Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, December 22, 2024

Đảng giấu lư hương Đức Thánh Trần – Dân đòi trả lại chỗ linh thiêng


Ảnh: Chính quyền TpHCM đã cho xe rác đến cạnh lư hương và cùng lúc đưa xe cẩu mang lư hương đi để tránh sự kiện người dân dâng lễ và thắp hương Đức Thánh Trần vào ngày 17-2 kỷ niệm Trung quốc xâm lược biên giới phía Bắc VN năm 1979.–

Nước Úc có một ngày lễ gây tranh cãi suốt nhiều thập niên, đó là ngày 26/1, tên gọi của ngày lễ này được cũng được đặt lại với nhiều ý nghĩa khác nhau.

Câu chuyện được nhạc sỹ Tuấn Khanh kể lại để so sánh với chuyện lư hương Đức Thánh Trần bị dời đi cách đây hai năm.

Khởi đầu, ngày 26/1 được gọi chung là ngày lễ Quốc Khánh của Úc, vì đó là ngày đánh dấu sự kiện năm 1788, thuyền trưởng Arthur Phillip đã dựng cờ Anh và tuyên bố đây là vùng đất thuộc sở hữu của đế quốc Anh ở Port Jackson (ngày nay là Sydney Cove).

Nhưng dĩ nhiên, đó cũng là một lời khẳng định về sự xâm lược của nước Anh đối với một vùng đất mà thổ dân Úc đã sinh sống từ bao đời.

Những cuộc xung đột xảy ra, và khát vọng “giải phóng” của người Anh cũng đã mở ra một thảm cảnh về việc cách ly hàng ngàn trẻ em thổ dân với cha mẹ và làng quê, để giáo dục văn minh tách biệt, nhằm tạo một nước Úc có văn hóa nền của Châu Âu.

Câu chuyện thật dài, đầy máu và nước mắt, là một góc của lịch sử nhân loại ở những thế kỷ trước.

Những cộng đồng thổ dân ở Úc phát triển và hội nhập vào cuộc sống chung hôm nay, kể cả người Úc da trắng, vẫn luôn chất vấn về ý nghĩa của ngày Quốc Khánh Úc 26/1.

Ngày lễ 26/1 này từng được vận động gọi tên là Ngày Xâm Lược, Ngày Thương Khóc… Sai lầm từ lịch sử, vẫn luôn được người dân kêu đòi phải có sự nhìn nhận đúng, gọi tên đúng và phải có người hôm nay chịu trách nhiệm.

Ở một quốc gia văn minh, quyền được lên tiếng và thậm chí phủ nhận luôn cả ngày Quốc khánh, vẫn không bị coi là tội, cũng không ai bị khép vào cái nhìn là âm mưu lật đổ chế độ hay tuyên truyền chống nhà nước.

Bởi một nhà nước văn minh đích thực và vì dân, họ biết rằng mọi hành động chủ trương bảo vệ mình, chống lại nhân dân, chỉ biến họ trở thành loại đồ tể với nhân quyền và dân chủ.

Tháng 2/2008, Thủ tướng Úc là Kevin Rudd đã chính thức đưa ra lời xin lỗi trước toàn quốc gia, gửi tới những người dân bản địa của Úc, đặc biệt là những thế hệ bị đánh cắp mà cuộc sống của họ đã bị tàn phá bởi các chính sách cưỡng bức trẻ em và đồng hóa bản địa trong quá khứ rất xa của nước này.

Lời xin lỗi của ông Kevin Rudd, được tạm dịch một phần như sau: ”Chúng tôi xin lỗi vì luật pháp và chính sách của các quốc hội và các đời chính phủ đã gây ra đau thương, đau khổ và mất mát sâu sắc cho những người Úc trên quê hương chúng ta. Chúng tôi đặc biệt xin lỗi vì đã loại bỏ trẻ em thổ dân và Cư dân trên eo biển Torres khỏi gia đình, cộng đồng và đất nước của họ”.

Rất nhiều bài báo, hình ảnh, video của cả thế giới ghi lại những giờ phút đó. Rất nhiều người đã khóc, nhiều người ôm chặt lấy nhau.

Sự xúc động không chỉ vì nhân phẩm và giá trị nguyên bản của con người được nhìn nhận đúng trong thế giới văn minh và khát vọng hòa giải, mà họ còn khóc vì thấy mình may mắn sống trong một thể chế biết yêu tương lai của đất nước và con người hơn là gánh nặng của lý tưởng chính trị.

Câu chuyện cũ của xứ xa được viết lại dài dòng, chỉ để nhắc rằng bài báo tha thiết kêu gọi trả lại lư hương của của Đức Thánh Trần tại tượng đài ở Bến Bạch Đằng mới đây, được đăng trên báo Người Đô Thị, không phải là tiếng kêu đơn lẻ.

Nó là sự đau đớn của cả một dân tộc về sự báng bổ một hình tượng vĩ đại trong lịch sử người Việt.

Sự báng bổ chưa bao giờ xảy ra trong mọi triều đại Việt đối kháng nhau, mà xưa nay chỉ có thể nằm trong tưởng tượng về bọn ngoại bang xâm lược hay vong quốc.

Bài báo ấy có tên “Nhân giỗ Đức Thánh Trần: cần đặt lại lư hương và tôn tạo tượng đài Trần Hưng Đạo” của tác giả Phúc Tiến, xuất hiện trên trang nhà Người Đô Thị vào ngày 17-9-2021, được vài tiếng đồng hồ, đã bất ngờ bị ẩn đi.

Đó là một bài viết thật sự hiếm hoi đặt vấn đề về một giá trị dân tộc tổn thương từ sự cường quyền, nhưng rồi cũng chịu chung số phận với mọi lời ngay thẳng trước lưỡi gươm kiểm duyệt, hoặc bởi sĩ diện của một cá nhân nào đó.

Nhưng với nhân dân, tiếng kêu phẫn uất về hình tượng trang nghiêm của một tượng đài lịch sử bị xúc phạm, vẫn không ngừng vang lên kể từ ngày 17-2-2019 – ngày mà mọi người Việt khắp nơi trên địa cầu đều sững sờ thấy những chiếc xe rác bao vây tượng đài Đức Thánh Trần, và xe cẩu kéo chiếc lư hương yên vị hơn nửa thế kỷ về một nơi ẩn khuất, lấy cớ là để sửa chữa và tôn tạo khu vực.

Cho tới giờ phút này, mọi sự giải thích của chính quyền về hành động cẩu lư hương của Đức Thánh Trần luôn mập mờ và vô nghĩa. Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư thành phố, người chịu trách nhiệm chính về sự kiện này thì luôn né tránh.

Còn bà Trần Kim Yến – Bí thư Quận ủy quận 1 thì tuyên bố một cách vô đạo, vô luân thường rằng lư hương Trần Hưng Đạo được dời về đền thờ trên đường Võ Thị Sáu vì “Công viên không phải là nơi thờ phụng, mà việc thờ phụng này nên được đặt ở đình, đền, chùa sẽ đúng hơn. Đó là việc hết sức bình thường. Mình đưa việc thờ phụng về đúng vị trí“.

Trong một bài viết phản ứng từ lúc ấy, có tên “Đỉnh lư hương và thói dối trá”, Giáo sư Hoàng Dũng đã viết rằng “Không lẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh thì được phép có lư hương (ở công viên), mà Đức Trần Hưng Đạo lại không?”.

Dối trá là cách mỗi người Việt Nam gọi tên hành động và lý lẽ của những kẻ có quyền đã múa lưỡi, nhưng tận cùng, đó là sự vong bản nhục nhã khôn xiết trước tổ tiên mình.

Từ năm 2019, rộ lên tin đồn về chuyện chính quyền hiện nay muốn thủ tiêu các tượng đài, miếu đền… do chế độ cũ dựng nên, bởi muốn dứt điểm quá khứ.

Chuyện dời lư hương và bỏ mặc như vậy, chỉ là nằm trong chuỗi hành động. Thật khó tin đó là chuyện có thật, nhất là với một chế độ trong thời đại văn minh.

Tổ tiên Việt Nam chưa bao giờ phân biệt đứa con nào thờ phụng mình. Trả lại lư hương là cách chứng minh những lời đồn tồi tệ đó không có thật, và cũng để chứng minh rằng trong chế độ hôm nay, không có chuyện quyền lực cá nhân hay sĩ diện của một quan chức có thể ngồi xổm trên linh hồn tổ tiên, và của một cộng đồng dân cư đã sống với giá trị tâm linh đó suốt bao nhiêu năm nay.

Quả bóng đang ở chân những người có trách nhiệm hôm nay. Những sai lầm hôm qua không có nghĩa là thứ nhất định hôm nay buộc mọi người phải cùng chia nhau vuốt mặt.

Những người da trắng và thổ dân ở nước Úc đã cho nhau cơ hội, cầm tay nhau để gọi tên quê hương là của chung, quốc gia chân thành sám hối trước sai lầm của hàng trăm năm, để cùng đi tới một giá trị chung.

Nhưng ở Việt Nam, nếu vẫn có những người vẫn im lặng trá ngụy, ôm chặt sự hủy diệt những điều thiêng liêng nhất trong lòng dân tộc, bất chấp tiếng kêu gào tức giận không thôi của dân chúng, thì tư cách nào để chúng ta gọi nhau là đồng bào?

NHÂN GIỖ ĐỨC THÁNH TRẦN: CẦN ĐẶT LẠI LƯ HƯƠNG VÀ TÔN TẠO TƯỢNG ĐÀI TRẦN HƯNG ĐẠO là tựa đề bài viết của tác giả Phúc Tiến, bài viết đã bị gỡ bỏ khỏi báo Người Đô thị, nhưng nội dung còn được nhiều người lưu lại như sau:

Hai tuần trước ngày giỗ Đức Thánh Trần, khi đến viếng địa điểm tượng đài, chúng tôi không khỏi bùi ngùi khi thấy quang cảnh tại đây vắng lặng, không lư hương, không hương khói. Chân và thân tượng bên trên cùng các bức phù điêu bên dưới loang lổ, bong tróc. Nền gạch chung quanh nhiều chỗ sụp lún, xuống cấp…

Tượng Đức Thánh Trần ở quảng trường Mê Linh do họa sĩ Phạm Thông (1943-2016) tạo tác, được xây dựng từ năm 1966-1967. Đây chính là tượng đài Trần Hưng Đạo đầu tiên trên cả nước.

Bức tượng cao 6 mét, được thiết kế theo hình tượng lưu truyền trong sử sách, tướng quân ra trận chỉ tay xuống dòng sông, nêu lời thề đanh thép: Đánh trận lần này nếu không thắng giặc sẽ không bao giờ trở về bến sông này nữa! Thần thái của bức tượng thể hiện dáng uy vũ của một anh hùng và qua đó là khí phách của cả một dân tộc.

Trước mặt chính tượng đài, hướng ra bờ sông Sài Gòn, ngay từ khi xây dựng đã có một lư hương to lớn, chạm khắc rồng, đặt uy nghi trên bệ riêng. Đây là nơi dâng hương – không thể thiếu để tưởng nhớ Đức Thánh trong các ngày lễ trọng và cho khách thập phương thăm viếng.

Ảnh chụp lại bài viết trên báo Người Đô Thị đã bị gỡ bỏ mà không ai biết lý do

Ngày ấy, quanh lư hương không để các chậu cây kiểng như bây giờ. Trước tượng đài và lư hương dọc theo lề đường còn có nhiều cột cờ cao sơn trắng, làm tăng vẻ đẹp cao thượng và tôn nghiêm của một tượng đài tôn vinh đại anh hùng dân tộc.

Đặt tượng đài Trần Hưng Đạo bên bờ sông Sài Gòn ở một giao lộ lớn ngay bên cạnh trụ sở Bộ tư lệnh Hải Quân là một việc làm rất ý nghĩa. Nhắc nhớ trận Bạch Đằng cùng oai vũ và mưu trí của Trần Hưng Đạo là cảm hứng và nguồn sức mạnh quý báu của Hải quân Việt Nam và cả dân tộc.

Càng lý thú hơn nữa, chính tượng đài Trần Hưng Đạo được xây dựng ở khu vực vào thời Pháp thuộc từng có tượng đài Rigault De Genouilly – viên Đô đốc chỉ huy cuộc xâm lược Đà Nẵng năm 1858 và Sài Gòn năm 1859. Việc thay thế tượng đài tướng giặc bằng tượng đài danh tướng Việt Nam – người chỉ huy đánh đuổi quân xâm lăng hùng mạnh, là một việc làm rất đáng trân quý!

Đừng vô lễ nữa với tiền nhân

Rất tiếc, chiếc lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo đã bị dời đi một cách “kỳ lạ”, cách đây hai năm – đúng vào ngày kỷ niệm 40 năm quân dân ta đánh trả cuộc xâm lược của Trung Quốc ở biên giới phía Bắc. Nó được dời về đền Trần Hưng Đạo, đặt trên lối vào trước một lư hương đã có trên sân đền.

Song quan trọng hơn cả, việc dời lư hương từ tượng đài Trần Hưng Đạo đến đấy đã vi phạm các nguyên tắc về kính lễ tổ tiên và anh hùng, liệt sĩ.

Thật vậy, trên cả nước hiện đang có nhiều quảng trường, công viên hoặc điểm công cộng có đặt tượng đài Trần Hưng Đạo từ Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng đến Nha Trang, Quy Nhơn và các đảo lớn ở Trường Sa. Tại những nơi này đều có lư hương để cắm nhang tưởng nhớ, vậy mà vì sao lư hương ở tượng đài Trần Hưng Đạo đầu tiên của cả nước lại bị “bốc dỡ”?” Tác giả Phúc Tiến đặt câu hỏi chất vấn.

Nguồn: Hoàng Trung @Thoibao.de

Tags: , ,

More Stories From Chính Trị

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh