TT Biden dự thượng đỉnh Mỹ-ASEAN để huy động đối tác chống Trung Quốc
Posted by Luu HoanPho, Oct 26, 2021, Comments Off
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tham dự thượng đỉnh ASEAN-Mỹ, tháng 10/2021. Ảnh minh họa. Nicholas Kamm AF.–
Ngoài việc lãnh đạo tập đoàn quân sự cầm quyền tại Miến Điện đã bị “loại” khỏi hội nghị thượng đỉnh khối Đông Nam Á (ASEAN) mở ra hôm nay 26/10/2021 dưới quyền chủ tọa của Brunei, một sự kiện nổi bật khác được ghi nhận là sự hiện diện của tổng thống Mỹ Joe Biden. Đây là lần đầu tiên từ năm 2017 đến nay mà một tổng thống Mỹ tham gia thượng đỉnh Mỹ-ASEAN, khối các nước mà Washington coi là then chốt trong chiến lược đẩy lùi Trung Quốc.
Trong một bản thông cáo đề ngày 26/10, Nhà Trắng một lần nữa khẳng định sự gắn bó và “cam kết bền chắc (deep commitment)” của Hoa Kỳ đối với vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực và việc thực hiện “tầm nhìn của Mỹ về một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Bản thông cáo cũng nêu chi tiết về “những sáng kiến mới để mở rộng quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-ASEAN”, với một ngân sách 102 triệu đô la sẽ được chính tổng thống Biden loan báo.
Theo hãng tin Anh Reuters, đại sứ quán Hoa Kỳ tại Brunei, nước chủ tịch ASEAN hiện nay, xác nhận là tổng thống Biden dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-ASEAN, và một loạt các cuộc họp khác trong tuần này trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh ASEAN và đối tác.
Thái độ quan tâm đến ASEAN nổi bật trong bối cảnh từ 4 năm nay người đứng đầu nước Mỹ không tham gia các cuộc họp thượng đỉnh của khối Đông Nam Á với các đối tác. Lần cuối cùng mà người tiền nhiệm của ông Biden là Donald Trump tham dự thượng đỉnh với ASEAN là tại Manila vào năm 2017.
Đối với giới phân tích, cuộc gặp của đương kim tổng thống Hoa Kỳ với các lãnh đạo ASEAN lần này phản ánh nỗ lực của Washington nhằm thu hút đồng minh và đối tác trong nỗ lực đẩy lùi đà bành trướng của Bắc Kinh.
Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào các nước châu Á dưới chiêu bài cải thiện hạ tầng cơ sở và kinh tế, thương mại, nhưng dư luận tại nhiều nước ngày càng lo ngại trước nguy cơ bị sa vào bẫy nợ của Bắc Kinh. Chính quyền của tổng thống Biden đã mô tả Bắc Kinh là thách thức dài hạn hàng đầu của Mỹ, và trước hội nghị thượng đỉnh ASEAN, một giám đốc cấp cao về Đông Á tại Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Nhà Trắng, ông Edgard Kagan, đã ám chỉ rõ ràng đến các tuyên bố chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc ở Biển Đông để khẳng định rằng Washington có lợi ích trong việc hợp tác với ASEAN để đảm bảo khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, chống biến đổi khí hậu và giải quyết “các thách thức chung về các vấn đề hàng hải”.
Trên cơ sở đó, nhân cuộc họp với giới lãnh đạo ASEAN, ông Biden sẽ đảm bảo rằng việc Mỹ gần đây tập trung vào khối Bộ Tứ QUAD, bao gồm cả Ấn Độ, Nhật Bản và Úc, cũng như việc thành lập liên minh AUKUS (Mỹ-Anh-Úc) không nhằm thay thế vai trò trung tâm khu vực của ASEAN.
Trả lời hãng tin Anh Reuters, Murray Hiebert, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) tại Washington, cho biết: “Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên của Biden với các nhà lãnh đạo ASEAN trên cương vị tổng thống, vì vậy ông ấy sẽ muốn đảm bảo với họ rằng Đông Nam Á quan trọng đối với Mỹ”. Theo chuyên gia Hiebert, về phần mình, giới lãnh đạo ASEAN cũng rất muốn được biết rõ hơn về các kế hoạch của Hoa Kỳ tăng cường cung cấp vac-xin Covid-19 cho khu vực, và cũng như trong các lãnh vực thương mại, đầu tư và cơ sở hạ tầng.
Đối với giới quan sát, việc thiếu yếu tố kinh tế trong cam kết khu vực của Hoa Kỳ là một lỗ hổng lớn, và mong đợi Mỹ quay trở lại Hiệp Định Xuyên Thái Bình Dương trước mắt không có dấu hiệu được đáp ứng. Theo Reuters, một nhà ngoại giao châu Á xin giấu tên, nhận định rằng Mỹ đã “đặt ra một loại cấu trúc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, nhưng điều đó không hề có lợi cho khu vực, trong khi tất cả các nước trong vùng đều có quan hệ hợp tác ngày càng phát triển với Trung Quốc.”
Nguồn: RFI/Trọng Nghĩa