Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, December 22, 2024

Việt Nam nằm đâu trong Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương Mỹ mới công bố?


Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu về Chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương của Mỹ ở Jakarta hôm 14/12/2021.–

Ngày 12/2/2022, Nhà Trắng đã ban hành Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPS) của Hoa Kỳ (1). Đây là Báo cáo đầu tiên được ban hành liên quan đến chiến lược của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1 năm ngoái.

Thời điểm ban hành

Bản chiến lược này đã được công bố trong một thời điểm khá đặc biệt:

Thứ nhất, Chiến lược này được Mỹ công bố ngay giữa lúc Ngoại trưởng Antony Blinken đang có mặt tại khu vực Thái Bình Dương để gặp gỡ các nhà ngoại giao của Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc đảo Thái Bình Dương và một số chính phủ khác nhằm thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế khi mà Thế vận hội Mùa Đông đang diễn ra tại Bắc Kinh đang diễn ra.

Thứ hai, việc tuyên bố Chiến lược này diễn ra sau khi Trung Quốc và Nga tuyên bố vào ngày 4/2 về quan hệ đối tác chiến lược “không có giới hạn”, tuyên bố chi tiết và quyết đoán nhất của họ để cùng nhau hợp tác – và chống lại Hoa Kỳ – để xây dựng một trật tự quốc tế mới dựa trên cách hiểu của riêng họ về nhân quyền và dân chủ (2).

Thứ ba, việc tuyên bố Chiến lược cũng diễn ra vào thời điểm cuộc khủng hoảng Ukraina đang lên lúc cao trào, Mỹ và phương Tây lo ngại rằng Nga sẽ tấn công Ukraina, còn nhiều quốc gia khác thì lo ngại trước các cam kết của Mỹ có đủ mạnh mẽ cũng như sức mạnh của Mỹ và đồng minh, sau khi Mỹ đã bỏ rơi Afghanistan và bây giờ là Ukraina.

Mặc dù trong phát biểu của một quan chức cấp cao trong chính quyền Biden (giấu tên), khẳng định: “Tôi muốn dành một phút để nói về lý do tại sao chúng tôi phát hành chiến lược này và chiến lược này khác biệt như thế nào so với những chiến lược khác trong quá khứ.

Trong một thời gian, các nhà lãnh đạo của cả hai đảng chính trị, và chắc chắn ở Đồi Capitol, đã nhận ra tầm quan trọng ngày càng tăng của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Chiến lược này là một phần của truyền thống đó và được xây dựng dựa trên công việc của các chính quyền trước đây và theo tôi, sự đồng thuận rộng rãi hơn đã xuất hiện về tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.” (3)

Quan chức chính quyền cấp cao này cũng nói với các phóng viên rằng các chuyến đi của Ngoại trưởng Antony Blinken tới Úc, Fiji và Hawaii trong tuần này cho thấy Hoa Kỳ nhận ra tầm quan trọng của “sự gắn bó lâu dài” với khu vực – ngay cả khi nước này phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn, đó là Nga có thể xâm lược Ukraine.

Quan chức này nhấn mạnh: “Hoa Kỳ không có đủ điều kiện nên chỉ tập trung vào một khu vực hoặc một vấn đề tại một thời điểm. Những lời đe dọa xâm lược Ukraine của Nga – và sự phụ thuộc liên tục của châu Âu vào Mỹ với tư cách là người bảo đảm an ninh – đã làm gián đoạn nỗ lực của chính quyền Biden nhằm tập trung nhiều hơn sự chú ý và nguồn lực vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.” (4)

Như vậy, với việc ban hành IPS sau ba sự kiện trên, cho thấy Mỹ dường như muốn trấn an và khẳng định với các đồng minh và đối tác rằng, Mỹ sẽ tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chứ không phân tâm bởi các sự kiện khác, và Trung Quốc sẽ là đối thủ chủ chốt của Mỹ trên thế giới.

2016-10-25T120000Z_1597252866_S1AEUIZOSLAA_RTRMADP_3_SOUTHCHINASEA-USA-THIRDFLEET.JPG
Tàu chiến USS Decatur của Hải quân Mỹ đi qua Biển Đông hôm 13/10/2016. Reuters

Các nội dung chính của IPS

IPS bắt đầu với trích dẫn bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) năm 2021: “Chúng tôi hình dung một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở, kết nối, thịnh vượng, có khả năng phục hồi và an toàn – và chúng tôi sẵn sàng làm việc với các bạn để đạt được mục tiêu này”. Trong khi lưu ý những thách thức từ cạnh tranh với Trung Quốc cho đến các vấn đề biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19, chiến lược này cũng nhấn mạnh đến kế hoạch mở rộng can dự và thúc đẩy các liên kết sáng tạo với các quốc gia trong khu vực: “Trọng tâm của nó là sự hợp tác bền vững và sáng tạo với các đồng minh, đối tác và các thể chế trong khu vực và xa hơn nữa”.

IPS gồm năm nội dung quan trọng:

Đầu tiên, IPS làm rõ những gì được mong đợi từ các quốc gia khác: “một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở yêu cầu các chính phủ có thể đưa ra lựa chọn của riêng họ và các lĩnh vực chung phải được quản lý một cách hợp pháp”. Nó nhấn mạnh tính minh bạch về tài khóa; đảm bảo luật pháp quốc tế trong việc quản lý bầu trời và biển cả; và thúc đẩy các phương pháp tiếp cận chung đối với các công nghệ quan trọng và mới nổi, internet và không gian mạng.

Thứ hai, IPS tuyên bố rằng các mục tiêu chỉ có thể đạt được bằng cách xây dựng năng lực tập thể trong một thời đại mới và vì điều này, nó nhấn mạnh đến sự cần thiết phải làm sâu sắc hơn với năm liên minh hiệp ước khu vực gồm Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan; và tăng cường quan hệ với các đối tác hàng đầu trong khu vực, bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mông Cổ, New Zealand, Singapore, Đài Loan, Việt Nam và các quốc đảo Thái Bình Dương. Ngoài ra, chiến lược cũng chỉ ra quyết tâm trao quyền cho ASEAN thống nhất, củng cố Nhóm “Bộ tứ” để thực hiện các cam kết của mình và tiếp tục ủng hộ sự trỗi dậy và vai trò lãnh đạo của Ấn Độ.

Thứ ba, liên kết sự thịnh vượng của Mỹ với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nó nhấn mạnh nhu cầu về các chuỗi cung ứng linh hoạt, an toàn, đa dạng, cởi mở và có thể dự báo cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng thông qua sáng kiến “Xây dựng thế giới tốt đẹp hơn” với các đối tác trong Nhóm các nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7).

Thứ tư, để củng cố an ninh của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, IPS nhấn mạnh sự cần thiết phải sử dụng tất cả các công cụ quyền lực để ngăn chặn sự xâm lược và chống lại sự ép buộc. Điều này bao gồm tăng cường hợp tác và thúc đẩy khả năng tương tác với các đồng minh và đối tác, duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, tăng cường khả năng răn đe và phối hợp mở rộng với Hàn Quốc và Nhật Bản, theo đuổi phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên và tiếp tục thực hiện cam kết của AUKUS.

Thứ năm, IPS nhấn mạnh việc xây dựng khả năng phục hồi của khu vực để đối phó với thiên tai, khan hiếm nguồn tài nguyên, xung đột nội bộ và các thách thức về quản trị.

Về bản chất, có hai khía cạnh đáng chú ý:

Một là, IPS nhấn mạnh đến việc xây dựng các liên minh và tăng cường quan hệ đối tác để củng cố các nỗ lực của Mỹ trong việc tăng cường hợp tác an ninh nhằm đối phó với những thách thức ngày càng tăng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Hai là, mục tiêu chính của chiến lược không phải là thay đổi chính thể của Trung Quốc mà là định hình môi trường mà nó hoạt động. Chiến lược tìm kiếm sự hợp tác với các quốc gia trong khu vực, chứ không phải bắt buộc lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều này có thể khiến các quốc gia nhỏ hơn miễn cưỡng đứng về phía nào trong cuộc xung đột Mỹ-Trung. Mỹ mong muốn duy trì sự cân bằng chiến lược trong khu vực nhằm chống lại các nỗ lực bá quyền của bất kỳ quốc gia nào và quản lý các cuộc tranh giành chiến lược một cách có trách nhiệm. Điều quan trọng, IPS nhấn mạnh “đối tác và đồng minh” hơn là “Trung Quốc và nền dân chủ”. IPS cũng nhắc lại cam kết thúc đẩy pháp quyền trong khu vực.

Giống như khuôn khổ Ấn Độ – Thái Bình Dương thời Trump, chiến lược của Biden nhấn mạnh mạnh mẽ đến việc hợp tác cùng với các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ trong khu vực, đặc biệt là Bộ tứ – bao gồm Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc. “Những nỗ lực tập thể của chúng tôi trong thập kỷ tới sẽ quyết định liệu CHND Trung Hoa có thành công trong việc chuyển đổi các quy tắc và chuẩn mực mang lại lợi ích cho Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và thế giới hay không?”

Việt Nam cần làm gì?

Đây là thời điểm để Việt Nam có thể thể hiện một vai trò tích cực hơn trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Một số lo lắng của Việt Nam đã được IPS đưa ra quan điểm rõ ràng. Thứ nhất, Việt Nam e ngại việc buộc phải chọn bên giữa Mỹ và Trung Quốc thì quan điểm của Mỹ thể hiện rõ trong IPS là không buộc các quốc gia phải chọn bên. Thứ hai, Việt Nam cũng chọn chiến lược “Bốn không” để tránh bị vướng vào các căng thẳng khi có các liên minh quân sự. Nhưng Nhà Trắng đã cho thấy IPS không chỉ là các liên minh quân sự mà còn là sự thúc đẩy phát triển thịnh vượng chung giữa các quốc gia ở đây. IPS nhắc lại việc Hoa Kỳ có kế hoạch khởi động Khung kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương vào đầu năm 2022, một sáng kiến mà chính quyền Biden hy vọng ít nhất sẽ lấp đầy một phần khoảng cách lớn trong cam kết với khu vực kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump từ bỏ khuôn khổ thương mại đa phương vào năm 2017.

Chính phủ Hoa Kỳ cho biết trong IPS rằng họ sẽ mở rộng sự hiện diện và hợp tác của Lực lượng Cảnh sát biển ở Đông Nam và Nam Á, cũng như tại các quần đảo Thái Bình Dương, và tập trung vào “tư vấn, đào tạo, triển khai và xây dựng năng lực” cho các lực lượng này. Đây cũng là cơ hội cho Việt Nam có thể hiện đại hoá và nâng cao năng lực của Lực lượng Cảnh sát biển của mình, nhằm chống lại các đe doạ từ chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc.

Chính vì vậy, đây chính là cơ hội để Việt Nam thay đổi và bứt phá nếu biết tận dụng các thời cơ mang lại từ IPS này.

Nguồn: RFA/Trần Tài Phùng

______________

Tham khảo:

1. https://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2022/02/U.S.-Indo-Pacific-Strategy.pdf
2. http://en.kremlin.ru/supplement/5770
3. https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2022/02/11/background-press-call-by-senior-administration-officials-previewing-the-u-s-s-indo-pacific-strategy/
4. https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2022/02/11/background-press-call-by-senior-administration-officials-previewing-the-u-s-s-indo-pacific-strategy/

Tags: , ,

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh