Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Nếu quý vị sống ở Đài Loan, đã đến lúc nên lo lắng


Chiến đấu cơ đa năng F/A-18 Super Hornet của Hải quân Hoa Kỳ hạ cánh trên sàn đáp của hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan khi đang di chuyển trên Biển Đông trên đường đến Singapore vào ngày 16/10/2019. (Ảnh: Catherine Lai/AFP/Getty Images).–

Đài Loan cần phải lo lắng về độ tin cậy của Mỹ. Không giống như Afghanistan, nơi Hoa Kỳ đã cam kết lực lượng của mình trong hai thập kỷ, Đài Loan không có lực lượng nào của Hoa Kỳ và không có gì bảo đảm rằng Hoa Kỳ sẽ đứng ra bảo vệ họ nếu họ bị Trung Quốc tấn công.

Hoa Kỳ có một thói quen xấu là thường bỏ rơi các đồng minh và bằng hữu của mình.

Danh sách này khá dài. Bao gồm cả Việt Nam và Campuchia, Iraq và Afghanistan, và Iran.

Trong tất cả những trường hợp đó, bằng cách này hay cách khác, Hoa Kỳ, vì những lý do riêng của mình, đã rút đi.

Cựu TT Obama rút quân Hoa Kỳ khỏi Iraq, mở cửa cho Iran. Trong khi Hoa Kỳ vẫn có vài ngàn binh sĩ ở Iraq trong vai trò huấn luyện và cố vấn, nhưng Iraq đang bị bao vây và khó có khả năng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ họ.

Trên thực tế, Tổng thống Joe Biden đã nói rằng Hoa Kỳ sẽ kết thúc các nhiệm vụ chiến đấu ở Iraq vào cuối năm 2021. Trừ khi Hoa Kỳ rút quân vào nửa đêm, giống như ở Afghanistan, nếu không họ rất có thể sẽ phải tự nổ súng trong khi rút lui.

Cựu TT Carter để cho Iran rơi vào hỗn loạn và từ chối ủng hộ vua Shah. Trước thời điểm đó, Hoa Kỳ đã cung cấp ồ ạt vũ khí và cố vấn quân sự cho Iran. Nhưng khi vua Shah yêu cầu giúp đỡ, ông ấy đã không nhận được sự hỗ trợ nào. Sự sụp đổ của chế độ Shah, khi không có sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ, là một kết cục không thể tránh khỏi.

Sự thất bại ở Campuchia liên quan đến vụ Khmer Đỏ giết hại hàng loạt khoảng hai triệu thường dân Campuchia trong khoảng thời gian ba năm. Hoa Thịnh Đốn lẽ ra có thể ngăn chặn điều đó nhưng họ đã không làm. Hoa Kỳ hoàn toàn nhận thức được những gì Khmer Đỏ đang làm khi dòng người gồm những nạn nhân bị bỏ đói và bị đối xử tàn bạo đổ vào Phnom Penh như tiếp thêm động lực cho sự sụp đổ sắp xảy ra. (Tác giả đã ở Campuchia trong hai tuần cuối cùng của cuộc chiến này.)

Hoa Kỳ cũng để xảy ra nạn diệt chủng hàng loạt ở những nơi khác, mặc dù Hoa Kỳ không có nghĩa vụ can thiệp cụ thể nào. Cuộc diệt chủng ở Rwanda năm 1994 đã cướp đi sinh mạng của 1.1 triệu thường dân ở quốc gia đó.

Liên Hiệp Quốc có một phái đoàn gìn giữ hòa bình ở đó (UNAMIR), nhưng do các quy tắc hạn chế về giao tranh và các hạn chế về hậu cần, những lực lượng này đã không thể ngăn chặn tội ác diệt chủng đó. Lãnh đạo của phái đoàn này, một người Canada tên là Romeo Dallaire, sau đó đã cố gắng tự sát bốn lần.

Không (chưa) ai nói rằng có bất cứ điều gì tương tự như thế đang xảy ra ở Afghanistan, nhưng tương lai ở đó có vẻ ảm đạm. Đã có rất nhiều báo cáo về các vụ hành quyết các binh sĩ quân đội Afghanistan và nhiều vụ sát nhân.

Ở Đài Loan, một quốc gia Á Châu thuộc tầng lớp trung lưu thịnh vượng, có sự lo sợ về Trung Quốc. Hoa Kỳ có nghĩa vụ cung cấp vũ khí quốc phòng cho Đài Loan theo Đạo luật Bang giao Đài Loan năm 1979.

Đạo luật đó cho phép Hoa Kỳ cung cấp cho Đài Loan “vũ khí mang tính chất phòng thủ” và “để duy trì năng lực của Hoa Kỳ trong việc chống lại bất kỳ hành động sử dụng vũ lực nào hoặc các hình thức ép buộc khác có thể gây nguy hiểm cho an ninh, hoặc hệ thống kinh tế hoặc xã hội của người dân Đài Loan.”

Năm 1979, Hoa Kỳ hủy bỏ Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ Trung-Mỹ với Đài Loan. Hiệp ước đó yêu cầu rằng nếu một trong hai bên bị tấn công, bên kia sẽ hỗ trợ quân sự. Ngôn ngữ của Đạo luật Bang giao Đài Loan không phản ánh điều khoản phòng thủ tương hỗ quan trọng này và chỉ yêu cầu Hoa Kỳ “duy trì năng lực” để chống lại bất kỳ hành động sử dụng vũ lực nào.

Trên thực tế, Hoa Kỳ phải đối mặt với nhiều vấn đề trong việc “duy trì năng lực” để chống lại bất kỳ hành động sử dụng vũ lực nào. Trung Quốc đã và đang xây dựng các lực lượng thông thường và quân sự của mình, đồng thời ngày càng quấy rối Đài Loan và Nhật Bản bằng cách sử dụng sức mạnh không quân và hải quân của mình.

Phản ứng của Hoa Kỳ trước nhịp độ ngày càng tăng trong các hành động gây hấn của Trung Quốc đã chẳng được như mong đợi. Các tàu Hải quân Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc tập trận về quyền tự do hàng hải ở Biển Đông và eo biển Đài Loan, nhưng các cuộc tập trận đó hiếm hoi và không thường xuyên. Hơn nữa, đã có sự phản đối về các cuộc tập trận về quyền tự do hàng hải, chủ yếu là vì lo ngại rằng điều đó sẽ khiến Hoa Kỳ tham chiến với Trung Quốc.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng đã rút các oanh tạc cơ tầm xa (B-52 và B-1) ra khỏi đảo Guam và đã thực hiện một số bước để tăng cường lực lượng Hoa Kỳ ở Nhật Bản và Okinawa. Hàng không mẫu hạm duy nhất của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, tàu USS Ronald Reagan, đã được điều hướng đến Ấn Độ Dương, loại đi một năng lực đáng gờm khỏi khu vực. Những biện pháp này, đặc biệt là ở đảo Guam và việc tái điều động hàng không mẫu hạm Reagan, thể hiện sự nhượng bộ nguy hiểm của chính phủ TT Biden trước Trung Quốc.

Không ai trong chính phủ này giải thích lý do tại sao Hoa Kỳ giảm vị thế của mình ở Đông Á trong khi mối đe dọa từ Trung Quốc đang gia tăng.

Một vài người đã lên tiếng trong Quốc hội, ngay cả những Đảng Dân Chủ cảnh giác cũng đã lên tiếng. Một trong số đó là Dân biểu Elaine Luria (Dân Chủ-Virginia), Phó chủ tịch của tiểu ban Quyền lực Biển thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện. Bà Luria gọi việc điều hướng hàng không mẫu hạm Ronald Reagan là “một trong những sai lầm lớn nhất mà chúng tôi có lẽ đã mắc phải trong cuộc đời mình, về mặt chiến lược.”

Bà Luria đã phục vụ hai thập kỷ trong Hải quân, nghỉ hưu với cấp bậc sĩ quan chỉ huy. Bà phục vụ trên biển trên sáu con tàu với tư cách là sĩ quan tác chiến mặt nước được đào tạo về nguyên tử, được điều động đến Trung Đông và Tây Thái Bình Dương, và đạt đến đỉnh cao sự nghiệp của mình trong Hải quân khi chỉ huy một đơn vị sẵn sàng chiến đấu gồm 400 thủy quân.

Ngay cả trước khi Afghanistan sụp đổ, các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã phản ánh cảnh báo ngày càng tăng về các mối đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan. Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso khẳng định rằng một cuộc xâm lược của Trung Quốc sẽ là một “mối đe dọa hiện hữu (đối với Nhật Bản) vì Okinawa có thể là mục tiêu tiếp theo.”

Vấn đề chính là độ tin cậy của Hoa Kỳ. Nam Hàn, Nhật Bản và Đài Loan đều phụ thuộc trực tiếp vào Hoa Kỳ. Nếu không có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, không ai trong số họ có thể tránh được chiến tranh – ở Nam Hàn, có mối đe dọa từ Bình Nhưỡng và ở Nhật Bản và Đài Loan, có mối đe dọa từ Bắc Kinh.

Cả Đài Loan và Nhật Bản đều không thể tự mình chống lại Trung Quốc. Nam Hàn chỉ khác ở chỗ nước này có một quân đội đáng gờm và nhiều hỏa lực. Nhưng trong bất kỳ cuộc chiến nào, Nam Hàn đều sẽ phải trả giá rất đắt.

Hoa Kỳ có quân đội ở Nhật Bản, Okinawa và Nam Hàn. Họ sẽ chiến đấu hay rời đi? Hoa Kỳ có các hiệp ước phòng thủ chung với cả hai quốc gia này, không giống như trường hợp của Đài Loan, nơi chỉ có Đạo luật Bang giao Đài Loan đưa ra một số trợ giúp cho Đài Loan.

Liệu Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ở lại cho đến cùng ở Thái Bình Dương?

Sự ổn định ở Thái Bình Dương phụ thuộc vào quyết tâm mạnh mẽ và rõ ràng của Hoa Kỳ và sự răn đe do Hoa Kỳ dẫn đầu. Điều đó dường như đang gặp rủi ro ngay lúc này.

Các tín hiệu đến từ Hoa Thịnh Đốn chẳng có gì là tích cực cả.

Nguồn: Tiến sĩ Stephen Bryen @ ePochTimes

Tags: ,

More Stories From Bình Luận

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh