Ấn phẩm tôn giáo vào nhà tù: bảo đảm quyền tôn giáo hay ‘làm màu’?
Posted by Luu HoanPho, Apr 5, 2022, Comments Off
Một trại giam ở tỉnh Hải Dương.–
Bộ Công an Việt Nam cho biết đã trao hơn 4400 cuốn sách về tôn giáo đến các trại giam. Mục đích được nói nhằm đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng cho các phạm nhân là chức sắc và tín đồ tôn giáo. Tuy nhiên, một số cựu tù nhân và nhà hoạt động về tôn giáo cho biết những người tù phải đối mặt với các án phạt rất nặng vì các nỗ lực thực hành niềm tin tôn giáo của mình.
Mạng báo VOV hôm 1/4 loan tin Cục An ninh Nội địa thuộc Bộ Công an Việt Nam cùng Cục Cảnh sát Quản lý Trại giam, cơ sở Giáo dục bắt buộc, trường Giáo dưỡng cũng thuộc Bộ Công an tiến hành lễ bàn giao ấn phẩm tôn giáo, kinh sách đến các thư viện trại giam trong nước.
Thiếu tướng Thùng Văn Nghiểm, Cục phó Cục An ninh nội địa, Bộ Công an cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành thuộc Bộ Công an kết hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ đã lựa chọn in ấn, xuất bản danh mục 17 đầu sách liên quan tôn giáo, với hơn 4.400 cuốn để đưa vào sử dụng tại thư viện của 54 trại giam.
Các loại sách bao gồm nhiều nội dung khác nhau như kinh sách, kinh thánh, sách thông tin chung về tín ngưỡng, tôn giáo, lịch sử hình thành, tác động đến đời sống, xã hội của tôn giáo, các quan điểm, chủ trương của đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và vận động quần chúng tín đồ tôn giáo.
Ông Nghiểm nói việc đưa các ấn phẩm tôn giáo “hợp pháp” vào trại giam nhằm thực thi quyền được tiếp cận kinh sách, ấn phẩm tôn giáo của mọi người. Đồng thời thể hiện thành tựu, chính sách của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, truyền tải thông điệp về nỗ lực của Việt Nam trong thực thi các công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị, quyền con người đến các nước trên thế giới.
Giáo dân Công giáo đứng bên ngoài phản đối toà án xử những người Công giáo ở Hà Nội hôm 27/3/2009. AP
Tuyên truyền, che mắt người dân?
Bình luận về sự kiện này, ông Trần Minh Nhật, một tín đồ Công giáo, từng đi tù từ năm 2011 đến 2015 vì tội “Hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân”, nêu quan điểm rằng điều quan trọng là nội dung về các cuốn sách đó có đúng không, hay là sản phẩm của một dự án tuyên truyền về tự do tôn giáo mà thôi:
“Vấn đề là sách gì, in sách của ai, ai cấp, hay là những cái đầu sách đó nó như thế nào, rồi thì bố trí ở đâu, cách quản lý như thế nào!
Đa phần họ nói là đưa kinh sách hay các ấn phẩm tôn giáo vào thì chỉ chủ yếu để làm màu thôi. Chính phủ hay Bộ Công an rà soát đưa các loại sách hay ấn phẩm tôn giáo vào thì chủ yếu là để che mắt, để đánh lừa dư luận mà thôi, chứ còn thực chất để phục vụ cho nhu cầu cho những người đang thụ án là hoàn toàn không thực sự khả thi, mà chỉ đơn thuần là để đối phó, để che mắt hay để không bị réo, đưa ra cho có như vậy thôi.”
Ông Siu Wiu, một cựu tù nhân tôn giáo, từng chịu tổng cộng 13 năm với cáo buộc “gây rối an ninh”, vì những hoạt động thực hành nghi lễ Tin Lành, khẳng định rằng không bao giờ có chuyện chính quyền Việt nam bảo vệ quyền lợi cho những người tù, nhất là tù nhân về tôn giáo, sắc tộc hay chính trị:
“Theo tôi biết là Cộng sản không bao giờ nói sự thật. Miệng nói một đằng nhưng làm một nẻo. Tôi là bằng chứng sống, không có những cái chuyện đó đâu!”
Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng cho biết, việc trao ấn phẩm về tôn giáo có mục đích nâng cao nhận thức cho phạm nhân về các quan điểm, đường lối của đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, những giá trị của tôn giáo đối với đời sống xã hội…
Một số đầu sách cụ thể được phép lưu hành trong trại giam bao gồm: Kinh thánh; Quan điểm của Hồ Chí Minh về công tác vận động tín đồ tôn giáo; Tìm hiểu về tín ngưỡng tôn giáo của tác giả Đỗ Lan Hiền. Người này hiện là Viện trưởng Viện Tôn giáo – Tín ngưỡng, thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Việt Nam.
Đài Á châu Tự do không có đủ điều kiện để tiếp cận với những cuốn sách, ấn phẩm này để kiểm chứng về nội dung.
Thực hành niềm tin tôn giáo bị cấm tuyệt đối
Bà Biap Krong, một người từng làm việc cho tổ chức Voice of the Martyrs (tạm dịch là Tiếng nói của những người tử đạo), cũng là thông dịch viên cho Liên Hiệp Quốc về những người tị nạn tôn giáo, sắc tộc, cho biết các trại giam ở Việt Nam có quy định không cho phép người tù tụ tập lại một nhóm. Họ cấm tuyệt đối mọi hình thức thực hành nghi lễ tôn giáo và truyền đạo ở trong nhà tù với lý do mà họ gọi là “mê tín dị đoan”:
“Ở trong nhà tù có một cái đặc biệt nữa đó là những người Ê-đê không được sử dụng tiếng mẹ đẻ của họ. Ví dụ như có những người tù họ ở chung một buồng giam, đều là người dân tộc Ê-đê, thì quy định của trại giam là không được sử dụng tiếng dân tộc mà chỉ được sử dụng tiếng Kinh thôi.
Một số người thân của nạn nhân họ cũng thường xuyên viết thư bằng tiếng Ê-đê hoặc là tiếng Gia-rai, những lá thư đó không được tới tay của người tù.”
Ông Trần Minh Nhật cho biết trong suốt năm năm đi tù, trải qua sáu trại giam, ông khẳng định các buổi thực hành nghi lễ tôn giáo là tuyệt đối không có, dù cho là bất kỳ tôn giáo nào.
Kinh thánh, Kinh Phật hay tất cả các vật dụng, ấn phẩm về tôn giáo dù đã được nhà nước cấp phép lưu hành cũng không được mang vào trại giam. Các tù nhân theo bất cứ đạo nào cũng bị cấm cầu nguyện tập trung:
“Việc thực hành những nghi thức tôn giáo khác nhau là bị cấm rồi. Điều này không phải chỉ riêng Công giáo đâu, Phật giáo hay cả Tin lành thì cũng không có. Bởi vì bị cấm như thế cho nên nhiều người cũng không đòi cái quyền đó, họ không đòi quyền được thực hành niềm tin tôn giáo.
Sách Kinh thánh hay Kinh Phật gì đó là không có được đem vào. Nếu có thì phải bị đánh đổi, chẳng hạn như bản thân của tôi tuyệt thực đến gần một tháng thì lúc đó họ mới chịu đưa cho mình cuốn Kinh Thánh vào để mình đọc.”
Trừng phạt mạnh tay
Đối với những phạm nhân nỗ lực thực hành nghi thức tôn giáo, nếu bị phát hiện thì án phạt dành cho họ là rất nặng.
Ông Siu Wiu kể với RFA rằng trong những năm ở tù, ông chỉ dám cầu nguyện một mình, lặng lẽ. Tất cả tù nhân thậm chí còn không được cầu nguyện công khai, chứ đừng nói tới được đọc Kinh thánh trong tù.
Ông Siu nói trong một lần vợ của ông từ Đăk Lăk ra Bắc thăm nuôi chồng, bà đã lén bỏ một cuốn Kinh thánh nhỏ trong một gói mì tôm, sau đó dán kín miệng bao lại, bỏ lẫn vào trong thùng mì, gởi vô tù cho chồng cùng với các vật dụng khác. Khi trại giam phát hiện ông Siu giữ cuốn Kinh thánh này thì đã cùm ông trong bảy ngày.
Lần khác, khi gọi điện về cho gia đình, ông có nói với vợ nhờ buôn làng cầu nguyện cho mình. Vậy là ông bị cùm hai tuần, sau đó biệt giam thêm sáu tháng trời:
“Khi tôi ở tù cùng với rất nhiều người bạn, thì họ (cán bộ trại giam _PV) không cho đọc Kinh thánh. Thậm chí là báo chí họ cũng không cho, họ chỉ cho nó báo Nhân Dân thôi!
Trước khi ngủ mình cầu nguyện một mình hoặc ngày Chủ nhật cầu nguyện một mình thôi, chứ tập trung là họ không cho.
Lúc ở Nam Hà, người nhà của tôi ở Đắk Lắk vô thăm, người nhà đưa cuốn Kinh Thánh bỏ trong gói mì tôm thì cán bộ bắt được thì bị cùm bảy ngày.
Lần trước bị kỷ luật, bị cùm hai tuần, sau đó bị biệt giam sáu tháng ở Nam Hà vì tôi gọi điện thoại về nhà nhờ người trong làng cầu nguyện cho mình vào ngày Chủ nhật. Vậy là họ bắt mình đi cùm. Không được nhờ bất cứ ai cầu nguyện cho mình. Họ nói là tuyên truyền cho người khác, họ nói như thế.”.
Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, được công bố hôm 7/2 về tình hình ở Việt Nam, năm 2021 là năm thứ 15 liên tiếp bị Ủy ban này đề nghị chính phủ Mỹ đưa vào danh sách “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt” (CPC) về tự do tôn giáo, vì các hình thức đàn áp mà Việt Nam thực hiện nhắm vào các nhóm tôn giáo hoạt động độc lập, không được sự công nhận của chính quyền.
Nguồn: RFA