Khủng hoảng Ukraina: Tổng thống Joe Biden lúng túng đối phó với Nga
Posted by Luu HoanPho, Jan 26, 2022, Comments Off
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden điện đàm với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại nhà riêng ở Wilmington, Delaware, Hoa Kỳ ngày 30/12/2021. REUTERS – WHITE HOUSE.–
Khủng hoảng Ukraina đang đặt tổng thống Joe Biden trước một thử thách lớn nhất từ khi lên lãnh đạo nước Mỹ. Sau các nỗ lực ngoại giao trực tiếp với Nga không có kết quả, căng thẳng trên hồ sơ Ukraina tiếp tục leo thang thêm từng ngày. Chính quyền Biden lúng túng không tìm được một phương cách hiệu quả hơn, trong khi mà khả năng răn đe và áp đặt trên thế mạnh chỉ có giới hạn.
Các cuộc tham vấn liên tục giữa các bên rồi đến cuộc hội đàm cuối tuần trước tại Genève giữa ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov đều không tìm được một lối thoát ngoại giao nào cho khủng hoảng Ukraina. Từ nhiều ngày qua, ông Joe Biden liên tiếp cảnh báo về một cuộc can thiệp quân sự cận kề của Nga vào Ukraina. Bộ Ngoại Giao Mỹ thậm chí đã ra lệnh sơ tán gia đình các nhà ngoại giao khỏi Ukraina, một quyết định đã bị nhiều nước ở châu Âu đánh giá là thái quá làm cho tình hình thêm rối loạn.
Bên cạnh đó, Washington cố gắng đưa ra một vài biện pháp hy vọng răn đe Matxcơva không lao vào một cuộc phiêu lưu quân sự nguy hiểm. Ngày 24/01, Bộ Quốc Phòng Mỹ thông báo đặt 8500 quân tại Mỹ trong tình trạng báo động, để sẵn sàng điều động đến tăng cường cho phản ứng của NATO trong trường hợp Nga tấn công Ukraina. Tiếp đó, Washington loan báo, ít nhất hai chuyến bay vận tải quân sự Mỹ đã chuyển nhiều tấn vũ khí đạn dược cho quân đội Ukraina.
Giới quan sát cho rằng những động thái như vậy được cho là mạnh mẽ nhất của chính quyền Biden, chưa chắc đã thay đổi được gì, hay đủ để làm nước Nga của ông Putin chùn bước. Thực tế đã chứng minh ngay sau thông báo của Mỹ, Nga cho triển khai ngay cuộc tập trận rầm rộ với hơn 6000 quân tại bán đảo Crimée, đã bị sáp nhập vào Nga từ 2014.
Ngày hôm qua (25/03), tổng thống Joe Biden đã phải lên tiếng giải thích lại về lệnh báo động quân đội. Ông khẳng định Washington không « có ý định » điều quân đến Ukraina và chỉ dự phòng tăng cường trong khuôn khổ của NATO. Bản thân khi cho thông báo, chính quyền Biden dường như cũng chưa biết sẽ điều số 8500 quân Mỹ kia đến đâu. Ngay cả có điều đến các nước thành viên NATO trong vùng Baltic, thì quyết định như vậy chỉ có tác dụng như đổ thêm dầu vào lửa trong tình hình hiện nay.
Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng, giới quan sát đều nhận thấy, khả năng răn đe của Mỹ rất hạn chế đối với Nga. Trong khi đó, bản thân tổng thống Joe Biden luôn tỏ ra do dự, trong các ứng xử trước những diễn biến khủng hoảng, có những tuyên bố tiền hậu bất nhất. Từ hồi cuối năm ngoái, ông Biden từng tuyên bố rằng Hoa Kỳ có thể sẽ không cần đến sức mạnh quân sự trực tiếp để ngăn chặn cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina nếu xảy ra. Giữa tuần trước, khi Nga lên gân, lấn dần từng bước, tổng thống Mỹ lại tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng « một cuộc đột nhập nhỏ » của quân đội Nga vào Ukraina có thể sẽ không khiến Washington và đồng minh đáp trả nghiêm khắc. Những phát biểu của ông Biden khiến dư luận có cảm giác Hoa Kỳ không thực sự quyết tâm ủng hộ Kiev.
Sau cuộc hội đàm từ xa với các lãnh đạo một số nước chủ chốt châu Âu, ông Biden cố công ca ngợi « sự nhất trí hoàn toàn của các lãnh đạo châu Âu » trong hồ sơ Ukraina. Trên thực tế vẫn còn nhiều khác biệt với Hoa Kỳ trong quan điểm của EU, ngay cả trong vấn đề trừng phạt Nga về kinh tế. Cũng nên nhớ Nga vẫn là nguồn cũng cấp 40% lượng khí đốt tiêu thụ ở Liên Âu. Berlin cũng không muốn hỗ trợ quân sự cho Ukraina vì vẫn còn vướng víu với đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 nối Nga và Đức.
Để chứng tỏ sự khác biệt với Donald Trump, sau khi bước vào Nhà Trắng cách đây một năm, ông Joe Biden đã tuyên bố hùng hồn « nước Mỹ đã trở lại » với vai trò lãnh đạo thế giới trong các hồ sơ lớn quốc tế. Khủng hoảng Ukraina là hồ sơ quốc tế lớn đầu tiên mà ông tổng thống Biden phải đối mặt. Dù là một nhà chính trị dày dạn kinh nghiệm, từng nắm hồ sơ Ukraina từ khi còn là phó tổng thống dưới thời Barack Obama, lần này Joe Biden phải đối mặt với Vladimir Putin, một người luôn tỏ cho thấy không chịu khuất phục phương Tây cũng như các đe dọa từ bên ngoài. Trước một « đối thủ » khó như vậy, tổng thống Joe Biden lại tỏ cho thấy là một lãnh đạo thiếu nhạy cảm chính trị, lập trường không nhất quán, cuối cùng lại phải quay trở lại giải pháp truyền thống : Trừng phạt kinh tế.
Nguồn: RFI/Anh Vũ