TRỰC TIẾP Các nước phương Tây sắp áp thêm lệnh trừng phạt vào Nga
Posted by Luu HoanPho, Apr 6, 2022, Comments Off
Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha nằm trong số các nước đã trục xuất các nhà ngoại giao Nga kể từ hôm 3/4.
“Chúng tôi nhìn nhận một cách tiêu cực, chúng tôi lấy làm tiếc về sự thu hẹp khả năng liên lạc ngoại giao, của công tác ngoại giao trong điều kiện khó khăn như vậy, trong điều kiện khủng hoảng chưa từng thấy,” ông Peskov nói.
Ông nói thêm rằng ‘hành động đó là thiển cận và là bước đi mà trước hết sẽ làm phức tạp giao tiếp của chúng ta, vốn cần thiết để tìm kiếm sự hòa giải. Và thứ hai, nó chắc chắn sẽ dẫn đến các bước đi có đi có lại”.
(AP)
Ông Stoltenberg hôm 5/4 nói rằng ‘chúng tôi vẫn chưa thấy hết mọi thứ đã diễn ra vì Nga vẫn kiểm soát hầu hết các vùng lãnh thổ’ xung quanh thủ đô. “Nhưng khi họ rút quân và nếu họ rút và quân đội Ukraine tiếp quản, tôi e rằng họ sẽ thấy nhiều ngôi mộ tập thể hơn, nhiều sự tàn ác hơn và nhiều bằng chứng về tội ác chiến tranh hơn”.
Ông Stoltenberg bác bỏ lời khẳng định của Nga rằng những tội ác chiến tranh này là những chuyện ngụy tạo.
Ông nói: “Những hành động tàn bạo này đã diễn ra trong giai đoạn Nga kiểm soát các vùng này. Vì vậy, họ có trách nhiệm. Thứ hai, chúng tôi có thông tin từ nhiều nguồn khác nhau”.
(AP)
Các công tố viên Pháp cho biết họ đang mở các cuộc điều tra về các tội ác chiến tranh có thể xảy ra đối với công dân Pháp ở Ukraine kể từ khi quân đội Nga mở cuộc xâm lược.
Văn phòng công tố quốc gia Pháp chuyên về các vụ án khủng bố hôm 5/4 cho biết họ đã tiến hành 3 cuộc điều tra về tội ác chiến tranh đối với các nghi phạm chưa được xác định.
Luật Pháp cho phép các công tố viên điều tra các tội ác chiến tranh tình nghi xảy ra bên ngoài nước Pháp nếu chúng dính đến các nạn nhân hay nghi phạm người Pháp hay cư trú tại Pháp.
Ba cuộc điều tra của Pháp sẽ xem xét các tội ác bị tình nghi ở Mariupol, Chernihiv và Hostomel.
Tuyên bố của các công tố viên cho biết các tội ác này có thể bao gồm các cuộc tấn công có chủ ý chống lại thường dân và cố tình giữ lại những thứ thiết yếu giúp người dân sinh tồn, các cuộc tấn công vật chất, và hành vi cố tình phá hủy các cơ sở dân sự.
(AP)
Ngoại trưởng Đức đã lên tiếng ủng hộ cung cấp cho thêm vũ khí cho Ukraine để tự vệ trước Nga.
Ngoại trưởng Annalena Baerbock nói hôm 4/5 rằng ‘chúng tôi đang xem xét có những giải pháp nào, cùng với EU, NATO và nhất là các đối tác trong nhóm G7’.
Bà bác bỏ những lời chỉ trích rằng Đức đã không làm đủ để vũ trang cho Ukraine và cho biết ‘không có nhiều quốc gia khác đã cung cấp thêm (vũ khí)’
Bà Baerbock phát biểu sau một hội nghị ở Berlin về hỗ trợ cho Moldova, một quốc gia nghèo, nhỏ ở Đông Âu giáp với Ukraine vốn bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi cuộc xung đột.
(AP)
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy kêu gọi tất cả công ty Tây Ban Nha ngừng hoàn toàn hoạt động kinh doanh với Nga và kêu gọi các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn của phương Tây nhằm vào Moscow, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga.
Phát biểu qua video trước Quốc hội Tây Ban Nha hôm 5/4, ông Zelenskyy đã lên án sự tàn bạo của Nga đối với thường dân ở các thành phố của Ukraine, nói rằng đó là tội ác chiến tranh mà các sĩ quan Nga phải đối mặt trước một tòa án quốc tế.
Ông nói rằng ‘các biện pháp trừng phạt phải thực sự mạnh mẽ’.
“Làm sao lại có thể cho phép các ngân hàng Nga có thu nhập ngay cả khi quân đội Nga tra tấn dân thường đến chết ở các thành phố của Ukraine, làm sao các công ty châu Âu lại có thể mua bán với một nhà nước cố tình hủy diệt người dân chúng tôi?”
Trong bài diễn văn đầy cảm xúc, ông Zelenskyy đã so sánh sự tương đồng giữa cuộc tấn công của Nga vào các thành phố của Ukraine với vụ đánh bom thị trấn Guernica ở xứ Basque năm 1937 do máy bay Đức Quốc xã thực hiện trong Cuộc nội chiến Tây Ban Nha.
Ông Zelenskyy nói ‘số phận của toàn bộ dự án châu Âu, của các giá trị đoàn kết tất cả chúng ta’ đang được quyết định ở Ukraine, và kêu gọi các nhà lập pháp Tây Ban Nha ‘làm nhiều hơn nữa để buộc Nga bắt đầu tìm kiếm hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế’.
(AP)
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gửi lời kêu gọi trực tiếp tới người dân Nga rằng họ nên tìm kiếm sự thật về cuộc chiến mà ông gọi là ‘vết nhơ trên danh dự nước Nga’.
Trong một thông điệp video, ông Johnson nói người Nga đang chìm trong bóng tối về cuộc xâm lược Ukraine vì Tổng thống Nga Vladimir Putin ‘biết rằng nếu quý vị có thể thấy những gì đang xảy ra, quý vị sẽ không ủng hộ cuộc chiến của ông ấy’
Ông Johnson cho biết chính quyền Nga đang che giấu sự thật về những vụ giết hại thường dân và các tội ác ‘đáng kinh tởm’ khác, ‘phản bội niềm tin của mỗi bà mẹ Nga, những người tự hào vẫy tay chào tạm biệt con trai lên đường gia nhập ngũ’.
Ông nói với người Nga rằng họ chỉ cần kết nối VPN trực tuyến để có thể truy cập thông tin độc lập từ khắp nơi trên thế giới.
Chuyển từ tiếng Anh sang nói tiếng Nga, ông Johnson nói: “Tổng thống của quý vị bị buộc phạm tội ác chiến tranh. Nhưng tôi không tin rằng ông ta đang hành động nhân danh quý vị.”
(AP)
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo bất kỳ động thái nào của nước ngoài nhằm quốc hữu hóa cổ phần của Nga trong các công ty sẽ là ‘con dao hai lưỡi’.
“Chúng tôi đã nghe những tuyên bố từ các quan chức về khả năng quốc hữu hóa một số tài sản của chúng tôi”, ông Putin nói. “Nó sẽ đi xa đến mức nào? Đừng ai quên rằng đó là con dao hai lưỡi”.
Ông Putin cũng than phiền về những gì ông nói là ‘áp lực hành chính đối với công ty Gazprom của chúng tôi ở một số nước châu Âu’. Đức hôm 4/4 đã giao một cơ quan chính phủ phụ trách một công ty con lâu năm ở Đức của Gazprom, tập đoàn năng lượng khổng lồ do nhà nước Nga kiểm soát.
Động thái này chưa đến mức quốc hữu hóa vì chính phủ Đức không nắm giữ cổ phần, và đó chỉ là sự thay đổi tạm thời của chính quyền cho đến tháng 9.
Tuần trước, Gazprom cho biết họ đã cắt đứt quan hệ với đơn vị này nhưng phía Đức nói hành động đó không hợp lệ vì danh tính của chủ sở hữu mới không rõ ràng và thỏa thuận xảy ra mà không có sự chấp thuận của chính phủ.
(AP)
Bộ Ngoại giao Hungary hôm 6/4 đã triệu tập đại sứ Ukraine sau nhiều ngày các quan chức hai nước lời qua tiếng lại về lập trường của Hungary về cuộc chiến ở Ukraine.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto đã viết trên mạng xã hội hôm 6/4 rằng ‘chúng tôi lên án sự xâm lược quân sự, chúng tôi ủng hộ chủ quyền của Ukraine’, nhưng ‘đây không phải là cuộc chiến của chúng tôi, vì vậy chúng tôi muốn và sẽ đứng ngoài cuộc chiến’.
Chính phủ Hungary đã từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine hoặc cho phép chuyển vũ khí qua biên giới Hungary-Ukraine, và đã chống lại việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với năng lượng Nga.
Lập trường đó đã làm dấy lên những lời chỉ trích chính phủ Hungary từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenksyy. Hôm 4/4 ông Zelenksyy nói trên truyền hình Ukraine rằng Thủ tướng Hungary Viktor Orban cần phải lựa chọn giữa Moscow và ‘thế giới kia’ của phương Tây.
Ông Orban, vốn giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Hungary hôm Chủ nhật, đã mô tả ông Zelenskyy là một trong những đối thủ mà ông và đảng cánh hữu của ông đã đánh bại trong bài diễn văn chiến thắng.
Hôm 5/5, Ngoại trưởng Szijjarto kêu gọi các nhà lãnh đạo Ukraine ‘ngừng xúc phạm Hungary và lưu ý nguyện vọng của người dân Hungary’.
(AP)
Ngoại trưởng Nga cáo buộc chính phủ Ukraine phá hoại các cuộc hòa đàm để chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine, và cảnh báo rằng Moscow sẽ không ‘chơi trò mèo vờn chuột’.
Ông Lavrov đặc biệt cảnh báo Moscow sẽ không chấp nhận yêu sách của Ukraine rằng thỏa thuận hòa bình tiềm năng cần nêu việc Nga rút quân ngay lập tức và sau đó là trưng cầu dân ý ở Ukraine về thỏa thuận.
Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 5/4, ông Lavrov nói rằng nếu thỏa thuận hòa bình không được phê chuẩn trong một cuộc trưng cầu dân ý, thì hai bên sẽ phải đàm phán một thỏa thuận mới. Ông nói: “Chúng tôi không muốn chơi trò mèo vờn chuột như vậy”.
Ông Lavrov chỉ ra thỏa thuận hòa bình hồi năm 2015 cho miền đông Ukraine được ký kết tại Minsk, Belarus, do Pháp và Đức làm trung gian nhưng không bao giờ được thực hiện. Ông nói: “Chúng tôi không muốn lặp lại thỏa thuận Minsk.”
Ông cũng nói rằng Ukraine đang ‘phá hoại’ cuộc hòa đàm bằng cách nhắm mắt bịt tai trước các yêu sách của Nga về ‘phi quân sự hóa’ và ‘phi quốc xã hóa’ đất nước.
Những tuyên bố cứng rắn của ông Lavrov trái ngược với những tín hiệu lạc quan của cả đại diện Ukraine và Nga sau vòng đàm phán mới nhất tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 29/3.
(AP)
Nhà sản xuất chip Intel của Mỹ cho biết hôm 5/4 rằng họ đã đình chỉ các hoạt động kinh doanh ở Nga, hòa cùng một loạt các công ty rời khỏi đất nước này sau cuộc xâm lược Ukraine.
Hồi tháng trước Intel đã đình chỉ các chuyến hàng cho khách hàng ở Nga và Belarus và cho biết họ đã thực hiện các biện pháp kinh doanh tiếp diễn để giảm thiểu sự gián đoạn hoạt động toàn cầu của mình.
“Intel tiếp tục hòa cùng cộng đồng quốc tế lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine và kêu gọi nhanh chóng lập lại hòa bình”, công ty này cho biết.
Hãng International Business Machines Corp, tức IBM, cũng đã đình chỉ các lô hàng đến Nga sau khi Ukraine kêu gọi các công ty điện toán đám mây và phần mềm của Mỹ ngưng làm ăn với Nga.
(Reuters)
Giao tranh diễn ra dữ dội và Nga tiếp tục không kích của ở Mariupol, tình báo quân đội Anh cho biết hôm 6/4.
“Tình hình nhân đạo trong thành phố đang trở nên tồi tệ hơn”, Bộ Quốc phòng Anh cho biết.
“Hầu hết trong số 160.000 cư dân còn lại không có đèn chiếu sáng, thông tin liên lạc, thuốc men, nguồn nhiệt sưởi ấm hoặc nước. Quân Nga đã ngăn chặn tiếp cận nhân đạo, nhiều khả năng họ muốn gây áp lực buộc những người phòng thủ ở đây phải đầu hàng”.
(Reuters)
Giới chức ở khu vực Luhansk miền đông Ukraine hy vọng sẽ sơ tán dân thường thông qua 5 ‘hành lang nhân đạo’ vào ngày 6/4 và kêu gọi người dân ra ngoài ‘khi nào an toàn’.
“Chúng tôi sẽ đưa tất cả mọi người ra ngoài nếu phía Nga để chúng tôi đến các địa điểm gặp gỡ (để sơ tán). Bởi vì, như quý vị có thể thấy, không phải lúc nào họ cũng tuân thủ lệnh ngừng bắn,” Thống đốc vùng Luhansk, ông Serhiy Gaidai, viết trên Telegram.
“Tôi kêu gọi mọi cư dân Luhansk – hãy sơ tán khi nào an toàn… Trong khi có xe buýt và xe lửa thì hãy tận dụng cơ hội.”
Ông Gaidai nói trong phát biểu qua video rằng quân Nga không thể phá được tuyến phòng thủ của Ukraine trong khu vực của ông nhưng đang phá hủy ‘mọi thứ trên đường đi’ và sẽ ‘không dừng lại ở bất cứ điều gì’.
(Reuters)
Tình hình ở thành phố cảng Mariupol bị bao vây ở đông nam Ukraine là ‘không thể sống được’ kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược vào cuối tháng 2, thị trưởng thành phố bị phá hủy nói với AFP hôm 5/4.
“Chúng tôi nghĩ khoảng 120.000 cư dân của thành phố đã ở lại. Chúng tôi đã phải chịu đựng quá cả mức của một thảm họa nhân đạo, bởi vì trong 30 ngày qua, những người này đã không có sưởi, nước – bất cứ thứ gì”, thị trưởng thành phố Vadym Boichenko nói.
Phát biểu với các nhà báo ở Zaporizhzhia, cách Mariupol khoảng 200 km về phía tây bắc, ông Boichenko cho biết những người ở lại bất chấp các cuộc pháo kích liên tục của Nga đang sống trong tình trạng hết sức khắc nghiệt.
“Điều rất quan trọng là phải sơ tán hết họ. Tình hình của họ không chỉ nguy hiểm, mà là không thể sống được. Chúng tôi đang cố gắng phối hợp với các đối tác để đưa toàn bộ cư dân Mariupol ra ngoài”, ông nói với AFP.
Ông nói rằng kể từ ngày 13/3, khoảng 100.000 người dân đã được đưa ra khỏi thành phố đến nơi an toàn.
Vị thị trưởng này nói rằng các lực lượng Nga trong thành phố đang cố gắng thuyết phục người dân rằng họ đã bị các quan chức Ukraine bỏ mặc.
“Họ đang cố gắng làm cho mọi người tin rằng họ đã bị bỏ rơi và chính phủ không làm bất cứ điều gì để cứu họ, gửi hàng cứu trợ cho họ hay cố gắng sơ tán họ”, ông nói với AFP.
Quân Nga đã ‘cô lập và bao vây thành phố. Người dân bị cắt đứt thông tin từ chính phủ, họ không còn kết nối Internet’, ông nói thêm.
Ông Boichenko hồi đầu tuần này nói với các nhà báo rằng kể từ khi quân đội Nga tiến vào Ukraine, 90% thành phố của ông đã bị phá hủy và 40% cơ sở hạ tầng của Mariupol không thể cứu vãn.
(AFP)
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đồng ý hỗ trợ kỹ thuật và chuyên gia cho Ukraine để điều tra về tội ác của quân đội Nga ở Bucha và những nơi khác.
Ông Zelenskyy cho biết hôm 5/4 rằng ông cũng yêu cầu ông Macron giúp đỡ những người dân bị mắc kẹt trong thành phố Mariupol miền nam đang bị bao vây.
Ông Zelenskyy nói ông hy vọng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và lãnh đạo chính sách đối ngoại EU Josep Borrell sẽ sớm đến thăm Kyiv.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Haberturk của Thổ Nhĩ Kỳ ở Kyiv, ông Zelenskyy cáo buộc Nga đang cố gắng che giấu hành động của họ ở Mariupol và không muốn cho viện trợ nhân đạo vào thành phố ‘cho đến khi họ dọn dẹp tất cả’.
(AP)
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê duyệt chuyển giao tên lửa chống tăng Javelin trị giá 100 triệu đô la cho Ukraine hôm 5/4, theo một quan chức chính quyền.
Việc chuyển giao này nâng tổng viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine lên 2,4 tỷ đô la kể từ khi ông Biden nhậm chức hồi tháng 1 năm ngoái.
Nhà Trắng tuyên bố vào tối ngày 5/4 rằng ông Biden đã phê duyệt khoản hỗ trợ vốn nằm trong gói viện trợ lớn hơn cho Ukraine trị 13,6 tỷ đô la đã được Quốc hội phê duyệt hồi tháng 3, sau cuộc xâm lược của Nga.
Vị quan chức chính quyền ẩn danh này xác nhận rằng khoản viện trợ đó là để chuyển giao tên lửa Javelin theo yêu cầu của quân đội Ukraine để chiến đấu với thiết giáp Nga.
(AP)
Một tài xế thiệt mạng khi đâm xe vào cổng đại sứ quán Nga ở thủ đô Bucharest của Romania vào sáng sớm ngày 6/4, cảnh sát cho biết trong một tuyên bố.
Một đoạn video được ghi lại trước khi lính cứu hỏa đến cho thấy phần đầu của chiếc xe bốc cháy khi nó vẫn còn bị kẹt trong cổng.
Hiện chưa rõ đây là tai nạn hay hành động cố ý.
Trong những tuần gần đây, một số sứ quán Nga ở nhiều nơi ở châu Âu đã trở thành mục tiêu của những người biểu tình giận dữ vì cuộc xâm lược Ukraine.
Cảnh sát cho biết họ đang điều tra và không tiết lộ danh tính của tài xế.
Trước đó, Romania cho biết họ sẽ hòa cùng với các nước châu Âu khác để trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga không hành động theo các chuẩn mực quốc tế.
Gần 624.860 người Ukraine đã chạy sang Romania kể từ khi Nga xâm lược đất nước của họ vào ngày 24/2 và khoảng 80.000 người vẫn đang ở Romania.
(Reuters)
Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sau bài diễn văn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm 5/4, Đại sứ Nga Vassily Nebenzia nói ông muốn nhân cuộc họp này để nói chuyện trực tiếp với ông Zelenskyy.
Ông Nebenzia một lần nữa phủ nhận việc quân đội Nga đã có bất kỳ hành động tàn bạo nào nhằm vào thường dân và đổ lỗi vụ thảm sát thường dân cho các phần tử cực đoan và tân phát xít Ukraine, những ‘kẻ hành động với sự tàn ác không gì sánh bằng khi đối phó với thường dân’.
Nebenzia nói các nước phương Tây ủng hộ Ukraine ‘không hề quan tâm dù là ít nhất’ đến nước này, mà xem Kyiv ‘chỉ như là một con chốt thí trong mưu đồ địa chính trị của họ chống lại Nga, mà họ sẽ dễ dàng hy sinh con tốt này’.
Ông nói Nga không đến để chiếm đất đai Ukraine, mà là để mang lại hòa bình lâu dài cho khu vực Donbass ở miền đông của đất nước.
“Để làm như vậy, cần phải nhổ tận gốc sự tàn ác… và loại bỏ khối u ác tính Quốc xã đang nuốt chửng Ukraine và cuối cùng sẽ nuốt chửng Nga”, ông Nebenzia nói. “Chúng tôi sẽ đạt được mục tiêu này, hy vọng là sớm thay vì muộn”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy trong bài phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 5/4 đã chỉ trích mạnh mẽ cơ quan này đã không có bất kỳ hành động nào để chấm dứt sự xâm lược của Nga vào nước ông.
Ông nói Hội đồng Bảo an có thể làm hai việc: “Hoặc là loại bỏ Nga (ra khỏi hội đồng) vì Nga là kẻ xâm lược và là nguồn gốc gây ra chiến tranh để họ không thể chặn các quyết định về chính hành động xâm lược của họ, cuộc chiến của chính họ, và sau đó làm mọi thứ có thể làm để thiết lập hòa bình. Hoặc lựa chọn khác là, xin hãy cho mọi người thấy làm thế nào quý vị có thể cải cách, thay đổi, hay tự giải tán và phấn đấu vì hòa bình”.
“Ukraine cần hòa bình, châu Âu cần hòa bình và thế giới cần hòa bình”, ông Zelensky nói.
Ông cho biết Ukraine sẵn sàng tổ chức một hội nghị toàn cầu tại Kyiv yên bình ‘để xác định cách làm sao cải cách hệ thống an ninh thế giới’ bởi vì các mục tiêu đặt ra vào năm 1945 để tạo ra Liên Hiệp Quốc ‘đã không đạt được và không thể nào đạt được mà không có cải cách’.
Ông cho biết Ukraine sẵn sàng là chủ nhà cho trụ sở chính của ‘hệ thống an ninh mới được cập nhật’ tập trung vào các biện pháp phòng ngừa để duy trì hòa bình.
Đại sứ Barbara Woodward của Anh, chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 4, sau cuộc họp đã được hỏi về lời kêu gọi của Zelenskyy là loại Nga ra, nếu không, phải cải cách – và, nếu không nữa thì giải tán Liên Hợp Quốc.
“Chúng ta cần đảm bảo rằng bây giờ và trong tương lai, Hội đồng Bảo an và Liên Hiệp Quốc nói chung có thể đối phó với những thách thức như vậy”, bà Woodward nói.
Nỗ lực 40 năm cải cách Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên để phản ánh thế giới ngày nay thay vì cấu trúc quyền lực toàn cầu sau Đệ nhị Thế chiến đã bị vướng bởi sự cạnh tranh giữa các nước và các khu vực mà không có dấu hiệu giảm bớt. Sự chia rẽ sâu sắc đã buộc Đại hội đồng phải gác lại ba nghị quyết đối chọi nhau để mở rộng Hội đồng Bảo an vào năm 2005, và kể từ đó, đã có nhiều cuộc thảo luận nhưng không có nỗ lực nghiêm túc nào.
Trọng tâm của sự bất lực của Hội đồng Bảo an là cấu trúc của nó, được thành lập vào cuối Đệ nhị Thế chiến, vốn trao quyền phủ quyết cho năm cường quốc – Mỹ, Liên Xô (và sau này là Nga), Trung Quốc, Anh và Pháp cho dù là đối với hành động của chính họ.
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2, quyền phủ quyết của Nga đã cản trở việc thông qua bất kỳ nghị quyết hoặc tuyên bố có tính cách ràng buộc buộc pháp lý nào mà trong đó có nhắn đến sự xâm lược của chính họ. Ngược lại, Đại hội đồng gồm 193 quốc gia đã thông qua hai nghị quyết – không mang tính chất bắt buộc về pháp lý nhưng phản ánh dư luận thế giới – để yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine, rút toàn bộ quân Nga và bảo vệ thường dân.
(AP)
Các lệnh trừng phạt mới sẽ được công bố vào ngày 6/4 là nằm trong phản ứng trước vụ thảm sát ở Bucha, Tòa Bạch Ốc cho biết.
Các biện pháp này được phối hợp giữa Washington, nhóm G7 gồm 7 nền kinh tế tiên tiến và Liên minh châu Âu, sẽ nhắm vào các ngân hàng và quan chức Nga và cấm đầu tư mới vào Nga, Nhà Trắng cho biết.
Các biện pháp trừng phạt được đề xuất của EU, vốn cần được 27 quốc gia thành viên phê duyệt, sẽ cấm mua than của Nga và không cho tàu Nga cập cảng EU.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết khối này cũng đang nghiên cứu cấm nhập dầu Nga. Châu Âu, nơi có vốn nhập 1/3 lượng khí đốt tự nhiên từ Nga, đã cẩn thận với tác động kinh tế mà lệnh cấm hoàn toàn năng lượng Nga đem lại.
Nhưng trong động thái báo hiệu tăng cường quyết tâm của EU, Ngoại trưởng Đức cho biết lệnh cấm than là bước đầu tiên hướng tới lệnh cấm vận tất cả nhiên liệu hóa thạch Nga. Ukraine nói rằng cấm khí đốt của Nga là rất quan trọng để đảm bảo một thỏa thuận giúp chấm dứt chiến tranh trong các cuộc hòa đàm.
Sau bài phát biểu nhiệt huyết trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 5/4, Tổng thống Ukraine VolodymyrZelenskyy nói các biện pháp trừng phạt mới ‘chống lại Nga phải tương xứng với mức độ nghiêm trọng của tội ác chiến tranh do quân chiếm đóng gây ra’, và gọi đây là ‘thời điểm then chốt’ đối với các nhà lãnh đạo phương Tây.
“Nếu sau đó mà các ngân hàng Nga vẫn hoạt động như thường, nếu sau đó hàng hóa vẫn vận chuyển sang Nga như thường, nếu sau đó các nước EU trả tiền mua năng lượng của Nga như thường, thì số phận chính trị của một số nhà lãnh đạo sẽ không đi theo hướng như bình thường”, ông phát biểu qua video.
New Zealand hôm 6/4 nói rằng họ sẽ áp thuế 35% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Nga và mở rộng lệnh cấm xuất khẩu đối với các sản phẩm công nghiệp có dính đến các ngành công nghiệp chiến lược của Nga.
“Những hình ảnh và tin tức xuất hiện về những hành động tàn bạo nhằm vào thường dân ở Bucha và các khu vực khác của Ukraine là đáng ghê tởm và đáng trách, và New Zealand tiếp tục đáp trả những hành động xâm lược vô tâm của (Tổng thống Nga Vladimir) Putin,” Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta nói trong một tuyên bố.
(Reuters)
Estonia và Latvia sẽ đóng cửa các cơ quan đại diện lãnh sự của Nga ở hai thành phố của mỗi nước và trục xuất tổng cộng 27 nhà ngoại giao và nhân viên Nga hiện đang làm việc tại các nước Baltic.
Bộ Ngoại giao Estonia cho biết hôm thứ Ba 5/4 rằng nước này đã quyết định trục xuất các nhân viên lãnh sự quán Nga ở thành phố phía nam Tartu và thành phố biên giới Narva và đóng cửa các cơ sở ngoại giao này. Bộ cho biết 14 nhân viên Nga, bao gồm 7 nhân viên có tư cách ngoại giao, phải rời khỏi đất nước trước ngày 30/4.
Thứ trưởng Mart Volmer của Bộ cho biết “không thể có cuộc nói chuyện như thường lệ” với Moscow sau những cáo buộc về hành vi tàn bạo của lực lượng Nga đối với dân thường ở các thành phố Ukraine.
Ngoại trưởng Latvia Edgars Rincevics cho biết trên Twitter rằng Latvia sẽ đóng cửa lãnh sự quán Nga ở Daugavpils và Liepaja, đồng thời trục xuất 13 nhà ngoại giao và nhân viên Nga.
Theo AP
Ông Putin cảnh báo về việc quốc hữu hóa cổ phần của Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng bất kỳ động thái nào của nước ngoài nhằm quốc hữu hóa cổ phần của Nga tại các công ty sẽ là “con dao hai lưỡi”.
Ông nói: “Chúng tôi đã nghe tuyên bố từ các quan chức về khả năng quốc hữu hóa một số tài sản của chúng tôi. Chuyện này sẽ đi được bao xa? Đừng ai quên rằng đó là con dao hai lưỡi”.
Ông Putin cũng than phiền điều mà ông nói là “áp lực hành chính đối với công ty Gazprom của chúng tôi ở một số nước châu Âu.”
Hôm 4/4, Đức đã giao một cơ quan chính phủ đảm trách một công ty con lâu năm thuộc Gazprom ở Đức, tập đoàn năng lượng khổng lồ do nhà nước Nga kiểm soát.
Động thái này không mang tính quốc hữu hóa vì nhà nước Đức chưa nắm quyền sở hữu cổ phần và đây là sự thay đổi quản lý tạm thời cho đến tháng 9.
Tuần trước, công ty Gazprom cho biết họ đã cắt đứt quan hệ với đơn vị này nhưng Đức nói rằng điều đó không hợp lệ vì danh tính của bất kỳ chủ sở hữu mới nào là không rõ ràng và thương vụ đã xảy ra mà không cần sự chấp thuận của chính phủ.
(Theo AP)
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết việc các nước châu Âu trục xuất các nhà ngoại giao Nga sẽ khiến Moscow phải đáp trả và sẽ làm phức tạp thêm các mối quan hệ quốc tế.
Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha nằm trong số các quốc gia đã trục xuất các nhà ngoại giao Nga từ hôm 4/4.
Ông Peskov nói rằng “chúng tôi nhìn nhận một cách tiêu cực, chúng tôi lấy làm tiếc vì sự thu hẹp khả năng giao tiếp ngoại giao, công việc ngoại giao trong những điều kiện khó khăn như vậy, trong những điều kiện khủng hoảng chưa được chuẩn bị trước”.
Ông nói thêm rằng “đó là bước đi thiển cận và trước hết sẽ làm phức tạp thêm việc giao tiếp của chúng tôi, điều này là cần thiết để tìm kiếm sự hòa giải. Và điều thứ hai, nó chắc chắn sẽ dẫn đến các bước có đi có lại”.
(Theo AP)
Cơ quan di cư của Liên Hợp Quốc hiện ước tính rằng hơn 11 triệu người đã rời bỏ nhà cửa của họ ở Ukraine kể từ khi Nga xâm lược.
Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) hôm 5/4 công bố một báo cáo rằng hơn 7,1 triệu người thất tán trong lãnh thổ Ukraine tính đến ngày 1/4. Ngoài ra, còn hơn 4 triệu người Ukraine đã chạy ra nước ngoài, cơ quan tị nạn LHQ đưa tin.
IOM cho biết hơn 2,9 triệu người khác đang xem xét việc “rời bỏ nơi ở thường xuyên của họ do chiến tranh”.
Ukraine có dân số trước chiến tranh là 44 triệu người.
Đợt thống kê này đánh dấu sự gia tăng so với cuộc kiểm đếm của IOM vào giữa tháng 3 với hơn 9,7 triệu người thất tán trong nước hoặc tản cư ra nước ngoài.
(Theo AP)
Nguồn: VOA Tiếng Việt