Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, December 22, 2024

Tổng thống Biden bị chỉ trích vì không có lập trường cứng rắn với Chủ tịch Tập


Tổng thống Joe Biden đã nhận nhiều phản ứng trái chiều từ Quốc hội về buổi gặp gỡ trực tuyến của mình với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó một số nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa đã chỉ trích tổng thống về việc không gây áp lực lên ông Tập vì các hành động gây hấn khác nhau của Bắc Kinh.

Hôm 15/11, ông Biden và ông Tập đã thảo luận khoảng ba giờ rưỡi đồng hồ trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên của họ, [buổi thảo luận] tập trung vào các vấn đề như Afghanistan, Iran, Bắc Hàn và Đài Loan. Theo Tòa Bạch Ốc, ông Biden đã đưa ra lo ngại về các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc cũng như các hoạt động thương mại và kinh tế bất công bằng.

Sau hội nghị thượng đỉnh này, một quan chức chính phủ cao cấp cho biết các nhà lãnh đạo đã không đạt được bước “đột phá” nào về các vấn đề liên quan đến cả hai quốc gia.

Hôm thứ Ba (16/11), cố vấn an ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan cho biết, Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực chính trong cam kết song phương trong tương lai. Trong đó bao gồm các vấn đề chính như thực hiện thỏa thuận khí hậu toàn cầu COP26, cải thiện thông tin liên lạc trực tiếp, và giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong thỏa thuận thương mại Giai đoạn Một.

Một số nhà lập pháp của Đảng Cộng Hòa đã đưa ra tuyên bố chỉ trích ông Biden vì đã không làm được nhiều hơn tại hội nghị thượng đỉnh.

“Tổng thống Biden đã thực sự có cơ hội lên án nạn diệt chủng và vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh, nhưng một lần nữa, ông ấy đã chọn sự xoa dịu và thể hiện sự yếu đuối này thay vì sự mạnh mẽ và kiên định,” Thượng nghị sĩ Rick Scott (Cộng Hòa-Florida) cho biết, theo một tuyên bố từ văn phòng của ông.

Ông Scott cho biết thêm: “Hết lần này đến lần khác, ông Biden chỉ thực hiện điều tối thiểu nhất khi nói đến thỏa thuận với Trung Quốc và điều đó là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Ông ấy đã từ chối đối diện với Tổng Bí thư Tập về sự gây hấn không ngừng của quân đội [Trung Quốc] đối với Đài Loan, một trong những đối tác quan trọng nhất của chúng ta ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương.”

Theo Tòa Bạch Ốc, ông Biden nói với ông Tập rằng Hoa Kỳ vẫn “cam kết với chính sách ‘Một Trung Quốc,’ được chỉ dẫn bởi Đạo luật Quan hệ Đài Loan, ba Thông cáo Chung và Sáu Bảo đảm.” Ông Biden cũng lên tiếng phản đối “những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng hoặc phá hoại hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan.”

Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) coi Đài Loan là một phần lãnh thổ và cần được thống nhất với đại lục, có thể dùng vũ lực nếu cần thiết.

Theo kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Tập đã cảnh báo ông Biden rằng Trung Quốc “sẽ phải thực hiện các biện pháp mang tính quyết định” nếu cái gọi là lực lượng độc lập Đài Loan “vượt qua lằn ranh đỏ”.

Dân biểu Rob Wittman (Cộng Hòa-Virginia) đã đưa ra một tuyên bố nói rằng ông Biden đã bỏ lỡ cơ hội chống lại sự gây hấn của Bắc Kinh.

Ông Wittman tuyên bố, “Cuộc gặp gỡ này giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình là một cơ hội bị bỏ lỡ để tái khẳng định sức mạnh và ý chí của Hoa Kỳ trên vũ đài quốc tế.”

Ông nói thêm: “Cần phải nói rõ rằng: Chủ tịch Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc không phải là bằng hữu của Hoa Kỳ. Trung Cộng đặt ra một mối đe dọa rõ ràng và có thực đối với quốc gia của chúng ta, mối đe dọa này cần phải được xem xét một cách nghiêm túc.”

Thượng nghị sĩ Jim Risch (Cộng Hòa-Idaho), thành viên cao cấp của Ủy ban Ngoại giao Thượng viện, đã cảnh báo chính phủ Tổng thống Biden về cách thức làm việc với Trung Cộng.

Ông Risch viết trong một tuyên bố, “Mặc dù Chính phủ Tổng thống Biden muốn bắt tay với Bắc Kinh trong một số vấn đề toàn cầu nhất định, nhưng Trung Cộng đã hết lần này đến lần khác cho thấy rằng họ không thể tin cậy được – họ luôn đặt lợi ích của Đảng lên hàng đầu.”

Ông Risch nói thêm rằng nếu ông Tập muốn có “mối bang giao hợp tác” với Hoa Kỳ, ông phải “ngừng đe dọa Đài Loan, cưỡng bức và trừng phạt kinh tế các quốc gia khác, cũng như [ngừng] thực hiện các vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, kể cả tội ác diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương.”

Hồi tháng Một, Hoa Kỳ đã chỉ định chiến dịch trấn áp ở khu vực viễn tây Tân Cương của Trung Quốc là một tội ác diệt chủng. Kể từ đó, Bỉ, Canada, Cộng hòa Czech, Litva, Hà Lan và Anh Quốc cũng đã làm tương tự.

Dân biểu Ami Bera (Dân Chủ-California) và Thượng nghị sĩ Ed Markey (Dân Chủ-Massachusetts) đã bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với ông Biden và hội nghị thượng đỉnh trên Twitter.

Ông Bera, chủ tịch Tiểu ban Ngoại giao Hạ viện về vấn đề Á Châu, viết: “Tôi có lời khen ngợi danh cho @POTUS vì đã có cuộc gặp gỡ trực tiếp với Chủ tịch Tập về các vấn đề quan trọng như nhân quyền, hỗ trợ các đồng minh và đối tác cũng như các quy tắc và chuẩn mực quốc tế.”

Ông Markey đã hoan nghênh ông Biden vì đã bàn luận với ông Tập về các vấn đề như [hiệp ước] không phổ biến vũ khí hạt nhân, khủng hoảng khí hậu, và nhân quyền.

“Điều vô cùng quan trọng là chúng ta cần phải giao thiệp cởi mở với Trung Quốc để chúng ta có thể tìm kiếm sự hợp tác cũng như tránh các tính toán sai lầm,” ông Markey cho hay.

Nguồn: Frank Fang  @ ePochTimes (Doanh Doanh dịch).

Tags: ,

More Stories From Hoa Kỳ

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh