Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, December 22, 2024

Nguy cơ Trung Quốc xâm lược Đài Loan đang đe dọa hòa bình thế giới


Chiến hạm lớp Perry của Đài Loan tham gia cuộc tập trận thường niên Hán Quang (Han Kuang) ở ngoài khơi Hoa Liên (Hualien) thuộc miền trung. Ảnh tư liệu chụp ngày 17/09/2014. AP – Wally Santana.–

Bài xã luận của Le Monde nhấn mạnh « Trung Quốc-Đài Loan : Mối đe dọa cho hòa bình thế giới ». Lâu nay vẫn được coi là một bất đồng lâu dài trong khu vực với mức độ trung bình, vấn đề Đài Loan từ nay tập trung mọi quan ngại, từ Washington đến Bruxelles, từ Tokyo đến Canberra.

Kể từ cuộc khủng hoảng 1995-1996, khi đó cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều biểu dương sức mạnh, chưa bao giờ mối đe dọa của Bắc Kinh lên Đài Loan lại mạnh mẽ đến thế. Căng thẳng gần đây tăng nhanh khi Tập Cận Bình liên tục đòi « thống nhất » Đài Loan vào Trung Quốc. Từ ngày 01/10, khoảng 150 chiến đấu cơ Trung Quốc xâm nhập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) Đài Loan. Việc nhà lãnh đạo Bắc Kinh thổi phồng dân tộc chủ nghĩa, sức mạnh quân sự Trung Quốc tăng lên – nay có thể tiến hành những cuộc tấn công tin học lẫn quy ước với địch thủ – gây lo ngại cho đảo quốc, nền dân chủ hiếm hoi trong khu vực.

Một mô hình Trung Hoa đối nghịch và thịnh vượng, cái gai trong mắt Bắc Kinh

Đối với chế độ độc tài Bắc Kinh, sự hiện diện của một mô hình Trung Hoa đối nghịch với mình và lại thịnh vượng, nằm cách vùng duyên hải chỉ 180 kilomet, là khó thể chịu đựng nổi. Sau khi đặt dấu chấm hết cho nguyên tắc « Một nước hai chế độ » đã giúp cho Hồng Kông duy trì quyền tự trị từ khi trao trả năm 1997, Đài Loan rõ ràng là giai đoạn sắp tới để biến khẩu hiệu « Chỉ có một nước Trung Hoa » thành hiện thực.

Về phía Hoa Kỳ coi đây là thách thức lớn, nhất là Washington tin rằng Bắc Kinh tìm cách lật đổ vị trí hàng đầu thế giới về quân sự và kinh tế của Mỹ. Từ khi công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1979, Washington không ràng buộc với Đài Loan bằng một hiệp ước quân sự nào, nhưng chỉ trao cho đảo quốc phương tiện để tự vệ trong trường hợp bị tấn công.

Giờ đây trong bầu không khí ngày càng hiếu chiến, và CIA coi Trung Quốc là « mối đe dọa địa chính trị quan trọng nhất mà chúng ta phải đối đầu trong thế kỷ 21 », Hoa Kỳ biết rằng nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan, sẽ là hồi kết cho sự thống trị của mình ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Cho đến nay, sự nghi ngờ về mức độ phản ứng của Washington trước một cuộc tấn công từ Trung Quốc đã giúp răn đe. Nhưng giờ đây Bắc Kinh tung hỏa mù, khi thì hung hăng đòi sáp nhập và hành động thù địch, khi lại tuyên bố hòa dịu. Nhưng nay giới hạn đang lung lay một cách nguy hiểm : sự sụp đổ của Kabul khiến các nhà lãnh đạo Bắc Kinh phấn khích, thêm tin tưởng rằng sức mạnh Mỹ đang suy tàn. Và những bài diễn văn liên tục của các nhà lãnh đạo Washington về mối đe dọa Trung Quốc, đã thuyết phục được đại đa số người Mỹ tin rằng cần phải bảo vệ Đài Loan bằng biện pháp quân sự.

Le Monde hết sức mong muốn ông Tập Cận Bình không điên khùng đến nỗi tấn công Đài Loan, và vẫn giữ nguyên khẩu hiệu « thống nhất bằng phương tiện hòa bình ». Một cuộc xâm lược của Trung Quốc sẽ kích hoạt xung đột trực tiếp với Hoa Kỳ, đe dọa không chỉ sự ổn định của Trung Quốc và châu Á, mà còn cả hòa bình thế giới.

Hoa Kỳ, siêu cường không đại sứ

La Croix nhìn sang « Hoa Kỳ, siêu cường không đại sứ ». Từ nhiều tháng qua, thượng nghị sĩ Cộng Hòa Ted Cruz đã ngăn chận việc bổ nhiệm vài chục viên chức của tổng thống Joe Biden. Mỗi lần một tổng thống mới được bầu lên, khoảng 4.000 viên chức liên bang lại bị thay thế, trong số đó 1.237 người phải được Thượng Viện chuẩn y. Cho đến nay Thượng Viện chỉ mới thông qua 191 viên chức do ông Joe Biden bổ nhiệm, tức 36% số ghế. Để so sánh, trong vòng 9 tháng sau khi nhậm chức, tỉ lệ này là 42% dưới thời Donald Trump và 68% thời Barack Obama, 65% thời George W.Bush.

Kết quả là siêu cường mạnh nhất thế giới hiện chỉ có một đại sứ đương nhiệm là cựu thượng nghị sĩ Colorado, Ken Salazar, trở thành đại sứ Mỹ ở Mêhicô. Có đến 59 đại sứ được ông Biden chọn lựa đang phải chờ đợi, trong đó có đại sứ tương lai tại Pháp, bà Denise Campbell Bauer. Tương tự với nhiều vị trí ở bộ Ngoại Giao, Quốc Phòng, Tài Chính, USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế).

Thượng nghị sĩ Ted Cruz phản đối việc bỏ trừng phạt công ty Nord Stream 2 AG, chi nhánh của tập đoàn Nga Gazprom, « món quà nhiều tỉ đô la cho Nga ». Josh Hawley, thượng nghị sĩ Cộng Hòa ở Missouri cũng đứng về phía ông Cruz, hứa sẽ chận tất cả việc bổ nhiệm ở Ngoại Giao và Quốc Phòng nếu ba nhân vật, theo ông là chịu trách nhiệm vụ rút lui hỗn loạn ở Afghanistan, không từ chức. Cả hai thượng nghị sĩ biết rằng sẽ không đạt mục tiêu nhưng vẫn cương quyết.

Theo La Croix, việc ngăn chận bổ nhiệm chỉ là một triệu chứng trong số những bất cập của nền dân chủ Mỹ. Khoảng trống trên thượng tầng không phải là không ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách đối ngoại của Mỹ. Một nhà ngoại giao châu Âu bình luận, sự chọn lựa của chính quyền Biden về việc rút quân khỏi Afghanistan hay liên minh AUKUS không thay đổi, nhưng thông tin liên lạc với các đồng minh và đối tác sẽ khác đi nếu ê-kíp được đầy đủ tại Washington và các đại sứ quán.

AUKUS bộc lộ chia rẽ giữa EU về NATO

Liên quan đến AUKUS, Le Monde cho rằng thỏa thuận này đã bộc lộ những chia rẽ của châu Âu về NATO. Vụ rút lui khỏi Kabul khẳng định châu Âu không thể hành động một mình. Liên minh AUKUS (Mỹ, Anh, Úc) được loan báo chỉ một ngày trước khi Bruxelles công bố chiến lược châu Âu tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, và giờ đây chiến lược này đã bị chìm khuất, được tóm gọn trong khẩu hiệu « Hợp tác chứ không đối đầu ». Cuối cùng, 27 nước Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã được khẳng định rằng sau kỷ nguyên Donald Trump, Washington vẫn sẽ thông tin chứ không tham vấn họ. Chủ đề « độc lập chiến lược », « liên minh quốc phòng » xuất hiện trong nhiều bài diễn văn, nhưng chỉ tạo ra một hình ảnh bất lực.

Quan hệ giữa NATO và EU một lần nữa bị ảnh hưởng lâu dài. Vào cuối nhiệm kỳ, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phản đối ý tưởng quốc phòng châu Âu, được cho là làm yếu đi NATO. Đức bị giằng co giữa sự trung thành với Washington và lợi ích kinh tế trong việc giữ vững EU. Đối với Pháp, ông Stoltenberg nói rằng hiểu được sự thất vọng trong hợp đồng tàu ngầm, nhưng nhấn mạnh sự liên minh với Úc. Ban lãnh đạo NATO và một số đối tác tuy không bày tỏ rõ sự hài lòng về AUKUS, nhưng trong thâm tâm cho rằng Pháp bị gậy ông đập lưng ông sau chẩn đoán NATO « chết não » năm 2019 của Emmanuel Macron.

Sau vụ AUKUS, Paris vẫn lặp lại cam kết trong NATO nhưng ký với Hy Lạp một hợp đồng lớn bán chiến hạm và chiến đấu cơ Rafale. Được trang bị tàu ngầm Đức, liệu một ngày nào đó quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO, phải đối đầu với các chiến hạm Hy Lạp mua của Pháp trên biển Egée ? Vụ trả đũa nho nhỏ này vẫn chưa trả lời được một câu hỏi : một EU chia rẽ có thực sự muốn độc lập hay không ? Nếu Paris và một số nước cho rằng, đậm nét châu Âu hơn không có nghĩa là rời xa Mỹ, thì những nước khác thậm chí từ chối thảo luận việc này. Theo Fondation Carnegie Europe, sự phân đôi này trở thành « một nhà tù hoặc cái cớ để không hành động ».

Anh đi tìm lại sức mạnh, Pháp cầu nguyện trong sa mạc

Trên trang Diễn đàn của Les Echos, nhà kinh tế Bruno Alomar đặt vấn đề « Rốt cuộc có nên coi (những việc làm của) người Anh là nghiêm túc » ? Theo tác giả, từ vấn đề đầu đạn nguyên tử đến tàu ngầm Úc, Anh đi theo logic sức mạnh, trong khi Pháp bất lực.

Trước hết việc Anh quyết định ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, trong suốt bốn năm từng được giới tinh hoa nói rằng sẽ không bao giờ diễn ra. Thế nhưng người Anh đã ra đi thật. Tiếp đến là chiến lược nâng sức mạnh toàn cầu, Global Britain, từng bị cười nhạo, trong đó có kế hoạch nâng dần số đầu đạn hạt nhân. Nguyên tử là vấn đề địa chính trị cốt yếu trong những năm tới, đứng trên cả khí hậu, và người Anh biết họ sẽ đi đến đâu.

Cuối cùng, vụ áp-phe tàu ngầm Úc là một đòn bậc thầy của Anh. Global Britain nói rằng bây giờ là lúc để « xoay trục » sang Châu Á-Thái Bình Dương ? Chính là những gì Luân Đôn đã làm, trước nỗi thất vọng của Paris. Pháp khoe ra ưu thế sở hữu diện tích biển lớn thứ nhì thế giới, và những lợi ích ở Châu Á-Thái Bình Dương, nhưng không tự cho mình phương tiện (Hải quân) lẫn quyết tâm (vấn đề Tân Calédonie).

Paris coi Anh là « chú cún ngoan ngoãn » của Mỹ, nhưng quên mất vấn đề chính : chiến tranh lạnh với Trung Quốc đã bắt đầu và việc Anh quốc đứng về phía đồng minh lớn là Mỹ, vừa tự nhiên vừa logic. Điều này cũng phù hợp với tư duy thực dụng của Anh. Trong khi đó Pháp cầu nguyện trong sa mạc về một quốc phòng châu Âu mà chẳng ai muốn. Tác giả cho rằng Pháp cần nhìn thẳng vào hiện thực thế giới, và thay vì lãng phí những thế mạnh của mình, nên ghi nhận con đường mà người Anh đang đi.

Địa ốc Trung Quốc bị hạ điểm tín nhiệm tất cả 91 lần từ đầu năm!

Kế hoạch hiện đại hóa kỹ nghệ của tổng thống Emmanuel Macron, Hubert Germain,  chiến sĩ cuối cùng của đơn vị giải phóng nước Phápvừa qua đời ở tuổi 101, kỷ niệm một năm ngày nhà giáo Samuel Paty bị một kẻ cực đoan Hồi giáo sát hại dã man ngay trước trường, đó là những chủ đề chính trên báo chí Pháp hôm nay.

Về kinh tế châu Á, Les Echos chú ý đến căng thẳng ngày càng tăng trên thị trường trái phiếu Trung Quốc. Tập đoàn địa ốc Evergrande (Hằng Đại) hôm qua một lần nữa lại không thể trả cổ tức, và cổ phiếu bị ngưng giao dịch trên thị trường Hồng Kông từ hơn một tuần qua.

Evergrande không phải là trường hợp cá biệt, mà doanh số 100 tập đoàn địa ốc lớn nhất Hoa lục đã sụt mất 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có Fantasia Holdings không trả được 205 triệu đô la vào tuần trước, còn Sinic cảnh báo không trả nổi số nợ 250 triệu đô la sẽ đến hạn vào thứ Hai tới. Modern Land và Xinyuan Real Estate đang thương lượng với các chủ nợ.

Hậu quả là điểm tín nhiệm bị đánh sụt. Moody’s, Fitch và S&P đã hạ điểm tín nhiệm các tập đoàn địa ốc Trung Quốc đến 91 lần kể từ đầu năm, một kỷ lục ! Các nhà đầu tư vội vã bán tống bán tháo cổ phiếu trong lãnh vực này.

Một tập đoàn thời trang Anh thiệt hại nặng vì Việt Nam phong tỏa

Trên lãnh vực dịch tễ, Les Echos ghi nhận « Covid : Phong tỏa từ 18 tháng qua, Đông Nam Á thận trọng mở cửa cho nước ngoài ». Thái Lan vừa thông báo sẽ cho nhập cảnh du khách từ 10 nước được cho là ít nguy cơ. Việt Nam, Singapore và Indonesia cũng giảm nhẹ kiểm soát biên giới. Đại dịch vẫn chưa được khống chế, nhưng những nước này cần vực dậy nền kinh tế.

Tối thứ Hai 11/10, thủ tướng Prayut Chan-O-Cha gây ngạc nhiên khi thông báo quyết định cho các du khách đã tiêm chủng từ Mỹ, Anh, Đức, Trung Quốc…được vào Thái Lan không phải cách ly kể từ 01/11, chỉ cần trình giấy xét nghiệm âm tính trước và sau khi nhập cảnh. Trước đó Singapore đã loan báo tương tự, thủ tướng Lý Hiển Long tuyên bố không thể « đóng cửa vô thời hạn ».

Việt Nam cũng vừa thông báo mở cửa một phần từ tháng 12 vài vùng du lịch cho du khách đã tiêm chủng từ các nước ít nguy cơ, và có thể sẽ bình thường hóa từ tháng 6/2022. Hà Nội cũng giảm nhẹ phong tỏa được áp đặt vào đỉnh dịch do biến thể Delta, để mở lại sản xuất tại các vùng công nghiệp. Le Monde cho biết Asos, ngôi sao của các hãng chuyên bán quần áo thời trang trên mạng đã nhạt màu : tổng giám đốc tập đoàn Anh vừa đột ngột từ chức và Asos cảnh báo lợi tức có thể giảm đến 40% trong năm 2022. Một trong những lý do chính : phong tỏa ngặt nghèo tại Việt Nam khiến các nhà máy phải đóng cửa, tiếp đến là Brexit.

Nguồn: RFI/Thụy My

Tags: , ,

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh