cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào Philippines sẽ buộc Mỹ phải hỗ trợ đồng minh của mình theo một hiệp ước giữa hai nước vốn tồn tại hàng chục năm qua.

Mối lợi kinh tế?

Với việc chính thức lên tiếng phản đối này, dường như Malaysia đã từ bỏ “chính sách ngoại giao im lặng” kéo dài hàng thập kỷ với Trung Quốc khi công khai chỉ trích và thách thức trực tiếp các động thái bành trướng của Bắc Kinh trên khắp Biển Đông. Khác với lập trường tuyên bố chủ quyền quyết liệt” của Việt Nam và Philippines, Malaysia theo đuổi chiến lược tách bạch quan hệ kinh tế với Trung Quốc ra khỏi các tranh chấp, ngay cả khi nhiều lần bùng phát căng thẳng với Trung Quốc liên quan đến việc thăm dò dầu khí ngoài khơi Sarawak (thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia nhưng Bắc Kinh cho là nằm trong yêu sách “đường 9 đoạn”).

Diễn biến này cho thấy “chính sách ngoại giao im lặng” của Malaysia đã không có hiệu quả trước dã tâm bành trướng và xâm chiếm lãnh thổ của Bắc Kinh. “Chính sách ngoại giao im lặng” thực chất chính là sự “khôn lỏi” của Malaysia khi phớt lờ các lợi ích của ASEAN, mà chỉ tập trung vào lợi ích của mình. Có lẽ Malaysia nghĩ rằng, với sự thân thiện của mình, Trung Quốc sẽ không đe doạ tới các khu vực giàu tài nguyên của Malaysia trên biển Đông chăng? Hành động hung hăng vừa rồi của Trung Quốc là câu trả lời rõ ràng nhất cho Malaysia. Mặc dù cách đây không lâu, Ngoại trưởng Malaysia còn công khai gọi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị là “người anh cả” (3), nhưng điều đó cũng không giúp ngăn được dã tâm và sự hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông.

Malaysia sẽ thay đổi chính sách biển Đông?

Với hành động công khai tố cáo Trung Quốc như lần này, liệu Malaysia sẽ “thức tỉnh” trước Trung Quốc?

Mới đây, một chuyên gia Malaysia cho biết rằng, Malaysia sẽ không thể chấm dứt sự “thân thiết” của mình với Trung Quốc. Hiện có ít nhất bốn lĩnh vực mà Trung Quốc và Malaysia vẫn có thể tiếp tục hợp tác, đó là y học cổ truyền Trung Quốc; tiêm phòng vaccine; sử dụng đồng Nhân dân tệ làm đơn vị thanh toán trong mối quan hệ thương mại song phương; và khả năng ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) như Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã hy vọng, lý tưởng nhất là vào thời điểm cuối năm 2021. (4)

Chuyên gia Collin Koh tại Trường Nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam (Singapore) cho rằng động thái của Trung Quốc huy động máy bay bay gần Bãi cạn Luconia có thể là để răn đe các đối thủ tranh chấp: “Vụ việc này nhiều khả năng là nhằm phô trương sức mạnh quân sự, tương phản với lực lượng không quân Malaysia có tiếng là yếu kém và thiếu nguồn lực. Trung Quốc có thể muốn chứng tỏ rằng nước này đang được trang bị tốt hơn trong việc gia tăng sự thống trị trong khu vực”. (5)

Ông Koh nói: “Với tình trạng thiếu vaccine trên toàn cầu, Trung Quốc đã trở thành nguồn cung cấp vaccine quan trọng cho Malaysia. Malaysia có rất nhiều động lực để duy trì mối quan hệ bền vững và thân tình với Trung Quốc và cố gắng không làm chao đảo con thuyền một cách không cần thiết”.

Ông Koh cũng lưu ý rằng hành động của Bắc Kinh phô trương sức mạnh trên Biển Đông” có thể sẽ tiếp tục diễn ra, bất chấp sự giám sát của các nước láng giềng và các nước khác như Mỹ, có vẻ muốn tập hợp các đồng minh chống lại các hành động quyết đoán của Bắc Kinh: “Với sự phục hồi kinh tế và sức mạnh quân sự ngày càng tăng, rõ ràng, Trung Quốc tương đối thoải mái và tự tin về vị thế hiện tại của nước này trên Biển Đông. Trung Quốc có thể dần dần làm giảm quyết tâm chính trị của các đối thủ địa chính trị”. (6)

000_9744K8.jpg
Hình minh hoạ. Tàu dân quân biển của Trung Quốc ở đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa hôm 27/3/2021. AFP

Bài học cho Việt Nam

Căng thẳng lần này giữa Malaysia – Trung Quốc sẽ là bài học tốt cho các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam, đặc biệt về vấn đề biển Đông. Năm 2011, khi tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương lúc đó là ông Nguyễn Thế Kỷ đã đi khắp nơi để “tuyên truyền” cho sự kiện này. Trong phát biểu dài hơn hai tiếng đồng hồ, với yêu cầu không được ghi âm, ghi hình hay phổ biến ra ngoài, ông Nguyễn Thế Kỷ đã cho biết “kế hoạch tinh vi” của Trung Quốc khi lựa chọn thời điểm cắt cáp đúng vào đúng thời gian Người phát ngôn duy nhất của Bộ Ngoại giao Việt Nam lúc đó là bà Nguyễn Phương Nga đang có kỳ nghỉ cuối tuần, và Việt Nam bị “cắt lưỡi” nên không thể lên tiếng phản đối Trung Quốc ngay được. Phải mấy ngày sau khi bị cắt cáp, sau khi kết thúc kỳ nghỉ cuối tuần, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam mới có thể lên tiếng phản đối. Nhưng, chỉ sau đó một tiếng đồng hồ, Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội đã có ngay tuyên bố đáp trả Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam. Điều đó cho thấy Trung Quốc đã chuẩn bị công phu kế hoạch ra sao.

Thế nhưng, điều đáng lưu ý hơn nữa là ông Nguyễn Thế Kỷ cho biết, mặc dù Trung Quốc “đểu giả” như vậy, nhưng “Đảng ta vẫn quyết định nâng tầm quan hệ với Trung Quốc lên một tầm cao mới nhằm để ràng buộc Trung Quốc không làm khó ta”. Chính tâm lý đớn hèn kiểu Mạc Đăng Dung tự trói mình quỳ gối trước sứ thần Trung Quốc như vậy, đã khiến Bắc Kinh mạnh bạo lấn tới trong sự kiện Giàn khoan HD 981 năm 2014.

Câu chuyện của Malaysia, Philippines của Duterte và của chính Việt Nam đã cho thấy bài học là không thể nhân nhượng, ươn hèn và quỳ gối trước Bắc Kinh mà có thể mong Bắc Kinh sẽ để yên cho mình được. Chỉ có thẳng thắn đối mặt, xây dựng sức mạnh phòng thủ của mình, tạo dựng mối quan hệ tốt với các liên minh, mới có thể bảo vệ đất nước trước sức mạnh xâm lăng của cường quyền phương Bắc.

Nguồn: RFA/Nguyễn Thắng Lợi

Tags: ,

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh