Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Tuesday, November 5, 2024

Rào làng lập ấp, ngăn sông cấm chợ để chống dịch, chắc chắn thua


Tròn hai tháng kể từ khi TP HCM bắt đầu lệnh giãn cách xã hội (sau đó là cách ly và giới nghiêm), cùng với 18 tỉnh thành miền Nam trở thành vùng dịch nặng nề, gần hai năm Việt Nam trải qua đại dịch COVID-19, cho mãi đến 0h đêm 30.7.2021, những điểm nghẽn trầm trọng trong lưu thông phân phối hàng hóa trên toàn quốc mới được tháo gỡ một phần.

Đứt gãy chuỗi cung ứng

Trong văn bản hỏa tốc ban hành chiều tối 29.7 để khẳng định văn bản cũng ban hành hỏa tốc bốn ngày trước đó (25.7), Phó thủ tướng Lê Văn Thành một lần nữa yêu cầu từ thời điểm nêu trên, việc vận tải hàng hóa trên toàn quốc sẽ trở lại gần như trước khi có dịch. Tức là các xe chỉ cần chở hàng hóa không thuộc hàng cấm (chứ không phải quy định chi ly về hàng thiết yếu nữa) sẽ được lưu thông bình thường, không bị cảnh sát dừng lại kiểm tra. Tài xế chỉ cần khai báo y tế, QR code, và giấy xét nghiệm COVID âm tính còn hiệu lực trong vòng 72 giờ là đủ.

Đồng thời, do hệ thống cấp QR code cho phương tiện vận tải vừa bị hack sập trong vòng hơn một ngày khiến đình trệ việc cấp QR code, nên các phương tiện vận tải chưa được cấp mã hoặc mã đã hết hạn cũng vẫn được lưu thông, cùng với điều kiện dịch tễ như kể trên.

Trong gần một tháng qua, kể từ khi TP HCM và 10 tỉnh thành Nam Bộ áp dụng cách ly nghiêm ngặt cách ly từng địa phương một, chuỗi phân phối hàng hóa đã bị đứt gãy. Xe chở hàng từ vùng sản xuất (miền Tây và miền Đông) không vào được vùng tiêu thụ lớn nhất nước là TP HCM vì phải ngoài việc cấp mã lưu thông, xét nghiệm tài xế thì còn phải “vạch” hàng hóa ra kiểm tra xem có phải là hàng thiết yếu hay không.

Cách hiểu sai cơ bản về hàng thiết yếu, quy định “loạn sứ quân” mỗi nơi một kiểu của những người trực tiếp thực hiện (là cảnh sát, công an…) khiến doanh nghiệp khóc ròng và gây tốn kém, thiệt hại khôn xiết.

Về giấy xét nghiệm âm tính, có nơi cho vỏn vẹn một ngày, có nơi cho ba ngày, có nơi bảy ngày. Có nơi vừa xét nghiệm ở đầu đi, đến địa phương lại xét nghiệm tiếp. Cùng một quốc lộ, có địa phương đóng cửa không cho xe vào (nếu không có xét nghiệm), có địa phương cho.

Yêu cầu buộc tài xế phải cách ly 14 ngày sau khi lái xe từ vùng có dịch về khiến doanh nghiệp đói tài xế trầm trọng.

Chúng tôi đang ở trong tình trạng kiệt quệ, hơn một năm chịu tác động dịch bệnh, doanh thu suy giảm, chi phí tăng lên. Chẳng hạn một công ty có 150 lái xe, hiện hằng tháng phải chi trả hơn 300 triệu đồng phí xét nghiệm các loại. Đây là một chi phí khủng khiếp”- ông Trần Đức Nghĩa, Uỷ viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nói trong một cuộc họp ngày 27/7.

Cắn răng gồng chi phí để hoàn thành đơn hàng, có những doanh nghiệp phải thuê thêm lái xe để thay tài lái vào địa phận địa phương, hoặc tháo dỡ hàng lên xe khác, còn xe từ vùng dịch không chạm bánh vào. Nhưng có những loại hàng hóa không thể tháo dỡ bằng tay mà phải dùng máy cẩu chuyên nghiệp, không thể sang tải được, tài xế lại phải lái hàng trăm km trở về lại nơi xuất phát. Đồng nghĩa với đơn hàng trì hoãn không lối thoát.

Khó khăn trong công việc và nỗi sợ dịch bệnh đã khiến tài xế bỏ việc và tạm ngưng việc hàng loạt. Doanh nghiệp lại phải bỏ tiền thuê thêm tài xế và lo nơi sinh hoạt tập trung để giảm nguy cơ đi lại nhiều nơi dễ dính dịch.

“Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam ước tính tình trạng trên đã gây thiệt hại ít nhất 100 tỷ đồng/ngày”.

Ối đọng nông sản miền Tây, miền Đông và Tây Nguyên. Dân TP HCM xếp hàng đi siêu thị từ 5 giờ sáng

Ông Lê Thanh Tùng – Cục phó Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, trong tháng 8, các tỉnh miền Nam thu hoạch 700.000 ha lúa và 3,8 triệu tấn gạo. Về rau, có khoảng 1,1 triệu tấn rau củ quả ở các tỉnh phía Nam, nhưng nhu cầu chỉ khoảng 500.000 tấn nên phần còn lại phải tìm phương án tiêu thụ, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Về trái cây, có khoảng 640.000 tấn trong tháng 8 cần kết nối, tiêu thụ bao gồm: Xoài, chuối, thanh long, sầu riêng, bưởi, cam, nhãn, dứa và mít.

Số lượng này trong các năm là phân phối toàn quốc và xuất khẩu, nay hầu hết chỉ còn tiêu thụ trong nước.

Thế nhưng mặc dù vùng nông sản dồi dào này chỉ cách TP HCM dài nhất là mười mấy tiếng chạy xe, còn nếu chở bằng đường thủy còn nhanh hơn rất nhiều thì gần một tháng nay, người dân Sài Gòn nhiều nơi vẫn chịu cảnh xếp hàng chờ mua thực phẩm trước siêu thị từ… 5 giờ sáng. Bị giới hạn bởi lệnh giới nghiêm vào 18 giờ, nhiều siêu thị chỉ đến 9 giờ sáng thì đã hết sạch.

Do ngăn sông cấm chợ, giá rau củ quả, thịt trứng, hải sản… đều tăng, móc sạch túi người dân vốn đã không còn việc làm khi thành phố phong tỏa.

Doanh nghiệp phải nghĩ ra đủ cách để lưu thông. Có những nhà xe đã nghĩ ra cách giấu trái cây ở dưới, phủ rau lên trên che lấp vì chốt kiểm soát nói chỉ có rau củ mới là hàng thiết yếu, còn trái cây thì… không phải.

Câu chuyện đứt gãy chuỗi cung ứng không chỉ diễn ra với nông sản. Hàng hóa mọi mặt đều bị ách tắc và đẩy giá.

“Đi giao hàng đã khổ, về lại khổ lần nữa. Không ít ý kiến từ các nhà cung ứng cho biết nhiều khi còn phụ thuộc vào sự vui buồn của cán bộ ở trạm kiểm soát”, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam nói.

Chính trị hóa chống dịch

Nguyên nhân của tất cả sự việc này có phần lớn từ sự chính trị hóa việc chống dịch của Chính phủ Việt Nam

Trong các văn bản và cuộc họp cấp quốc gia, từ khi có dịch đến giờ luôn luôn có một câu “đe dọa” rằng lãnh đạo địa phương nào để xảy ra dịch trên địa bàn mình sẽ bị kỷ luật.

Trước nguy cơ mất chén cơm, lãnh đạo phải tìm mọi cách rào chặn địa phương mình. Sự bất chấp đến an sinh của người dân, bao gồm doanh nghiệp được biện minh bằng khẩu hiệu chống dịch như chống giặc.

Nên, mạnh ai nấy làm, từ thành thị đến thôn xã, chính quyền các cấp đặt ra mọi rào cản ngăn cấm lưu thông. Từ các thành lũy vật lý bằng đất đá, kéo barrier, kéo dây thép gai tạo chướng ngại vật, từ chối nhận người dân của tỉnh mình đi làm ăn xa ở vùng dịch về lại quê nhà, cho đến những thành lũy vô hình bằng các văn bản chứa quy định pháp quy như đã kể trên.

Biện pháp rào làng, vây thành phố xuất phát từ tư duy quản lý làng xã đã trở thành thâm căn cố đế, mặc dù TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ… đã là những đô thị lớn.

Tấm biển kêu gọi chống dịch như chống giặc ở TPHCM hôm 9/7/2021. AFP

Sự khác nhau tuyệt đối giữa nông thôn và thành phố là nông thôn có các địa giới tự nhiên. Giữa các làng, xã, huyện, tỉnh…đều có những cánh đồng, bãi đất, khu rừng… làm khu đệm, làm ranh giới. Do vậy, phong tỏa một xã hay một huyện, một tỉnh nông thôn rất dễ, nhưng ở thành phố thì hầu như không thể được.

Thành phố bản chất chỉ là một vùng dân cư và địa lý đồng nhất, nhưng cực lớn. Bên này đường là quận này, bên kia đường là quận khác. Một con đường chạy vắt ngang ba quận. Hai nhà cạnh nhau, mỗi nhà một quận. Muốn vào các quận trung tâm, phải chạy xuyên hai ba quận khác mới đến. Do đó, nó không thể chia cắt.

Quy định cấm shipper giao hàng liên quận của TPHCM đã thất bại. Thất bại thứ nhất, nhu cầu thực tế của người dân khiến họ nghĩ ra đủ cách thức để giao hàng liên quận, âm thầm vô hiệu hóa quy định. Thất bại thứ hai: do mất quá nhiều công sức để chốt chặn ngăn cản giao thương, nên chính quyền bỏ lơ kiểm soát các yêu cầu chống dịch, vì vậy nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn tồn tại ở chính nơi không ngờ đến.

Không thể “rào làng lập ấp” trong thành phố

Lịch sử quản lý nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chỉ mới bắt đầu cách đây gần 80 năm (1945-2021). Thời đó hầu như cả nước đều là nông thôn, khắp nơi đều là làng xã. Tổ chức chính quyền xã-huyện/tỉnh thời điểm ấy là phù hợp. Nhưng khi đã hình thành những đô thị lớn và cực lớn như Hà Nội, TP HCM thì bê nguyên mô hình tổ chức hành chính cũ vào là hoàn toàn sai lầm.

UBND TP HCM không thể ngang cấp với UBND bất cứ tỉnh thành nào, quận không giống huyện (huyện có huyện trồng lúa, có huyện nuôi hải sản… nhưng quận thì tất cả như nhau), phường khác hoàn toàn với xã. Đơn giản vì nó cực lớn, có khả năng làm ra tiền không những nuôi chính mình mà còn nuôi hơn 1/3 cả nước.

Từ cách đây gần 30 năm, tiền thân của Bộ Nội vụ là Ban tổ chức cán bộ Trung ương đã quyết liệt xây dựng, đề xuất và bảo vệ mô hình chính quyền đô thị cho TP HCM (Hà Nội có cơ chế thủ đô). Theo đó, người đứng đầu TP là Thị trưởng, có toàn quyền điều hành trên TP, chỉ phải tuân theo pháp luật. Chỉ có cấp HĐND cấp TP, không có cấp quận và phường. Mô hình này nhằm đảm bảo UBND các quận và phường chỉ là chân rết của UBND thành phố để thực hiện các quyết định của TP cho thống nhất.

Sau gần 30 năm, cuối cùng chủ trương này cũng được thông qua.

Một phụ nữ chở thịt gà tại một chợ ở Hà Nội hôm 29/7/2021. AFP

Có lẽ quá xoay vần với đại dịch nên không mấy người biết rằng TP HCM đã chính thức được thực hiện mô hình chính quyền đô thị kể từ 01.7.2021, tức đã tròn một tháng.

Thế nhưng, so với chiếc áo mới đẹp đẽ, bộ máy quản lý quá thấp bé. Các lãnh đạo TP HCM chưa thẩm thấu kịp nguyên tắc vận hành của một đô thị – điều mà các doanh nghiệp tư nhân có thể không biết lý thuyết là gì nhưng lại hiểu rất rõ và ứng dụng rất tốt.

Doanh nghiệp thấu hiểu  TP chỉ là một khối thống nhất về dân cư và hành chính. Không thể cấm shipper giao hàng trong một quận. Cũng như thế trên bình diện quốc gia. Hiện giờ đã chỉ còn rất ít vùng nông thôn thực sự, không thể cấm việc lưu thông hàng hóa, dựng biên giới cứng và mềm, bo bo giữ thân, hy vọng con vi-rút bị giam chân ở tỉnh khác/ngành khác chứ không chạy đến được mình.

Chính vì thế những nhà đã cắt vụn quốc gia và thành phố thành nhiều mảnh để lập “pháo đài” chống COVID, khi lẽ ra chính sách phải liên kết, thống nhất và xuyên suốt. Ít nhất phải tính toán chính sách trên quy mô một vùng.

Chính việc tự xé lẻ đi ngược với bản chất vùng và xu thế hợp nhất của vùng đã gây hao tốn tài nguyên và các nguồn lực còn lại ở TP HCM.

Kết quả như đã thấy là thất bại thảm thương.

Điều này cũng hoàn toàn đúng với Hà Nội, các thành phố khác và toàn quốc gia.

Nguồn: RFA/Nguyễn Lam Phong
———————————-

Tham khảo:

1. https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/32975/tu-01-7-2021-tp-ho-chi-minh-chinh-thuc-bo-hdnd-quan-phuong

2. https://tuoitre.vn/ha-noi-cam-shipper-cong-nghe-giao-hang-va-cho-khach-grab-phan-ung-20210725073851372.htm

3. https://ncov.moh.gov.vn/web/guest/-/6847426-6255

4. http://cand.com.vn/Thi-truong/Khong-de-dut-gay-chuoi-cung-ung-hang-hoa-trong-moi-tinh-huong-650709/

5. http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Thieu-nhat-quan-trong-thuc-hien-quy-dinh-doanh-nghiep-van-tai-kho-tram-be/440034.vgp

Tags:

More Stories From Bình Luận

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh