Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, December 23, 2024

Giới quan sát: Việt Nam ‘chọn phe’ Nga trong cuộc bỏ phiếu tại LHQ


Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền, New York, ngày 7/4/2022, trong đó Việt Nam nằm trong số 24 thành viên bỏ phiếu chống..–

Giới quan sát trong và ngoài nước nêu nhận định với VOA rằng chính quyền Việt Nam đã “tiến gần hơn” đến Nga, và quyết định “chọn phe” Moscow, thay vì chọn theo đa số theo lương tri trong cuộc bỏ phiếu hôm 7/4 tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ngoài ra, các nhà quan sát cho rằng động thái mới nhất này của Hà Nội, song trùng và nhất quán với lập trường của Bắc Kinh, sẽ làm giảm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đại hội đồng LHQ ngày 7/4 đã bỏ phiếu khai trừ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền (UNHRC) với các cáo buộc nước này vi phạm nhân quyền ở Ukraine, theo đó có 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng.

Việt Nam hôm 7/4 đã bỏ phiếu chống, phản đối việc khai trừ Nga ra khỏi tổ chức nhân quyền lớn nhất thế giới mà Nga đang tham gia cho nhiệm kỳ 2021-2023.

Đây cũng là nghị quyết thứ 3 mà Đại hội đồng LHQ thông qua liên quan tới chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Hai nghị quyết trước lên án và yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine mà trong đó Việt Nam đều đã bỏ phiếu trắng.

Các nhà quan sát cho rằng việc Việt Nam bỏ phiếu chống cho nghị quyết thứ ba này cho thấy rõ lập trường “thân Nga” của Hà Nội.

Hà Nội gần hơn với Moscow

Từ Đức, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, nêu nhận định với VOA:

“Việt Nam đã can tâm làm chư hầu cho một nước đế quốc là nước Nga. Việt Nam đã lựa chọn đứng về phía tội ác. Đây là điều mà người dân Việt Nam, cho dù ở trong nước hay ngoài nước, không thể chấp nhận được…Tôi phản đối mạnh mẽ hành vi bỏ chiếu chống này”.

Luật sư Đài phân tích lý do ông phản đối:

“Hành động của Nga khi xâm lược Ukraine, tàn phá đất nước, giết hại thường dân trong đó có nhiều phụ nữ, người già và trẻ em, đó là tội ác chiến tranh, tội diệt chủng, tội ác chống lại nhân loại.

“Trong hai lần bỏ phiếu đầu tiên của Đại hội đồng LHQ để yêu cầu Nga chấm dứt chiến tranh và rút quân thì Việt Nam đều bỏ phiếu trắng, nhưng lần này- sau sự đe dọa của Nga rằng nước nào bỏ phiếu trắng và bỏ phiếu thuận thì sẽ bị ảnh hưởng quan hệ với Nga- thì lập tức Cộng sản Việt Nam đã chọn bỏ phiếu chống, chống lại nghị quyết loại Nga ra khỏi HĐNQ”.

 ‘Khoảnh khắc lịch sử’ khi Nga bị đuổi khỏi hội đồng nhân quyền LHQ

Đồng hành cùng Bắc Kinh

Trả lời phỏng vấn VOA News ngay sau phiên bỏ phiếu hôm 7/4 tại trụ sở của Đại hội đồng LHQ ở New York, Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield cho biết:

Đó là cuộc bỏ phiếu lịch sử chưa có tiền lệ, chúng tôi đã đình chỉ một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Chúng tôi đã gửi một thông điệp ủng hộ mạnh mẽ đến người Ukraine. Chúng tôi đã gửi một thông điệp mạnh mẽ về nhân quyền”.

Đại sứ Thomas-Greenfield cho rằng Nga không xứng đáng là thành viên của Hội đồng Nhân quyền:

“Nga không nên đảm nhận vai trò là thành viên của Hội đồng Nhân quyền để sử dụng hội đồng này như là một công cụ tuyên truyền nhằm truyền bá lập luận của họ rằng Ukraine phải chịu trách nhiệm về sự hủy diệt của chính họ”.

Các nhà phân tích nhận rằng có điểm tương đồng rõ ràng trong lập trường của Việt Nam và Trung Quốc trong ba lần bỏ phiếu vừa qua tại LHQ liên quan đến cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine mà cả Hà Nội và Bắc Kinh đều không lên án, trong khi lại sử dụng ngôn từ của Moscow cho rằng đó là “hành động quân sự đặc biệt”.

Được hỏi liệu Trung Quốc có xích lại gần Nga hơn qua việc bỏ phiếu chống này, Đại sứ Hoa Kỳ nhận định: “Rõ ràng là Trung Quốc đang xích lại gần Moscow, vì vậy tôi không ngạc nhiên khi họ bỏ phiếu chống. Trung Quốc đã quyết định đứng về phía kẻ xâm lược trong cuộc xung đột này và quý vị phải yêu cầu họ giải trình động cơ của họ cho việc này là gì”.

Ông Nguyễn Chính Kết, một người chuyên theo dõi tình hình chính trị và nhân quyền Việt Nam ở Texas, Hoa Kỳ, cho VOA biết:

“Nếu trước một tội ác tầy trời như của Nga đối với Ukraine mà Việt Nam không dám lên tiếng phản đối, lại chống lại việc loại bỏ Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thì các quốc gia khác trên thế giới sẽ tiếp tục không thể tin tưởng vào lương tâm của Cộng sản Việt Nam”.

Nhận định về điểm chung trong lập trường của Việt Nam và Trung Quốc đối với hành động của Nga ở Ukraine, Ông Nguyễn Chính Kết nói:

Nhà nước Cộng sản Việt Nam coi như là bị lệ thuộc vào Nga và Trung Quốc rất nhiều cho nên không dám làm những gì mà ngược lại ý muốn của Nga và Trung Quốc. Các nước khác sẽ nhìn thấy Việt Nam giống như là một chư hầu của Trung Quốc hay của Nga vậy thôi”.

Nghị quyết ngày 7/4 được đưa ra thảo luận và ra quyết nghị đình chỉ tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ của Nga vì có nguyên nhân chính từ khi xảy ra vụ việc được gọi là “cuộc thảm sát thường dân” ở thị trấn Bucha, Ukraine.

Nhắm mắt làm ngơ?

Từ Khánh Hòa, nhà báo độc lập Võ Văn Tạo nêu nhận định của ông về động thái mới nhất của Việt Nam tại diễn đàn LHQ:

“Việt Nam đã tiến thêm một bước nữa tức là cực đoan bỏ phiếu chống, tức là không tán thành việc loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ.

“Việc làm của Nga vừa rồi đối nước Ukraine láng giềng là đã tiến hành cuộc chiến tranh phi lý, đẫm máu, tàn ác như thế, đặc biệt sau khi bị phát lộ quân Nga thảm sát ở thành phố Bucha và một số đô thị lân cận Kyiv vậy mà Việt Nam vẫn nhắm mắt nhắm mũi bỏ phiếu chống thì hoàn toàn bất lợi về uy tín chính trị, tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế”.

Việt Nam đã chọn phe?

Nhà báo Nguyễn Lân Thắng ở Hà Nội cho VOA biết ông không ngạc nhiên trước việc bỏ phiếu chống của Việt Nam. Ông phân tích lý do dẫn đến quyết định này của Hà Nội:

“Bởi vì Việt Nam đang ở cái thế mà buộc phải chọn phe…Cả một hệ tư tưởng và rất nhiều vấn đề ngoại giao, chính trị, kinh tế, quân sự…họ phụ thuộc vào các nước đồng minh như Nga, Trung Quốc.

“Cho nên khi vào tình huống mà họ không đu dây được nữa thì họ bị buộc phải chọn phe. Tuy nhiên, việc này sẽ gây ra khó khăn rất lớn cho đất nước Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.”

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine rất phi nghĩa và rất nhiều nước trên thế giới đã phản đối cuộc xâm lược này. Trong thời điểm này mà chọn phe như vậy thì chắc chắn rằng trong tương lai các giao thương, ngoại giao sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì Việt Nam không chỉ dựa vào phe đồng minh mà phải nhờ vào rất nhiều các mối quan hệ với các nước văn minh”.

Khi mà lãnh đạo đất nước chọn phe ngược với nhân dân thì đất nước sẽ lầm than…!”, ông Thắng nhận định.

Bước đi nước đôi

Trong các thông cáo của chính phủ Việt Nam và truyền thông trong nước, Việt Nam không nói rõ rằng nước này đã bỏ phiếu chống hôm 7/4, nhưng lên tiếng phản đối “mọi hành vi tấn công dân thường”, đồng thời nhấn mạnh rằng “Việt Nam tiếp tục kêu gọi các bên tại Ukraine ngừng bắn, đối thoại.

Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam dẫn lời Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ “tái khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.

Việt Nam quan ngại trước ảnh hưởng của chiến sự tại Ukraine đối với người dân và thông tin về việc nhiều dân thường bị thiệt mạng trong những ngày qua. Việt Nam phản đối mọi hành vi tấn công dân thường, vi phạm luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, đồng thời cho rằng cần xác minh, kiểm chứng các thông tin gần đây một cách công khai, minh bạch, khách quan, với sự hợp tác của các bên liên quan” Báo Chính phủ hôm 8/4 cho biết.

Phát biểu sau khi nghị quyết được thông qua, Phó Đại diện Thường trực của Nga tại LHQ Gennady Kuzmin tuyên bố rằng ngày 7/4, Nga đã quyết định rời khỏi Hội đồng trước khi kết thúc nhiệm kỳ.

Hôm 6/4, Nga cảnh báo các quốc gia thành viên LHQ rằng họ sẽ phải đón nhận “hậu quả” nếu bỏ phiếu thuận hoặc phiếu trắng đối với nghị quyết kêu gọi đình chỉ Moscow khỏi Hội đồng Nhân quyền.

Hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của chính quyền Moscow cho biết những nước đồng ý với nghị quyết này sẽ bị coi là một “cử chỉ không thân thiện” và gây ra hậu quả cho quan hệ song phương.

Trước đó, hôm 4/4, Hoa Kỳ đã đệ trình nghị quyết yêu cầu loại Nga ra khỏi UNHRC sau khi Ukraine cáo buộc quân đội nước này sát hại hàng trăm thường dân ở thị trấn Bucha.

Nguồn: VOA Tiếng Việt

Tags: , , ,

More Stories From Chính Trị

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh