Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, December 22, 2024

Chiến lược cứng rắn của Mỹ tại Ấn Độ -Thái Bình Dương thách thức Nhật Bản


Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) và thủ tướng Yoshihide Suga họp báo tại tòa Bạch Ôc, Washington DC, Hoa Kỳ. Ảnh tháng 4/2021. MANDEL NGAN AFP.–

Nhật Bản cần một chính phủ ổn định và vững chắc để đương đầu với một nước Trung Quốc càng lúc càng hung hăng và đối phó với chiến lược cứng rắn của Mỹ để kềm tỏa Trung Quốc trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Tokyo tán đồng hiệp định Anh, Úc, Mỹ nhưng không hoàn toàn thoải mái với viễn cảnh bị Washington lôi kéo vào liên minh quân sự, trực diện đối đầu với Bắc Kinh.

RFI xin giới thiệu bài viết : « Nhật Bản trước những sáng kiến cứng rắn của Hoa Kỳ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương » của nhà nghiên cứu Marianne Péron – Doise, đăng trên trang mạng của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Trường Quân Sự Pháp IRSEM, ngày 24/09/2021.

Sau một năm cầm quyền, ông  Yoshihide Suga nhường chức chủ tịch đảng và qua đó là chiếc ghế thủ tướng cho một người khác nhằm tạo thuận lợi cho Đảng Tự Do Dân Chủ lao vào cuộc đua trước bầu cử Quốc Hội cuối tháng 11/2021. Chuyên gia Pháp, bà Péron-Doise ghi nhận : « Hơn bao giờ hết Nhật Bản cần có một chính quyền ổn định, có sức thuyết phục cả với công luận trong nước lẫn về mặt ngoại giao » bởi vì Tokyo đang phải đối mặt với một bên là một nước Trung Quốc trong tay ông Tập Cận Bình với chủ trương « dân tộc chủ nghĩa hung hăng » và bên kia là « chính sách không khoan nhượng với Trung Quốc của chính quyền Biden ».

Bị chỉ trích kém cỏi trong việc ngăn chận đại dịch Covid-19 lây lan nhân Thế Vận Hội vừa rồi, ông Suga phải từ bỏ chức vụ thủ tướng Nhật Bản.  Sau hơn một năm cầm quyền, di sản chính trị của Yoshihide Suga « mờ nhạt » hơn nhiều so với người tiền nhiệm là Shinzo Abe. Điểm son của cựu thủ tướng Abe trong tám năm điều hành đất nước là đã thuyết phục được nhiều đối tác « chia sẻ tầm nhìn của Nhật về một khu vực Ấn Độ–Thái Bình Dương tự do và rộng mở ».

Yoshihide Suga đã tiếp nối chiến lược đầy tham vọng đó và ông đã dành hai chuyến xuất ngoại đầu tiên cho các đối tác ASEAN là Việt Nam và Indonesia. Cho đến tận những tuần lễ chót ở cương vị thủ tướng, ông Suga, nguyên là cánh tay phải của Shinzo Abe đã tổ chức ở Tokyo một cuộc họp cấp bộ trưởng của Bộ Tứ QUAD, một đối thoại an ninh bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Úc và Ấn Độ tập trung vào khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương. Tuần trước thủ tướng Suga đã đến Washington dự thượng đỉnh đầu tiên của nhóm QUAD. Tổng thống Biden mong muốn bốn nước liên quan « năng động hơn ». Tầm mức quan trọng của Bộ Tứ trong mắt tổng thống Hoa Kỳ là một thành công lớn của Nhật Bản về đối ngoại.

Nhật Bản đã « quốc tế hóa » vấn đề Đài Loan

Trong chiến lược an ninh, thủ tướng Suga đã gây bất ngờ khi lên tiếng về hồ sơ Đài Loan. Chuyên gia thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Trường Quân Sự Pháp, Marianne Péron-Doise nhắc lại Sách trắng về quốc phòng Nhật Bản công bố tháng 7/2021 đã nhấn mạnh : sự ổn định tại eo biển Đài Loan là một phần trong vế an ninh quốc gia. « Nhật Bản lo ngại trước việc Trung Quốc gia tăng các chiến dịch phô trương sức mạnh chung quanh Đài Loan kể từ khi tổng thống Thái Anh Văn tái đắc cử hồi 2020 ».

Lý do, « Đài Loan chỉ cách quần đảo Senkaku chừng 100 cây số. Quần đào này do Nhật Bản quản lý nhưng Bắc Kinh lại hung hăng tuyên bố khẳng định chủ quyền » mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Bắc Kinh thường xuyên cho tàu cá hay tàu hải cảnh thâm nhập vào các vùng biển thuộc chủ quyền Nhật Bản trong khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Theo Tokyo, Bắc Kinh áp dụng những thủ thuật sách nhiễu Đài Loan tương tự như với các vùng hải đảo của Nhật Bản. Hơn thế nữa, nội các Suga quan niệm rằng, trong trường hợp Trung Quốc tấn công Đài Loan, Nhật Bản sẽ bị rơi vào vòng xoáy khủng hoảng do vừa gần gũi với Đài Loan về mặt địa lý, lại vừa là đồng minh quân sự của Hoa Kỳ với các căn cứu quân sự và không quân đặt tại Okinawa cũng không xa eo biển Đài Loan.

Trong cuộc hội kiến lần đầu với tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Nhà Trắng hồi tháng 4/2021, thủ tướng Suga đã đề cập đến lo ngại này và đôi bên « chia sẻ lo ngại về an ninh chung ».

Cũng thủ tướng Suga đã áp đặt được quan điểm khi đưa vào thông cáo kết thúc thượng đỉnh G7 tại Anh Quốc hồi tháng 6/2021 một câu liên quan đến « tầm mức quan trọng của sự ổn định tại eo biển Đài Loan ». Nói cách khác theo phân tích của chuyên gia Pháp Marianne Péron-Doise, chính Nhật Bản dưới thời thủ tướng Yoshihide Suga đã thu hút chú ý của cộng đồng quốc tế về vấn đề Đài Loan và điều đó không ngớt làm Bắc Kinh phẫn nộ.

Vị trí của Nhật Bản trong cuộc đọ sức chiến lược Mỹ-Trung

Nhưng câu hỏi quan trọng nhất là Nhật Bản cần có một chỗ đứng như thế nào trong bối cảnh Trung Quốc và Hoa Kỳ đang lao vào một cuộc chạy đua về mặt chiến lược ?

Nhà nghiên cứu của học viện quân sự Pháp IRSEM nhắc lại chính quyền của thủ tướng Suga trong Sách Trắng quốc phòng đã nêu ra một số hướng đi như là « mở rộng các mối đối tác phòng thủ, tăng cường khả năng nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến » và quan trọng hơn nữa là « tìm được một chỗ đứng giữa một bên là Hoa Kỳ và bên kia Trung Quốc Trung Quốc ».

Giờ đây, với Joe Biden ở Nhà Trắng, yếu tố thứ ba này sẽ laf một bài toán khó bởi lâu nay Tokyo cứ ngỡ rằng có thể dung hòa được giữa một bên là những mối « quan hệ thương mại, kinh tế với Bắc Kinh » và bên kia là « vế mặt an ninh với Washington ». Nhưng chính quyền Biden đang dồn Nhật Bản vào thế khó xử.

Marianne Péron-Doise giải thích : Về mặt thương mại và công nghệ, Mỹ không có ý định tham gia hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương CPTPP mà Tokyo là một trụ cột, nhưng lại muốn Nhật Bản « huy động nguồn lực để mở củng cố vai trò của nhóm QUAD. Washington cũng muốn trông cậy vào công nghệ cao của Nhật để cản đường các đối thủ Trung Quốc đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông và mạng 5G ».

Còn trên phương diện quân sự Nhật Bản không thoải mái trước những sáng kiến của chính quyền Biden trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương : lực lượng phòng vệ của Nhật ngày càng đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt là trên biển và qua các chương trình thao diễn quân sự càng lúc càng dồn dập với Hoa Kỳ và nhiều đối tác khác nữa. Trong khuôn khổ đối thoại bốn bên, từ 2015 Hải Quân Nhật Bản đã có nhiều cơ hội tập trận thường xuyên với Hải Quân của Mỹ, Úc hay Ấn Độ.

Nhưng việc Washington, Canberra và Luân Đôn thông báo thành lập liên minh quân sự AUKUS khiến Tokyo khó xử. Một mặt Nhật Bản tuyên bố « hoan nghênh » hiệp định này, nhưng mặt khác việc AUKUS cho phép Hoa Kỳ tăng cường hiện diện quân sự ở Ấn Độ-Thái Bình Dương để kềm tỏa Trung Quốc đang đẩy Nhật Bản vào một « tình huống chưa từng có ».

Bởi thứ nhất theo nhà nghiên cứu Pháp Péron- Doise, AUKUS đã « thô bạo gạt Pháp ra rìa » khiến Nhật Bản « trông người lại nghĩ đến ta », nghĩa là Tokyo cũng có thể bị đẩy xuống hàng thứ yếu nếu như không răm rắp nghe theo Hoa Kỳ. Thứ hai, Nhật Bản lo ngại AUKUS đe dọa phần nào đến tầm nhìn của Tokyo về một vùng « Ấn Độ -Thái Bình Dương tự do và rộng mở » : đó phải là một khu vực mà « trật tự trên biển căn cứ trên luật pháp quốc tế phải được tôn trọng ». Nhật Bản cố gắng đóng một vai trò tích cực chống lại những tham vọng bá quyền của Trung Quốc, tham gia các liên minh với nhiều đối tác khác ngoài Hoa Kỳ. Nhưng cùng với Washington trực tiếp tham gia vào chiến lược « containment » nhắm vào Bắc Kinh thì lại là một chuyện khác.

« Tokyo hài lòng trước việc nhiều nước châu Âu, từ Anh, Pháp, hay Đức, Hà Lan, đã điều tàu chiến đến Ấn Độ -Thái Bình Dương và Hải Quân Nhật Bản đã có cơ hội diễn tập, trao đổi, cộng tác với các lực lượng này. Các hợp tác đa phương đó của Nhật Bản liệu có được duy trì trong bối cảnh liên minh quân sự AUKUS đã được hình thành hay không ? »

Nhật Bản đánh giá cao việc thắt chặt liên minh với Hoa Kỳ để làm đối trọng với Trung Quốc nhưng đồng thời cũng muốn duy trì một sự hài hòa « trong cộng đồng Ấn Độ -Thái Bình Dương ». Tokyo mong muốn tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với Ấn Độ, Pháp và Liên Hiệp Châu Âu. Đó là những đối tác mà Nhật xem là « quan trọng ».

Nguồn: RFI/Thanh Hà

Tags: ,

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh