Chiến tranh Lạnh Trung – Mỹ đến thời khắc leo thang?
Posted by Luu HoanPho, Nov 1, 2021, Comments Off
Vụ thử vũ khí siêu thanh gần đây do quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiến hành được Chủ tịch Mark Milley của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ coi là “thời điểm Sputnik” về sự leo thang của Chiến tranh Lạnh Trung – Mỹ. Điều này không chỉ cho thấy sự tồn tại của Chiến tranh Lạnh Trung – Mỹ, thậm chí còn đến mức leo thang. Đối với cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia chiến lược này, liệu Mỹ có nâng cao mức độ đối đầu với ĐCSTQ trong Chiến tranh Lạnh Trung – Mỹ này hay không?
Việc ĐCSTQ và Nga thúc đẩy phát triển tên lửa siêu thanh sẽ kích hoạt Mỹ phát triển thiết bị tấn công và phòng thủ trong lĩnh vực này (Epoch Times).
ĐCSTQ phát triển tên lửa siêu thanh
Ngày 27/10, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley xác nhận trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Bloomberg rằng gần đây, quân đội ĐCSTQ đã tiến hành thử nghiệm vũ khí siêu thanh vào quỹ đạo không gian, đó là “sự kiện rất quan trọng”, rất gần với “thời khắc Sputnik” (Sputnik moment), “khiến chúng tôi phải quan tâm đặc biệt”.
Lầu Năm Góc: Năng lực vũ khí siêu thanh của Trung Quốc gia tăng căng thẳng toàn cầu
Trước đó ngày 16/10, tờ Financial Times của Anh dẫn vài nguồn tin giấu tên cho biết vào tháng Tám năm nay, quân đội ĐCSTQ đã phóng một tên lửa mang theo một phương tiện bay siêu thanh bay ở quỹ đạo thấp quanh Trái đất, sau đó tấn công mục tiêu máy bay tuần tra nhưng chệch mục tiêu 32 km. Thông tin dẫn lời những người quen thuộc cho biết: “Cuộc thử nghiệm này cho thấy ĐCSTQ đã đạt được tiến bộ đáng kinh ngạc trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh, mức độ tiên tiến hơn nhiều so với những gì quan chức Mỹ vẫn tưởng”.
Nhưng ngày 20/10, tờ New York Times ủng hộ chính quyền Biden đã công bố một bài trích dẫn ý kiến của một số chuyên gia nói rằng: “Trong bản tin về vụ phóng tên lửa vào tháng Tám của Trung Quốc mà đơn vị quân đội Mỹ phụ trách báo cáo về sự kiện trên quỹ đạo công bố, cho thấy không có bất cứ vấn đề gì phù hợp với cuộc thử nghiệm vũ khí như tuyên bố trong bản tin”.
New York Times đã giảm nhẹ tác động của bản tin Financial Times đối với giới ra quyết định của Mỹ. Bởi vì tin tức này có liên quan đến Chiến tranh Lạnh Trung – Mỹ, còn ông Biden có thái độ “lắc lư” đối với vấn đề này, không thừa nhận sự tồn tại của trạng thái này mà gọi mối quan hệ Mỹ – Trung là “cạnh tranh”. Ngày 21/9, ông Biden tham dự Đại hội Liên Hiệp Quốc đã nói, “Chúng tôi không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, cũng không phải chúng tôi đang tìm kiếm một thế giới bị chia rẽ”. Cứ như ông Biden nghĩ chỉ cần Mỹ không tìm kiếm Chiến tranh Lạnh thì Chiến tranh Lạnh Trung – Mỹ sẽ không xảy ra vậy.
Nhưng bài phát biểu của ông Milley cho thấy cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh của ĐCSTQ có tầm quan trọng đáng kể. Ông Milley là người rất được ông Biden tin tưởng. Vào ngày 15/9, ông Biden nói rằng rất tin tưởng ông Milley. Ông Milley vốn là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân được bổ nhiệm thời Tổng thống Trump, là người phụ trách cao nhất của hệ thống quân đội Mỹ, nhưng vào tháng Mười năm ngoái đã hai lần bí mật liên lạc qua điện thoại với phía quân đội ĐCSTQ chuyển lời chân thành của Chủ tịch Hạ viện Liên bang thuộc phe Dân chủ là bà Perrosi. Có lẽ vì những “công lao” này với Đảng Dân chủ mà sau khi vào Nhà Trắng, ông Biden đã giữ vị trí của ông Milley. Nhưng bài phát biểu này của ông Milley chắc chắn đã gây áp lực lên ông Biden.
“Khủng hoảng Sputnik” là thời điểm Chiến tranh Lạnh leo thang
Ông Milley ví vụ thử vũ khí siêu thanh của quân đội ĐCSTQ là “khủng hoảng Sputnik” mang đầy hàm ý, vì Chiến tranh Lạnh [Mỹ – Liên Xô] trong lịch sử, “khủng hoảng Sputnik” không chỉ nhấn mạnh chiến tranh lạnh giữa Mỹ và phe cộng sản mà còn thể hiện cuộc chiến tranh lạnh đến thời điểm leo thang.
Sputnik không phải tên người hay địa danh, cũng không phải là từ tiếng Anh, mà là cách viết tiếng Anh của từ tiếng Nga cпутник (có nghĩa là vệ tinh). Còn “khủng hoảng Sputnik” là một thuật ngữ dùng trong lịch sử Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô (cũ), đặc biệt đề cập đến sự leo thang của Chiến tranh Lạnh do phe cường quốc cộng sản gây ra và tác động lớn đến Mỹ.
Chiến tranh Lạnh Mỹ-Liên Xô bắt đầu ở châu Âu sau Thế chiến thứ Hai, với việc Liên Xô đã thành công phát triển bom nguyên tử nhờ đánh cắp bí mật vũ khí hạt nhân của Mỹ, từ đó vấn đề vận chuyển đầu đạn hạt nhân trở thành trọng tâm của việc mở rộng quân bị và chuẩn bị chiến tranh của hai bên. Ngoài việc phát triển lực lượng không quân chiến lược để phóng bom hạt nhân, Mỹ và Liên Xô cũng bắt đầu phát triển tên lửa tầm trung và thậm chí tầm xa; tên lửa tầm xa có thể phóng vệ tinh nhân tạo vào không gian, có thể trở thành tên lửa xuyên lục địa dùng để phóng đầu đạn hạt nhân. Thời đó, Mỹ luôn cho rằng họ đang ở vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực tên lửa và hàng không vũ trụ, nhưng Mỹ đã hai lần thử phóng vệ tinh nhân tạo đều thất bại.
Thực tế sau khi Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc, Liên Xô đã thu được nhiều tài liệu kỹ thuật công nghệ từ Đức – nước đầu tiên trên thế giới phát triển và sử dụng tên lửa, còn buộc một số lượng lớn chuyên gia và kỹ thuật viên tên lửa của Đức đến Liên Xô để phát triển tên lửa. Vì vậy, công nghệ tên lửa của Liên Xô lúc đó thực sự đã đi trước Mỹ, nhưng quân đội Mỹ không nhận ra và không có thông tin tình báo về việc Liên Xô nghiên cứu và phát triển tên lửa tầm xa.
Mãi đến ngày 4/10/1957, Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo Sputnik 1 (tức Vệ tinh số 1 của Nga), lập tức làm chấn động giới ra quyết định của Mỹ. Điều này cho thấy công nghệ tên lửa tầm xa của Mỹ lạc hậu so với của Liên Xô; và trong tình trạng chiến tranh lạnh, tình hình này cũng có nghĩa là Mỹ sẽ phải chịu mối đe dọa từ cuộc tấn công hạt nhân tên lửa xuyên lục địa của Liên Xô mà không có các phương tiện phòng thủ. Do đó, Mỹ ngay lập tức bắt đầu phát triển tên lửa tầm xa đa hướng và chuẩn bị mở rộng quân sự cho các hoạt động không gian, khiến Chiến tranh Lạnh Mỹ-Xô leo thang sang một giai đoạn mới căng thẳng hơn. Đối với Mỹ, “thời khắc Sputnik” trong Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô là “khủng hoảng Sputnik”. Để đối phó nguy cơ an ninh quốc gia đó, Mỹ phải nâng cấp mức độ đối đầu với Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Lạnh này, dốc toàn lực cho cuộc chạy đua tên lửa xuyên lục địa và vũ trụ.
“Khủng hoảng Sputnik” khi đó đã kích hoạt một loạt hoạt động của Mỹ: (1) Trong vòng hai ngày chuyên gia quân sự Mỹ đã tính toán được quỹ đạo không gian của Sputnik 1; (2) Tháng 2/1958, Chính phủ Mỹ thành lập cơ quan quốc phòng cấp cao với khả năng nghiên cứu và thiết kế, tên là Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến (DARPA); (3) Ngày 29/7/1958, Tổng thống Eisenhower phê duyệt thành lập Tổng bộ Hàng không và Vũ trụ Quốc gia, đã xúc tiến kế hoạch chuyến bay vũ trụ chở người đầu tiên (Chương trình Mercury), bắt đầu chương trình giáo dục đào tạo thế hệ kỹ sư mới, nhờ đó cộng đồng khoa học đã nhận được rất nhiều tài trợ nghiên cứu; (4) Mỹ đưa ra “Chương trình tên lửa đạn đạo Polaris” để phát triển tên lửa liên lục địa, và Tổng thống Kennedy yêu cầu con số tên lửa liên lục địa của Mỹ vượt xa tên lửa đạn đạo của Liên Xô lúc bấy giờ. Sau đó Liên Xô đánh mất lợi thế dẫn đầu về khoa học và công nghệ trong Chiến tranh Lạnh, còn Mỹ đã giành được vị trí thống trị và đảm bảo an ninh quốc gia.
“Khủng hoảng Sputnik” của Chiến tranh Lạnh Trung – Mỹ có ý nghĩa gì?
Cũng giống như Chiến tranh Lạnh Xô- Mỹ do Liên Xô châm ngòi, Chiến tranh Lạnh Trung – Mỹ là do ĐCSTQ châm ngòi.
Trong nửa đầu năm 2000 ĐCSTQ đã bắt đầu khởi động loạt đe dọa hạt nhân công khai đối với Mỹ. Gần đây không ngừng leo thang: Thứ nhất, vào tháng Một năm ngoái ĐCSTQ đã cử một hạm đội hải quân đến đảo Midway để tập trận, công khai đe dọa Trân Châu Cảng; thứ hai, sau đó vào tháng Ba ĐCSTQ tuyên bố sẽ chiếm các vùng biển quốc tế ở Biển Đông, xây dựng đảo nhân tạo để hình thành hệ thống căn cứ hải quân, biến Biển Đông thành mối đe dọa đối với Mỹ khi là vị trí phóng của hạm đội tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân và tên lửa xuyên lục địa; còn nữa, sau đó vào tháng Sáu ĐCSTQ tuyên bố đã hoàn thành trang bị hệ thống vệ tinh Beidou (Bắc Đẩu) cho cuộc đại chiến tấn công hạt nhân chính xác trên khắp nước Mỹ; thứ tư, vào mùa đông và mùa xuân năm nay ĐCSTQ đã gửi hàng không mẫu hạm đối đầu với hạm đội tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Đến nay, việc ĐCSTQ đã sử dụng các hành động quân sự này cho thấy họ cố ý và chủ động đưa ra đe dọa hạt nhân theo kiểu Chiến tranh Lạnh chống lại Mỹ; nhưng công nghệ quân sự mà ĐCSTQ sử dụng vẫn là kiểu truyền thống của thời sau Thế chiến thứ Hai.
Sau khi ĐCSTQ châm ngòi Chiến tranh Lạnh Trung – Mỹ, bất kể giới chức Mỹ giải thích thế nào thì trên thực tế quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ không còn là quan hệ “cạnh tranh hữu nghị”, mà là quan hệ thù địch dưới đe dọa hạt nhân của Chiến tranh Lạnh. Đây không phải là thứ mà ông Biden có thể tuyên bố “không tìm kiếm cuộc chiến tranh lạnh mới” mà có thể qua đi, vì ĐCSTQ đang tìm kiếm một cuộc chiến tranh lạnh mới và Mỹ chỉ có thể đáp trả đe dọa hạt nhân của ĐCSTQ; “không tìm kiếm Chiến tranh lạnh mới” mà ông Biden nói chỉ đơn thuần cho thấy tư thế yếu kém của ông ấy, nhưng việc ĐCSTQ châm ngòi cho Chiến tranh Lạnh Trung – Mỹ là một thực tế mà ông Biden không thể tránh né.
Tất nhiên Mỹ không lo lắng lắm về mối đe dọa hạt nhân của ĐCSTQ cũng là thực tế, vì hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo của Mỹ được sử dụng trong nhiều thập kỷ đã hoàn thiện và hiệu quả. Sau khi Chiến tranh Lạnh Mỹ-Xô kết thúc, tuần trăng mật Mỹ – Trung vẫn tiếp tục, Mỹ không có đối thủ Chiến tranh Lạnh, không mấy lo ngại đe dọa vũ khí hạt nhân tầm xa (gồm cả tên lửa liên lục địa phóng từ đất liền và từ tàu ngầm) của cường quốc Đỏ, nghĩ rằng họ sử dụng hệ thống chống tên lửa đạn đạo đối phó vũ khí hạt nhân tầm xa của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh Mỹ – Liên Xô là ổn. Nhưng rõ ràng quân đội Mỹ không thể ngờ sau khi ĐCSTQ châm ngòi cho Chiến tranh Lạnh Trung – Mỹ, sẽ khiến trong vòng 20 tháng Chiến tranh Lạnh Trung – Mỹ leo thang nhanh chóng, đẩy đến mức “khủng hoảng Sputnik”.
Vũ khí siêu thanh do ĐCSTQ phóng vào tháng Tám năm nay giống với vệ tinh Sputnik 1 do Liên Xô phóng vào năm 1957, thể hiện rằng công cụ phóng đầu đạn hạt nhân của ĐCSTQ đã được nâng cấp lên một tầm cao mới, cũng có nghĩa là Vũ khí hạt nhân tầm xa của ĐCSTQ đã vượt Mỹ. Nhưng hiện tại Mỹ không những không có biện pháp đối phó, mà còn không có khả năng kỹ thuật có thể dùng để chống lại vũ khí như vậy. Trước đây Mỹ đã đánh bại Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh là do biết cảnh giác từ “khủng hoảng Sputnik” để bắt đầu một loạt nghiên cứu phát triển, từ đó giành được lợi thế trong việc kiềm chế mối đe dọa hạt nhân của Liên Xô. Bây giờ Mỹ gặp phải “khủng hoảng Sputnik” lần thứ hai trong Chiến tranh Lạnh Trung – Mỹ, họ đã phản ứng như thế nào?
Phản ứng của quân đội Mỹ đối với “khủng hoảng Sputnik” mới
Chức năng của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ với tư cách hệ thống mệnh lệnh quân sự là nghiên cứu chiến lược quân sự, lập kế hoạch tác chiến, hoàn thành khóa huấn luyện quân sự, và chỉ huy các hoạt động của các quân chủng khác nhau; còn Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách xác định chính sách quân sự, nghiên cứu và phát triển thiết bị, và chi tiêu quân sự, là Bộ Quốc phòng của hệ thống quân sự – chính trị. Vì Mỹ hiện không có đủ phương tiện để đối phó với mối đe dọa hạt nhân mới của ĐCSTQ, vấn đề này đã được giao cho Bộ Quốc phòng là cơ quan phụ trách các chính sách quốc phòng quan trọng do giới “quan văn” chi phối. Do đó, khi hệ thống mệnh lệnh của quân đội Mỹ đưa ra báo động nguy cơ, thì điều mấu chốt là hệ thống quân sự – chính trị phản ứng như thế nào.
Tất nhiên, thái độ của ông Biden cũng rất quan trọng, nhưng đến nay ông ấy đang bận rộn đi nước ngoài. Ông Biden đã đến Rome để tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 từ ngày 30 đến 31/10; sau đó vào ngày 1/11 đến Glasgow – Scotland miền bắc nước Anh để tham dự hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu được tổ chức tại đó. Trong khoảng thời gian này, ông Biden không rảnh để quan tâm đến cảnh báo của hệ thống mệnh lệnh quân sự về “khủng hoảng Sputnik” lần thứ hai.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Kirby chỉ bày tỏ lo ngại về việc ĐCSTQ tung ra vũ khí siêu thanh, nhưng theo chính sách của ông Biden đã cố gắng hạ thấp tầm quan trọng của vấn đề hạt nhân mới từ ĐCSTQ. Ông ấy nói rằng không muốn gắn nhãn “khủng hoảng Sputnik” cho vụ bắn thử vũ khí siêu thanh của ĐCSTQ, và từ chối trả lời trực tiếp câu hỏi về tiến bộ công nghệ trong cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh của ĐCSTQ và liệu có đi trước Mỹ hay không. Ông ấy chỉ nói: “Công nghệ này không còn xa lạ với chúng tôi, chúng tôi đã cân nhắc việc làm chủ công nghệ này trong một thời gian. Tôi nghĩ điều này không chỉ bao gồm nỗ lực của chúng tôi để làm chủ loại công nghệ này, mà chúng tôi còn nhận ra rằng chúng tôi có khả năng phòng thủ và chúng tôi cần liên tục cải thiện khả năng phòng thủ này”.
Đại sứ giải trừ quân bị của Mỹ, Robert Wood nói rằng Mỹ “rất lo ngại” về các vụ phóng thử tên lửa siêu thanh của Trung Quốc, “nếu một nước nào đó bị nhắm mục tiêu bởi công nghệ này, nước đó sẽ cần nghĩ ra cách để bảo vệ… Vì vậy chúng tôi bắt đầu nghiên cứu các ứng dụng khác và các ứng dụng phòng thủ… như vậy là để tiếp tục thúc đẩy nhanh cuộc chạy đua vũ trang”; đồng thời, ông nói: “Chúng tôi không biết làm thế nào để chống lại công nghệ này… Trung Quốc và Nga cũng không biết”.
Trong nhiều năm, các tướng lĩnh của hệ thống quân lệnh Mỹ đã luôn cảnh báo về nguy cơ phát triển vũ khí siêu thanh của cường quốc Đỏ, tốc độ của vũ khí này gấp hơn 5 lần tốc độ âm thanh và có khả năng mang hạt nhân. Vào năm 2018, Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân và Đô đốc Không quân Mỹ là John Hyten đã cảnh báo rằng cách phòng thủ tốt nhất của Washington chống lại vũ khí siêu thanh là khả năng thực hiện một hành vi tấn công tương tự; ông nói vào thời điểm đó: “Chúng tôi không có bất kỳ phương tiện phòng thủ nào có thể ngăn chặn việc triển khai loại vũ khí này chống lại chúng tôi”.
Ngay từ năm 2011, Bộ Quốc phòng Mỹ đã sản xuất được máy bay siêu thanh, nhưng các quan chức Lầu Năm Góc thời Obama cho rằng công nghệ này sẽ đẩy nhanh quá trình quân sự hóa không gian, và do đó đã tạm dừng phát triển máy bay siêu thanh. Trong khi thực tế ĐCSTQ và Nga đang đẩy nhanh quá trình quân sự hóa không gian và nỗ lực hết sức để phát triển vũ khí siêu thanh. Điều này đã buộc Mỹ phải tiếp tục nghiên cứu và phát triển cách vũ khí hóa công nghệ này. Vào ngày 27/9 năm nay, Lầu Năm Góc thông báo rằng Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) trực thuộc Bộ Quốc phòng và Không quân Mỹ đã thành công trong chuyến bay thử nghiệm vũ khí siêu thanh phóng từ trên không (HAWC). Tại hội thảo được một tổ chức tư vấn ở Washington tổ chức vào tháng Sáu năm nay, Giám đốc Mike White của Phòng Nghiên cứu và Phát triển Vũ khí Siêu thanh Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết quân đội Mỹ đang thúc đẩy việc phát triển vũ khí siêu thanh với mục tiêu vào khoảng năm 2025 sẽ thử nghiệm trên không, mặt đất và trên biển, qua đó chế tạo được loại vũ khí này. Ông cũng cho biết ngoài vũ khí siêu thanh tấn công, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang tích cực phát triển vũ khí siêu thanh có thể phòng thủ trước các đối thủ tiềm năng như ĐCSTQ và Nga, bao gồm cả vũ khí đánh chặn đối phương trong giai đoạn phóng, lướt và giai đoạn cuối.
Rõ ràng, trong thời khắc “khủng hoảng Sputnik’ lần thứ hai về an ninh quốc gia của Mỹ cận kề, quân đội Mỹ hiện nay phải giải quyết hai nhiệm vụ lớn: một là phát triển loại vũ khí tương tự để đạt được cân bằng quyền lực với ĐCSTQ trong cuộc chạy đua vũ trang; hai là phát triển hệ thống phòng thủ cho loại vũ khí này, nhưng cho đến nay vẫn chưa có nước nào đạt được tiến bộ này. Cả Mỹ, Trung Quốc và Nga cũng vẫn chưa phát triển được hệ thống hiệu quả phòng thủ tên lửa siêu thanh.
Quan trọng hơn, liệu ông Biden có tiếp tục “chính sách đà điểu” trong quan hệ Mỹ – Trung? Trước đây sau khi Mỹ gặp phải “khủng hoảng Sputnik”, Tổng thống khi đó là Eisenhower giữ lập trường kiên quyết chống cộng, trong khi Tổng thống trẻ Kennedy nhậm chức năm 1960 nỗ lực thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ quốc phòng, họ đã có công trong “khủng hoảng Sputnik”. Nhưng về mặt tư tưởng thì ông Biden và Đảng của ông ấy đối lập với Eisenhower, họ có quan điểm gần với chủ nghĩa xã hội, ông ấy sẽ làm được gì cho Mỹ? Chúng ta hãy chờ xem! Mỹ đã bước vào “khủng hoảng Sputnik” lần thứ hai và Chiến tranh Lạnh Trung – Mỹ leo thang, không nghi ngờ gì điều này còn cấp bách hơn nhiều so với vấn đề gọi là “nóng lên toàn cầu” của những người lợi dụng “biến đổi khí hậu” để che đậy.
Nguồn: Trình Hiểu Nông, Epoch Times