Cập nhật tình hình Nga-Ukraine
Posted by Luu HoanPho, Mar 9, 2022, Comments Off
Hai chiến đấu cơ MiG-29 của Ba Lan bay trên căn cứ không quân ở Malbork, Ba Lan, hôm 29/04/2014. (Ảnh: Joel Saget/AFP/Getty Images).–
Ba Lan sẵn sàng cung cấp các chiến đấu cơ MiG cho Ukraine nhưng phải thông qua NATO
Hôm thứ Tư (09/03), thủ tướng Ba Lan cho biết Ba Lan sẵn sàng cung cấp chiến đấu cơ do Nga sản xuất cho Ukraine thông qua NATO. Nhưng ông nói thêm rằng đó là một “quyết định rất nghiêm túc” cần được thực hiện bởi tất cả các thành viên liên minh NATO vì điều này ảnh hưởng đến an ninh rộng lớn hơn.
Thủ tướng Mateusz Morawiecki cho biết quyết định có cung cấp các phi cơ MiG-29 cho Ukraine khi nước này chống lại cuộc xâm lược của Nga hay không hiện nằm trong tay NATO và Hoa Kỳ.
“Ba Lan không phải là một bên trong cuộc chiến này… và NATO cũng không phải là một bên trong cuộc chiến này,” ông Morawiecki nói trong chuyến thăm đến Vienna. “Một quyết định nghiêm túc như việc chuyển giao phi cơ phải được toàn thể Liên minh Bắc Đại Tây Dương đồng ý và dứt khoát thực hiện.”
Ông Morawiecki cho biết các cuộc đàm phán về chủ đề này vẫn đang tiếp tục.
Ukraine đã kêu gọi Hoa Kỳ và các nước phương Tây cung cấp các chiến đấu cơ. Ba Lan đã phúc đáp hôm thứ Ba (08/03) bằng cách đề nghị chuyển các phi cơ của mình đến một căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở Đức, với kỳ vọng rằng các phi cơ này sau đó sẽ được giao cho các phi công Ukraine. Ngũ Giác Đài phản hồi bằng cách nói rằng họ không biết về kế hoạch này, điều mà họ cho là “không khả thi”.
EU đồng ý về các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga vì xâm lược Ukraine
Các quốc gia thuộc Liên minh Âu Châu đã đồng ý áp đặt các biện pháp trừng phạt hơn nữa đối với Nga, nhắm vào các nhà tài phiệt và thân nhân của họ.
Ngoài các biện pháp đã được áp dụng nhắm vào Tổng thống Vladimir Putin, hệ thống tài chính của Nga, và ngành công nghệ cao của nước này, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với 160 cá nhân và bổ sung các hạn chế mới đối với việc xuất cảng công nghệ định hướng hàng hải và liên lạc vô tuyến. Các biện pháp bổ sung cũng nhắm vào đồng minh của Nga là Belarus.
Chủ tịch Hội đồng Âu Châu của Pháp cho biết họ sẽ loại ba ngân hàng Belarus khỏi SWIFT, hệ thống chủ chốt của các giao dịch tài chính toàn cầu.
Nga-Ukraine thông báo một lệnh ngừng bắn mới để thường dân chạy thoát khỏi các thành phố bị bao vây
Các nhà chức trách Ukraine đã thông báo một lệnh ngừng bắn từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối dọc theo một số tuyến đường di tản thường dân ở các thành phố bị bao vây hoặc bị chiếm đóng.
Hôm thứ Tư (09/03), Phó Thủ tướng Iryna Vereshchuk cho biết các nhà chức trách Nga đã xác nhận lệnh ngừng bắn dọc theo các hành lang di tản với những người đồng cấp Ukraine và Hội Chữ Thập Đỏ.
Bà cho biết các tuyến đường dẫn ra khỏi thành phố Sumy ở phía đông bắc, thành phố Mariupol trên bờ Biển Azov, thành phố Enerhodar ở phía nam, thành phố Volnovakha ở phía đông nam, thành phố Izyum ở phía đông, và một số thị trấn trong vùng Kyiv.
Tất cả các hành lang dẫn đến các địa điểm khác ở Ukraine hiện đều do chính phủ Ukraine nắm giữ.
Tuyến đường ra khỏi thành phố Sumy, ở biên giới Nga, là tuyến đường duy nhất được sử dụng thành công cho đến nay, cho phép di tản 5,000 người về phía tây nam đến thành phố Poltava vào hôm thứ Ba (08/03).
Hôm thứ Tư (09/03), các quan chức Ukraine đã công bố các video cho thấy những chiếc xe tải và xe buýt có biểu tượng Chữ Thập Đỏ đang tiến đến các thành phố bị bao vây.
Ba Lan tuyên bố các nước NATO phải chung tay hành động về việc gửi chiến đấu cơ cho Ukraine
Hôm thứ Tư (09/03), các quan chức hàng đầu của Ba Lan cho biết bất kỳ việc cung cấp chiến đấu cơ nào cho Ukraine đều phải được thực hiện thông qua NATO, sau khi Hoa Thịnh Đốn từ chối đề nghị của Ba Lan về việc vận chuyển tất cả các phản lực cơ MIG-29 của họ đến một căn cứ không quân của Hoa Kỳ nhằm chuyển các phi cơ này tới Kyiv.
Ukraine đã khẩn cầu các quốc gia phương Tây cung cấp chiến đấu cơ cho nước này để chống lại một cuộc xâm lược của Nga, vốn đã buộc hơn 2 triệu người tị nạn phải chạy trốn khỏi đất nước, và các nhà lập pháp Mỹ đã hồi đáp bằng cách thúc đẩy chính phủ Tổng thống Joe Biden tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao phi cơ.
Hôm thứ Ba (08/03), Ba Lan cho biết họ đã sẵn sàng để khai triển tất cả các phản lực cơ MIG-29 của mình đến Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức và giao chúng cho Hoa Kỳ chuyển giao, khi kêu gọi các thành viên NATO khác cũng làm như vậy. Sau đó, Ngũ Giác Đài đã bác bỏ đề nghị này vì không “khả thi”.
“Hoa Kỳ không muốn những phi cơ này đến Ukraine từ các căn cứ của Hoa Kỳ,” ông Jakub Kumoch, cố vấn ngoại giao của Tổng thống Ba Lan, nói với đài truyền hình công TVP Info. “Ba Lan đã sẵn sàng hành động, nhưng chỉ trong khuôn khổ liên minh, trong khuôn khổ NATO.”
Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo rằng các quốc gia cung cấp phi trường cho Ukraine để thực hiện các cuộc tấn công đối với Nga có thể bị coi là can dự vào cuộc xung đột.
Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Pawel Jablonski nói với đài phát thanh công cộng Polskie Radio 1 rằng Ba Lan phải ưu tiên an ninh của mình khi cân nhắc đến việc cung cấp phản lực cơ cho Ukraine.
Ông nói: “Không thể có chuyện Ba Lan — với tư cách là quốc gia NATO duy nhất — chấp nhận rủi ro, và các nước khác sẽ không phải bồi thường hoặc chia sẻ điều đó với chúng ta theo bất kỳ cách nào.”
Cảnh báo không kích được ban bố ở Kyiv khi giao tranh tiếp diễn
Sáng thứ Tư (09/03), một cảnh báo không kích đã được ban bố trong và xung quanh Kyiv, với những người dân được yêu cầu đến các hầm tránh bom càng nhanh càng tốt.
“Vùng Kyiv 5 cảnh báo không kích. Nguy cơ có một cuộc tấn công hỏa tiễn. Mọi người ngay lập tức đến nơi trú ẩn,” người đứng đầu chính phủ khu vực Oleksiy Kuleba cho biết trên Telegram.
Gần hai tuần sau cuộc xâm lược, quân đội Nga đã tiến sâu dọc theo bờ biển của Ukraine. Thành phố Mariupol, nằm trên Biển Azov, đã bị binh lính Nga vây hãm trong nhiều ngày và một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra tại thành phố 430,000 dân bị bao vây này.
Các lực lượng của Moscow đã bao vây các thành phố của Ukraine trong nhiều ngày. Các nỗ lực tạo hành lang để di tản dân thường một cách an toàn đã vấp phải nhiều khó khăn trong bối cảnh chiến sự tiếp tục diễn ra.
Trên khắp đất nước, hàng ngàn người được cho là đã thiệt mạng, cả dân thường và binh lính, trong gần hai tuần giao tranh. Quân đội Nga đã chứng kiến những bước tiến của họ bị dừng lại ở một số khu vực — bao gồm cả xung quanh thủ đô Kyiv — bởi sự kháng cự mạnh hơn dự kiến của người Ukraine.
Giám đốc Tình báo Úc: Trong lúc Nga tấn công Ukraine, Trung Quốc dòm ngó Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Một “sự hội tụ chiến lược mới đáng lo ngại” giữa Bắc Kinh và Moscow đã phát triển và nguy cơ xảy ra “xung đột lớn giữa các cường quốc” đã tăng lên kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, giám đốc tình báo Úc cho biết hôm thứ Tư (09/03).
Ông Andrew Shearer, Tổng giám đốc Văn phòng Tình báo Quốc gia Úc, cho biết lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đang lên kế hoạch thống trị khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và sử dụng nơi này làm căn cứ để vượt qua Hoa Kỳ để trở thành cường quốc đứng đầu thế giới.
Các bình luận này củng cố cảnh báo rằng cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, vốn đã vấp phải sự lên án gần như của toàn bộ phương Tây, có thể lan rộng thành một cuộc xung đột khu vực hoặc toàn cầu. Tuần này (07-13/03), Thủ tướng Úc Scott Morrison đã kêu gọi các nền dân chủ tự do ngăn chặn một “vòng cung chế độ chuyên quyền” đang định hình lại thế giới.
“Chúng ta sẽ phải làm việc cật lực hơn nữa để duy trì chất lượng của nền tự do đến từ trật tự dựa trên luật lệ ở Âu Châu và ở đây tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” ông Shearer nói tại một hội nghị do Australian Financial Review tổ chức.
Ông nói thêm: “Chúng tôi thấy một nhà lãnh đạo đang thực sự chuẩn bị và tăng cường sức mạnh cho đất nước của mình trong cuộc chiến nhằm vượt qua Hoa Kỳ để trở thành cường quốc đứng đầu thế giới.”
“Căn cứ này… là để thiết lập vị trí đứng đầu trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
EU đề ra kế hoạch cắt giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga
Hôm thứ Ba (08/03), Ủy ban Âu Châu đã công bố kế hoạch để cắt giảm ⅔ sự phụ thuộc của EU vào khí đốt của Nga trong năm nay và chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp nhiên liệu của Nga “trước năm 2030”.
Người đứng đầu Liên minh Âu Châu cho biết họ sẽ làm như vậy bằng cách chuyển sang các nguồn cung cấp thay thế và mở rộng năng lượng sạch nhanh hơn so với kế hoạch, điều này phần lớn sẽ do chính phủ các quốc gia chịu trách nhiệm thực hiện.
Theo các quan chức Hoa Kỳ, Nga đã đánh giá thấp khả năng kháng cự của Ukraine
Hoa Kỳ tin rằng Nga đã đánh giá thấp sức kháng cự của Ukraine trước khi tiến hành một cuộc xâm lược có khả năng gây ra thương vong cho hàng ngàn người Nga, quan chức tình báo hàng đầu của chính phủ Tổng thống Biden nói với các nhà lập pháp hôm thứ Ba (08/03).
Lời chứng nói trên, được đưa ra trong một cuộc điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện, là đánh giá công khai đầu tiên về cuộc chiến kéo dài hai tuần của các quan chức tình báo cao cấp của quốc gia, những người đưa ra những hiểu biết sâu sắc của họ về suy nghĩ và động cơ của Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong bối cảnh lực lượng của ông tiếp tục cuộc hành quân của họ qua Ukraine.
Các quan chức khẳng định rằng cuộc tấn công của Nga đã bị đình trệ bởi sự kháng cự bất ngờ của quân phòng thủ Ukraine và hiện không chắc liệu ông Putin có tiếp tục chiến lược “theo phong cách tối đa” để cố gắng chiếm toàn bộ Ukraine hay sẽ chấp nhận đạt được một thứ gì đó ít giá trị hơn. Dù sao đi nữa, họ cho biết họ tin rằng ông đã quyết tâm đẩy mạnh cuộc xâm lược của mình bất chấp thương vong gia tăng, các lệnh trừng phạt toàn cầu, và nỗ lực của các quốc gia phương Tây nhằm cô lập Điện Kremlin, trong đó có cả một lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với dầu nhập cảng từ Nga.
Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines cho biết: “Chúng tôi đánh giá rằng ông Putin đang cảm thấy đau khổ khi phương Tây không dành cho ông ấy sự tôn trọng thích đáng và coi đây là cuộc chiến mà ông ấy không thể để thua. Nhưng những gì ông ấy có khả năng sẵn sàng chấp nhận với tư cách là một chiến thắng có thể thay đổi theo thời gian với những tổn thất đáng kể mà ông ấy đang phải gánh chịu.”
Ngũ Giác Đài cho biết đề nghị gửi chiến đấu cơ cho Ukraine của Ba Lan là không khả thi
Cuối ngày 08/03, Ngũ Giác Đài cho biết rằng đề nghị gửi chiến đấu cơ của Ba Lan là không khả thi, sau khi Bộ Ngoại giao Ba Lan tuyên bố sẽ khai triển phi cơ phản lực MiG-29 đến Căn cứ Không quân Ramstein của Không quân Hoa Kỳ tại Đức “và đặt chúng dưới quyền sử dụng của Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.”
Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết thêm, việc khai triển 28 chiếc MiG-29 sẽ diễn ra ngay lập tức và miễn phí. “Đồng thời, Ba Lan yêu cầu Hoa Kỳ cung cấp cho chúng tôi các phi cơ đã qua sử dụng với khả năng hoạt động tương ứng,” bộ cho biết trong một tuyên bố.
Chính phủ Ba Lan cũng kêu gọi các quốc gia thành viên NATO khác sở hữu phi cơ MiG-29 chuyển giao phi cơ của họ cho Hoa Kỳ.
Trong một tuyên bố vào cuối ngày 08/03, Tham vụ Báo chí Ngũ Giác Đài John F. Kirby cho biết: “Viễn cảnh chiến đấu cơ ‘theo sự điều động của Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ’ khởi hành từ căn cứ của Hoa Kỳ/NATO ở Đức để bay vào không phận đang tranh chấp với Nga trên bầu trời Ukraine làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng đối với toàn bộ liên minh NATO.”
“Chúng tôi chỉ đơn giản là không rõ có lý do căn bản nào cho việc hành xử như thế. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn với Ba Lan và các đồng minh NATO khác của chúng tôi về vấn đề này và những thách thức khó khăn về hậu cần mà nó đặt ra, nhưng chúng tôi không tin rằng đề nghị của Ba Lan là một đề nghị khả thi,” ông cho biết.
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ cảnh báo các công ty Trung Quốc không giúp Nga né tránh các biện pháp trừng phạt
Hôm 08/03, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo đã thẳng thừng cảnh báo các công ty Trung Quốc không vi phạm các lệnh trừng phạt thương mại chống lại Nga bằng cách cung cấp cho quốc gia hiếu chiến này vi mạch bán dẫn và các vật tư khác cần thiết để duy trì nỗ lực chiến tranh chống lại Ukraine. Bà nói, các công ty không tuân thủ các lệnh trừng phạt có thể “về căn bản là bị đóng cửa”.
Bà Raimondo, trong một cuộc phỏng vấn với New York Times, cho biết Nga “chắc chắn sẽ kêu gọi các quốc gia khác chấm dứt các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất cảng của chúng tôi,” nhưng đã đưa ra một tối hậu thư nghiêm khắc cảnh báo các công ty không hợp tác với bất kỳ hành vi gian lận nào như vậy.
Bộ trưởng Thương mại nhấn mạnh cách mà chính phủ Tổng thống Biden có thể dễ dàng đóng cửa nhà sản xuất vi mạch bán dẫn lớn nhất Trung Quốc — Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC) — hay bất kỳ công ty nào khác cung cấp công nghệ của họ cho Nga. Bà nói thêm rằng theo quan điểm riêng của các công ty việc không tuân thủ các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ là điều phi lý.
Bà Raimondo nói rằng, “Họ có tư lợi riêng khi không cung cấp những thứ này cho Nga. Thế nên họ không sẽ cung cấp vì lòng tốt của họ. Làm như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sản xuất vi mạch bán dẫn của Trung Quốc.”
Hội đồng thành phố Los Angeles lên án hành vi xâm lược
Các nhà lập pháp tại thành phố đông dân thứ hai nước Mỹ hôm thứ Ba (08/03) đã thông qua nghị quyết lên án hành động của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc chiến chống Ukraine.
Hội đồng thành phố Los Angeles đã bỏ phiếu với tỷ lệ 14-0 để thông qua nghị quyết, đồng thời thúc giục cộng đồng quốc tế thoái vốn cổ phần ở Nga.
Hội đồng Giám sát ở Quận Cam lân cận đã nhất trí thông qua một nghị quyết tương tự hôm thứ Ba. Hội đồng khuyến khích quận cắt đứt quan hệ với bất kỳ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nào do Nga hậu thuẫn. Quận hiện không có bất kỳ khoản đầu tư trực tiếp nào vào Nga.
Tại Los Angeles, các thành viên của Hội đồng Thành phố bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine, lên án “những hành động khủng khiếp phản nhân loại” và bày tỏ lo ngại rằng lịch sử đang lặp lại.
Người Belarus ở Ukraine chuẩn bị tham chiến chống Nga
Người Belarus sống ở Ukraine đã thành lập một đơn vị quân đội và chuẩn bị tham gia cuộc chiến chống Nga.
Anh Jan Derbeiko, 26 tuổi, cho biết anh đã sống ở Kyiv từ tháng 11/2020 sau khi bị buộc phải rời Belarus vì tham gia các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Alexander Lukashenko.
“Tôi có một công việc và tôi có những kế hoạch cho tương lai, nhưng chiến tranh đã xảy ra ở đây,” anh Derbeiko nói. “Ngay lúc đó, tôi quyết định ở lại đây. Tôi đã mất đi quê hương mình và bây giờ quê nhà mới của tôi đang bị phá hủy.”
Anh Derbeiko kêu gọi tất cả người dân Belarus “còn chút lương tâm và danh dự” cung cấp “sự hỗ trợ tối đa cho người Ukraine.”
Anh cho biết đơn vị Belarus, vốn ngày càng lớn mạnh hơn mỗi ngày, đang chuẩn bị vào vị trí của họ khi lính Nga tấn công Kyiv.
Nguồn: ePochTimes/Tây Dương, Mimi Nguyen-Ly, Michael Washburn, The Associated Press, và Reuters.