Trung Quốc ‘phỉnh dụ’ người tiêu dùng Hoa Kỳ bằng những cửa hàng trực tuyến quen thuộc trên Amazon
Posted by Luu HoanPho, Jul 12, 2021, Comments Off
Một tấm biển trên Trung tâm Hoàn thiện [hàng hóa] của Amazon, ở Bắc Las Vegas, Nevada, vào ngày 31/03/2021. (Ảnh: John Locher/AP Photo)
Bất chấp các đánh giá giả mạo, các thương gia có trụ sở tại Trung Quốc chiếm tới 50% tổng số nhà bán hàng trên Amazon.
“Sản xuất tại Trung Quốc” là cụm từ mà tất cả những người tiêu dùng Hoa Kỳ đều rất quen thuộc.
Trong những thập kỷ trước, thuật ngữ đó được dùng để chỉ các sản phẩm có thương hiệu lớn được bán tại các cửa hàng ở Hoa Kỳ và do các nhà máy đặt tại Trung Quốc sản xuất. Ví dụ, một chiếc hơi Matchbox được mua từ Toys “R” Us được hãng Mattel sản xuất tại Trung Quốc. Ngày nay, người tiêu dùng Hoa Kỳ mua ngày càng nhiều các sản phẩm mang thương hiệu Trung Quốc từ các cửa hàng Trung Quốc trên Internet, cả Bắc Kinh và nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới là Amazon.com đều đang thúc đẩy xu hướng đó.
Một nửa số nhà bán hàng trên Amazon có trụ sở tại Trung Quốc
Theo dữ liệu từ Marketplace Pulse, một trang web cung cấp dữ liệu thị trường về thương mại điện tử, 50% tổng số nhà bán hàng toàn cầu trên Amazon có trụ sở tại Trung Quốc. Những nhà bán hàng đó lưu trữ hàng hóa và sản phẩm trong kho hàng của Amazon tại Hoa Kỳ, do đó, các mặt hàng đủ điều kiện để được vận chuyển “ưu tiên hàng đầu” trong nước – còn được gọi là chương trình “Chăm sóc bởi Amazon” (“Fulfillment by Amazon”).
Các nhà bán hàng Trung Quốc chiếm 64% tổng số các nhà bán hàng trên Amazon.es, trang web bán lẻ ở Tây Ban Nha của hãng này, đạt tỷ lệ cao nhất. Con số này là hơn 50% trên các trang web ở Pháp, Canada và Ý, làm nổi bật sự khan hiếm các công ty thương mại điện tử nội địa tại các quốc gia đó. Trang web của Amazon tại Hoa Kỳ ghi nhận 44% nhà bán hàng Trung Quốc, có nghĩa là đa phần các nhà bán hàng trên trang web của Hoa Kỳ hiện có trụ sở tại Hoa Kỳ.
Nhưng xu hướng tại Hoa Kỳ cũng đang chuyển dịch. Theo dữ liệu của Marketplace Pulse, hơn 60% các nhà bán hàng mới trên trang web Amazon của Hoa Kỳ vào tháng 01/2021 đến từ Trung Quốc, so với mức dưới 40% vào tháng 01/2020. Trên toàn cầu, tỷ lệ các nhà bán hàng mới của Trung Quốc thậm chí còn cao hơn, 75% đối với toàn bộ các trang web của Amazon.
Mặc dù những con số ban đầu này có thể bị sai lệch do một số nhà bán hàng duy trì nhiều tài khoản bán hàng, nhưng xu hướng định hướng là rõ ràng: Amazon là công cụ trực tiếp tới người tiêu dùng lớn nhất và hiệu quả nhất để các thương hiệu Trung Quốc nhắm đến người tiêu dùng Hoa Kỳ và Âu Châu. Trung Quốc là nhà xưởng lớn nhất thế giới và được cho là có tỷ lệ chấp nhận thương mại điện tử cao nhất. Về lý thuyết, không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều sản phẩm trên Amazon có xuất xứ từ Trung Quốc.
Nhưng sự minh bạch thông tin là một điều cần quan tâm. Vì tất cả các nhà bán hàng đều chào bán sản phẩm của họ trên các trang web thương mại điện tử tại địa phương của Amazon, người tiêu dùng có thể không biết rằng họ đang mua sản phẩm trực tiếp từ các cửa hàng của Trung Quốc.
Mở rộng thương mại điện tử – Một sáng kiến quan trọng của Bắc Kinh
Xu hướng này đã được tạo ra trong nhiều năm.
Tại Trung Quốc, phương châm “Sản xuất tại Trung Quốc, bán trên Amazon” là một mô hình kinh doanh quan trọng đối với các thương gia thương mại điện tử Trung Quốc. Các thương gia bán sản phẩm trên Amazon đã thành lập một trung tâm ở thành phố phía nam Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, một khu vực được mệnh danh là “Thung lũng Silicon” của Trung Quốc. Nhiều thương hiệu nổi tiếng trên Amazon đặt trụ sở chính ở đó, bao gồm Aukey, Mpow, RAVPower và Taotronics, tất cả đều sản xuất các phụ kiện công nghệ phổ biến được bán trên Amazon.
Chiến lược này được sự ủng hộ của Trung Cộng ở các cấp cao nhất.
Theo báo cáo của South China Morning Post, vào ngày 01/07/2021, hải quan Trung Quốc đã khai triển một hệ thống thông quan mới, nhanh hơn cho thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp ra ngoại quốc nhằm “thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và có trật tự của thương mại điện tử xuyên biên giới và giúp mở rộng các công ty Trung Quốc trên thị trường quốc tế.”
Nỗ lực này được các thành viên cấp chính phủ ủng hộ. Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết tại cuộc họp cuối tháng 06/2021 của Quốc vụ viện rằng thương mại điện tử xuyên biên giới là một sáng kiến chiến lược quan trọng của Bắc Kinh và báo hiệu cho các thương gia Trung Quốc tích trữ hàng tồn kho ở ngoại quốc và tăng công suất vận chuyển.
Trong khi các thương nhân lớn nhất có lợi thế trước đây, các quy định mới sẽ cho phép các thương nhân Trung Quốc nhỏ hơn được thông quan hàng hóa nhanh hơn.
Để hỗ trợ cho chiến lược này, một trang web được gọi là Nền tảng Yuguo cung cấp các khóa đào tạo cho các nhà bán hàng Trung Quốc để họ biết cách tự mở cửa hàng điện tử trên Amazon, AliExpress, TikTok, eBay và trên một số trang web thương mại điện tử ngoại quốc.
Điều quan trọng cần lưu ý là Amazon hiện không vận hành trang thương mại điện tử ở Trung Quốc, họ đã đóng cửa Amazon.cn vào năm 2019, với lý do cạnh tranh nội địa của Alibaba và JD.com. Tuy nhiên, Amazon vẫn duy trì hoạt động tại Trung Quốc cho các ngành nghề kinh doanh phi thương mại điện tử.
Một mối quan hệ phức tạp
Amazon cũng đã tích cực thu hút người bán hàng Trung Quốc.
Amazon đã xây dựng một trang web Hoa ngữ phục vụ riêng cho người bán hàng Trung Quốc, cung cấp các bài giảng và hướng dẫn cách thiết lập cửa hàng trực tuyến. Amazon cũng tổ chức “hội nghị người bán” ở một số thành phố trên khắp Trung Quốc để tập hợp những nhà bán hàng hiện tại và tiềm năng cho các buổi hướng dẫn và kết nối.
Tập đoàn khổng lồ có trụ sở tại Seattle này không tiết lộ tổng doanh thu của bất kỳ bên thứ ba (người bán không phải là Amazon) nào, vì vậy quy mô doanh số bán hàng xuất xứ từ Trung Quốc là không được biết. Một đại diện từ Amazon đã từ chối cung cấp các số liệu bán hàng tại Trung Quốc trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử.
Câu thần chú của người sáng lập kiêm Chủ tịch Jeff Bezos là đặt khách hàng lên hàng đầu, bao gồm việc cung cấp sản phẩm với giá thấp nhất – thường có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Một nhà bán hàng có trụ sở tại Hoa Kỳ đã viết trong một bài đăng trên các diễn đàn người bán của Amazon rằng, “Làm thế nào mà một công ty ở Trung Quốc sản xuất, vận chuyển, và trả phí và hoa hồng cho Amazon và bán một món hàng với giá 3 USD khi một người bán hàng ở Mỹ thậm chí phải trả giá cao hơn để mua mặt hàng đó cho việc bán sỉ? Chúng tôi có một mặt hàng được đặt sản xuất ở Trung Quốc, chúng tôi bán nó với giá 10 USD và chỉ kiếm được vài dollar sau khi trừ đi tất cả các chi phí. Cũng chính công ty sản xuất sản phẩm cho chúng tôi đã bán sản phẩm đó trên Amazon với giá 10 USD cho 5 sản phẩm (2 USD một chiếc). Sao có thể thế được?”
Amazon cũng đã đối mặt với các vấn đề về sự trung thực [trong kinh doanh] với những người bán hàng Trung Quốc. Một số cửa hàng trực tuyến có trụ sở tại Trung Quốc trên Amazon đã tạm ngừng hoạt động vào tháng 05/2021, bao gồm cả các cửa hàng của những nhà bán hàng nổi tiếng như Mpower và Aukey.
Theo một bức thư mà Amazon gửi cho cơ sở của nhà bán hàng là bên thứ ba của mình, mặc dù Amazon không tiết lộ lý do tạm ngừng các cửa hàng, nhưng các hành động thực thi này có liên quan đến các đánh giá sản phẩm giả mạo.
Giữa môi trường cạnh tranh, một số nhà cung cấp đã trả tiền cho khách hàng để đánh giá sản phẩm. Tác giả bài báo này đã nhận được thư điện tử từ một số nhà cung cấp có trụ sở tại Trung Quốc đề nghị đăng đánh giá trên Amazon để đổi lấy thẻ quà tặng Amazon, hành động này là vi phạm thỏa thuận với Amazon.
Theo báo cáo của South China Morning Post, một nhà bán hàng đã viết trong một diễn đàn thảo luận của cộng đồng thương gia trực tuyến về việc trừng phạt thẳng tay các đánh giá giả mạo trên Amazon, “Tôi thừa nhận rằng tôi trả tiền cho một số đánh giá, nhưng đó là bởi vì các đối thủ cạnh tranh của tôi cũng đang làm như vậy. Tôi cũng phải làm như vậy.”
“Nếu có một môi trường cạnh tranh lành mạnh, thì ai lại muốn làm mấy chuyện lừa dối này chứ?”
Nguồn: Fan Yu @ePochTimes
Kim Liên biên dịch