Chuyên gia Liên Hiệp Quốc bác bỏ cáo buộc của Nhà nước Việt Nam đối với Phạm Đoan Trang
Posted by Luu HoanPho, Nov 2, 2021, Comments Off
Tám chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc hôm 29 tháng 10 ra tuyên bố chung, gọi nhà báo Phạm Đoan Trang là “nạn nhân của chính quyền” và kêu gọi Việt Nam trả tự do cho bà ngay lập tức và vô điều kiện.
Các chuyên gia này bao gồm các Báo cáo Viên Đặc biệt, và thành viên lãnh đạo của các Nhóm Làm việc.
Trong tuyên bố trên, các chuyên gia cho rằng Điều 88 của Bộ Luật Hình sự năm 1999 được dùng để truy tố nhà báo Phạm Đoan Trang, là điều luật “mơ hồ và vi phạm các tiêu chuẩn của luật pháp nhân quyền quốc tế”, vốn đã bị kêu gọi bãi bỏ từ lâu.
Việc bắt giữ nhà báo Phạm Đoan Trang chỉ vì bà đã làm các báo cáo về sự vi phạm nhân quyền của Nhà nước, theo nhóm chuyên gia này, là có tính chất tuỳ tiện.
Trên thực tế, Nhóm Công tác về Giam giữ Tùy tiện của Liên Hợp Quốc (UNWGAD) hôm 25 tháng 10 đã kết luận rằng nhà nước Việt Nam đã “giam giữ tuỳ tiện bà Phạm Đoan Trang” trong suốt thời gian vừa qua, do vậy bà Trang cần phải được trả tự do.
Nhóm chuyên gia nhân quyền cũng cho rằng hệ quả của việc bắt giữ và truy tố nhà báo Phạm Đoan Trang sẽ rất nghiêm trọng, nó tạo ra sự sỡ hãi và ép các cá nhân khác trong xã hội phải im lặng trước bất công.
Sau cùng, các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc hối thúc chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho nhà báo Phạm Đoan Trang, cũng như cho phép và tiếp cận với việc chăm sóc y tế.
Về tác dụng của tuyên bố chung từ các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, ông Trịnh Hữu Long, Tổng biên tập của báo Luật Khoa Tạp Chí và là người đại diện của nhà báo Phạm Đoan Trang, nói:
“Tôi tin rằng quan điểm của nhóm chuyên gia này có giá trị tham khảo rất lớn về mặt pháp lý, bởi vì họ là những chuyên gia hàng đầu thế giới được Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc bổ nhiệm vào các vị trí Báo cáo Viên Đặc biệt, hoặc nhóm công tác đặc biệt của Liên Hiệp Quốc.
Tôi tin rằng cái giá trị pháp lý này có thể giúp công chúng Việt Nam hiểu rõ hơn về bản chất của bản cáo trạng liên quan đến nhà báo Phạm Đoan Trang, và nó ít nhiều có giá trị thuyết phục đối với chính quyền Việt Nam, rằng họ đang làm một việc trái với luật pháp quốc tế, trái với những công ước về nhân quyền mà chính họ đã ký kết.”
Ngoài ra, ông Trịnh Hữu Long cũng cho rằng, bản tuyên bố chung này cũng có những ảnh hưởng nhất định đối với công chúng Việt Nam, nếu trong trường hợp chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục xét xử và kết tội nhà báo Phạm Đoan Trang. Ông nói thêm:
“Tôi nghĩ rằng từ xưa đến nay thì công chúng nghe rất nhiều những người phê phán chính quyền Việt Nam về vấn đề nhân quyền. Hầu hết những ý kiến này đến từ giới hoạt động chính trị, hoạt động nhân quyền ở trong nước, và các tổ chức nhân quyền quốc tế. Thế thì những tổ chức này là những tổ chức độc lập với chính quyền và vẫn bị Chính phủ Việt Nam lẫn công chúng Việt Nam không xem trọng.
Thế thì khi mà có một tuyên bố của Liên Hiệp Quốc thì mọi việc khác hẳn. Bởi vì Liên Hiệp Quốc là nơi mà chính bản thân Nhà nước Việt Nam cũng là một thành viên. Và Việt Nam đã đồng ý với tất cả các cơ chế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Thế thì khi những chuyên gia của Liên Hiệp Quốc lên tiếng, nó có giá trị phát ngôn chính thức cho một cơ quan, cho một tổ chức mà Việt Nam đã thừa nhận.
Chính quyền Việt Nam không thể nào chối bỏ những nghĩa vụ của mình trong tổ chức này. Và cũng không thể nào có thể tuyên truyền và xuyên tạc về uy tín cũng như danh dự của những chuyên gia này.”
Nguồn: RFA