Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, November 17, 2024

Nâng quan hệ Mỹ-Việt lên Đối tác chiến lược: Lợi ích và trở ngại


Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tiếp phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, ngày 25/08/2021. AP – Manan Vatsyayana.–

Chỉ khoảng ba tuần sau chuyến công du Hà Nội của phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng chọn Việt Nam mở đầu cho vòng công du bốn nước Đông và Đông Nam Á. Phó tổng thống Hoa Kỳ lên án những đòi hỏi chủ quyền và hành động chèn ép của Trung Quốc ở Biển Đông. Còn ông Vương Nghị như buộc các nước liên quan giữ nguyên trạng ở Biển Đông, đồng thời chống lại các hành động can thiệp của các thế lực bên ngoài.

Phát biểu tại Hà Nội ngày 25/08/2021, phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã kêu gọi Việt Nam cùng tìm cách gây áp lực, gia tăng sức ép… đối với Bắc Kinh để buộc họ tuân thủ Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, và thách thức các hành vi bắt nạt và yêu sách hàng hải quá mức của Trung Quốc”. Ngoài vấn đề Biển Đông, Hoa Kỳ sẵn sàng tăng cường giúp đỡ Việt Nam về mặt quốc phòng, chống đại dịch Covid-19, mà bằng chứng cụ thể nhất thể hiện cho thiện chí của Mỹ là viện trợ ngay cho Việt Nam trong vòng 24 giờ một triệu liều vac-xin Moderna.

Tóm lại, Washington muốn nâng cấp quan hệ với Hà Nội, từ “đối tác toàn diện” lên “đối tác chiến lược”. Giới chuyên gia cho rằng Việt Nam muốn như thế nhưng dè chừng Bắc Kinh tức giận. Đâu là những lợi ích và trở ngại cho Việt Nam nếu thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên trường Sư phạm Lyon (ENS), Pháp.

*****

RFI : Nâng cấp quan hệ “đối tác toàn diện” lên thành “đối tác chiến lược” với Hoa Kỳ có thể mang lại những lợi ích gì cho Việt Nam ? Đâu là những trở ngại chính trị và quân sự có thể tác động đến việc nâng cấp này ?

Laurent Gédéon : Việt Nam đã ký quan hệ đối tác chiến lược với Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh Quốc, Đức, Pháp. Vì thế cần phải xem là Việt Nam tìm kiếm gì khi ký kết một thỏa thuận đối tác chiến lược ?

Tôi nghĩ là theo quan điểm của Hà Nội, quan hệ đối tác chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt, thứ nhất là cho an ninh, vì thỏa thuận giúp tăng cường cho ngoại giao và quốc phòng của Việt Nam, tiếp theo là cho kinh tế, vì một quan hệ đối tác chiến lược góp phần cho sự phát triển của đất nước, và cho ngoại giao, vì một thỏa thuận như vậy giúp Hà Nội có được sự ủng hộ khi cần về chính sách đối ngoại. Từ những điểm này, nếu nhìn vào trường hợp Hoa Kỳ, có thể thấy đúng là quan hệ giữa hai nước có thể sẽ được thắt chặt hơn, nhưng cũng có thể đặt ra một số trở ngại, dù phía Hoa Kỳ đưa ra yêu cầu mạnh mẽ.

Trở ngại đầu tiên liên quan đến chính sách đối nội của Việt Nam. Có thể nói tóm lược rằng trong đảng Cộng Sản Việt Nam có nhiều khuynh hướng khác nhau, như khuynh hướng “thân Trung Quốc” ,hay ít nhiều “ngả về phía Hoa Kỳ”, mà không bên nào chịu thua bên nào. Ngoài ra còn có một số khuynh hướng khác, được thể hiện qua nhiều cấp độ quan điểm khác nhau trong chính sách của Việt Nam, với kết quả có thể thấy được mà chúng ta biết hiện nay. Dù các nhà lãnh đạo Việt Nam nhất trí không để mất chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng họ lại bất đồng về cách hành động. Một số người thiên về việc tăng cường xích lại gần Hoa Kỳ. Một số khác từ chối. Vì thế, có thể thấy cản trở đầu tiên để tiến tới quan hệ chiến lược này là chính sách đối nội và sự mất cân bằng chính trị nội bộ của Việt Nam.

Rào cản tiếp theo mang tính quân sự, liên quan đến việc từ lâu Việt Nam vẫn sử dụng vũ khí của Nga. Một phần lớn hệ thống vũ khí của  Việt Nam là do Liên Xô hoặc Nga sản xuất. Việt Nam bị phụ thuộc nhiều vào thiết bị quân sự của Nga, đến 80%. Điều này đặt ra vấn đề tương thích vũ khí do Hoa Kỳ sản xuất vào hệ thống hiện có. Ngoài ra, phải kể thêm một vấn đề pháp lý liên quan đến Đạo luật Chống lại đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (Countering America’s Adversaries Through Sanctions Act, CAATSA) nhằm trừng phạt những nước mua vũ khí Nga. Đây là một khó khăn dù có thể giải quyết được về mặt ngoại giao, nhưng vẫn là một vấn đề cần được nêu.

Trở ngại thứ ba đối với Việt Nam là mức độ tin cậy vào Washington, mà có thể thấy qua những sự kiện gần đây, ví dụ cam kết chiến lược của Mỹ bị suy yếu dưới thời tổng thống Trump. Dù chính quyền Biden đã đổi hướng, nhưng dù sao đây vẫn là một tiền lệ khó có thể khiến các nước muốn xích lại gần Washington cảm thấy yên tâm.

RFI : Ngoài ra còn có những trở ngại nào khác ?

Laurent Gédéon : Có thể kể đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, không quá quan trọng hoặc không được nhắc nhiều dưới thời tổng thống Trump, nhưng lại là vấn đề nhạy cảm đối với chính quyền Biden và từng là một điểm trong chiến dịch tranh cử của ông.

Tiếp theo là những bất trắc về khả năng Hoa Kỳ gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTTP, thỏa thuận thay thế cho Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương – TPP. Hiện chưa rõ là Mỹ sẽ tham gia hiệp định chung này, hay sẽ phát triển một hiệp định song phương khác với Việt Nam.

Khúc mắc cuối cùng về Hoa Kỳ của Hà Nội là trường hợp Afghanistan, nơi quân đội Mỹ can thiệp sâu rộng và giờ rút lui. Điều này xảy ra trong bối cảnh địa-chính trị trong vùng rất bất ổn, có thể dẫn tới xung đột và khiến tôi nghĩ đến sự ổn định chiến lược địa-chính trị của Đài Loan hiện nay, đến hiệu ứng domino từ một cuộc khủng hoảng ở Đài Loan đến Biển Đông, đến việc phương Tây gia tăng sức ép ở trong vùng thông qua việc hải quân Anh, Pháp, Úc và dĩ nhiên là Hoa Kỳ tăng cường hiện diện ở Biển Đông, ở eo biển Đài Loan, cũng như ở nhiều khu vực khác trong vùng.

Để kết luận về khả năng Việt Nam bước vào quan hệ hợp tác chiến lược với Hoa Kỳ, có thể nói là Hà Nội sẽ được lợi, chắc chắn là về mặt an ninh quân sự, nhưng cũng có nguy cơ bị mất quyền tự chủ chiến lược. Vì thế có thể nhận thấy là phía Việt Nam thận trọng trong kiểu thỏa thuận như vậy.

RFI : Trong trường hợp Việt Nam kí quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, việc này có vi phạm nguyên tắc “Bốn Không” của Việt Nam không ?

Laurent Gédéon : Đúng là Sách Trắng Quốc Phòng gần đây nhất của Việt Nam năm 2019 nêu nguyên tắc “Bốn Không”. Tôi xin nhắc lại, đó là không tham gia liên minh quân sự ; không liên kết với nước này để chống nước kia ; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác” và điểm “Không” thứ tư, được thêm vào “Ba Không” truyền thống, đó là không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Đúng là nguyên tắc “Bốn Không” có vẻ ngăn cản Hà Nội trở thành một bên tham gia vào một cuộc xung đột, ngoại trừ một vụ tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Việt Nam. Nhưng trong Sách Trắng Quốc Phòng 2019 cũng có một cảnh báo : Tùy vào diễn biến tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết và tương ứng với các nước khác, dù có nguồn gốc chính trị là gì và mức độ phát triển ra sao. Có thể thấy là lần đầu tiên Việt Nam tạo điều kiện cho việc diễn giải nguyên tắc “Bốn Không”. Và điều này có thể mở đường cho khả năng thắt chặt hợp tác quân sự với Hoa Kỳ.

Việt Nam cũng rất lưu ý đến việc lần đầu tiên cùng với Hàn Quốc, New Zealand được mời tham gia hội nghị QUAD+ vào tháng 03/2020 tập trung vào đại dịch Covid-19. Đáng chú ý ở chỗ Việt Nam đều có mối quan hệ vững chắc với các nước Bộ Tứ – QUAD gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Hoa Kỳ và Úc. Đặc biệt Việt Nam có quan hệ chiến lược với ba trong số bốn nước này, trừ Mỹ.

Ở đây cần tìm hiểu là liệu Hà Nội có tiếp cận những nước này, một cách gián tiếp thông qua những cơ chế hợp tác quốc tế chứ không phải là trực tiếp qua những cơ chế quân sự. Trong khi trên thực tế những cơ chế hợp tác quốc tế này lại giúp Việt Nam tham gia vào các cấu trúc liên minh quân sự không chính thức, dù có vẻ đi ngược lại phần nào với nguyên tắc “Bốn Không”. Dường như đây là cách tiếp cận có chủ ý của chính quyền Việt Nam.

Ngoài ra, cần biết rằng trong một cuộc thăm dò ý kiến cuối năm 2019 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), đa số người dân Việt Nam được hỏi ý kiến đều coi Bộ Tứ – QUAD là khung thể chế quan trọng nhất trong vùng, hơn cả ASEAN. Đây là một chỉ số đáng chú ý về khả năng Hà Nội tham gia vào các kiểu liên minh dù không mang tên chính thức như vậy, bất chấp những gì ghi trong Sách Trắng, hay nguyên tắc “Bốn Không”.

RFI : Mỹ đã ký bao nhiêu quan hệ đối tác chiến lược ở châu Á và khác gì với liên minh với Philippines ?

Laurent Gédéon : Hoa Kỳ đã ký nhiều thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược quan trọng trong vùng. Tôi xin nhắc một vài thỏa thuận như với Ấn Độ, tập trung vào khả năng răn đe và bảo vệ lợi ích chung cũng như về chống đại dịch và biến đổi khí hậu ; với Indonesia tập trung chủ yếu vào kinh tế và giữ gìn trật tự quốc tế theo các quy định đã có ở Ấn Độ-Thái Bình Dương ; với Singapore trong đó có một mảng hợp tác quân sự đáng chú ý, với việc một đơn vị hải quân Mỹ hiện diện ở một cảng của nước này. Ngoài ra, còn phải kể đến thỏa thuận chiến lược tổng thể hơn với ASEAN về y tế công cộng, khả năng kết nối, hợp tác kinh tế và hợp tác hàng hải về mặt môi trường.

Nhưng điều mà chúng ta nhận thấy là những quan hệ đối tác chiến lược này không phải là những hiệp ước liên minh quân sự, nhưng có những mảng quân sự ít nhiều quan trọng. Đối với những nước rất gần gũi với Hoa Kỳ thì Washington thiết lập liên minh quân sự, chứ không phải là đối tác chiến lược, như với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Philippines. Trong trường hợp ba nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines, Washington có lực lượng quân đội thường trực hoặc tạm thời.

Riêng trường hợp Philippines, Hoa Kỳ có Thỏa thuận Thăm viếng quân sự (Visiting Forces Agreement, VFA), một phiên bản của Hiệp ước phòng thủ chung được Washington và Manila ký năm 1951. Thỏa thuận VFA hiện nay quy định sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ Philippines trong những dịp tập trận, huấn luyện chung, chiến hạm cập cảng, hay bất kỳ hoạt động nào giữa quân đội hai nước. Thỏa thuận Thăm viếng quân sự VFA này đã được tổng thống Rodrigo Duterte tái khẳng định triển hạn hôm 30/07/2021, trong khi Hoa Kỳ vẫn nhắc lại là tiếp tục bảo vệ Phillipines trong trường hợp nước này bị tấn công vũ trang ở Biển Đông.

VFA giữa Mỹ-Philippines là một thỏa thuận quân sự, trái với quan hệ đối tác chiến lược. Tuy nhiên, tùy theo ý muốn và chiến lược của hai bên, ví dụ trong trường hợp của Việt Nam và Mỹ, có thể sẽ có một vế quân sự được điều chỉnh để đáp ứng những quan ngại chiến lược của mỗi bên. Nhưng phải nhắc lại là quan hệ đối tác chiến lược không phải là một liên minh quân sự như trường hợp của Mỹ và Phillippines.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, trường Sư phạm Lyon (Ecole Normale supérieure de Lyon) tại Pháp.

Nguồn: RFI/Thu Hằng

Tags: ,

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh