Thượng Viện Mỹ thông qua luật cấm nhập các sản phẩm của lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ
Posted by Luu HoanPho, Dec 17, 2021, Comments Off
Nhà máy OLFIM ở Nam Xương, Trung Quốc sử dụng phần lớn công nhân là người Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc thiểu số Hồi Giáo ở Trung Quốc AP – Ng Han Guan.–
Thượng Viện Hoa Kỳ, hôm qua 16/12/2021 đã nhất trí thông qua dự luật cấm nhập khẩu một loạt các sản phẩm được sản xuất tại tỉnh Tân Cương Trung Quốc nhằm chống lại chính sách lao động cưỡng bức đối với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ.
Đây là một thắng lợi của những người ủng hộ chính sách tích cực chống lại việc vi phạm nhân quyền. Bởi vì một số công ty đã tiến hành vận động hành lang, ngăn cản với lý do lệnh cấm này sẽ phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã chịu áp lực từ đầu đại dịch.
Đồng thời, chính quyền Mỹ cũng gia tăng áp lực, trừng phạt các công ty công nghệ của Trung Quốc. Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình :
Bộ Thương Mại Hoa Kỳ là cơ quan đầu tiên hành động. Khoảng 30 thực thể bao gồm cả Học viện Khoa học Quân y Trung Quốc, đã bị đưa thêm vào danh sách các công ty bị cấm nhập các sản phẩm nhạy cảm của Mỹ. Bộ Thương Mại Mỹ giải thích: Các nghiên cứu khoa học về công nghệ sinh học và đổi mới y tế có thể cứu sống nhiều người. Tuy nhiên, Trung Quốc lại sử dụng những công nghệ này để kiểm soát người dân và đàn áp thành viên các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đưa thêm 8 công ty Trung Quốc, trong đó có tập đoàn sản xuất drone (máy bay không người lái) số 1 thế giới, vào danh sách cấm các công dân Mỹ đầu tư. Các doanh nghiệp Trung Quốc này bị cáo buộc tham gia giám sát người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
Chính quyền Biden không ngừng tố cáo các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, và đặc biệt là ở Tân Cương. Theo một số tổ chức phi chính phủ, hơn một triệu người bị giam trong các trại. Nhà Trắng thường xuyên sử dụng từ « diệt chủng » để mô tả tình hình ở đó. Còn tại Thượng Viện, hiếm khi tất cả các thượng nghị sĩ đều bỏ phiếu tán thành cấm nhập khẩu các sản phẩm do người Duy Ngô Nhĩ sản xuất. Đạo luật hiện đang nằm trên bàn tổng thống Biden để chờ ký công bố.
Nguồn: RFI/Phan Minh