Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, December 22, 2024

Bắc Kinh đưa 28 chiến đấu cơ áp sát Đài Loan ngay sau Tuyên bố chung G7


Ảnh do bộ Quốc Phòng Đài Loan công bố (không ghi thời điểm) : một chiến đấu cơ J-16 của Trung Quốc được xác định xâm nhập không phận Đài Loan. AP.

Hôm qua, 15/06/2021, Trung Quốc điều một số lượng chiến đấu cơ kỷ lục áp sát Đài Loan. Hành động nói trên diễn ra chỉ hai ngày sau khi khối G7 ra Tuyên bố chung, lần đầu tiên kêu gọi « hòa bình và ổn định » cho vùng eo biển Đài Loan.

Trong cuộc họp báo hôm qua, trả lời câu hỏi, liệu hành động quân sự này có liên quan đến Tuyên bố của G7 hay không, phát ngôn viên Văn phòng các Sự vụ Đài Loan của Trung Quốc, ông Mã Hiểu Quang (Ma Xiaoguang) tuyên bố « chúng tôi sẽ không bao giờ khoan dung với các mưu toan đòi độc lập hay sự can thiệp vô cớ vào vấn đề Đài Loan của các thế lực nước ngoài, và như vậy chúng tôi phải phản ứng một cách cứng rắn với các hành động thông đồng này ».

Thông tín viên Adrien Simorre từ Đài Bắc cho biết thêm:

« Đây là một con số kỷ lục : 28 phi cơ Trung Quốc, trong đó có 20 máy bay tiêm kích, đã xâm nhập khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan hôm qua. Cuộc thao dượt này diễn ra hai ngày sau khi khối bảy cường quốc công nghiệp (G7) ra Thông cáo chung lịch sử, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ‘‘hòa bình’’ và ‘‘ổn định’’ tại eo biểu Đài Loan.

Rõ ràng là Bắc Kinh không thể chấp nhận được một tuyên bố như vậy, chính quyền Trung Quốc không giấu giếm ý đồ sử dụng vũ lực để sáp nhập Đài Loan và 24 triệu cư dân hòn đảo. Hôm thứ Hai, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã lên án Tuyên bố chung của khối G7, coi đây là một hành động ‘‘can thiệp’’ vào chuyện nội bộ của Trung Quốc.

Các cuộc xâm nhập của không quân Trung Quốc đã gần như trở thành chuyện hàng ngày, kể từ khi tổng thống Thái Anh Văn đắc cử hồi tháng Giêng 2020. Nữ tổng thống Đài Loan có quan điểm cương quyết chống lại mưu toan sáp nhập của Trung Quốc.

Một điều hiếm có xảy ra vào hôm qua : nhiều phi cơ tuần tiễu của Trung Quốc đã tiếp tục lộ trình vượt qua bờ biển phía đông của Đài Loan. Theo các chuyên gia, Bắc Kinh cũng tìm cách thu thập các thông tin về eo biển kênh Ba Sĩ (nằm giữa Đài Loan và cực bắc Philippines), một địa điểm có ý nghĩa chiến lược, nơi qua lại của nhiều tầu ngầm quân sự ».

Phản ứng của bộ Quốc Phòng Mỹ, Nhật

Sau hành động xâm nhập ồ ạt của của phi cơ Trung Quốc vào vùng ADIZ của Đài Loan, bộ Quốc Phòng Mỹ đã có phản ứng cứng rắn. Báo Nhật Japan Times dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc John Supple, tố cáo việc « các hoạt động quân sự gia tăng (của Bắc Kinh) tại khu vực sát không phận của Đài Loan đang gây mất ổn định, và làm gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm », khiến xung đột bùng phát. Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ cũng nhấn mạnh rằng cam kết hậu thuẫn của Mỹ đối với Đài Loan là « vững như bàn thạch », với khẳng định Washington « sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ an ninh phi chính thức, để bảo đảm Đài Loan có đủ khả năng tự vệ » trước mọi đe dọa.

Vẫn liên quan đến căng thẳng tại eo biển Đài Loan, hôm nay, theo Kyodo News, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Nobuo Kishi đã kêu gọi « giải quyết một cách hòa bình » các bất đồng thông qua « đối thoại giữa các bên liên quan ». Tuyên bố được đưa ra trong hội nghị ADMM mở rộng trực tuyến, với sự tham gia của 10 quốc gia Đông Nam Á và nhiều cường quốc, trong đó có Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Nguồn: RFI/Trọng Thành

Tags: , ,

More Stories From Á Châu

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh