Biển Đông: Tư lệnh Mỹ nói Trung Quốc đã quân sự hoá hoàn toàn ít nhất ba đảo nhân tạo
Posted by Luu HoanPho, Mar 21, 2022, Comments Off
Hình ảnh vệ tinh chụp đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa năm 2020.–
Trung Quốc đã hoàn thành việc quân sự hoá ở ít nhất ba đảo nhân tạo trên khu vực Biển Đông, theo thông tin cung cấp từ phía Hoa Kỳ.
Trong bản tin độc quyền của hãng tin AP đăng tải hôm 21 tháng 3, Tư lệnh khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương của quân đội Mỹ, đô đốc John C. Aquilino cho biết phía Trung Quốc đã trang bị các hệ thống vũ khí tối tân ở các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp ở Biển Đông.
Các hệ thống vũ khí trên bao gồm tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không, hệ thống laser và gây nhiễu tín hiệu, và cả máy bay chiến đấu.
Động thái này được đánh giá là hung hăng và nhằm đe doạ hoạt động của các nước xung quanh.
Bản tin trên cũng tiết lộ phía Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện các chuyển bay do thám bằng máy bay P-8A Poseidon ở khu vực Biển Đông để theo dõi các hoạt động của phía Trung Quốc.
Tuy phía Mỹ không nêu cụ thể ba đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã quân sự hoá toàn toàn, nhưng theo Giáo sư Carlyle Thayer từ đại học New South Wales, nước Úc thì ba đảo nhân tạo đó có thể là đá Xu Bi, đá Chữ Thập, và đá Vành Khăn, đều thuộc quần đảo Trường Sa, nơi đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng bao gồm Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan.
Ở cả ba đảo nhân tạo này thì Trung Quốc đã xây đường băng dài 3 km, đủ sức để tiếp nhận mọi loại máy bay hiện có trong biên chế của quân đội nước này.
Trả lời câu hỏi về vai trò của các căn cứ quân sự này đối với Trung Quốc và mối đe doạ mà nó tạo ra cho Việt Nam, Giáo sư Carlyle Thayer nói:
“Chúng trao cho Trung Quốc năng lực nhận biết phạm vi hàng hải, có nghĩa là không có thứ gì đi trên vùng biển này, bay qua vùng trời này, hay thậm chí đi dưới mặt nước ở vùng biển này mà có thể thoát khỏi sự giám sát của Trung Quốc, và sẽ bị Trung Quốc nhắm đến.
Điều đấy cũng có nghĩa là máy bay quân sự của Việt Nam sẽ có thể bị bắn hạ khi xung đột xảy ra.”
Giáo sư Carlyle Thayer cũng cho rằng với những căn cứ hiện tại, đặc biệt là các căn cứ có đường băng dài, Trung Quốc có thể triển khai máy bay chiến đấu và thực hiện thiết lập khu vực nhận dạng phòng không nếu muốn.
Thông tin Trung Quốc quân sự hoá các đảo nhân tạo mà họ bồi lấp trên Biển Đông không còn mới mẻ, truyền thông quốc tế đã đưa tin về vấn đề này trong những năm qua, vấn đề là tại sao ở thời điểm này phía Hoa Kỳ lại lên tiếng với vẻ báo động như vậy?
Vấn đề nằm ở cuộc chiến đang diễn ra giữa Nga và Ukraine, theo giáo sư Thayer:
“Tôi nghĩ rằng bởi vì hiện đang có chiến tranh giữa Nga và Ukraine, khi mà các hệ thống tên lửa hiện đại đang được Nga sử dụng để tấn công các mục tiêu ở Ukraine, điều đó kéo theo sự chú ý vào kho tên lửa mà Trung Quốc đang sở hữu. Đây cũng có thể là chiêu bài của Hoa Kỳ để ngăn cản Trung Quốc chuyển giao vũ khí cho Nga, và tố cáo việc Trung Quốc triển khai chúng ở Biển Đông.”
Hành vi quân sự hoá các thực thể ở trên Biển Đông của Trung Quốc được cho là đã vi phạm Tuyên bố ứng xử trên biển Đông- DOC, mà Trung quốc và một số quốc gia ASEAN cùng nhau ký hồi năm 2002.
Điều này, theo giáo sư Carlyle Thayer sẽ khiến các quốc gia trong khu vực mất đi sự tin tưởng vào Trung Quốc, trong bối cảnh các bên đang nỗ lực đàm phán việc xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).
Nguồn: RFA