Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, December 22, 2024

Đài Bắc, Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn: Một cơn bão hoàn hảo


Đội biểu diễn trên không Thunder Tiger bay trên Văn phòng Tổng thống trong lễ kỷ niệm Quốc khánh ở Đài Bắc, Đài Loan, hôm 10/10/2021. (Ảnh: Chiang Ying-ying/AP Photo)

Phần 1: Tương lai có thể do Đài Loan, Trung Quốc, và Hoa Kỳ quyết định.

Ông Giả Khánh Quốc (Jia Qingguo), một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, gần đây đã nhận xét rằng quá trình đối chọi gay gắt giữa Đài Bắc, Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn giống như sự hình thành của “một cơn bão hoàn hảo”.

Vào Ngày Quốc khánh Trung Quốc, 25 chiến đấu cơ của Trung Quốc đã bay vào không phận Đài Loan và Đài Loan ngay lập tức điều động phản lực cơ. Ba hàng không mẫu hạm kèm khu trục hạm hộ tống của Hoa Kỳ và Anh Quốc đã túc trực ở Biển Philippines gần đó để chờ lệnh.

Sau đó 10 ngày, vào Ngày Quốc khánh của Đài Loan, lãnh đạo Tập Cận Bình của Trung Quốc đã thề “sẽ thực hiện việc thống nhất đất nước”. Nhiều người tin rằng chiếm được Đài Loan sẽ là một thành tựu quan trọng trong việc củng cố di sản của ông Tập, trước khi bắt đầu nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba được liệu trước của mình vào năm 2022.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã đáp lại bằng cách nói với người dân Đài Loan rằng, “Chúng ta sẽ không cúi đầu trước áp lực của Bắc Kinh.” Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan nói với đài BBC rằng Hoa Kỳ sẽ “bước ra và lên tiếng” về việc Trung Quốc xâm lược qua Eo biển Đài Loan.

Trung Cộng tuyên bố rằng Đài Loan thuộc về Trung Quốc và nên được thống nhất với đại lục, đồng thời chưa từng từ bỏ việc sử dụng vũ lực để đưa Đài Loan vào trong quyền cai trị của mình. Đài Loan đã chuẩn bị để tự vệ. Và Hải quân Hoa Kỳ đang túc trực đợi lệnh, sẵn sàng hành động — mặc dù không rõ liệu Hoa Kỳ có tham chiến hay không. Động lực ba chiều này có thể dễ dàng quyết định tương lai của toàn cầu.

Đài Loan tự coi mình là một quốc gia. Trung Cộng coi Đài Loan là một tỉnh nổi loạn. Hoa Kỳ không đưa ra quan điểm chính thức, nhưng cam kết cung cấp viện trợ quân sự cho hòn đảo tự trị này để ngăn chặn Trung Cộng cưỡng ép thôn tính họ. Và Bắc Kinh coi sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Đài Loan là can thiệp vào công việc nội bộ của họ. Hầu hết các chuyên gia đều đồng tình rằng việc Đài Loan tuyên bố độc lập, hoặc Hoa Kỳ công nhận Đài Loan độc lập, sẽ châm ngòi một cuộc chiến với Trung Quốc.

Khi bà Thái, người của Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP), giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan năm 2020, người dân ở cả Đài Loan và Hồng Kông đã hò reo mừng rỡ. Hoa Kỳ đã gửi thông điệp chúc mừng. Tổng thống Donald Trump khi đó thậm chí còn gọi điện cho Tổng thống Thái, đó là cuộc gọi đầu tiên theo kiểu như vậy giữa các lãnh đạo của hai quốc gia này trong nhiều thập niên.

Trung Cộng đã phàn nàn rằng, “Trung Quốc bày tỏ sự phẫn nộ và lên án mạnh mẽ đối với những hành động như vậy,” theo kênh thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã. Bắc Kinh gọi thông điệp chúc mừng này là “hành vi vi phạm nghiêm trọng chính sách một Trung Quốc … và can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Trung Quốc,” bài báo cho hay.

Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) thường xuyên xâm phạm không phận và lãnh hải của Đài Loan, đồng thời thực hiện các hành động đe dọa nhằm ngăn cản các phong trào hướng tới nền độc lập tự chủ. Những chiến thuật này đã trở nên hung hăng hơn kể từ cuộc bầu cử trên, qua việc Trung Cộng đưa ra một tuyên bố chính thức, khẳng định Bắc Kinh sẽ chiếm Đài Loan bằng mọi cách có thể, kể cả bằng vũ lực, theo Luật Chống Ly Khai của Trung Quốc.

Sau khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc, cuộc Nội chiến Trung Quốc khởi phát vào năm 1927 lại tiếp tục, khiến Quốc Dân Đảng (Kuomintang, KMT), dưới quyền của Tưởng Giới Thạch, chiến đấu chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc, do Mao Trạch Đông cầm đầu. Năm 1949, những người cộng sản đã giành chiến thắng, khiến Tưởng Giới Thạch và khoảng 2 triệu người tị nạn và binh lính trong quân đội theo chủ nghĩa dân tộc của ông phải đào thoát sang đảo Formosa (Đài Loan). Họ thành lập một thủ đô tạm thời cho Trung Hoa Dân Quốc (ROC, tên chính thức của Đài Loan) tại Đài Bắc, thề tái thiết lập chính phủ như ở Trung Quốc đại lục.

Trung Hoa Dân Quốc nằm cách bờ biển phía đông nam của Trung Quốc khoảng 81 dặm, tiếp giáp với Biển Hoa Đông, Biển Philippines, Biển Đông, và Eo biển Đài Loan. Hơn 95% trong số 23.6 triệu công dân của đất nước này là người gốc Hoa. Số còn lại là người thuộc 16 nhóm bản địa được công nhận, bao gồm các dân tộc Malayo-Polynesia.

chiến đấu cơ trung quốc
Khoảng năm 1943: Chính khách Trung Quốc, Tướng quân Tưởng Giới Thạch (1887-1975) đã tham gia cuộc cách mạng năm 1911 lật đổ nhà Thanh của người Mãn Châu. (Ảnh: Keystone/Getty Images)

Tưởng Giới Thạch từng là lãnh đạo của Trung Hoa Dân Quốc ở Trung Quốc đại lục từ năm 1928 đến năm 1949; sau đó là ở Đài Loan, cho đến khi ông qua đời vào năm 1975.

Năm 1971, Liên Hiệp Quốc đã công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC). Đài Loan đã được đề nghị ngồi chung ghế [với PRC] nhưng từ chối, thay vào đó họ đã rút khỏi Liên Hiệp Quốc. Từ thời điểm đó, địa vị của đảo quốc này trở nên mơ hồ. Họ không còn là một quốc gia và không còn được công nhận chính thức bởi đa số thành viên Liên Hiệp Quốc. Về mặt lý thuyết, Trung Hoa Dân Quốc có thể ở lại [Liên Hiệp Quốc], cùng với CHND Trung Hoa, nhưng với một ghế duy nhất, điều này có thể không giúp cho tình hình của Đài Loan ngày nay tốt hơn và có thể còn khiến cho tình hình tồi tệ hơn.

Công ước Montevideo đề ra bốn tiêu chí mà một đối tượng phải đáp ứng để được coi là một quốc gia: “Các quốc gia phải có dân số thường trú, một lãnh thổ xác định, một chính phủ đang hoạt động, và có năng lực tham gia vào mối bang giao với các quốc gia khác.” Mặc dù không có yêu cầu bắt buộc, nhưng bằng chứng về tư cách quốc gia đó là, Đài Loan tham gia vào các hiệp ước và tổ chức quốc tế, và được công nhận bởi 15 quốc gia, 14 quốc gia trong số đó là thành viên của Liên Hiệp Quốc. Ngoài ra, Đài Loan có các đặc điểm nổi bật khác mang tính quốc gia như đồng tiền tệ độc lập và quân đội với 300,000 lính tại ngũ.

Các tuyên bố của CHND Trung Hoa đối với Đài Loan là rất thiếu sức thuyết phục. Đài Loan chưa bao giờ chính thức là một phần của CHND Trung Hoa. Bản đồ năm 1911 của Trung Hoa Dân Quốc thường được Bắc Kinh sử dụng để tuyên bố chủ quyền đối với Đông Turkestan, Tây Tạng, Mông Cổ, Hồng Kông và Ma Cao. Nhưng Đài Loan không có trong bản đồ đó, vì nơi này từng là thuộc địa của Nhật Bản. Vào cuối Đệ nhị Thế chiến, Hoa Kỳ đã giám sát việc giải thể Đế quốc Nhật Bản, buộc Nhật Bản từ bỏ quyền kiểm soát Đài Loan, nhưng hòn đảo này chưa bao giờ được xác định rõ là thuộc về ai. Hoa Kỳ cho phép các đồng minh Quốc Dân Đảng của mình cai quản Đài Loan, nhưng không đưa ra [tuyên bố] cho phép chính thức nào. Nói một cách chặt chẽ, người ta có thể đưa ra lập luận thuyết phục rằng Hoa Kỳ có yêu sách lớn hơn đối với Đài Loan so với CHND Trung Hoa.

Trong những năm 1950 và 1960, Hoa Kỳ đã cung cấp hỗ trợ kinh tế để thúc đẩy sự phát triển của Đài Loan. Ngày nay, Đài Loan không còn cần đến sự trợ giúp này nữa vì quốc gia này có thu nhập trung bình là 25,000 USD mỗi năm, một trong những mức thu nhập cao nhất ở Á Châu.

Ngoài ra, quốc gia này có một nền dân chủ hoạt động hiệu quả cao. Các đảng đối lập được phép thành lập vào năm 1986. Thiết quân luật bị bãi bỏ vào năm 1988. Năm 1991, Đài Loan chính thức chấm dứt trạng thái chiến tranh với CHND Trung Hoa, nhưng từ chối đề nghị thống nhất với đại lục.

Năm 1996, cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu tiên được tổ chức. Sự cai trị của Quốc Dân Đảng cuối cùng đã chấm dứt vào năm 2000 khi ông Trần Thủy Biển, thuộc Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) ủng hộ độc lập, đã được bầu chọn. Năm 2016, Đảng Dân chủ Tiến bộ tiếp tục quyền cai trị khi bà Thái được bầu để thực hiện nhiệm kỳ đầu tiên của mình.

Mục tiêu cuối cùng của Đảng Dân chủ Tiến bộ của bà Thái là nền độc lập tự chủ của Đài Loan. Thành viên Đảng Dân chủ Tiến bộ và cựu Phó Viện trưởng Hành chính viện Khâu Nghĩa Nhân (thường được gọi là Phó Thủ tướng) cho biết mục tiêu này không thể do một mình Đài Loan quyết định vì “chúng tôi phải xem xét tình hình quốc tế hiện tại, cũng như phản ứng có thể có của Trung Quốc” và khả năng Hoa Kỳ có thể phản đối.

Nguồn: Antonio Graceffo@ePochTimes. –Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải của Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, người đã viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc” và “Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”

Tags: , ,

More Stories From Hoa Kỳ

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh