Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Cụ Bùi Diễm, một trong những chứng nhân cuối cùng của lịch sử hiện đại Việt Nam, vừa từ trần.


Cụ Bùi Diễm, một trong những chứng nhân cuối cùng của lịch sử hiện đại Việt Nam, vừa từ trần. Ông mất lúc 3:00 sáng Chủ Nhật 24 Tháng Mười 2021, tại tư gia ở thành phố Rockville, tiểu bang Maryland, Mỹ, thọ 99 tuổi (tính theo Âm lịch).

Cụ Bùi Diễm (sinh năm 1923), quê ở Hà Nam, là Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ từ 1967 đến 1972. Thân phụ ông là nhà nho Ưu Thiên Bùi Kỷ. Người cô ruột của ông, bà Bùi Thị Tuất, là phu nhân của học giả Trần Trọng Kim, tức Thủ tướng của Đế quốc Việt Nam (1945). Cụ Bùi Diễm là chủ nhiệm Vietnam Post, tờ báo tiếng Anh đầu tiên ở Việt Nam (1954-1963). Cụ cũng là người thành lập hãng phim Tân Việt, nơi sản xuất bộ phim Chúng tôi muốn sống.

Cụ Bùi Diễm là một trong những nhân vật dấn thân rất sâu vào chính trường Nam Việt Nam. Thời Thủ tướng Phan Huy Quát, ông giữ chức Tổng trưởng Phủ Thủ tướng (1965). Trong Nội các của Ủy ban Hành pháp Trung ương, ông là Ủy viên Ngoại giao (1965-67). Thời Đệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam, cụ Bùi Diễm được bổ nhiệm làm Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa ở Washington, D.C. Ông giữ chức vụ này từ năm 1967 đến năm 1972 thì chuyển làm Đại sứ lưu động cho đến năm 1975.

Ông hoạt động chính trị từ thời học trường Bưởi, vận động cho chính phủ Trần Trọng Kim và vào Đảng Đại Việt năm 1944 do lời giới thiệu của một người bạn là ông Đặng Văn Sung. Năm 1945 ông tham gia Trường Lục Quân tại Yên bái, được nửa chừng thì bỏ dở khi trường chuyển về Sa Pa. Sau năm 1975, ông tị nạn tại Hoa Kỳ. Tại đây ông là học giả tại Trung tâm quốc tế Woodrow Wilson và Viện Doanh nghiệp Mỹ, cũng như là giảng viên Đại học George Mason. Tại Mỹ, ông từng là thành viên trong Ban Cố vấn của National Congress of Vietnamese Americans (NCVA, Nghị hội Toàn quốc người Việt tại Hoa Kỳ).

Hồi ký chính trị Gọng kìm lịch sử là quyển sách nổi tiếng của cụ Bùi Diễm (thoạt đầu in bằng tiếng Anh với tựa In The Jaws of History rồi sau đó được dịch ra tiếng Việt). Cuốn sách thứ hai là Vietnamese Economy and Its Transformation to an Open Market System xuất bản năm 2004. Cụ Bùi Diễm từng xuất hiện với vai trò nhân chứng trong bộ phim tài liệu The Vietnam War của đạo diễn Ken Burns do đài PBS sản xuất vào năm 2017.

*****

Trong hồi ký Gọng kìm lịch sử, cụ Bùi Diễm viết về xuất thân của mình (trích):

Ông thân tôi tên tục là Bùi Kỷ. Ông vốn vừa là học giả, vừa là một nhà nho phóng khoáng, phóng khoáng đến độ chẳng coi gì là quan trọng cả. Đối với ông cụ thì trời có sập cũng chẳng thành vấn đề. Sống trong truyền thống nho sĩ Việt Nam, ông đã chọn một bút hiệu để nói lên nỗi lòng mình: Ưu Thiên, có nghĩa là “Kẻ lo trời đổ,” nhưng thường thì được hiểu theo nghĩa bóng: “Kẻ chẳng chú ý gì đến chuyện trời đổ.” Ông thân tôi vẫn thường nói: “Những kẻ lúc nào cũng để tâm lo âu mọi chuyện là những kẻ dại.” Trong một bài thơ nhiều người biết đến ông đã viết rằng:

Lo như ai cũng là ngốc thật
Lo trời nghiêng, lo đất chông chênh
Lo chim bay lạc tổ nhầm cành
Lo cá lội xa ghềnh lạ nước
Hão huyền thế đố ai lo được
Đem gang tay đánh cuộc với cao dày!

Khi còn trẻ ông thân tôi đã khước từ làm quan với triều đình dưới chánh quyền thực dân. Ông đã sang Ba Lê để gặp cụ Phan Chu Trinh và những lãnh tụ quốc gia thời đó. Nhưng sau hai năm, thay vì làm cách mạng, ông lại trở về Việt Nam mở trường dạy học. Đã có lần ông bảo tôi: “Những lãnh tụ quốc gia đều có lý tưởng tốt, những hoài bão của họ đều được đặt vào chiều hướng đúng. Cha đứng về cùng hướng với họ.” Nhưng mặc dầu ông cùng chung suy nghĩ với những người quốc gia, mặc dầu ông ghét Tây, bản tính khách quan cố hữu đã ngăn ông hành động.

Tính khách quan là tính nết chung đã ăn sâu thành cội rễ trong gia đình tôi từ lâu. Ông Cố tôi vốn là quan trong triều. Đã có lần ông được mời chọn lấy một cánh hoa trong vườn Thượng Uyển và sau đó được vua ban cho một cánh hoa đã chọn tạc lại bằng vàng để dùng như biểu tượng chức tước. Mặc dù vậy, khi Pháp vào Việt Nam ông đã bỏ triều đình về làng dạy học. Ông nhất quyết không chịu bắt tay với Pháp. Ông nội tôi cũng thế, tuy đã đậu tiến sĩ là một bằng cấp cao nhất của nho sĩ thời bấy giờ, ông cũng noi theo ông cố, một lòng từ chối hàm tước triều đình. Như thế, trước đời ông thân tôi đã có nhiều khuôn mẫu để chính ông có thể noi theo khi ông chối bỏ bổng lộc của Pháp trong chính quyền thuộc địa để ra đi tìm gặp những lãnh tụ quốc gia ở Pháp.

Ảnh hưởng từ những tổ tiên lâu đời và từ ông thân đã khiến quan niệm của tôi đối với những người làm việc với Pháp trở thành định kiến. Tôi cũng đã thấm nhuần truyền thống khách quan của gia đình, một không khí chán chường với thời cuộc, một vị thế xa rời với những tạm bợ nhất thời của thế gian. Đã đành rằng nếu sống thì ai cũng phải phục vụ đời sống. Chuyện này không ai có thể chối cãi. Nhưng nếu vấn đề phục vụ vừa quá phiền toái lại vừa đòi hỏi những đổi chác khó khăn thì sao lại không về làng dạy học, viết văn, làm thơ mượn lấy tư tưởng Lão, Trang, xem thường thế sự như chuyện chiêm bao thoắt biến?

Nhưng mặc dù đã thừa hưởng truyền thống khách quan của ông thân, tôi cũng đã biết từ ngày còn rất bé rằng mình không thể sống cuộc đời học giả thanh đạm. Tôi cũng không thể sống một cuộc đời công chức nguyên là con đường độc nhất còn lại dành cho những người như tôi. Thế giới Việt Nam vào những thập niên 1920, 1930 quá nhỏ. Tôi muốn bay nhảy, vượt ra ngoài thế giới đó. Luôn luôn đầu óc tôi mơ tưởng chuyện đi xa, đến những chỗ lạ, tìm hiểu về thế giới rộng lớn bên ngoài. Mặc dù lòng ham muốn chỉ mới phôi thai, chưa cụ thể, ý nghĩ viễn du đã dính liền với tôi từ thuở ấu thời cho đến khi mới lớn. Tôi cũng bắt đầu có khái niệm mù mờ rằng con đường dẫn đến giấc mơ hoàn toàn phụ thuộc vào việc học. Mặc dù mối dây liên lạc chưa hiện rõ, tôi biết chắc rằng nhà trường sẽ cho tôi những khả năng cần thiết. Chỉ cần tôi cố gắng.

Ở tiểu học tôi đã giữ đúng vai trò con em của những nhà nho. Tôi học xong tiểu học năm 13 tuổi và rồi vào trung học ở trường Thăng Long, một trung học tư thục ông thân tôi đã góp phần xây dựng và cũng là nơi ông giảng dạy. Khi mới vào trường Thăng Long, tôi chưa biết rõ rằng đa số những học sinh trong trường cũng đang mơ về một thế giới tự do bên ngoài khác hẳn với thế giới gò bó của xã hội Việt Nam dưới thời thực dân Tây như tôi. Chỉ khác là nếu ước mơ của tôi chỉ là những ước mơ phiêu lưu ngoại quốc ngoạn mục thì ước mơ của những học sinh khác là về những vấn đề bao quát có thể thay đổi ngay đường hướng chính trị và xã hội của quốc gia lúc đó.

Thật sự thì vào năm 1936, khi tôi ghi tên nhập học, trường Thăng Long đã sôi sục với những ý chí chống thực dân và những cuộc tranh cãi về những chiều hướng tương lai của xã hội Việt Nam. Giáo Sư gồm những người như ông Phan Thanh, sau này là sáng lập viên của đảng xã hội. Ông Đặng Thái Mai, sau này là Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục. Ông Hoàng Minh Giám, sau này là Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao miền Bắc. Ông Trần Văn Tuyên, sau này là một trong những chính khách đối lập trong chánh quyền Miền Nam. Giữa những nhân vật đáng nhớ này, đặc biệt nhất là một nhà giáo nhỏ con, đầy nhiệt tâm, dạy chúng tôi môn Sử Ký – Ông Võ Nguyên Giáp. Mặc dù chuyện ông Giáp trở nên nhân vật lịch sử đánh bại Pháp ở Điện Biên Phủ và đương đầu trực tiếp với Mỹ hãy còn là chuyện về sau, nhưng lúc này vị đại tướng tương lai đã là người hoàn toàn bị mê hoặc vì tiếng gọi ma mị của cách mạng và đấu tranh.

Tuy sống ngay giữa bầu không khí của những người kháng Pháp, ông thân tôi vẫn mang tư tưởng khách quan. Mặc dù bản thân ông đã từ chối không theo Pháp và quan niệm rõ ràng rằng phải có sự đổi mới, bản tính trầm lặng, ít khích động đã khiến ông phản kháng một cách nhẹ nhàng hơn. Ông luôn luôn ủng hộ những giáo viên trẻ bằng những lời khuyên và tinh thần thân hữu. Ông đối xử với họ cũng như đã đối xử với những nhân vật quốc gia ông đã gặp trước đây. Việc họ kết hợp, gây ảnh hưởng và bắt đầu phát động đấu tranh là việc ông hoàn toàn tán đồng. Ông không tự mình dấn thân vào việc chẳng qua là vì đã thấm nhuần tư tưởng khách quan.

Lúc này ông cụ tôi và ông chú tôi là sử gia Trần Trọng Kim đang chú tâm vào việc bắt đầu soạn bộ Việt Nam Sử Lược. Làm việc cùng nhau mỗi ngày, cả hai thường tranh luận, bàn cãi sôi nổi trong nhà về những vấn đề liên quan đến Sử Ký, Văn Chương và Triết Học. Tuy họ cũng yêu nước với tất cả lòng nhiệt thành như những người khác cùng thời nhưng họ lại quan niệm rằng sở trường của mình nằm trong phạm vi giáo dục và học đường. Họ cũng cho rằng vấn đề xây dựng lại Việt Nam là một vấn đề bao gồm cả văn hóa lẫn chính trị. Thì giờ của họ hoàn toàn để vào việc viết lách và giảng giải cho những học sinh cũng như các học giả khác. Một trong những đề tài mà họ bàn đến luôn là vấn đề Phật và Lão Giáo.

Tuy không biết là nguyên tố hỗn hợp nào là nguyên tố chính đã tạo ra con người tôi, tôi biết chắc rằng phần lớn nguyên tố đó đã phát xuất từ cả gia đình lẫn học đường. Tôi đã bị những lý tưởng cuồng nhiệt của các giáo sư ảnh hưởng rất nhiều. Đa số giáo sư lúc này đều cho rằng lúc này là lúc mọi người phải tranh đấu để giải phóng Việt Nam thoát khỏi ách đô hộ của bọn thực dân Pháp hống hách và dành lại chủ quyền. Dầu vậy, những khuôn mẫu Marxist do ông Giáp cùng người bạn kèm toán đưa ra thật sự chẳng có gì thú vị hoặc lôi cuốn. Có thể tôi đã thật sự bị những suy nghĩ của ông thân và chú ảnh hưởng rằng cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi người ta đã thực sự bước ra khỏi nếp sống hàng ngày và đã thực sự tránh khỏi được những phiền toái của cõi thế gian. Cách mạng dĩ nhiên là một giải pháp khác biệt hơi xa với sự suy tưởng của cả ông thân lẫn ông chú tôi. Dẫu sao lòng khao khát thật sự của tôi lúc bấy giờ là do vọng tưởng thôi thúc từ thế giới bên ngoài chứ hoàn toàn không phải là do những lời kêu gọi từ các thế giới đạm bạc, thanh cao của những học giả.

Khi mới lớn, đầu óc tôi thường hướng về phía những chân trời xa lạ và về hướng những con người tôi chưa bao giờ gặp. Lúc bấy giờ tuy hãy còn đang ở Trung Học mà tôi đã mê đọc báo chí ngoại quốc. Tôi đọc báo Pháp thật tường tận, bị ám ảnh vì những tin tức của cuộc chiến tranh Nhật đang reo rắc ở Trung Hoa. Hình ảnh cùng những bài tường thuật từ Nam Kinh đã làm tôi bàng hoàng. Cảm giác ghét thương lẫn lộn về sự kinh hoàng cứ bám riết mãi. Một mặt sử sách lúc nào cũng nói đến chuyện phải đề cao cảnh giác đối với những ý đồ thôn tính Việt Nam của người Tàu, nhưng mặt khác, vì đang học hỏi thêm tiếng Hán từ một ông thày đồ trong mỗi kỳ hè, tôi đã cảm thấy gần gũi với cổ văn và truyền thống luân lý vốn dĩ là một phần ảnh hưởng lớn rộng của Trung Hoa đối với Việt Nam. Tuy có thể đã có lần những người Trung Hoa là kẻ thù trong lịch sử nhưng những nạn nhân đang bị Nhật tàn sát lúc này đều là những người tôi chưa hề biết đến bao giờ.

Vào năm 1939 thì mọi người đều biết rằng chiến tranh không chỉ giới hạn trong phạm vi Trung Hoa. “Phải chăng chúng ta đã hoàn toàn phòng vệ?” Đây là nhan đề một cuốn phim Pháp về chiến lũy Maginot đã thôi thúc hàng loạt câu hỏi về khả năng đương đầu của Pháp với Đức. Mầm mống chiến tranh Âu Châu đã thúc đẩy dữ dội những nỗ lực bành trướng tinh thần quốc gia tại Việt Nam. Những cuộc thảo luận về việc chống Pháp bắt đầu lan rộng trên một mức tự do hoàn toàn khác hẳn trước đây. Không khí các khuôn viên học đường tràn đầy những tin đồn về các hội kín và việc họ đang tuyển mộ những thanh niên nhiệt thành yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc. Chẳng ai biết rõ hành tung của các hội bí mật ra sao. Việc liên lạc với họ là một việc hoàn toàn bí mật. Tuy vậy, sự hiện diện của các hội bí mật này là một sự thật hiển nhiên. Khi chiến tranh Âu Châu bùng nổ vào năm 1939, tôi cùng các bạn bè khác đều chứa chan hy vọng. Tất cả đều cảm thấy những nền tảng đô hộ của thực dân Pháp tại Việt Nam đang rung chuyển dưới chân.

Chẳng bao lâu sau, cơn rúng động trở thành trận địa chấn kinh hoàng. Pháp, một nước khổng lồ, đầy quyền uy đã khống chế Việt Nam bằng quyền lực từ bấy lâu nay bất thần ngã gục trước quân đội Đức vào ngày 25 tháng 7, 1940 sau một cuộc chiến ngắn ngủi, vẻn vẹn trong vòng sáu tuần. Thế giới của chúng tôi bỗng thay đổi hẳn. Thế hệ chúng tôi là thế hệ thứ ba trong suốt ba thế hệ đã nhìn cả vòm trời vũ trụ là Pháp. Tiếng Pháp, văn hóa Pháp, bộ máy thực dân lố bịch cũng của Pháp. Bỗng nhiên một thế giới khác rộng lớn hơn thình lình xen thẳng vào tầm nhìn chúng tôi. Và chúng tôi phải tự mở mắt, lắng tai ghi nhận những làn sóng tín hiệu từ bên ngoài để có thể làm sáng tỏ được ý nghĩa của tình thế lúc này…

Nguồn: Lê An @ Saigon Nhỏ

Tags:

More Stories From Chính Trị

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh