Liên Hiệp Quốc lại yêu cầu Nga chấm dứt chiến tranh ở Ukraina ngay lập tức
Posted by Luu HoanPho, Mar 25, 2022, Comments Off
Màn hình tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York cho thấy kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 24/03/2022 với 140 nước tán thành nghị quyết về cuộc chiến tranh Ukraina. AP – Seth Wenig.–
Lần thứ hai trong vòng một tháng, ngày 24/03/2022, Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết « lịch sử » yêu cầu Nga ngừng chiến tranh ngay lập tức, bảo vệ thường dân và nhân viên cứu trợ nhân đạo. Trước đó, Nga cũng tìm cách đưa ra bỏ phiếu một văn bản riêng về tình hình nhân quyền tại Ukraina nhưng văn bản đã không được thông qua.
Theo thông tín viên RFI Carrie Nooten, đây là thất bại thứ hai của Nga chỉ trong vòng hai ngày tại New York :
« Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc khẩn trương xem xét một nghị quyết bảo đảm cho việc bảo vệ thường dân và triển khai hỗ trợ nhân đạo ở Ukraina – và phải gần một tháng sau Liên Hiệp Quốc mới đưa ra quyết định.
Ban đầu, Matxcơva đe dọa dùng quyền phủ quyết ở Hội Đồng Bảo An, từ chối việc áp đặt « ngừng bắn », dù đây lại là điều kiện tiên quyết cho mỗi văn bản liên quan đến nhân đạo. Sau đó, Nga đã đề xuất một văn bản riêng – bị nhiều nước khác đánh giá là « vô liêm sỉ » từ phía kẻ xâm lược.
Sau thời gian dài nêu ra dự thảo này như một lời đe dọa, cuối cùng Nga đã đưa văn bản ra bỏ phiếu ngày 23/03. Lần đầu tiên kể từ đầu cuộc xung đột Ukraina, Bắc Kinh đã bỏ phiếu với Matxcơva, nhưng 13 nước khác lại vắng mặt, nghị quyết không được thông qua.
Tiếp theo là thất vọng thứ hai cho Nga, hôm qua (24/03) tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, văn bản mà Nga muốn đưa ra bỏ phiếu cạnh tranh với dự thảo nghị quyết được Ukraina và 86 nước khác đệ trình cũng đã không được đưa ra bỏ phiếu. Cuối cùng, 140 nước thông qua dự thảo do Ukraina đệ trình, một lần nữa đã yêu cầu Nga chấm dứt chiến tranh ».
Việt Nam bỏ phiếu trắng nhưng kêu gọi chấm dứt xung đột vũ trang
Nghị quyết mang tên « hậu quả nhân đạo của cuộc xâm lăng Ukraina » do Kiev đệ trình và được Pháp cùng với Mêhicô chuẩn bị trước đó, dù không mang tính ràng buộc, đã được ủng hộ với tỉ lệ áp đảo với 140 phiếu thuận, 5 phiếu chống (trong đó có Nga và Bắc Triều Tiên), Việt Nam nằm trong số 38 nước bỏ phiếu trắng.
Trong bài phát biểu, đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Đặng Hoàng Giang nhắc lại kinh nghiệm đau thương từ chiến tranh mà Việt Nam đã phải trải qua nhưng chỉ « chân thành chia sẻ quan ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế về tình hình xung đột tại Ukraina, đặc là hậu quả nhân đạo do xung đột » và kêu gọi « cần hết sức kiềm chế và chấm dứt sử dụng vũ lực để tranh thêm thương vong và mất mát ».
Nguồn: RFI/Thu Hằng