“Quân đội Vương Bài”: Đảng Cộng sản Việt Nam đã bị Trung Quốc cho mắc lỡm như thế nào?
Posted by Luu HoanPho, Oct 11, 2021, Comments Off
Lính Trung Quốc bị Việt Nam bắt giữ trong cuộc chiến biên giới ở Cao Bằng hôm 26/2/1979.–
Chiêu bài tuyên truyền cũ của Bắc Kinh
Mới đây, một bộ phim Trung Quốc có tên “Ace Troops” (Quân đội Vương Bài) mới cho ra mắt trailer dài gần hai phút song đã nhận không ít “gạch đá” từ cộng đồng mạng do bị phát hiện được “tuyên truyền” bằng những thông tin sai lệch về cuộc chiến tranh biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1979.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam mới đây chính thức lên tiếng về bộ phim này: “Chủ trương nhất quán của Việt Nam đối với các vấn đề lịch sử là gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, nhìn nhận lịch sử một cách đúng đắn và khách quan và có việc làm tích cực nhằm tăng cường sự hiểu biết, hữu nghị giữa người dân, đóng góp cho quan hệ hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa các quốc gia trên thế giới.” (1)
Bộ phim có nội dung gì?
Theo tóm tắt nội dung của trang Baidu, phim có mốc thời gian trải dài từ 1983 đến khoảng 40 năm sau, kể về hai tân binh Cao Lương (Hoàng Cảnh Du đóng) và Cố Nhất Dã (Tiêu Chiến). Cao Lương xuất thân thợ mỏ còn Cố Nhất Dã lớn lên trong gia đình quân nhân. Cả hai hiếu thắng, ban đầu không ưa nhau, sau thành chiến hữu. Họ trải qua chiến tranh, cùng rà phá bom mìn ở Quảng Tây, trận lụt năm 1998. Phim, do Lưu Nham đạo diễn năm 2020, đã phát hành trailer song chưa công bố thời gian phát sóng.
Điều đáng chú ý là một tài khoản trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, đã đưa ra phân tích: “Phim lấy bối cảnh là những năm 1980, khi lực lượng quân sự của Việt Nam mạnh lên không ngừng, họ cũng bắt đầu có ý nghĩ xấu đối với lãnh thổ của Trung Quốc và phát động một loạt cuộc quấy rối và xâm phạm biên giới của Trung Quốc…”.
Trong trailer phim, nhiều khán giả chỉ ra chi tiết phục trang diễn viên mặc tương tự quân phục lính Trung Quốc thời kỳ nước này tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam năm 1979. Video giới thiệu phim còn có cảnh đội quân Trung Quốc bắn đạn pháo, hoặc một số phân cảnh họ chiến đấu với một lực lượng sử dụng súng tiểu liên AK, ngụy trang lớp lá cây. Pháo binh cũng là lực lượng được Trung Quốc sử dụng nhiều nhất trong các trận chiến ở Vị Xuyên (Hà Giang).
Tại sao Trung Quốc lại làm vậy?
Trung Quốc gần đây đã thể hiện dã tâm được thể hiện mỹ miều là “giấc mơ Trung Hoa” của họ, theo đó, thế giới phải là do Trung Quốc cai trị và dẫn dắt. Trung Quốc đang từng bước thay đổi trật tự thế giới trước đây, vốn là trật tự dựa trên luật lệ. Trung Quốc đang muốn thay đổi tất cả, luật pháp quốc tế phải theo ý của Trung Quốc, các định chế quốc tế phải dưới quyền điều khiển của Trung Quốc. Và dĩ nhiên, lịch sử thế giới cũng phải theo cách của Trung Quốc muốn.
Không phải đến bây giờ thì Trung Quốc mới thể hiện tuyên truyền kiểu như vậy về Việt Nam đối với người dân của họ và với thế giới. Các âm mưu và dã tâm của Trung Quốc đã được thực hiện qua các hành động tuyên truyền của họ từ rất lâu, đặc biệt là với chủ đề Việt Nam.
Năm 1990, trước sự sụp đổ của hệ thống chủ nghĩa xã hội trên thế giới, đồng thời Việt Nam vẫn bị Mỹ cấm vận. Trong bối cảnh đó, Việt Nam nóng lòng muốn tìm mọi cách để bình thường hoá với Trung Quốc. Hội nghị Thành Đô để tiến tới bình thường hoá quan hệ Việt – Trung năm 1990 được thiết lập trong bối cảnh như vậy.
Nội dung của Hội nghị Thành Đô là gì thì phía Việt Nam vẫn luôn giữ kín cho đến tận bây giờ. Tuy nhiên, một số cán bộ lão thành cho biết, một nội dung trong Hội nghị Thành Đô, đó chính là cả hai bên Việt Nam và Trung Quốc cùng nhau thoả thuận: Hai bên không nói xấu lẫn nhau; Hai bên không nhắc lại quá khứ; Hai bên không tấn công nhau trên báo chí.
Đây chính là lý do mà Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam mới đây nói rằng: “Chúng tôi đề nghị phía Trung Quốc cùng thực hiện nghiêm nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về tăng cường tuyên truyền hữu nghị, khách quan, củng cố cơ sở xã hội thuận lợi cho phát triển quan hệ hai nước.” (2)
Việt Nam bị mắc lỡm
Quá tin tưởng vào “người anh hai” cộng sản láng giềng của mình, phía Đảng Cộng sản Việt Nam đã “nghiêm túc” tuân thủ thoả thuận này, để từ đó, mọi thông tin về quan hệ Việt – Trung trước đó, kể cả các vấn đề biển đảo, đều được Đảng cộng sản Việt Nam chỉ đạo giấu nhẹm.
Đặc biệt các thông tin về chiến tranh Biên giới năm 1979 chống lại sự xâm lược của Trung Quốc đã bị xoá gần hết khỏi các sách giáo khoa về lịch sử. Cụ thể, bản in Lịch sử lớp 12 năm 2001 có ba đoạn, 24 dòng viết về chiến tranh biên giới phía Bắc. Nhưng đến bản in năm 2018 chỉ còn hai đoạn, bốn câu, 11 dòng.
Trong khi giới trẻ Việt Nam ít được giáo dục một cách khoa học về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc thì học sinh, thanh niên Trung Quốc từ lâu được tuyên truyền sai trái rằng đây là “cuộc chiến tranh phản kích chống Việt Nam để tự vệ” nhằm trừng phạt “tiểu bá Việt Nam vong ân bội nghĩa, tay sai của Liên Xô”…
Giáo sư sử học Vũ Dương Ninh – một trong những người đứng đầu ban soạn thảo sách giáo khoa lịch sử cho biết: “Vào đầu những năm 2000, Nhà xuất bản Giáo dục tổ chức trại sáng tác sách giáo khoa. Một vấn đề được đưa ra thảo luận khi đó là sách Lịch sử lớp 12 nên viết thế nào về những sự kiện có liên quan đến vấn đề hải đảo và biên giới đất liền giữa Trung Quốc và Việt Nam. Có ý kiến chỉ đạo là không viết vì khi đó ta vừa bình thường hoá quan hệ với nước bạn. Tuy nhiên, các thầy giáo không đồng ý mà chủ trương viết đầy đủ sự kiện đã xảy ra vì Lịch sử phải khách quan.
Sau những hồi thảo luận sôi nổi, cuối cùng mọi người đi đến kết luận là nhất định phải viết, rồi giao một số thầy thực hiện. Sự kiện Hoàng Sa thời điểm đó chưa công bố thông tin nên chỉ có vấn đề chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc được đưa vào sách.
Ban đầu các tác giả viết khá dài và chi tiết về chiến tranh biên giới phía Bắc. Sau vì khuôn khổ sách giáo khoa quy định, chủ yếu vì lý do “quan hệ tế nhị” với nước bạn nên nội dung này bị sửa đi sửa lại nhiều. Từ bốn trang xuống chỉ còn 11 dòng. Những tác giả chúng tôi rất không thoả mãn vì với nội dung như thế chưa thể nói lên được điều gì. Cuối cùng, chúng tôi đành chấp nhận vì ít nhất, sự kiện đã được nêu ra để học sinh biết đến.” (3)
Ông Phạm Hồng Tung, Giáo sư sử học trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, cũng cho biết: “Hành động thù địch chống Việt Nam của tập đoàn Pol Pot được một số nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc đó đồng tình ủng hộ. Họ còn có những hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị của nhân dân hai nước như: cho quân khiêu khích dọc biên giới, dựng nên sự kiện nạn kiều, cắt viện trợ, rút chuyên gia. Nghiêm trọng hơn, sáng 17/2/1979, quân đội Trung Quốc huy động 32 sư đoàn, mở cuộc tấn công dọc biên giới nước ta từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu).
Để bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, quân dân ta, trực tiếp là quân dân sáu tỉnh biên giới phía Bắc, đã đứng lên chiến đấu. Đến ngày 18/3/1979, quân Trung Quốc rút khỏi nước ta.
Các cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ở Biển Đông hầu như không được đề cập đến. “Việc trình bày như vậy là quá sơ lược, không xứng với vị trí địa lý, ý nghĩa của giai đoạn lịch sử đó, không đáp ứng được nhu cầu nhận thức và phát triển năng lực của học sinh. Hơn nữa, trong những đoạn văn ngắn đó còn sai sót cả về nội dung lịch sử, hình thức trình bày”.
Những câu chuyện trên đây để thấy rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có rất nhiều hành động sai lầm. Nhưng sai lầm lớn nhất là cả tin vào Trung Quốc. Lịch sử hàng ngàn năm của dân Việt đều cho thấy dã tâm và sự thâm hiểm của Bắc Kinh như thế nào. Thế nhưng “các lãnh đạo kiệt xuất” của Đảng Cộng sản dường như không thuộc bài học lịch sử đắt giá đó. Việc duy trì tốt quan hệ với Trung Quốc để gìn giữ hoà bình là một việc làm đúng đắn, nhưng không có nghĩa vì thế là “gởi trọn niềm tin” cho một quốc gia tráo trở nhất thế giới như Trung Quốc. Thêm nữa, Đảng Cộng sản một mặt cứ nói tôn trọng khoa học, tôn trọng lịch sử. Nhưng việc can thiệp trắng trợn vào các nội dung sách giáo khoa lịch sử cho thấy họ chả coi khoa học hay lịch sử là gì cả.
Chính các sai lầm đó, nên mới dẫn tới các “đòn tuyên truyền” của Trung Quốc như vụ bộ phim “Quân Đội Vương Bài” này. Chỉ có cách Việt Nam phải tôn trọng sự thật lịch sử như nó đã từng tồn tại, “trả lại tên cho em” trong mọi vấn đề liên quan đến biên giới, lãnh thổ, biển đảo của đất nước. Nếu để cho mọi người dân đều hiểu rõ bản chất của cuộc chiến năm 1979 là gì thì mọi cách tuyên truyền rẻ tiền, nhảm nhí của Bắc Kinh như bộ phim “Quân Đội Vương Bài” sẽ không có tác dụng.
Nguồn: RFA/Phong Thành