Nhật Bản, Việt Nam ký thỏa thuận chuyển giao thiết bị, công nghệ quốc phòng
Posted by Luu HoanPho, Sep 12, 2021, Comments Off
Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Phan Văn Giang ( thứ 2 từ trái) và đồng nhiệm Nhật Bản Nobuo Kishi (thứ 3) trong lễ ký thỏa thuận chuyển giao công nghẹ, thiết bị Quốc Phòng cho Việt Nam, tại Hà Nội, ngày 12/09/2021. AP – Nguyen Trong Duc.–
Quan hệ quốc phòng Nhật – Việt siết chặt thêm một nấc. Trong chuyến công du Việt Nam của bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản từ ngày 10 đến 12/09/2021, hôm qua, 11/09, hai bên đã ký kết thỏa thuận về chuyển giao thiết bị công nghệ quốc phòng. An ninh trên biển là một chủ đề chính trong cuộc hội đàm giữa lãnh đạo quốc phòng hai nước.
Chiều hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam, đại tướng Phan Văn Giang đã hội đàm với Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Kishi Nobuo. Đây là lần đầu tiên bộ trưởng Quốc Phòng Nhật công du nước ngoài, kể từ khi ông nhậm chức cách nay một năm. Việt Nam được chọn làm điểm đến đầu tiên của lãnh đạo quốc phòng Nhật.
Theo báo Nhật Japan News, thỏa thuận ký kết hôm qua cho phép Tokyo xuất khẩu thiết bị quốc phòng, công nghệ, trong đó có các tàu chiến do Nhật Bản sản xuất sang Việt Nam.
Trong một cuộc họp báo trực tuyến sau cuộc gặp với người đồng cấp Việt Nam Phan Văn Giang, bộ trưởng Quốc Phòng Kishi Nobua cho biết Nhật Bản sẽ đẩy nhanh đàm phán với Việt Nam để bán các tàu của Lực lượng Phòng vệ. Thỏa thuận về việc chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng Nhật – Việt đã được chính phủ hai nước đạt được đồng thuận về cơ bản từ hồi tháng 10/2020.
Việt Nam là quốc gia thứ 11 ký một thỏa thuận chuyển giao thiết bị, công nghệ quốc phòng với Nhật Bản. Theo một quan chức bộ Quốc Phòng Nhật, thỏa thuận này được thông qua trong bối cảnh «Việt Nam đang tìm cách đa dạng hóa các nguồn thiết bị quốc phòng của mình». Hà Nội vốn có quan hệ hợp chặt chẽ vớiMatxcơva trong lĩnh vực này và chủ yếu dựa vào Nga, quốc gia đàn anh cũ trong khối Cộng sản, về hầu hết các trang thiết bị tối tân, bao gồm tàu ngầm và chiến đấu cơ.
Biển Đông : mối lo chung của hai nước
Trong cuộc hội đàm song phương, lãnh đạo quốc phòng hai nước nhất trí phối hợp vì một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, tái khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không. Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật phản đối mạnh mẽ «bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng hoặc bất kỳ hoạt động nào làm leo thang căng thẳng», ám chỉ hoạt động ngày càng hung hãn của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, tuy không nêu đích danh Bắc Kinh. Hai bên cũng thảo luận về khả năng đẩy mạnh hợp tác song phương, ví dụ như thông qua các chuyến tàu và máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ghé cảng Việt Nam, hay trong lĩnh vực an ninh mạng.
Theo báo chí trong nước, chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã «đánh giá cao lập trường của Nhật Bản về đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông ; giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)».
Nhật Bản và Việt Nam đều đối mặt với các đe dọa của Trung Quốc trên biển. Việt Nam có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc về tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở Biển Đông. Hà Nội cũng thường xuyên bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên gần trọn Biển Đông. Về phía Nhật Bản, đó là quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền quốc gia, với tên gọi quần đảo Điếu Ngư. Cũng trong buổi hội đàm nói trên, bộ trưởng Quốc Phòng cho biết đã khẳng định với người đồng cấp Việt Nam về tầm quan trọng của « sự ổn định của Đài Loan » đối với an ninh Nhật Bản.
Giới quan sát đặc biệt chú ý là chuyến công du của bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Kishi Nobuo đến Việt Nam trùng với thời gian chuyến thăm Việt Nam của ngoại trưởng Trung Quốc, cũng từ ngày 10 đến ngày 12/09. Báo Nga Sputnik ghi nhận sự kiện ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo «cùng lúc bất ngờ thăm Việt Nam».
Nguồn: RFI/Trọng Thành