Dư luận Việt tranh cãi về tin giáo sư Ngô Bảo Châu thỉnh giảng ở Trung Quốc
Posted by Luu HoanPho, Jan 24, 2022, Comments Off
Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân mời giáo sư Ngô Bảo Châu làm giáo sư thỉnh giảng, 25/8/2019.—
Trong một vài ngày tính đến nay, đã và đang nổ ra những tranh cãi trong dư luận Việt Nam về thông tin giáo sư toán Ngô Bảo Châu thỉnh giảng cho một học viện ở Trung Quốc.
Theo quan sát của VOA, tranh luận khởi phát sau khi xuất hiện thông tin trên mạng xã hội nói rằng giáo sư Ngô Bảo Châu, người Việt đầu tiên giành Huy chương Fields vốn được coi là giải Nobel dành cho toán học, đầu quân cho Viện Toán thuộc Học viện Cáp Nhĩ Tân ở Trung Quốc.
VOA tìm hiểu và được biết Học viện Cáp Nhĩ Tân đăng bài bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung Quốc từ hồi tháng 10/2019 cho hay giáo sư Ngô Bảo Châu “được bổ nhiệm làm giáo sư thuộc trường đại học của chúng tôi”.
Bản tin của trường cho biết ông Châu “được bổ nhiệm làm giảng viên thuộc trường đại học của chúng tôi” vào ngày 25/8/2019, và hiệu trường của trường, Zhou Yu, đã trao thư bổ nhiệm cho ông Châu.
Trong bản tin bằng tiếng Anh, tên của giáo sư Ngô Bảo Châu được phiên âm thành Wu Baozhu. Trong bản tin bằng tiếng Trung, tên Việt Nam của ông Châu được giữ nguyên và để trong ngoặc đơn.
Trên mạng xã hội, nhiều người và một số nhóm Facebook như Thành Đồng Tổ Quốc hay 1986 chỉ trích giáo sư Châu về việc ông giảng dạy tại một trường của Trung Quốc, chủ yếu với lập luận rằng cách đây gần 10 năm, ông Châu từng nói không màng đến lương cao ở Trung Quốc nếu như làm việc ở đó bị xem là quay lưng với đất nước.
Trên thực tế, theo tìm hiểu của VOA, lập luận đó chứa đựng thông tin mang tính giai thoại, dựa trên những bài viết đăng trên các trang web của Lao Động và Soha hồi giữa tháng 2/2013.
Theo những bài viết này, hiện vẫn còn tồn tại trên internet, “dân làm toán trong nước” truyền miệng nhau rằng khi giáo sư Châu được trao giải Fields vào tháng 8/2010, Trung Quốc mời ông sang làm việc với mức lương có thể lên đến 800.000 đô la/năm.
Một nữ phó giáo sư có tên là Trần Lưu Vân Hiền được trích lời nói rằng bà “có nghe”chuyện một số người hỏi ông Châu sao không sang Trung Quốc làm giáo sư với thu nhập lên đến hàng triệu đô la, và ông Châu được cho là đã trả lời: “Trở thành triệu phú thích thú nỗi gì nếu để cho bạn bè, đồng nghiệp có cảm giác là mình quay lưng với đất nước?”.
Đáp lại những lời chỉ trích, giáo sư Ngô Bảo Châu giải thích với VietnamNet hôm 24/1 rằng: “Cách đây mấy năm tôi có đi Cáp Nhĩ Tân một vài lần để thỉnh giảng và tham gia hội đồng đánh giá hoạt động của viện nghiên cứu bên đó. Trong một chuyến đi như thế, hiệu trưởng trường Cáp Nhĩ Tân đã có buổi tiếp chính thức, tặng kỷ niệm chương và thông báo rằng trường luôn tiếp đón tôi bất kỳ lúc nào ở tư cách giáo sư thỉnh giảng”.
Giáo sư Châu nói thêm rằng ông đi thỉnh giảng, hợp tác nhiều nơi, nên ông không thấy việc đi thăm Cáp Nhĩ Tân có gì đặc biệt hơn.
“Thường khi đi thỉnh giảng ở đâu đó, tôi sẽ quay lại một vài lần để công việc đi đến một kết quả gì đó, chứ không thuần tuý chỉ đi cho biết. Vì thế tôi chấp nhận lời mời của ông hiệu trưởng với ý định sẽ còn quay lại đó 2-3 lần, hợp tác nghiên cứu với một nhà toán học ở đó”, vẫn lời giáo sư Châu nói với VietnamNet.
Nhưng giáo sư cho hay rằng do đại dịch COVID-19 nên ông chưa quay lại học viện của Trung Quốc và cũng không chắc có đi thăm Cáp Nhĩ Tân trong tương lai gần nữa hay không.
Ông Châu nhấn mạnh với VietnamNet rằng ông không có trong biên chế ở trường đại học nào ở Trung Quốc và nói thêm: “Nói chung, tôi không có ý định đi làm việc lâu dài ở bất kỳ chỗ nào ở Trung Quốc mà chỉ đi thỉnh giảng, hợp tác khoa học”.
Vẫn vị giáo sự khẳng định rằng hiện nay ông làm việc toàn thời gian và lâu dài trên cương vị giáo sư ở Đại học Chicago, Mỹ, bên cạnh đó ông cũng nắm trách nhiệm là Giám đốc khoa học của Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán ở Việt Nam.
Trong 5 năm từ 2020-2025, ông sẽ thỉnh giảng ở College de France, Pháp, và việc đi thỉnh giảng các nơi khác sẽ không có định kỳ, chỉ là các chuyến đi ngắn, giáo sư Châu cho biết thêm.
Đối lập với những ý kiến chỉ trích việc giáo sư Châu thỉnh giảng ở Trung Quốc, có không ít người lên tiếng ủng hộ, bênh vực ông.
Họ cho rằng ông Châu làm việc ở đâu cũng là cống hiến cho khoa học và nhân loại. Thậm chí có những người cho rằng thay vì hằn học với ông bằng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, người Việt Nam nên cảm thấy tự hào về thực tế rằng cường quốc đông dân nhất trên địa cầu và có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải mời người của nước láng giềng bé nhỏ hơn nhiều tới giảng dạy.
Giáo sư Mạc Văn Trang nói với VOA về vấn đề này:
“Tại sao lại lên án giáo sư Châu. Khoa học không có biên giới và chúng ta đang sống trong thế giới phẳng. Việc giáo sư Châu chia sẻ về toán học với trường của Trung Quốc, tôi nghĩ là tốt. Nói rộng ra, Việt Nam và Trung Quốc vẫn hợp tác, giao thương, buôn bán đấy thôi”.
Theo giáo sư Trang, chỉ có những bí mật quốc gia, bí mật quân sự hay khoa học-công nghệ quan trọng mới không thể chia sẻ, chuyển giao, nhưng việc nghiên cứu, giảng dạy toán không phải là một bí mật như vậy.
“Chỉ trích giáo sư Châu là hành động thiển cận”, giáo sư Trang nói với VOA.
Ông Mạc Văn Trang và nhiều người cũng cho rằng thay vì chỉ trích giáo sư Ngô Bảo Châu, người Việt nên ngẫm nghĩ đến chuyện vì sao nhà nước Việt Nam không thu hút, giữ chân được những người tài như ông Châu, dẫn đến việc họ làm việc lâu dài hay thỉnh giảng ở nước ngoài, thay vì làm như vậy ở Việt Nam.
Giáo sư Trang đưa ra một số lý giải: “Ở Việt Nam, không có môi trường tự do cho khoa học, tư tưởng và văn hóa. Ngay từ các cấp giáo dục ở bậc thấp cho trẻ nhỏ đã không có tự do về suy nghĩ, tìm tòi, phát biểu, nên hạn chế sáng tạo, và đó là hạn chế lớn nhất”.
Vẫn theo giáo sư Trang, nhân tài ở Việt Nam nếu lên tiếng phản biện các chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước sẽ bị loại khỏi nơi công tác, ngoài ra sẽ bị bộ máy tuyên truyền chính thức hoặc phi chính thức, hay còn gọi là giới dư luận viên, chửi bới, thóa mạ. Do đó, nhân tài không có chỗ đứng ở trong nước hoặc tìm cách ra nước ngoài làm việc.
Một lý do nữa, theo giáo sư Trang, đó là chế độ lương bổng, đãi ngộ ở Việt Nam nhìn chung còn chưa đủ để nhà khoa học chân chính nuôi sống bản thân, nói gì đến nuôi cả gia đình, vì vậy cũng khó giữ được người tài.
Nguồn: VOA Tiếng Việt