Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, November 17, 2024

Trung Quốc và Đài Loan chưa bao giờ xa nhau đến vậy


Một máy bay trực thăng CH-47 Chinook mang cờ Đài Loan bay trên bầu trời Đài Bắc trong lễ Quốc Khánh 10/10/2021. Sam Yeh AFP.–

Bài xã luận của Le Monde nói về giải Nobel, cỗ máy đánh thức tự do báo chí. Về Trung Quốc, Le Monde nhận định «Mọi ánh nhìn đều hướng về Trung Quốc nhân khai mạc hội nghị về đa dạng sinh học». Chuyên mục Thời luận – kinh tế cũng được dành cho Trung Quốc : «Trung Quốc sẽ chậm lại». Nhưng đáng chú ý hơn là bài viết của thông tín viên Frédéric Lemaitre tại Bắc Kinh : «Chưa bao giờ Trung Quốc và Đài Loan xa nhau đến vậy».

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường nhân dân hôm thứ Bảy, nhân kỷ niệm 110 năm Cách mạng Tân Hợi, nhắc lại rằng việc « thống nhất » Trung Quốc và Đài Loan « phải đạt được và sẽ đạt được ». Theo ông, những người ly khai là trở ngại chính cho việc đưa Đài Loan thống nhất với mẫu quốc và là một mối nguy nghiêm trọng cho « công cuộc đổi mới đất nước”.

Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng Đài Loan, với tư cách là một thực thể chính trị, là « kết quả của sự yếu kém và hỗn loạn của đất nước Trung Quốc và chắc chắn sẽ được giải quyết khi công cuộc đổi mới đất nước trở thành hiện thực (…) Những ai quên tổ tiên, phản bội Tổ quốc, chia rẽ đất nước đều bị lên án. Họ sẽ vĩnh viễn bị nhân dân gạt bỏ và bị lịch sử phán xét ».

Thông tín viên Le Monde tại Bắc Kinh cho biết phần này trong bài phát biểu đã được giới truyền thông Trung Quốc săn đón. Tuy nhiên, trước đó, nhân vật số 1 Trung Quốc đã cẩn thận nói rằng việc thống nhất « bằng các biện pháp hòa bình » sẽ có lợi cho toàn thể đất nước, kể cả cho « các đồng bào ở Đài Loan ». Từ « hòa bình » được ông Tập nhắc lại tới 3 lần như để thể hiện chủ ý muốn làm giảm căng thẳng sau khi quân đội Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan tới hơn 150 lần từ hôm Quốc Khánh Trung Quốc 01/10.

Ngày 10/10, Quốc Khánh Đài Loan, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đáp lại rõ ràng : « Đài Loan phải chống lại sự sáp nhập hoặc xâm phạm chủ quyền của mình (…) Tương lai Đài Loan phải được quyết định theo ý nguyện của người dân Đài Loan ».

Tái khẳng định mong muốn duy trì nguyên trạng – tổng thống Thái Ăn Văn cũng như các người tiền nhiệm đều không chính thức tuyên bố độc lập cho hòn đảo. Bà khẳng định Đài Loan đang ở trên « tuyến đầu », « bảo vệ nền dân chủ », « đối phó với sự bành trướng của chủ nghĩa độc tài ». Tổng thống Thái Anh Văn cũng vui mừng vì Đài Loan đã đạt được tầm quan trọng trên trường quốc tế và không còn là chủ đề bị gạt ra bên lề, cho dù là ở Washington, Tokyo, Canberra hay Liên Âu và bà nhận định Đài Bắc càng gặt hái được nhiều thành tựu thì sức ép từ Trung Quốc lại càng lớn.

Trên thực tế, Le Monde nhắc lại cho đến năm 2020, giữ nguyên trạng Đài Loan là có lợi cho Bắc Kinh. Nhờ trọng lượng kinh tế và ngoại giao, Bắc Kinh dần dần tiến tới gạt Đài Loan ra khỏi sân khấu quốc tế. Nhưng chính sách của chính quyền Mỹ thời Donald Trump và cách Đài Loan xử ký khủng hoảng đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi « cuộc chơi ».

Hoa Kỳ chỉ công nhận một nước Trung Hoa, không cam kết bảo vệ Đài Loan mà chỉ cung cấp cho Đài Bắc phương tiện phòng vệ, nhưng Bắc Kinh coi là Washington không « giữ lời », « thay đổi chính sách », chẳng hạn về việc Mỹ có thể cho Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Washington đổi tên thành Văn phòng Đại diện Đài Loan.

Bà Shelley Rigger, giáo sư tại Davidson College, Đại học Bắc Carolina, không tin vào khả năng Trung Quốc can thiệp vào Đài Loan, vì Bắc Kinh sẽ có nhiều rủi ro về quân sự và phải trả giá đắt về ngoại giao.

Dân Đài không lo lắng, nhưng chính quyền Đài Bắc lo ngại

Điều đáng ngạc nhiên đối với thông tín viên Le Monde là công luận Đài Loan cũng ngả theo hướng này. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy người dân không mấy lo ngại về khả năng bị Trung Quốc tấn công. Bà Rigger phân tích là người dân Đài Loan không tự coi họ là ly khai, không có cảm giác là họ đe dọa công cuộc đổi mới của Trung Quốc và đối với họ Trung Quốc « sẽ mất nhiều hơn được » nếu xảy ra xung đột với Đài Loan.

Trái lại, giới lãnh đạo Đài Loan lại lo ngại hơn. Cả nội dung phát biểu cũng như giọng điệu của tổng thống Thái Anh Văn đều cho thấy điều đó. Quả thực, theo Le Monde, « đường lối cứng rắn » dường như đang dần chiếm thế thượng phong tại Bắc Kinh. Cách nay 2 năm, Victor Gao, từng là thông dịch viên tiếng Anh của cựu chủ tịch Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và hiện là phó chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, giải thích là Trung Quốc khó có khả năng tấn công Đài Loan, bởi vì « người Trung Quốc ở cả hai phía ».

Nhưng nay, phát biểu của ông Victor Gao đã thay đổi hoàn toàn. Đối với nhân vật này, « 10% trong tổng số 23 triệu dân Đài Loan là hậu duệ của người Nhật » (từng xâm chiếm hòn đảo đến năm 1945) và chính nhóm người này là « những kẻ ly khai » và khi Bắc Kinh « lấy lại hòn đảo », họ sẽ hỏi nguồn gốc người dân và « những ai là hậu duệ của người Nhật phải cam kết bằng văn bản là ủng hộ việc thống nhất », nếu không họ sẽ phải rời Đài Loan.

Phó chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa cũng không tin là Mỹ sẽ can thiệp quân sự để bảo vệ Đài Loan, bởi « Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai cường quốc hạt nhân. Giữa hai quốc gia này, hòa bình là điều không thể tránh được ». Thế nhưng, theo một cuộc thăm dò Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu công bố hồi tháng 08/2021, kể năm 1982, khi khảo sát bắt đầu được thực hiện, lần đầu tiên đa số người Mỹ (52%) ủng hộ việc Washington điều quân đến bảo vệ Đài Loan khỏi Trung Quốc.

Đe dọa đài Loan: Chắc chắn Trung Quốc sẽ làm nhiều hơn thế

Nhìn sang Libération, tờ báo thiên tả đăng bài thông tín viên Adrien Simorre phỏng vấn tại Đài Bắc cựu bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Alain Richard, chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp – Đài, khi ông dẫn đầu phái đoàn thượng nghị sĩ sang thăm Đài Loan và chuyế thăm bị chính quyền Bắc Kinh chỉ trích nặng nề.

Cựu bộ trưởng Quốc Phòng Pháp nhận định chắc chắn là Trung Quốc sẽ tiến xa hơn nữa trong việc đe dọa Đài Loan. Tiềm lực quân sự của Bắc Kinh lớn hơn nhiều chứ không chỉ là các vụ xâm nhập bằng chiến đấu cơ. Hải quân Trung Quốc đặc biệt đã phát triển đáng kể và chỉ sau vài năm đã được trang bị nhiều tàu đổ bộ. Trung Quốc từng khẳng định khả năng dùng vũ lực nếu Đài Loan đòi độc lập. Theo ông Richard, Hoa Kỳ sẽ tham chiến nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan nhưng có thể sẽ không chiếm được ưu thế trước Bắc Kinh.

Trả lời câu hỏi về khả năng tự phòng vệ của Đài Loan, quan chức Pháp nói rằng ai cũng thấy là có sự chênh lệch về tương quan lực lượng, nhưng lịch sử 60 năm qua cho thấy các ý tưởng ​​chiến tranh của cộng sản Trung Quốc không phải lúc nào cũng thành công, và nếu thành công thì Trung Quốc cũng phải trả giá rất đắt về nhân mạng.

Về phía Pháp, cựu bộ trưởng cho biết sau nhiều năm tạm ngưng, Paris đã bật đèn xanh trở lại về khả năng bán trang thiết bị quốc phòng cho Đài Loan. Hồi năm 1991, Đài Bắc từng mua 6 tầu hộ tống chống tàu ngầm Lafayette của Pháp và năm sau đó mua 60 máy bay tiêm kích Mirage 2000.

Canada một mình chống Trung Quốc sau liên minh quân sự AUKUS

Giống như đa phân báo Pháp, hôm nay báo Le Figaro quan tâm nhiều đến thời sự trong nước : vấn đề có cần duy trì chứng nhận y tế, khẩu trang trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã bị đẩy lui, chiến dịch tiêm mũi 3 ngừa virus corona cho 22 triệu người Pháp, kế hoạch đầu tư quy mô lớn France 2030 của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cuộc gặp giữa chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp và bộ trưởng Nội Vụ Darmanin một tuần sau báo cáo Sauvé về nạn lạm dụng tình dục trẻ em trong Giáo hội Pháp giai đoạn 1950 – 2020 …

Nhìn ra quốc tế, ngoài giải Nobel Kinh Tế 2021, Pakistan – « đối tác khó tính » của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, việc thủ tướng Ý huy động các nước G20 hỗ trợ Afghanistan, chế độ Taliban dưới mối đe dọa khủng bố từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo nhánh Khorasan, Canada trong bối cảnh liên minh Mỹ – Anh – Úc AUKUS mới được thành lập đặc biệt thu hút sự chú ý của Le Figaro qua bài viết « Canada một mình chống Trung Quốc sau liên minh quân sự AUKUS ».

Các nguồn tin từ chính phủ Canada tiết lộ Ottawa đã không được Washington, Canberra và Luân Đôn (3 đồng minh của Canada trong liên minh Ngũ Nhãn/Five Eyes) báo trước là họ đang đàm phán về một liên minh mới xuyên Thái Bình Dương. Canada đã bị 3 đồng minh gạt ra ngoài liên minh mới, không chỉ về tàu ngầm hạt nhân và cả về phòng thủ mạng, trí tuệ nhân tạo và chia sẻ thông tin.

Ferry de Kerckhove, giáo sư tại Đại học Ottawa và là cựu đại sứ Canada, nhận định Canada rất yếu kém trong một thế giới mà cho đến nay Ottawa vẫn chưa điều chỉnh cho phù hợp. Canada vẫn « bất di bất dịch » ở Đại Tây Dương khi « trung khu thần kinh » của thế giới đang dịch chuyển sang Thái Bình Dương. Ottawa tuyên bố là một phần của Thái Bình Dương do vị trí địa lý nhưng mới chỉ đóng vai phụ trong khu vực này.

Canada cũng không còn uy tín quân sự với các đồng minh. Chuyên gia quốc phòng Canada, Paul T. Mitchell, từng viết trên trang mạng nghiên cứu The Conversation : « Các lực lượng vũ trang Canada đã dần loại bỏ những khả năng cơ bản, nhất là về pháo tầm xa, xe tăng, máy bay tiêm kích, lực lượng tàu ngầm, tàu khu trục và hậu cần hàng hải ». Thái độ liên tục do dự của Ottawa trước Trung Quốc trong vụ giám đốc tài chính Hoa Vi, Mạnh Vãn Châu, cũng khiến các nước đồng minh có cảm giác Canada yếu thế.

Trong khi đó, Ottawa lại lo ngại bị chế độ độc tài Trung Quốc trả đũa nếu Canada gia nhập liên minh AUKUS. Theo chuyên gia quốc phòng Julian Spencer-Churchill, Canada cũng muốn tránh bị lôi kéo vào các cuộc can thiệp quân sự của Mỹ.

Nguồn: RFI/Thùy Dương

Tags: ,

More Stories From Bình Luận

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh