Hợp tác Trung – Nga: Không thực sự là đồng minh
Posted by Luu HoanPho, Oct 25, 2021, Comments Off
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình trao đổi tài liệu trong một lễ ký kết sau các cuộc hội đàm tại Điện Kremlin ở Moscow hôm 05/06/2019. (Ảnh: Alexander Zemlianichenko/AFP/Getty Images).–
Mối quan hệ giữa ông Tập Cận Bình và ông Vladimir Putin chủ yếu dựa trên lợi ích chung trong việc chống lại Hoa Kỳ, nhưng điều này không thực sự khiến Trung Quốc và Nga trở thành đồng minh. Về lâu dài, khó có khả năng Nga muốn trở thành cường quốc thứ yếu trong một trục toàn cầu do Trung Quốc thống trị.
Thời báo Hoàn cầu, một hãng truyền thông do nhà nước Trung Quốc quản lý, đã đăng một bài báo với tiêu đề, “Trung Quốc không có đồng minh, nhưng có bạn bè với quan hệ bang giao đối tác.” Đồng minh chính thức duy nhất của Trung Quốc là Bắc Hàn. Có những quốc gia khác ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) khi mối quan hệ đó phù hợp với lợi ích của họ — chẳng hạn như Iran, Cambodia, Pakistan, và đáng chú ý nhất là Nga – nhưng mục tiêu và mong muốn của họ rất khác nhau, đang cản trở Trung Quốc và Nga trở thành một khối thống nhất theo nghĩa của Khối Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.
Hồi đầu tháng Mười, một nhóm hải quân gồm 10 chiến hạm của Trung Quốc và Nga đã đi qua Eo biển Tsugaru nằm giữa hòn đảo chính của Nhật Bản và Hokkaido. Về cơ bản, các con tàu này đang ở trong vùng biển quốc tế, vì vậy không có luật nào bị vi phạm – nhưng thông điệp lại rất rõ ràng. Trong thời gian gần đây, tần suất các cuộc tập trận quân sự chung giữa Trung Quốc và Nga ngày càng gia tăng.
Nhiều chuyên gia cho rằng hợp tác quân sự hiện nay giữa Trung Quốc và Nga không phải là kết quả của một liên minh thực sự, mà chỉ là quan điểm chung chống lại Hoa Kỳ. Và khi dư luận toàn cầu quay lưng lại với Trung Quốc, thì dường như có sự xa cách về chính trị giữa hai nước. Hợp tác kinh tế cũng tăng lên, nhưng phần lớn là một chiều, trong đó Trung Quốc chịu thua thiệt. Mặt khác, việc thực tế không quốc gia nào cần bảo vệ biên giới chung của mình đã mang lại cho cả hai quốc gia nhiều nguồn lực hơn để sử dụng cho các mục tiêu chiến lược khác.
Một mối liên kết vô cùng phức tạp, Nga có nhiều phàn nàn với Trung Quốc giống như các nước khác. Nga đã mất đi ít nhất 200,000 người dân do COVID-19. Điện Kremlin cũng tức giận về việc Trung Cộng tuyển dụng công dân Nga làm gián điệp, cũng như việc nhà cầm quyền này sử dụng Viện Khổng Tử cho mục đích tuyên truyền và gián điệp. Cũng giống như tình hình với các phương tiện truyền thông phương Tây, phương tiện truyền thông Trung Quốc được phép [hoạt động] ở Nga, trong khi phần lớn phương tiện truyền thông của Nga lại bị cấm ở Trung Quốc.
Thỉnh thoảng Trung Cộng lại chuyển hướng ngoại giao “chiến lang” của mình chống lại Nga, cho thấy rằng kẻ thù và những người được cho bạn là của chính quyền Trung Quốc sẽ khó tránh khỏi các chiến thuật bắt nạt.
Nga cũng không mấy ủng hộ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, đặc biệt là ở Trung Á, nơi mà Nga thường có được quyền lực và ảnh hưởng nhất. BRI đã khiến Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) do Nga lãnh đạo ít nhiều trở nên lỗi thời. Ông Tập đã gọi Trung Quốc là một “cường quốc gần Bắc Cực”, xâm phạm vào một khu vực nữa mà trước đây Nga là cường quốc hàng đầu.
Nếu Trung Quốc và Nga hợp tác quá chặt chẽ, thì có thể sẽ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang hiện đại, làm gợi nhớ về thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Thỏa thuận duy nhất còn tồn tại hạn chế phổ biến vũ khí giữa Hoa Kỳ và Nga là Hiệp ước Kiểm soát Vũ khí Chiến lược Mới (New START), vốn sẽ hết hiệu lực vào năm 2026. Tiến sĩ La Tê (Luo Xi), nghiên cứu viên tại Hiệp hội Giải trừ và Kiểm soát Vũ khí Trung Quốc, cảnh báo rằng Trung Quốc có thể bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Nga.
Năm 2020, Trung Quốc đã chi 252 tỷ USD cho quốc phòng, tăng 6.6% so với năm trước. Ngoài ra, Bắc Kinh có kế hoạch chi 209 tỷ USD vào năm 2021. Trung Quốc và Hoa Kỳ đã là những đối thủ cạnh tranh gay gắt trên thị trường toàn cầu về chất bán dẫn, một trong những yếu tố công nghệ đầu vào quan trọng mà nhiều loại vũ khí của thế kỷ 21 phụ thuộc vào. Trong năm nay, Trung Quốc dự kiến sẽ chi từ 12.3 tỷ đến 15.3 tỷ USD cho [sản xuất] vi mạch bán dẫn.
Trung Cộng đã công bố các mục tiêu hiện đại hóa quân đội Trung Quốc và thay thế Hoa Kỳ trở thành lực lượng quân sự thống trị trong hai thập niên tới. Vì Hoa Kỳ đã chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn Trung Quốc, với tỷ lệ khoảng ba trên một, Trung Quốc sẽ phải tăng mạnh chi tiêu nếu muốn đạt được mục tiêu này. Việc bị lôi vào một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Nga sẽ đòi hỏi chi tiêu thậm chí còn nhiều hơn.
Người ta tin rằng Trung Quốc đã đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân của họ với tốc độ ngày càng nhanh. Về mặt chính thức thì, Trung Quốc có chính sách “không sử dụng trước”, tập trung vào các chiến lược ‘thích ứng’ với một cuộc tấn công và sau đó trả đũa. Vì mục đích này, chế độ này đã và đang phát triển hỏa tiễn siêu thanh. Các bức ảnh vệ tinh đã tiết lộ sự hiện diện của hàng trăm hầm chứa hỏa tiễn hạt nhân ở khu vực Tân Cương, tây bắc Trung Quốc. Một báo cáo của Ngũ Giác Đài cho biết Trung Quốc đã sẵn sàng tăng gấp đôi kho hỏa tiễn hạt nhân của họ.
Nga là người bạn lớn nhất và có sức mạnh nhất của Trung Quốc, tuy nhiên dựa trên các bằng chứng lịch sử, việc cho rằng Nga thực sự là một đồng minh thì có thể gây tranh cãi. Giữa những năm 1920 và 1940, ông Joseph Stalin đã nhiều lần đột ngột thay đổi việc ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc sang những người theo chủ nghĩa dân tộc Quốc dân Đảng. Năm 1969, hai quốc gia này thậm chí đã xảy ra xung đột biên giới tại Cuộc chiến Đảo Trân Bảo.
Các đồng minh thực sự thường được cho là sẽ tham gia vào một dạng hiệp ước quốc phòng nào đó, nhưng Nga và Trung Quốc không có hiệp ước quốc phòng chung. Nga bán vũ khí cho Ấn Độ và Việt Nam – và cả hai nước này đều có xung đột vũ trang với Trung Quốc. Ngay sau một trong những cuộc giao tranh nhỏ gần đây ở biên giới của Trung Quốc với Ấn Độ, Nga đã hủy bỏ một thỏa thuận bán hỏa tiễn cho Bắc Kinh.
Ấn Độ là đồng minh của Hoa Kỳ và là thành viên của Đối thoại An ninh Tứ giác (Quad), một thỏa thuận ngăn chặn Trung Quốc do Hoa Kỳ dẫn đầu. Ấn Độ nhận thấy có lợi khi hợp tác với Nga để chống khủng bố ở Afghanistan – một mối bang giao khiến Bắc Kinh và Islamabad lo lắng.
Nhiều chuyên gia như ông Alexander Lukin, tác giả cuốn “China and Russia: The New Rapprochement” [tạm dịch: Trung Quốc và Nga: Lập lại Liên kết Mới], tin rằng bang giao Trung – Nga đã đạt đến đỉnh điểm. Để mối bang giao này được tăng cường và đạt đến cấp độ một khối chính trị, Nga có thể sẽ phải chấp nhận quy phục Trung Quốc. [Tuy nhiên], trong khi các luồng gió và các liên minh chính trị ở Nga đã thay đổi trong những năm qua, thì có một điều vẫn không thay đổi: Nga không có ý định khuất phục trước bất kỳ ai.
Nguồn: Antonio Graceffo @ePochTimes. -Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải của Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, người đã viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc” và “Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.