Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, December 23, 2024

Việt Nam chính thức ‘nêu quan điểm’ về Ukraine tại Liên Hiệp Quốc


Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, phát biểu trong phiên họp đặc biệt về Ukraine vào ngày 1/3/2022.–

Phát biểu trong phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về Ukraine vào ngày 1/3, đại diện của Việt Nam nói Việt Nam “hết sức lo ngại về tình hình xung đột vũ trang hiện nay ở Ukraine” và kêu gọi “kiềm chế tối đa và chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng vũ lực để tránh thêm thương vong và tổn thất”.

“Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích và quan ngại của tất cả các bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia”, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, phát biểu.

Sau khi nhắc đến lịch sử chiến tranh dai dẳng của Việt Nam, ông Giang cho rằng các cuộc chiến tranh và xung đột thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế.

“Một số xung đột vẫn còn gắn liền với những yếu tố lịch sử, ngộ nhận và hiểu lầm”, đại sứ của Việt Nam nói thêm.

Ông Giang cũng nhắc lại quan điểm của Việt Nam rằng “mọi tranh chấp quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, bao gồm các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực”.

Ông kêu gọi tăng cường viện trợ nhân đạo cho thường dân, bảo đảm an ninh, an toàn cho các cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống ở Ukraine, trong đó có cộng đồng người Việt Nam.

Cũng như Trung Quốc và một số ít quốc gia trên thế giới, Việt Nam cho đến nay vẫn không gọi các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine là “xâm lược” và chỉ bày tỏ lập trường chung chung đối với các hoạt động quân sự đang bị cả thế giới lên án do Tổng thống Vladimir Putin phát động tại Ukraine.

Trong cuộc phỏng vấn với VOA hôm 28/2, Đại biện Lâm thời của Ukraine ở Hà Nội, bà Nataliya Zhinkyna, nói bà hiểu Việt Nam muốn giữ thế trung lập nhưng cho rằng “đây không phải là thời điểm thích hợp” để làm như vậy.

Bà Nataliya Zhinkyna kêu gọi Việt Nam hãy “nêu đích danh kẻ xâm lược”, không chỉ trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam mà cả ở các diễn đàn quốc tế khác.

Tại Washington, trả lời câu hỏi của VOA hôm 28/2, Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói Mỹ “khích lệ tất cả các quốc gia – những nước chưa lên án hành động của Nga – thay đổi đường hướng của mình.

Phiên họp đặc biệt của Liên Hiệp Quốc bắt đầu từ ngày 28/2 – 2/3, với sự tham dự của khoảng 100 quốc gia thành viên. Trong đó, bài phát biểu qua video của Tổng thống Ukraine, Volodyrmyr Zelenskyy, vào ngày 1/3 đã nhận được nhiều tràng vỗ tay liên tục từ cử toạ, trong khi hầu hết các nhà ngoại giao đã bỏ ra khỏi hội trường khi bài phát biểu trực tuyến của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vừa bắt đầu được phát lên.

Tại phiên họp này, đại diện của Đức đã đề cập đến một “kỷ nguyên mới” và “một thực tế mới”, đó là Tổng thống Vladimir Putin đã buộc tất cả các quốc gia trên thế giới “phải đưa ra quyết định kiên quyết và chọn phe”.

“Chúng ta phải hành động có trách nhiệm và đoàn kết vì hòa bình”, nữ Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói. “Lúc này, tất cả chúng ta phải lựa chọn giữa hòa bình và xâm lược, giữa công lý và ý chí của kẻ mạnh, giữa hành động và nhắm mắt làm ngơ”.

Trong khi đó, đại diện của Cuba nói chính phủ nước ông bảo vệ luật pháp quốc tế, nhưng lưu ý rằng sẽ là bất khả thi trong việc phân tích một cách chặt chẽ và trung thực tình hình ở Ukraine mà không xem xét các yếu tố dẫn đến việc sử dụng vũ lực.

“Quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc mở rộng phạm vi tiếp cận của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đến các biên giới của Liên bang Nga đã dẫn đến một kịch bản khó lường, vốn có thể tránh được. Những chuyển động đó trong những tháng gần đây, bao gồm cả việc chuyển giao vũ khí vào Ukraine, tương đương với một động thái gọng kìm quân sự, và thật sai lầm khi phớt lờ yêu cầu của Liên bang Nga về những đảm bảo an ninh”, đại diện của Cuba nói, đồng thời bày tỏ lo ngại về việc NATO lần đầu tiên kích hoạt lực lượng phản ứng sau khi Nga tấn công Ukraine.

Triều Tiên, một quốc gia Cộng sản bị cô lập, thì cho rằng nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng Ukraine nằm ở chính sách bá quyền của Hoa Kỳ và phương Tây, vốn “tự cao tự đại và tùy tiện đối với các nước khác”. Đại sứ Kim Song của Triều Tiên nhắc lại việc Mỹ và phương Tây “vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq, Afghanistan và Libya” với lý do hòa bình và an ninh quốc tế và nói rằng thật là “lố bịch” khi các nước này đề cập đến việc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trong tình huống ở Ukraine.

Dự kiến các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, trong đó có Việt Nam, sẽ bỏ phiếu cho một dự thảo nghị quyết về Ukraine vào ngày 2/3.

Nguồn: VOA Tiếng Việt

Tags: ,

More Stories From Thế Giới

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh