Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, December 22, 2024

Trung Cộng chiêu mộ các gương mặt ngoại quốc để ‘kể tốt câu chuyện Trung Quốc’


Cảnh quay từ một chương trình trong kho lưu trữ về CGTN được hiển thị trên màn hình máy điện toán ở London, Anh, vào ngày 04/02/2021. Ofcom nói rằng Star China Media Limited (SCML), công ty sở hữu giấy phép cho Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), không có quyền kiểm soát biên tập hàng ngày đối với kênh, điều này trái với quy định của nó. (Ảnh: Leon Neal/Getty Images)

“Kể tốt câu chuyện Trung Quốc” với thế giới đã đang là nhiệm vụ chính của bộ tuyên truyền Trung Cộng kể từ khi ông Tập Cận Bình tuyên bố đây là ưu tiên quốc gia tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 18 của Đảng. Nhà cầm quyền này nói rằng họ đang liên tục thử nghiệm “những khái niệm mới, phạm vi mới và những câu chuyện mới” để tác động đến dư luận toàn cầu, và rằng những gương mặt ngoại quốc và tiếng nói của những người được gọi là “những người nổi tiếng trên mạng” đã cung cấp một số công dụng với tư cách là một phần của kho vũ khí quan hệ công chúng mới nhất của Trung Cộng. 

Ngay từ năm 1944, Trung Cộng đã sử dụng những gương mặt ngoại quốc làm công tác của bộ tuyên truyền, đưa công dân Anh Michael Lindsay trở thành một trong những “nhà sáng lập” phòng phát thanh Anh ngữ của Tân Hoa Xã của Trung Cộng ở Diên An – căn cứ của Trung Cộng trước khi lên nắm quyền, được coi là “Thánh địa Cách mạng” sau khi họ đánh bại Quốc dân Đảng và thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Hôm 19/06, Tân Hoa Xã đã hồi tưởng về ông Lindsay trong một bài báo có tiêu đề “Những người bạn ngoại quốc suy ngẫm về thành công của Đảng trong thế kỷ qua.” Tờ này dẫn lời con trai ông là Jim Lindsay nói rằng, “Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong các vấn đề thế giới. Các quốc gia lớn khác phải hợp tác với Trung Quốc để giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và đại dịch.”

Thúc đẩy đường lối của Đảng cho khán giả YouTube

Theo chân ông Michael Lindsay, nhiều công dân Anh đã cố ý hoặc vô tình tham gia vào những nỗ lực ca ngợi Trung Cộng với thế giới. Nhiều người đang trình bày những quan điểm của họ trên YouTube, bất chấp việc YouTube bị Trung Cộng chặn ở Trung Quốc vì nhà cầm quyền này không kiểm soát được các quan điểm có thể được bày tỏ.

Chẳng hạn như ông Barrie Jones, một giáo viên Anh ngữ tại Đại học Công nghệ Hàng không Vũ trụ Quế Lâm của Trung Quốc, điều hành một kênh YouTube và trang web có tên “Thông tin Tốt nhất về Trung Quốc” (Best China Info). Trong phần “Giới thiệu về Chúng tôi” của trang web này, ông Barrie viết một thông báo có nội dung, “Trung Quốc có an toàn không? Có! Trung Quốc không phải là kẻ thù của quý vị!”

Thông điệp này được đăng vào ngày 11/03/2020, khi Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi virus Trung Cộng, thường được gọi là virus corona chủng mới, và khi gần như toàn bộ nước này vẫn đang bị Trung Cộng phong tỏa nghiêm ngặt. Đó cũng là ngày Tổ chức Y tế Thế giới cuối cùng đã công nhận sự lây lan của virus Trung Cộng trên toàn cầu như một đại dịch.

Trong một video có tiêu đề “Trung Quốc đang KHÔNG chèn ép người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương như thế nào,” ông Jones đã biện minh cho Trung Cộng và nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy hơn 1 triệu người ở Tân Cương đã bị đưa vào các trại tập trung.

Ông cũng nói rằng các nước phương Tây tấn công Trung Cộng về vấn đề Tân Cương vì họ không thể kiểm soát Tân Cương, một thành trì của “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” của Trung Cộng.

Ông Jones tuyên bố trong một video hồi tháng 02/2021 rằng ông “đã làm việc cho một tờ báo ở Anh … tờ báo phát hành hàng ngày lớn nhất của Anh trong sáu năm.” Nhưng BBC kể từ đó đã phản đối tuyên bố này, nói rằng họ không tìm thấy bằng chứng nào chứng minh cho tuyên bố của ông.

Mặc dù vậy, ông Jones đã được một số ấn phẩm truyền thông của Trung Cộng phong cho danh hiệu khả tín [là] “cựu nhà báo Anh.” Video của ông này thậm chí còn được phát trong cuộc họp giao ban thường nhật của bộ ngoại giao Trung Cộng như một bằng chứng bác bỏ báo cáo của BBC về những hành vi vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, và ủng hộ tuyên bố của cơ quan ngôn luận Trung Cộng CGTN (China Global Television Network) rằng “BBC không được tin cậy thậm chí ở chính nước Anh.”

Ngoài các video của riêng mình, ông Jones cũng đã đăng tải các video từ CGTN lên kênh của mình, chẳng hạn như cuộc phỏng vấn của ông với người dẫn chương trình của CGTN—bà Lưu Hân (Liu Xin). Bà này đã tranh luận với người dẫn chương trình Trish Regan của FOX Business về thương mại và sở hữu trí tuệ hồi tháng 05/2019, khi cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở đỉnh điểm.

Chiêu mộ thanh niên ngoại quốc

Một người ngoại quốc khác mà thông tấn nhà nước Trung Quốc gọi là một “nhân vật có ảnh hưởng trên YouTube” là Shaun Gibson, một người Anh, đến Trung Quốc du học vào năm 2017. Anh là ca sĩ hợp đồng của Công ty Âm nhạc và Văn hóa Tân Khánh Bắc Kinh (Beijing Yi Qing Music & Culture Co.) và hiện đang tham gia vào loạt video “Chuyến du hành Âm nhạc” (Music Voyage) của CGTN, nhằm thúc đẩy sự tham gia của các nhạc sĩ ngoại quốc – đặc biệt là các nhạc sĩ tích cực hoạt động trên vlog – vào nền văn hóa đại chúng được Đảng chấp thuận.

Ngoài ra, anh Gibson đã tham gia chiến dịch “Những Người Thách thức Truyền thông” (Media Challengers) của CGTN và đã thu âm bài hát chủ đề của chương trình.

Trước khi tờ The Times của Anh đăng bài báo có tiêu đề “Kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc CGTN chiêu mộ các sinh viên Anh Quốc có ảnh hưởng” hôm 16/06, tờ báo này đã liên hệ với anh Gibson để yêu cầu bình luận, cho rằng anh Gibson đã tham gia vào một nỗ lực nâng tầm ảnh hưởng lớn của Đảng Cộng sản. Anh Gibson đã đăng một video lên tài khoản mạng xã hội Trung Quốc Weibo cũng như tài khoản YouTube của mình, nói rằng anh chỉ yêu thích âm nhạc và văn hóa Trung Quốc. Anh cũng nói về việc anh đã trả lời tờ The Times như thế nào.

Mặc dù trong vòng một tháng video của anh này chỉ nhận được khoảng 3,800 lượt xem và 125 lượt thích trên Weibo, cũng như khoảng 530 lượt xem trên YouTube nhưng CGTN đã quảng cáo cho một chương trình có tên “Tại sao Truyền thông Anh lại Nhắm Mục tiêu vào các Chiến binh Truyền thông?” Kênh này đã đưa video của anh Gibson vào chương trình đó như là “bằng chứng” để bác bỏ bài báo của The Times.

Video đó đã nhận được hơn 41,000 lượt xem trong 21 ngày.

Mặc dù việc anh Gibson tham gia vào các dự án truyền thông của Trung Quốc có thể xuất phát từ sự yêu thích của anh này đối với văn hóa và âm nhạc Trung Quốc, nhưng đáng tiếc là các video [của anh] không chỉ là về chủ đề đó.

Ví dụ, video “Bài ca về Mao Nam” mà anh này đăng tải lên Weibo và trang chia sẻ video Bilibili của Trung Quốc ca ngợi thành tích “xóa đói giảm nghèo” của Trung Cộng ở vùng Mao Nam, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

“Xóa đói giảm nghèo” luôn được Trung Cộng tuyên bố là một trong những thành tựu chính trị chính của Đảng sau khi nhà cầm quyền này kéo phần lớn dân số Trung Quốc vào cảnh nghèo đói thông qua các chiến dịch cách mạng bất tận của mình.

Khi bài hát được chính thức ra mắt vào ngày 27/03, tờ China Daily – cơ quan ngôn luận toàn cầu chủ chốt của Trung Cộng – đã đăng một bài báo đặc biệt để thông báo với giọng điệu rất phấn khích rằng, “Phim tài liệu quảng bá ở ngoại quốc ‘Bài ca Mao Nam’ được phát sóng hôm nay trên CGTN. Hẹn gặp lại quý vị ở đó, dù mưa hay nắng!”

China Daily nói rằng chương trình này là “một phim tài liệu quảng bá ngoại quốc dựa trên trải nghiệm” [đời thực] “nói qua miệng [của một người ngoại quốc]” và “sử dụng vai trò của một ‘blogger truyền thông ngoại quốc mới ở Trung Quốc’ để truyền bá thông điệp về kỷ nguyên mới của Trung Quốc trong cặp mắt của một người ngoại quốc.”

Đảng Cộng sản Hoa Kỳ

Trung Cộng cũng đã chiêu mộ các thành viên của Đảng Cộng sản Hoa Kỳ để xuất hiện trong các nỗ lực tuyên truyền quốc tế của họ.

Ví dụ, chương trình “Hẹn hò với Trung Quốc” (A Date with China) do China Daily tổ chức đã mời các vlogger và nhân vật ngoại quốc nổi tiếng trên Internet tạo ra nội dung để “kể tốt câu chuyện về Trung Quốc,” trong đó có ông Ian Goodrum, đảng viên Đảng Cộng sản Hoa Kỳ, người đã nói về cách người dân Tân Cương “nắm giữ vận mệnh của họ trong tay mình.” Ông Goodrum cũng lặp lại đường lối của Đảng, tuyên bố rằng các báo cáo về tội ác diệt chủng ở Tân Cương là “phi lý.”

Ai đang thanh toán các hóa đơn này?

Một nhà sáng tạo nội dung khác, Youtuber người Anh Oli Barrett, đã tiết lộ trong một video rằng các tổ chức như Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc đã trả tiền cho vé phi cơ và nơi ăn chốn ở của anh này để đổi lấy việc sử dụng các video của anh trong bài bình luận của họ, đồng thời nói thêm rằng đó không phải là mối liên hệ hợp đồng chính thức.

Trung Cộng đang thử nghiệm mô hình cung cấp ăn, ở và phương tiện đi lại với hy vọng một số vlogger sẽ tạo ra nội dung đáp ứng yêu cầu của Đảng.

Hôm 25/06, Liên đoàn Ký giả Quốc tế (IFJ) đã phát hành một báo cáo có tiêu đề “Câu chuyện Trung Quốc: Định hình lại Truyền thông Thế giới.” Báo cáo này cho biết một trong những cách mà Trung Cộng có thể gây ảnh hưởng lên các nhà báo ngoại quốc là mời họ đi du lịch ở Trung Quốc.

Các chính quyền địa phương của Trung Cộng cũng đang sản xuất các video tuyên truyền tương tự. Ví dụ, Văn phòng Báo chí Chính quyền Thành phố Thượng Hải và tờ Tân Dân Vấn Báo (Xinmin Evening News) đã phỏng vấn 100 người ngoại quốc sống ở Thượng Hải và quay loạt video “Thượng Hải Trong Mắt Chúng Ta” để kỷ niệm 100 năm thành lập Trung Cộng.

Ngoài ra, như một sự tôn vinh đối với Trung Cộng, Ban Quốc tế Tân Hoa Xã đã mời người ngoại quốc tham gia vào bộ phim tài liệu “Bạn Tôi là một Đảng Viên” để ca ngợi Trung Cộng qua lời của họ.

Tại sao lại là người ngoại quốc?

Giáo sư phụ tá Ngô Sướng Sướng (Wu Changchang) thuộc Khoa Truyền thông của Đại học Sư phạm Hoa Đông cho biết những video như vậy khiến khán giả Trung Quốc cảm thấy rằng “văn hóa Trung Quốc” đang ngày càng được nhiều người ngoại quốc bình thường chấp nhận và công nhận. Ông Ngô lưu ý rằng tâm lý này đang tạo ra một hiệu ứng thác đổ làm tăng cường lòng yêu nước và chủ nghĩa dân tộc của người Trung Quốc, đồng thời cho biết thêm rằng nền tảng video “vì thế đã nhanh chóng thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành.”

Giáo sư Du Khiết (You Jie) của Đại học Truyền thông Trung Quốc nói rằng lợi thế lớn nhất của việc để người ngoại quốc kể câu chuyện của Trung Quốc là “không có rào cản ngôn ngữ hoặc khuôn mặt” đối với người ngoại quốc. Cũng giống như người Trung Quốc dễ tiếp nhận về thế giới phương Tây [theo] như mô tả của người Trung Quốc hơn, người ngoại quốc kể những câu chuyện của Trung Quốc cũng được khán giả ngoại quốc đón nhận dễ dàng hơn, vì khán giả sẽ không cảm thấy rằng đó chỉ là một số người Trung Quốc đang cố gắng ca ngợi Trung Quốc.

Nguồn: Kathleen Li and Jennifer Zeng @ePochTimes
Minh Ngọc biên dịch

Tags: ,

More Stories From Chính Trị

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh