Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, December 22, 2024

Tính toán của Ankara đằng sau việc phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO


(Ảnh minh họa) – Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recept Tayyip Erdogan tại một cuộc họp của NATO, Bruxelles, Bỉ, ngày 14/07/2021. REUTERS – YVES HERMAN.–

Thổ Nhĩ Kỳ lại «một mình một kiểu» trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ngày 16/05/2022, tổng thống Recep Tayyip Erdogan tái khẳng định không muốn Phần Lan và Thụy Điển gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Ankara cáo buộc hai nước này dung túng và chứa chấp «khủng bố» thuộc Đảng Lao Động Kurdistan (PKK). Tuy nhiên, đằng sau thái độ kiên quyết «sẽ không nhượng bộ», thực chất Ankara muốn gì?

Thổ Nhĩ Kỳ đặt điều kiện Phần Lan, Thụy Điển ngừng ủng hộ PKK

Đối với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, «Thụy Điển là ổ chứa những tổ chức khủng bố». Nhà nghiên cứu Élise Massicard, thuộc trường Khoa học Chính trị Sciences Po Paris, nhắc lại: «Từ những năm 1980, Thụy Điển đã tiếp nhận rất nhiều người tị nạn chính trị, trong đó có một phần lớn bị Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ là thành viên của đảng PKK». Đây vẫn là vấn đề gây hiềm khích giữa hai nước. Theo bà Élise Massicard, nhìn từ quan điểm của phe dân tộc chủ nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ, «nếu như PKK vẫn tồn tại được đến nay, bất chấp cuộc chiến kéo dài hơn 40 năm với những phương tiện lớn được huy động, thì đó là do đảng này có những «hậu cứ» bên ngoài Thổ Nhĩ Kỳ».

Trên thực tế, Ankara có quyền không chấp nhận để Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO vì Liên Minh Bắc Đại Tây Dương hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận. Chính quyền Ankara dường như muốn tận dụng cơ hội hiếm hoi này để đòi «Phần Lan và Thụy Điển chấm dứt ủng hộ các tổ chức khủng bố», dẫn độ 33 cá nhân bị Ankara coi là «khủng bố». Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu khẳng định đó không phải là «điều kiện đổi chác» mà là vì «an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ».

Đòi đồng minh dỡ bỏ cấm vận vũ khí

Mục tiêu thứ hai của Ankara là muốn tìm lại ảnh hưởng trong NATO và «tránh bị gạt ra bên lề» do quan hệ giữa NATO và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên phức tạp trong những năm gần đây. Chính quyền của tổng thống Erdogan luôn có những quyết định đi ngược với lợi ích chung của khối : mua hệ thống phòng thủ tên lửa S400 của Nga, tấn công lực lượng PKK tại Syria, ủng hộ Azerbaidjan trong cuộc xung đột với Armenia ở vùng Thượng Karabakh.

Chỉ riêng việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa S400 của Nga khiến Ankara bị các nước châu Âu trừng phạt ; Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình sản xuất chiến đấu cơ tàng hình F-35. Do đó, dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí là điều kiện thứ ba được Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra để NATO muốn kết nạp hai nước Bắc Âu.

Duy trì quan hệ hữu hảo với Nga

Cuối cùng, việc Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định «sẽ không nhân nhượng» còn được nhiều nhà phân tích cho là thông điệp gián tiếp gửi đến tổng thống Nga Vladimir Putin. Đối với Matxcơva, biên giới của NATO kéo sát đến sườn tây của Nga là mối «đe dọa trực tiếp» và là «sự bội hứa» của các nước phương Tây.

Từ khi chiến tranh Ukraina nổ ra, Ankara muốn duy trì mối quan hệ hữu hảo với cả Nga và Ukraina vì kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc chặt chẽ vào cả hai nước này. Thực vậy, theo chuyên gia địa-chính trị Olivier Kempf, được trang France 24 trích dẫn, «Thổ Nhĩ Kỳ và Nga chia sẻ biển Đen và có chung lợi ích ở Syria»«tổng thống Erdogan ủng hộ Ukraina nhưng thận trọng để không đi quá xa». Nhờ lợi thế đó, Ankara đã đứng ra tổ chức nhiều cuộc họp của Nga và Ukraina để tìm giải pháp cho cuộc chiến.

Câu hỏi đặt ra là Ankara giữ được những tính toán này đến khi nào ? Chuyên gia Olivier Kempf cho rằng «Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị sức ép chính trị rất lớn để nước này không thể cản trở việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển». Liệu NATO có thuyết phục hai nước ứng viên Thụy Điển và Phần Lan nhân nhượng một số yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ hay không ? Vì theo phát biểu của tổng thư ký Jens Stoltenberg, NATO «sẽ tìm ra được một tiếng nói chung, một tiến trình về cách thúc đẩy hồ sơ gia nhập» của hai nước Bắc Âu. Cuối cùng, tiến trình này có thể sẽ là chủ đề trọng tâm trong cuộc họp ngày 18/05 tại Washington giữa hai ngoại trưởng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nguồn: RFI/Thu Hằng

Tags: , , , ,

More Stories From Thế Giới

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh