Sau tai nạn tàu ngầm, Trung Quốc yêu cầu Mỹ chấm dứt hoạt động tuần tra tự do hàng hải
Posted by Luu HoanPho, Oct 21, 2021, Comments Off
Ảnh chụp tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Lake Champlain ngày 8/10/2021 khi tàu này đi qua khu vực Biển Đông cùng với tàu sân ay USS Carl Vinson trong một cuộc diễn tập chung với Hải quân Hoàng Gia Úc.–
Trung Quốc đang yêu cầu Mỹ chấm dứt các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông đồng thời cho rằng Mỹ đã mắc một “sai lầm ngu ngốc” khi một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của nước này va phải một vật thể không xác định tại Biển Đông hồi đầu tháng 10.
Đây là phản ứng mới nhất và mạnh mẽ nhất của Trung Quốc về vụ tai nạn hôm mồng 2 tháng 10 mà quân đội Mỹ đã công khai một vài ngày sau khi xảy ra. Giới quan sát cho rằng lời lẽ cứng rắn này có thể là sự đáp trả của Trung Quốc trước một thỏa thuận quốc phòng giữa Mỹ, Anh và Australia được công bố gần đây.
Điều này cũng diễn ra trùng với thời điểm một ủy ban ở Thượng viện Mỹ tán thành một đạo luật trừng phạt các cá nhân và các doanh nghiệp có liên quan tới các hoạt động của Trung Quốc trong vùng Biển Đông đang có tranh chấp.
Vào hôm thứ Ba tuần này, tại Bắc Kinh, một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc lên tiếng trong một tuyên bố của bộ này rằng “Trung Quốc vô cùng quan ngại” về vụ va chạm hôm mồng 2 tháng 10 của tàu ngầm USS Connecticut (SSN-22) khi tàu này đang tiến hành hoạt động lặn dưới biển.
Thượng tá Tan Kefei được dẫn lời nói rằng “là bên có trách nhiệm, Mỹ có nghĩa vụ và trách nhiệm phải cung cấp thêm thông tin về bối cảnh của vụ việc”.
Ông này cũng yêu cầu Mỹ dừng các hoạt động do thám áp sát vùng biển và vùng trời lân cận cũng như các hoạt động được gọi là ‘tuần tra tự do hàng hải’ (FONOPs) mà hải quân Mỹ đã và đang thực hiện.
Theo Lầu Năm Góc, quân đội Mỹ sử dụng FONOPs để thách thức lại “những yêu sách hàng hải thái quá” của một số quốc gia trên thế giới, trong đó có Trung Quốc.
Lầu Năm Góc cũng vừa nói rằng “chừng nào vẫn còn tồn tại những hạn chế về các quyền và tự do hàng hải và hàng không vượt qua thẩm quyền cho phép bởi luật pháp quốc tế thì Mỹ vẫn sẽ tiếp tục thách thức những yêu sách chủ quyền hàng hải trái pháp luật như vậy”.
‘Nguyên nhân sâu xa’
Người phát ngôn bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng “Từ lâu, dưới cái tên ‘tự do hàng hải và hàng không’, quân đội Mỹ thường xuyên phái đến các tàu sân bay, máy bay ném bom chiến lược, tàu ngầm hạt nhân và các hệ thống vũ khí tiên tiến khác để phô trương sức mạnh và gây rối ở Biển Đông”.
Tàu ngầm USS Connecticut tại Yokusaka, Nhật Bản ngày 31/7/2021. Ảnh Hải quân Mỹ
Ông cũng nói rằng các hoạt động này “đã đe dọa an ninh khu vực cũng như làm trầm trọng thêm những căng thẳng trong khu vực” và các hoạt động này “chính là nguyên nhân và tác hại sâu xa của vụ việc này”.
Ông Tan Kefei nhắc lại tuyên bố của Trung Quốc rằng Mỹ “cố tình trì hoãn và che giấu các chi tiết về vụ việc” và nói rằng cách ứng xử này “có thể dễ dàng dẫn tới những hiểu lầm và tính toán sai”.
Bộ Quốc phòng Mỹ đã bác bỏ cáo buộc này. Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã ra thông cáo báo chí về vụ việc này vào n gày 7/10, tức là 05 ngày sau khi tàu ngầm USS Connecticut va vào vật thể không rõ trong khi hoạt động tại “vùng biển quốc tế thuộc khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương”. Thông cáo cũng cho biết đã không xảy ra thương tật nguy hiểm tới tính mạng thủy thủ đoàn và “khu vực dẫn động hạt nhân và các khoang tàu đã không bị ảnh hưởng và vẫn hoạt động hoàn toàn bình thường”.
Tuần qua, tờ Thời báo Hoàn cầu, một nhánh của tờ Nhân dân nhật báo – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc – đã dẫn lời một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng tàu USS Connecticut có thể đã mắc “một sai lầm ngu ngốc” khi hoạt động dưới biển.
Li Jie, một trong số các chuyên gia này, đã suy đoán rằng tàu ngầm của Mỹ đã không thể chuyển sang chế độ “thủy âm chủ động” – một chế độ cần thiết trong diễn tập tấn công hoặc khi đang điều hướng trong khu vực có địa hình phức tạp. Chuyên gia này cũng cho rằng Mỹ cảm thấy xấu hổ để nói về sai lầm này.
Tàu USS Connecticut hiện đang được giám định và sửa chữa sơ bộ tại căn cứ Hải quân tại lãnh thổ Guam thuộc khu vực Thái Bình Dương của Mỹ trong khi hải quân Mỹ tiến hành điều tra nguyên nhân vụ việc.
Thông tin chi tiết về vật thể đã gây ra vụ va chạm vẫn còn rất ít. Các chuyên gia nói rằng đó có thể là một con tàu đắm hoặc một chiếc container bị chìm hoặc thậm chí có thể là một vật thể di động.
Đạo luật trừng phạt
Trong một phát biểu vào hôm thứ Ba, bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng đã đề cập tới tuyên bố AUKUS (một thỏa thuận an ninh ba bên giữa Úc, Anh và Mỹ) – một động thái được nhiều người nhìn nhận là một biện pháp chống lại sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong khu vực.
Thỏa thuận AUKUS sẽ tạo cơ hội cho Australia phát triển đội tàu chạy bằng hạt nhân trong tương lai. Ông Tan Kefei, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc gọi đây là một sự vi phạm tinh thần của Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) và cho rằng thỏa thuận này có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
Cũng trong ngày thứ Ba, tại Washington, các nhà lập pháp Mỹ đã có bước đi riêng nhằm đáp lại cái mà họ cho là mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc.
Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã xúc tiến một dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và thể nhân Trung Quốc có liên quan đến các hoạt động tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Đạo luật trừng phạt Biển Đông và Biển Hoa Đông năm 2021 sẽ được đệ trình để toàn bộ Thượng viện phê chuẩn.
Vẫn còn một số bước để dự luật này có thể được ký kết trở thành luật. Dự luật này có thể sẽ đòi hỏi Tổng thống Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt như từ chối visa nhập cảnh, phong tỏa tài sản đối với các cá nhân và thể nhân Trung Quốc có liên quan tới các tranh chấp lãnh thổ trong hai vùng biển này.
Dự luật này cũng sẽ cấm các thể nhân Mỹ đầu tư hoặc bảo hiểm cho các dự án có liên quan tới các thể nhân bị trừng phạt do có dính líu tới các hoạt động tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc trong hai vùng biển nói trên.
Ông Marco Rubio, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa, một người luôn chỉ trích Trung Quốc đồng thời là người bảo trợ dự luật, cho biết dự luật này sẽ là một công cụ bổ sung “để đối đầu với Bắc Kinh khi nước này tiếp tục những nỗ lực khẳng định quyền kiểm soát bất hợp pháp đối với các vùng lãnh hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”.
Nguồn: RFA